Thượng thư Bộ hộ Đoàn Đình Duyệt

Thứ sáu - 07/12/2018 14:12 1.974 0
Nam tước, Đại thần, hiệp tá Đại học, Thượng thư Bộ Hộ, rồi Bộ Công, kiêm Bộ Binh, sung chức Cơ mật đại thần, kiêm Quản đốc Đô sát viện, Đoàn Đình Duyệt, còn có tên là Quan Thượng Đoàn, là quan triều Nguyễn từ thời Đồng Khánh (1885), một trong tứ trụ từ đầu triều đình thời Khải Định (1916-1925).
Đoàn Đình Duyệt sinh năm Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15 (1862), trong một gia đình nông dân, tại xã Đào Lạng, huyện Vĩnh Lại, nay thuộc xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Từ nhỏ đã thể hiện tư chất thông minh, họat bát, cần mẫn. Cha mất sớm, ở với bác ruột, chăn trâu, cắt cỏ, làm mọi việc đồng áng. Có một lần chăn trâu, mải chơi, để trâu ăn lúa, bị đánh đòn, cậu bỏ nhà, đi lên Bến Trại, huyện Thanh Miện, khi đó là một cảng sông sầm uất, nhất là buôn bán gạo. Cậu lên một thuyền buôn, lênh đênh khắp các bến sông, sau may gặp được một người tử tế, thấy cậu bé thông minh, mang về nuôi cho tới khi trưởng thành.
Như vậy tiểu sử Đoàn Đình Duyệt từ khi còn thiếu niên đến năm 1885, tức trước tuổi 23, hiện chưa rõ ông sống ở đâu học hành như thế nào mà sớm nhậm chức tri huyện, rồi tri phủ.
11
Đoàn Đình Duyệt đứng thứ 5 từ trái qua.
Theo gia phả, năm Đồng Khánh thứ nhất (1885), ông Duyệt bắt đầu sự nghiệp hành chính, làm công vụ tại tỉnh Nghệ An, sau 3 năm thăng chức Kinh lịch, hết tập sự được giao chức Tri huyện, rồi Tri phủ. Năm Thành Thái thứ 7(1895), có công tiễu trừ giặc cỏ tại Thánh Hóa-Nghệ An.
Tháng 10 năm Quý Mão(1903), làm Thương biện tỉnh Nghệ An, sau sung chức Đốc biện đường bộ.
Tháng 12 năm Đinh Mùi(1/1908), làm Bố chánh tỉnh Nghệ An.
Tháng 10 năm Canh Tuất (1910), quyền Tổng đốc, chức Tuần phủ Quảng Ngãi. Sau lĩnh quyền Tổng đốc An-Tĩnh (tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh).
Tháng 6 năm Ất Mão (1915), thăng Tổng đốc Bình Phú (tỉnh Bình Định-Phú Yên).
Tháng 10 năm Bính Thìn (1916), sau 30 năm, làm các chức vụ ngoại triều, nay được về kinh, lãnh chức Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Hộ(1916-1917), Thượng thư Bộ Công(1917-1918), kiêm Bộ Binh, kiêm Quản đốc Đô sát viện.
Tháng 2 năm Bính Thìn (1916), Khải Định đã thành niên, không cần phủ Phụ Chính, được sung chức Cơ mật đại thần, tấn phong tước Ninh Lãng Nam (寧浪男).
Ngày 2 tháng 8 năm Khải Định thư nhất(1916), sắc phong phi:
 ... từ thời thanh niên, ông đại quan này đã tỏ ra ý chí lạ thường, ngoài ra ông còn có thiên tài đặc biệt, đó là sự nhất trí trong mọi tình huống.
Ở nhiệm sở Án sát, cũng như ở tất cả các nhiệm sở khác đã được phân công, dù cho trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu, ông cũng có khả năng hoàn thành nhiệm vụ, mà người ta yêu cầu. Ông luôn luôn tỏ ra một con người có giá trị, đáng được nhiều khen ngợi xứng đáng...
Chúng ta khâm phục các công lao mà ông đã cống hiến trong việc cai trị các tỉnh và chúng ta vẫn còn nhớ những gì mà ông đã làm để phát triển nông nghiệp, và với trí tuệ sáng suốt tuyệt vời đã khích lệ được người dân tham gia phát triển. Đúng là người truyền đạt kiến văn nổi tiếng...
Khi còn là Tuần phủ ở Quảng Ngãi, ông đã thuyết phục dân chúng bằng những lời khuyên răn tốt đẹp. Khi đảm nhiệm Tổng đốc Nghệ An, ông đã đảm bảo cho dân chúng sở tại một sự an bình tuyệt đối. Khi còn ở Bình Định, ngoài những việc đã làm không cần phải khen nhiều, vị này còn đảm nhiệm việc tuyển binh không biết mệt, và cũng nhờ những sáng kiến khôn ngoan mà các trường học ở tác tổng đều lớn mạnh...
Trẫm tuyên bố, hỡi vị Thượng thư thân mến, một người giá trị như khanh nghĩa là văn võ toàn tài, thì phải được kính trọng trong các tỉnh và ở tại triều đình”.
Tháng 2 năm Đinh Tỵ (1917) ông được thăng Hiệp tá đại học sĩ, Thượng thư bộ Công, kiêm bộ Binh, kiêm quản Đô sát viện, vẫn sung Cơ mật viện đại thần(1).
Ông là Người đầu tiên viết ký sự về Đà Lạt từ 1917, được đăng trên Nam Phong tạp chí số 9 và 10, tháng 3, tháng 4 năm 1918. Đây là một bài ký sự chuẩn mực, có giá trị về lịch sử và văn học, được thực hiện trong chuyến đi thị sát không chỉ Đà Lạt mà còn các tỉnh Nam Trung bộ, từ ngày 10 đến 26 tháng 7 năm Đinh Tỵ (1917). Tác ghi rất chính xác về thời gian, địa danh và những sự kiện cũng như cảnh quan mà tác giả quan sát được với tri thức của một Thượng thư liên bộ, theo lịch trình, khi đó gọi là nhật ký. Qua bút ký này, chúng ta có thể hình dung nam phần Trung bộ và Đà Lạt cách đây một thế kỷ như thế nào. Nam Phong tạp chí ghi là Đặc biệt ký tải với tựa đề Lâm Viên hành trình nhật ký (林園行程日記). Bài viết tới 4000 chữ, vì vậy phải in trong hai số tạp chí. Dưới đây xin trích vài đoạn, dịch từ Hán Văn:
 “Ngày mồng mười, 5 giờ rưỡi sáng khởi hành, lên xe lửa đi từ Thuận Hóa (Huế), 9 giờ tới Đà Nẵng, Quảng Nam. Trưa ngày 11, nhổ neo rời bến đồn Đà Nẵng đi về phương Nam suốt 18 giờ liền.
Ngày 12, lúc 4 giờ sáng, đến đồn Quy Nhơn dừng nghỉ, 3 giờ chiêu cùng ngày, rời bến đồn Quy Nhơn để đi xuống hải cảng Ba Ngòi thuộc Khánh Hòa. Cảng này mới thiết lập, đã có tên theo quốc âm, thần không dám dịch lại chữ Hán, sau đây xin cứ theo âm ấy mà gọi.
3 giờ sáng ngày 13 đến nơi, hành trình suốt 12 giờ. Tính ra từ Đà Nẵng đến Ba Ngòi đi hết 30 giờ đường thủy. Trong mấy ngày đó trời lặng sóng yên, suốt chuyến đi trên biển đều yên ổn. Sáng hôm ấy, từ cảng Ba Ngòi lên đất liền xem xét hình thế của cảng này. Từ bờ ngoằn ngoeo nhô ra biển, một dẫy núi ba mặt cao ngất, ở giữa hình thành một cái vịnh sâu mà rộng, tầu chiến có thể đậu trên một trăm chiếc...
Lúc đến Đà Lạt, viên chức huyện Lâm Viên dẫn dân trong hạt, độ một nửa là người Hán (Hoa kiều)và người Thượng ra đón mời vào huyện nha ngừng nghỉ.
3 giờ chiều, đến yết kiến quý Khâm sứ Đại thần tại trú dinh. Ngài Khâm sứ kính chúc Hoàng thượng vạn an, thần đáp lễ. Thần đã điện về viện để tâu lên Hoàng thượng. Vào lúc này, quý Công sứ ở Lâm Viên cùng với quý quan chức đều có mặt nơi đây. Cuộc tiếp xúc giữa đôi bên thật vui vẻ...
Ngày 16, bất kể trời mưa, lên xe kéo ra đi. Nhìn bốn phía thấy núi cao vây bọc, rừng thông râm rạp, ở gữa có vài ngàn mẫu đều là đất bằng, đồi trọc cao thấp lô nhô. Từ các dinh thự cho đến khách sạn, nhà của người dân đều xây cất trên đồi núi. Dưới chân núi nào cũng có đường cái đan chéo ngang dọc, xe điện (xe hơi) có thể chạy được. Lại có những đồng bằng bé nhỏ có thể cày cấy. Từ dưới đồng bằng nhìn lên, thấy lâu đài sắp xếp như quân cờ, la liệt như sao. Cảnh đẹp giống như tranh vẽ.
Kiến trúc hiện đại đang có là Tòa Công sứ, Nha Lục lộ, Nha Kiểm lâm, Nha Ngân khố, Phòng Điện báo, Bệnh viện và Cư xá cho binh lính đồn trú. Ngoài ra còn có những khách sạn xây cất theo kiểu phương Tây. Huyện nha của Lâm Viên cũng đặt ở đây. Vua Cao Man(Căm-pu-chia) có xây cất một nhà khách, mùa hè có khi đến đây nghỉ mát, lại còn mua một khu đất, định xây dựng hai tòa lâu đài...
Trên đường đi, nhìn thấy địa thế tỉnh này rộng mênh mông, khí hậu lại rất ôn hòa, bốn mùa đều trồng cấy được, Nhìn lướt qua thất ruộng lúa cao thấp xen nhau. Đất này trồng lúa không phân thời tiết nên ngoài đồng có chỗ lúa mới cấy, có chỗ đã thành cây con  hoặc đã trổ bông, trông so le cao thấp không đều. Tất cả đều tươi tốt. Tiếc rằng ở đây cư dân cò ít, làng xóm còn thưa...
Chuyến đi này của thần là vâng mệnh Hoàng thượng mà đi quan sát. Phàm vùng núi sông nào thần đã đến, đường sá nào thần đã đi qua, những gì mắt thấy tai nghe có liên quan đến chính sự hiện nay, cùng hành trình bằng đường thủy, đượng bộ như thế nào, giờ giấc đi xe hơi nhanh như bay ra sao thần đều chẳng dám không ghi từng ngày để làm thành một bản lược khảo trong chuyến đi Nam...”
Trong thời gian làm việc tại Huế (1916-1921), ông được Huân chương Cao  man bội tinh, Bắc đẩu bội tinh, Kim khánh, Kim tiền.
Tháng 7 năm Tân Dậu (1921), ông bị cách chức 2 bậc, xuống hàng Tuần phủ, thu hồi tước Nam vì triều đình cho là có hành vi phản bội, vì có liên quan đến Duy Tân hội. Tháng 9 năm Khải Định thứ 9, được khôi phục chức cũ để hương lương hưu trí, nhân tứ tuần đại khánh vua Khải Định.
Đối với quê hương, ông góp công xây đình chùa, làm chân tre chống úng lụt, đặt guồng nước cho ngựa kéo, chống hạn cho 3 tổng. Nay còn 1 quả chuông do ông cho đúc tại Đào Lạng. Trùng tu chùa Trông, Đền Tranh thị trấn Ninh Giang, Đàn Thiện tại thôn Phù Tải huyện Thanh Miện. Những công trình kiến trúc này có những tam quan lớn và độc đáo, mang dấu ấn kiến trúc Kinh đô Huế. Đền Tranh đã bị phá hủy hoàn toàn, nay chỉ còn một phần kiến trúc của chùa Trông và Đàn thiện Phù Tải, những di tích này đã được xếp hạng Quốc gia.
Thượng thư Đoàn Đình Duyêt tạ thế vào ngày 21 tháng 12 năm Mậu Dần (31-1-1929).
Không phải ngẫu nhiên một cậu bé xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, phải tha phương kiếm sống trở thành một quan Thượng thư đa tài, từng đảm nhiệm tới ba bộ, rồi Đại thần của viện cơ mật, chánh nhất phẩm của triều Nguyễn. Trong tiểu sử và sự nghiệp của ông vân còn nhiều khoảng trống,  mà chúng ta nên tổ chức Hội thảo khoa học nhằm làm rõ tiểu sử cũng như cống hiến của  nhân vât lịch sử đặc biệt này.
Tăng Bá Hoành
Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Hải Dương
 
Chú thích:
1)- Cơ mât viện đại thần của triều Nguyễn gồm 4 vị đại thần, tức quan tứ trụ của triều đình, hàng quan Chánh nhất phẩm.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây