Vương triều Mạc với đời sống kinh tế xã hội trấn Hải Dương xưa

Thứ hai - 08/05/2017 15:25 1.431 0
Nhìn chung, nhà Mạc vẫn duy trì mọi cơ cấu xã hội như thời Lê sơ đã dựng lên. Tuy nhiên, với cách nhìn khoáng đạt của một con người xuất thân từ nghề chài lưới ở vùng biển, những chủ trương chính sách của nhà Mạc không quá khắt khe, chặt chẽ như thời Lê sơ.

Về kinh tế, nhất là ở giai đoạn đầu (những năm 30 và 40 của thế kỷ XVI) nền sản xuất nông nghiệp tương đối phát triển, nhiều năm được mùa, tình hình xã hội và đời sống nhân dân tương đối ổn định, đến nỗi sử chính thống của triều Lê – dù đứng trên lập trường coi nhà Mạc là ngụy triều cũng phải thừa nhận từ năm 1532 rằng: “Từ đấy, người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cắp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng kiểm soát một lần, hoặc có sinh đẻ cũng không thể biết là vật của nhà mình. Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên.”

Do được mùa, nên giao lưu buôn bán phát triển. Năm 1530, Mạc Đăng Doanh có sắc chỉ cho dân mở rộng chợ và làm thêm cầu để tiện việc giao lưu hàng hóa.

Nhà Mạc đã cho lập bến đò ở các sông lớn, dựng cầu ở các sông nhỏ. Qua bia thời Mạc, thống kê dựng được 21 cầu, thường là cầu nhỏ, gồm 2 hoặc 3 nhịp. Do việc nới lỏng tự do buôn bán, kinh tế hàng hóa phát triển, vai trò cá nhân của thợ thủ công được đề cao cho nên công thương nghiệp dưới thời Mạc có phần khởi sắc. Từ đó dẫn đến sự hình thành và phát triển của kiến trúc đô thị như Thăng Long, Phố Hiến. Nhiều thương gia nước ngoài đã tấp nập đến buôn bán.

Về kiến trúc cung đình,thì sau khi lên ngôi vua, Mạc Đăng Doanh đã vào hoàng thành, ngự nơi chính điện và dựng tôn miếu cho dòng họ mình. Do chuyển giao chính quyền êm thấm nên nhà Mạc đã tiếp nhận toàn bộ lâu đài cung điện khá đồ sộ và còn nguyên vẹn của triều đình nhà Lê sơ để lại. Đó là những cung điện, lầu gác, dinh thự của các nhà vua cuối triều Lê sơ như Lê Duy Mạc, Lê Tương Dực, đã cho xây dựng ồ ạt để phục vụ cho cuộc sống ăn chơi trụy lạc của mình. Ngoài ra, Mạc Đăng Doanh còn cho xây dựng nhiều cung điện, lầu gác, lăng mộ rải rác đó đây khắp vùng Dương Kinh và đặc biệt ở Cổ Trai để phục vụ đời sống của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung và bộ máy hành chính đương thời.

Tuy vẫn lấy nho giáo làm tư tưởng chính thống, nhưng mà Mạc không hạn chế cấm đoán các tư tưởng phi nho giáo khác. Nhờ đó mà Phật giáo, Đạo giáo và cá tín ngưỡng dân gian khác lại được phục hồi phát triển. Nhiều trí thức đương thời, nhiều ông Hoàng bà Chúa tìm đến với đạo Phật. Sự tự do tín ngưỡng này đã tạo cho xã hội từ trong thành đến ngoài nội một không khí dễ thở hơn thời Lê sơ độc tôn Nho giáo.

Ở trấn Hải Dương xưa, nhiều đình chùa được xây dựng hoặc trùng tư dưới thời nhà Mạc và vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ví dụ như:

1.Dương Nham tự thạch bi, tức bia trùng tu chùa Dương Nham, khắc ở cừa động Kính Chủ thuộc xã Dương Nham, phủ Kinh Môn do tiến sĩ Vũ Cán biên soạn, năm Đại Chính thứ ba (1532) dưới triều Mạc Đăng Doanh, hơn 1870 chữ, ghi học tên gần 800 người công đức thuộc tầng lớp xã hội khác nhau. Nếu tính số chữ của bia liền kề, khắc cùng năm (tương tự mặt sau của bia) thì lên tới gần 3.000 chữ, số người được ghi trên bai trên 800. Có thể nói vào đầu triều Mạc, những người chủ trì chùa Dương Nham đã huy động được lực lượng công đức xây dựng chùa rất lớn,trong đó có tới hơn 200 phụ nữ được ghi đầy đủ họ tên, quê từ Thanh Hóa trở ra.

2.“Trùng tu Bảo Lâm tự bi lý” làm vào năm Quang Bảo thứ năm (1559) triều Mạc Phúc Nguyên. Văn bia cho biết: “Chùa Bảo Lâm, làng Trâu Bộ, phủ Kinh Môn có từ thời Lý Trần, là một đại danh lam, còn di tích Hoàng Thái Hậu của Mạc phúc Nguyên, có công chiêu tập nhân dân tu sửa thành đại danh lam… Nhân lúc nhớ đến chùa chiền, thiện duyên mới tạo phúc cho quốc gia, bèn thu bạc,tiền quý, bạch ngân, chiêu tập mọi người sửa lại chùa…”

Trong văn bia có dòng chữ “Việt Nam đại danh lam…” nghĩa là ngôi chùa đẹp có danh tiếng của Việt Nam. Như vậy, quốc hiệu Việt nam đã có từ thời nhà Mạc (năm 1559) cách đây 456 năm.

3.Viên Quang tự bi ký cho biết chùa Viên Quang, xã Phương Dung, huyện Gia Lộc được xây dựng năm Đoan Thái thứ nhất (1586) triều Mạc Hợp Hậu.

4.Linh Quốc tự bi ký cho biết chùa Linh Quốc, xã Uông Thượng, huyện Nam Sách, Hải Dương được trùng tu năm Đoan Thái thứ ba (1588) triều Mạc Hậu Hợp: tô tượng Phật, đúc khánh vào năm 1577; góp tiền trùng tu chùa có Thị nội cung tần Vương Thị Ngọc Du.

5.Yên Định tự bi ký do Đặng Huyền Thông soạn cho biết chùa Yên Định, xã Hùng Thắng, huyện Nam Sách, Hải Dương được trùng tu năm Đoan Thái thứ ba (1588) triều Mạc Hợp Hậu.

6.Tiên Phúc quán bi cho biết Tiên Phúc là một quán đẹp thuộc xã Thượng Chiến, phủ Kinh Mông, nay được quận chúa Mạc Thị Ngọc Duyên cùng một số người khác công đức trùng tu quán vào năm Đoan Thái thứ tư (1589) triều Mạc Hợp Hậu.

7.Diên Phúc tự bi cho biết chùa Diên Phúc ở xã Liễu Tràng, huyện Gia Lộc, bị đổ nát chỉ còn lại nền, đã tổ chức quyên góp làm lại Thượng Điện Thiên hương, sảnh đường, tô lại tượng Phật vào năm Hưng Trị thứ ba (1590) triều Mạc Hợp Hậu.

8.Nghinh Phúc đình bi ký cho biết: đình Nghinh Phúc, xã Nam Cầu, huyện Gia Lộc, niên hiệu Cảnh Linh (1548-1553) triều Mạc Phúc Nguyên tín chủ bản xã là Nguyễn Văn Cự cúng tiền để dựng đình. Đây là niên đại sớm nhất, bia cung cấp cho ta về việc xây dựng đình làng, mặc dù bia có niên đại dựng là Hưng trị bốn (1591).

9.Sùng Quang tự bi ký cho biết chùa Sùng Quang ở Do Xá, huyện Vĩnh Lại (nay là huyện Ninh Giang). Bia được khắc dựng năm Diên Thành thứ tám (1585) có nội dung: tu sửa chùa Sùng Quang năm Diên Thành thứ nahats (1578) do Khiêm Thái Vương Mạc Kính Điển hạ lệnh, góp tiền công đức có Thái hoàng Thái hậu công chúa Mạc Thị Ngọc Tỷ, Khiêm thái Vương Mạc Kính Điển, chính phi Mạc Thị Ngọc Thanh…

10.Đình xã Đông Phiên, Thanh Hà và đình xã Nguyên Khê, Cẩm Giàng, tuy bia dựng thời Mạc nhưng không ai nói đến việc xây dựng đình mà chỉ nói đến việc các tín chủ công đức tiền, ruộng và được bầu làm hậu thần.

Những đình chùa kể trên đã có mặt từ thời Mạc và nằm trong bình diện kiến trúc thời Mạc, đến nay vẫn tồn tại trên đất Hải Dương.

Sự phát triển kinh tế những năm 30,40 của thế kỷ XVI, việc trùng tu xây dựng các chùa chiền, đình quán, dưới triều Mạc tạo điều kiện cho xã hội thời nay sản xuất nhiều hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị thẩm mỹ cao mà tiêu biểu nhất là đồ gốm. So với các thế kỷ trước, gốm thời Mạc có số lượng khá lớn, kỹ thuật chế tác tinh tế.

Chu Đậu Nam Sách nằm ven sông Thái Bình, ở phía Đông kinh thành Thăng Long và cách cảng biển Vân Đồn không xa  lắm, qua hệ thống giao thông đường thủy rất thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa (đồ gốm) với các địa phương trong nước và cả với nước ngoài. Làng gốm cổ Chu Đậu, huyện Thanh Lâm (nay là xã Thái Tân), Nam Sách nằm ven sông Hàm Giang (nay là sông Thái Bình) cách thành phố Hải Dương 6km về phía thượng nguồn. Gốm Chu Đậu là đỉnh cao của gốm sứ Việt Nam thế kỷ XV,XVI.

Gốm Chu Đậu có chất lượng cao, phong phú về loại hình, đa dạng về kiểu dáng với ba dòng gốm chính: men Ngọc, men Nâu và Men Trắng vẽ Lam.

Việc phát hiện gốm Chu Đậu trong con tàu đắm tại Cù Lao Chàm đã làm sửng sốt và gây ngỡ ngàng giới nghiên cứu đồ gốm trên thế giới và làm thay đổi những nhận thức về gốm sứ Việt Nam. Nó xứng đáng là ngọn hải đăng trên đại dương gốm sứ thế giới đương thời.

Gốm Chu Đậu đã hiện diện tại châu Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á như Philipine, Malaysia, Singapore… Thuyền Việt Nam chở gốm sứ Chu Đậu và các mặt hàng khác đã tới Nhật Bản từ năm 1629. Thương quán Nhật Bản ở Tokyo có treo bức tranh “Giao Chỉ quốc, mậu dịch độ hải đồ” (tức bản đồ đi biển để buôn bán của nước Giao Chỉ).

Ngoài ba dòng gốm chính như đã nói ở trên, hồn gốm Chu Đậu thực chất là ở bốn nội dung sau:

Gốm Chu Đậu thuộc hàng gốm bác học, gốm đạo, được hình thành từ thời Lê và phát triển mạnh dưới thời Mạc. Sản phẩm gốm Chu Đậu đa dạng, gồm bát đĩa, ấm chén, đồ thờ, bát hương,chân đèn, các loại hũ, bình hoa, bình củ tỏi, bình tỳ bà… Về trang trí có vẻ đẹp giản dị, cỏ cây hoa lá, côn trùng… họa tiết thoáng đãng, nét hoạt bát lấy từ cánh sen, nước men màu hanh vàng, men trắng vẽ lam duyên dáng, riêng biệt tạo nên vẻ không thể trộn lẫn. Ngoài đồ thờ, gốm dân dụng, còn đồ gốm phục vụ cho xây dựng kiến trúc như gạch có trang trí rồng, phượng,voi, hươu; ngói có mũ hài dày, to; nhiều đồ đất nung được trang trí để xây dựng bệ thờ thay đá như ở chùa Mui, chùa Trăm Gian… Nhờ có chữa khắc trên gốm mà chúng ta biết được gốm đã phổ biến ở nhiều vùng khác nhau mà đông đúc hơn cả là vùng Dương Kinh, quê hương nhà Mạc. Trên gốm vẽ trang trí những hoa văn hình hoa thảo sẽn, hoa dây, mây lửa, tôm cá, chim thú, hươu ngựa, con chuồn chuồn… bằng bút pháp vẽ thảo, sinh động. Người Nhật mua ấm chén phục vụ cho sinh hoạt trà đạo thịnh hành ở nửa cuối thế kỷ XVI. Từ năm 1596 đến năm 1873, nhiều thợ gốm giỏi của Nhật Bản đã bắt chiếc làm theo gốm Chu Đậu mà họi là gốm Giao Chỉ. Họ coi gốm Chu Đậu của ta là một tiêu chuẩn để xét kỹ năng và tài nghẹ của thợ gốm Nhật.

Trong xã hội vương triều Mạc, vai trò  cá nhân được đề cao. Trên mỗi sản phẩm gốm, tên nghẹ nhân chế tác ra nó được ghi rõ dưới đáy sản phẩm, điều chưa hề có trước đó và sau này, kể cả trên gốm sứ Trung Quốc.

Như chiếc lư hương số 61.336 hiện trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ghi rõ thời gian chế tạo và năm Diên Thành thứ năm (1582) cùng tên họ, địa chỉ người chế tác là Đặng Huyền Thông, xã Hùng Thắng, Thanh Lâm, Nam SÁch, Hải Dương, có giá trị nghệ thuật cao. Hai bên lư hương gắn hai con rồng đối xứng làm quai cầm, chân đế đặp nổi hai hàng cánh sen, trong mỗi cánh sen lại đắp một bông cúc nhỏ.

Trên đây là một vài đặc điểm về tình hình kinh tế, xã hội của trấn Hải Dương xưa dưới vương triều nhà Mạc.

                                                                                                      Lưu Đức Ý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây