Lễ hội chay làng Hoạch Trạch

Thứ tư - 28/02/2018 15:22 820 0
Hoạch Trạch là một làng cổ lớn nhất trong 6 làng của xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Làng có tên nôm là làng Vạc, tên ấy được ghi trong văn bia chùa Thánh Thọ của làng vào năm 1578.

Xưa nay làng Hoạch Trạch làm ruộng và có nghề làm lược tre, nghề này do tiến sĩ Nho học Nhữ Đình Hiền, người địa phương cùng với bà vợ là Lý Thị Hiệu trong dịp đi sứ Trung Quốc ( năm 1798) đã học được cách làm lược về hướng dẫn cho dân làng. Đầu thế kỷ XX, nghề lược ở đây khá nổi tiếng được ghi vào sử sách:

“ Lược Hoạch Trạch có công nhỏ nhặt

Hương Dương Điều ngào ngạt gió đưa”

                                        (Theo Hải Dương phong vật khúc khảo thích)

           Cụ Nhữ Đình Hiền và Phu nhân được dân làng tôn là Thánh sư nghề lược và được phối thờ tại đền của làng. Đất đai làng Hoạch Trạch nhỏ gọn, thế đất như hình con rồng, giữa làng như có một chiếc vạc úp. Trong làng có nhiều công trình kiến trúc cổ được xây dựng như đình, đền chùa, văn chỉ hàng huyện, miếu, nhà thờ họ..., bảo lưu nhiều phong tục độc đáo, nhiều sự tích ly kỳ hấp dẫn. Đây là đất văn vật, có nhiều người học hành đỗ đạt cao, tiêu biểu là gia đình cụ Nhữ Tiến Dụng, có 5 người đỗ tiến sĩ thời phong kiến và đều có công danh nổi tiếng một thời.

1 139497

 

           Mâm cỗ chay thanh tịnh. Ảnh minh họa
Trước những năm 40 của thế kỷ XX làng Hoạch Trạch có nhiều lễ hội và lệ làng độc đáo, như lễ “ Lục cúng”, lễ tế xuân, lễ tế hạ, lễ cầu mát, lễ hội chay...Các lệ như lệ làm “cỗ vâng” để dâng cúng thành hoàng, lệ làm “cỗ giấm” trong khao vọng, lệ làm “cỗ giấm ghém” trong lễ cưới, lệ làm “cỗ chay” trong lễ vu lan và lệ lập đàn huyết hồ...Tiêu biểu là lễ hội Chay.

 

Là lễ hội lớn nhất được tổ chức ba năm một lần vào dịp rằm tháng 7 âm lịch. Đây thực sự là nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, rất cần được tìm hiểu nghiên cứu, bởi lễ hội có quy mô rất lớn, không chỉ trong phạm vi dân trong vùng mà còn thu hút dân của một số tỉnh thành về tham dự như Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình...

Lễ hội Chay do Hội đồng tộc biểu của làng đứng ra tổ chức và có sự phân công nghiêm ngặt cho các phe giáp trong làng. Tiền bạc do dân trong làng và nhân dân đế dự lễ hội cung tiến. Lễ hội diễn ra trong ba ngày, về diễn biến của lễ hội có thể miêu tả như sau:

*Ngày thứ nhất- Lễ thỉnh kinh rước nước:

Địa điểm tổ chức lễ hội chủ yếu ở đình và nghè. Đình cũ hiện nay là khu nhà Văn hóa của làng, lúc đó đình rộng gồm 11 gian, sân lớn, có bóng mát của cây đa cổ thụ. Đoàn rước được bố trí theo tích thày trò Đường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh Phật ( 4 người được đóng thành 4 thày trò Đường Tăng, cách ăn mặc). Đoàn rước được bố trí đi trước là thày cúng, sư thày, tiếp đó là kiệu do các thanh niên mặc áo nậu mầu đỏ khiêng, kiệu được phủ vải điều, theo sau kiệu là 4 thày trò Đường Tăng, tiếp theo là nhân dân đội lễ vật. Đoàn rước xuất phát từ làng Hoạch Trạch và đi đến làng Mộ Trạch, thuộc xã Tân Hồng, cách làng Hoạch Trạch 3 km về phía tây. Làng Hoạch Trạch và làng Mộ Trạch, vốn có mối quan hệ giao lưu văn hóa từ lâu đời. Một phần có lẽ Mộ Trạch là làng chuyên đi mua xương trâu về chế biến để bán cho làng Hoạch Trạch để làm hom lược tre, một chiếc lược tre không thể hoàn thành nếu thiếu hom xương. Trên đường đi đến làng Mộ Trạch, đoàn rước diễn tả lại một số đoạn thày trò Đường Tăng đánh nhau với yêu quái, cách diễn tả này đã làm cho đám rước sôi động. Những động tác múa kết hợp với tiếng chiêng, trống và sắc mầu của trang phục làm rộn rã không gian, thu hút nhiều người đến xem và hô hào cổ vũ. Đoàn rước đi đến chùa làng Mộ Trạch làm lễ ở đó khoảng 3 tiếng, xin nước và xin kinh Đại Thừa. Sau đó rước trở lại làng Hoạch Trạch. Chiều có các sư giảng kinh Phật cho dân nghe. Tối làm lễ lục cúng ( 6 lễ) gồm: Hương, đăng, hoa, qủa, trà, oản. Lễ cúng này do các sư đảm nhận, có đội múa hát phụ họa sinh động. Sau lễ lục cúng đến lên đàn dược sư, có khoảng từ 50 đến 100 nhà sư cùng tụng một quyển kinh.

*Ngày thứ hai - Lễ lập đàn huyết hồ

Ban ngày nhân dân tự do lễ bái kết hợp với một số trò chơi dân gian. Tối có rước đèn, thả chim, thả cá trên sông. Trong khi đó ở trong đình diễn ra lễ cúng cắt kết ( cúng giải oan) cho các vong hồn oan khuất, việc này do các nhà sư làm. Đêm diễn lại thuyết “ Đàn huyết hồ” ( tức là đàn khai phương phá ngục), nghĩa là diễn lại cảnh Mục Liên, một người tu hành thành Phật, phá ngục cứu mẹ là bà Thanh Đề một bà mẹ bạc ác bị quỷ sứ bắt giam. Sự bạc ác của bà Thanh Đề được diễn lại là cảnh bà ăn chuối, có một người nghèo khổ xin, bà không cho mà vứt vỏ chuối xuống đất rồi lấy chân di nát vỏ chuối. Khi Mục Liên nhờ dốc lòng tu hành nên đã cứu được mẹ khỏi địa ngục, khi cứu được mẹ rồi thì có trò chèo đò giáo ngựa chở Mục Liên về, vừa chèo đò vừa hát chầu văn. Lễ hội này làm cho không khí ban đêm vừa sôi động vừa huyền bí linh thiêng.

*Ngày thứ ba – Lễ cúng đàn thượng

Đàn được làm bằng tre và gỗ, cao khoảng 3 m. Trên đàn có sàn rộng đủ cho từ 5 đến 7 người đóng vai các Phật ngồi, có một nhà sư ngòi cùng để tụng kinh. Bên dưới đàn bày lễ cỗ chay cúng chúng sinh. Lễ cúng đàn thượng này chủ yếu để cúng cho các vong hồn phiêu bạt.. Khi cúng xong, nhà sư tung cái áo đang mặc xuống, mọi người tranh nhau xé để lấy khước, ai xé được nhiều thì cho là rất may mắn...

Để chuẩn bị cho lễ hội Chay này, Hội đồng tộc biểu của làng có những quy định nghiêm ngặt và những phe giáp được phân công phải có trách nhiệm cao mới có thể hoàn thành được công việc. Sau những năm lao động vất vả, những ngày hội đem đến cho người dân sự thanh thản, vui vẻ, là dịp hội tụ gia đình, dòng họ, làng xóm. Những diễn biến của lễ hội Chay thực sự là nét sinh hoạt văn hóa phi vật thể độc đáo mà không phải nơi nào cũng có, rất cần được nghiên cứu, sưu tầm và ghi chép lại.

Từ năm 1940 – 1941, do điều kiện xã hội nên làng Hoạch Trạch không tổ chức lễ hội Chay nữa. Đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ thì lễ hội Chay bị bỏ hẳn. Lễ hội này chỉ còn lại trong ký ức của những người lớn tuổi của làng. Năm 1959 lễ ( lục cúng) của làng Hoạch Trạch được tỉnh mời đi biểu diễn ở Vọng Cung – thị xã Hải Dương, năm 1960 lại được mời đi biểu diễn ở Nhà hát lớn - Hà Nội, được nhiều người xem và ủng hộ.

Trong nhiều năm trở lại đây, làng Hoạch Trạch mở lại lễ hội đền chùa, nhưng chỉ tổ chức rước kiệu thành hoàng và tổ chức tế lễ vào ngày mồng 8 tháng Giêng (gọi là lễ nhập tịch), và tổ chức giỗ Tổ nghề lược vào ngày mồng 10 tháng Giêng, có lệ rước Tổ nghề của dòng họ Nhữ. Như vậy lễ hội Chay vang bóng thưở nào giờ đã không được dân làng Hoạch Trạch kế thừa nữa, âu cũng là tình trạng chung của các lễ hội tỉnh Hải Dương. Thiết nghĩ lễ hội Chay vừa độc đáo, lại phù hợp với xu hướng chung của thế giới ngày càng có nhiều người ăn chay vì lý do bảo vệ động vật, hay môi trường. Mong rằng lễ hội này sớm được nghiên cứu, phục dựng và tổ chức lại.

Lê Thị Dự
Hội Sử học tỉnh Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây