Minh văn về Bùi Thị Hý (Kỳ 9): Những minh văn sau ngai thờ

Thứ hai - 25/06/2018 16:36 585 0
Đầu năm 2008, anh Lợi chuyển cho tấm ảnh chụp những dòng chữ bằn mực nho viết sau ngai thờ tổ tiên, đây là những thông tin quán trọng về nhân vật lịch sử Bùi Thị Hý. Để đảm bảo chính xác, chúng tôi tiếp cận hiện vật, đọc trực tiếp những dòng chữ này trên ngai.
Đây là những dòng chữ rất mờ, nhưng sau phóng lớn cũng đã đọc được và sao lại như sau:
Kính Lạc đường (敬樂堂): tên nhà thờ họ Bùi Quang Ánh
Tổ mộ Bùi Đình Khởi, Cổ Ngựa đường (mộ cụ tổ Bùi Đình Khởi ở đường Cổ Ngựa).
Cổ thạch bi Bùi tộc cổ đình (Bia đá cổ của họ Bùi ở đình cổ)
Cổ thạch hồng bi tổ cô tặc hỏa lâu phân, di mả Khách, hậu di hồi huyệt cổ, bắc hướng, Thổ Thư gò, Thượng đường. (Bia đá cổ lớn của Tổ cô, bị giặc dã tàn phá, nên chuyển về Mả Khách, sau lại chuyển về mộ cổ, tại gò Thổ Thư, xứ Thượng Đường).
Bùi Đức Nhuận (Trưởng tộc)
Đây có thể nói là lời mật truyền của gia tộc. Từ thông tin này có thể biết mộ Tổ cô ở gò Thổ Thư. Nếu khai quật ở đây có thể tìm được bia mộ chí. Một gia đình có truyền thống nho học lại là gia đình bắt nguồn từ Bùi Quốc Hưng, một vị khai quốc công thần thời Lê Sơ được trọng dụng lâu dài hẳn không thiếu những tư liệu thành văn cần thiết cho gia tộc, nhất là bia ký, vấn đề là biết cách sưu tầm.Chúng tôi cũng nhiều lần nhắc anh Lợi cố gắng tìm mộ và bia mộ chí của Tổ Cô. Nếu thấy thì đây là di vật vô giá và việc tìm tiểu sử của Nữ Tài căn bản hoàn thành. Nhưng đây là việc không dễ và phương diện khảo cổ, sau còn là tâm linh, là phong tục tập quán.
Viên gạch chỉ chỗ những bảo vật: Sau những ngày tính toán một cách khoa học, việc khảo sát mộ cổ được dòng họ Bùi tiến hành. Tối ngày 10-1-2009 (15-12 Mậu Tý), được anh Lợi điện thoại cho biết, trong khi thăm dò tại khu mộ cổ đã tìm được một hòn gạch có chữ tại nơi nghi là mộ của bà Bùi Thị Hý, tại khu gò Thổ Thư. 9 giờ 45’ đêm, chúng tôi đến nơi, hiện vật thu được là một số mảnh gốm hoa lam Chu Đậu, gồm bát, đĩa, bình, nghê sành, đặc biệt là có viên gạch đất nung mùa hồng nhạt, nung nhẹ lửa,cỡ khoảng 4x22x22cm, nhưng đã mẻ một góc. Theo chúng tôi đây là gạch của thế kỷ XIV-XV. Văn bia được khắc vào hai mặt. Mặt một nói về nơi để mộ, mặt hai nói về nơi để bia. Cụ thể như sau:
Bản dịch mặt 1:
Một Tổ cô ban đầu táng tại Gò Thổ Thư, nhìn về hướng Bắc. Tổ tiên có truyền lại rằng, Hậu duệ của Đại thương gia Trịnh Hòa, triều Minh, niên hiệu Thiên Thuận (1457-1464), là bạn nữ, tặng Tổ Cô một chiếc chén sứ quý.  Sau khi Tổ Cô qua đời, chôn theo chiếc chén sứ gia bảo. Sau có bọn trộm đào lấy hết. Lại gặp giặc dã phá hủy. Mộ được chuyển đến khu đất Rồng. Cấm tuyệt đối mọi người trong  dòng họ vi phạm lời truyền của tiền nhân.Vị, Nhuận, Cần là ba ông trưởng của ba chi dòng Bùi Quang Ánh).
Bản dịch mặt 2:
Tấm bia cổ lớn sau di về đất Hình Nhân, đó là Lò Gốm cổ. Tổ tiên có nói lại rằng, Tổ Cô có yểm một con Rồng lớn (bằng gốm) tại ngã ba sông Định Đào.
Lời bàn:
Đây là tấm bia chỉ chỗ về ba di vật quan trọng, đều là thứ mật truyền, do các ông Vị, Nhuận, Cần là trưởng các chi họ Bùi, thực hiện vào đầu TK XX, khoảng năm 1932 cùng thời gian viết lại gia phả.
7
Mặt dưới của viên gạch đậy lên miệng lỗ để yểm trong khi đào tìm bia đá cụ Hý tại Hình Nhân sáng ngày 10/3/2009.
Như chúng ta đã biết, việc soạn lại gia phả và khắc văn bia mộ chí vào mâm đồng do cụ Bùi Đức Nhuận thực hiện vào năm 1932. Do trình độ Hán học có hạn, nên một số trên văn bản sai tự dạng,nhưng những minh văn trên gỗ, gạch của cụ Nhuận và những người cùng thời là vô cùng quan trọng giúp chúng ta tìm hiểu những nhân vật và sự kiện lịch sử thời Lê Sơ.
Một là, nơi an táng di hài Tổ Cô, nguyên ở Gò Thổ Thư, sau chuyển về Gò Rồng, phải chăng là nơi yểm con rồng lớn hay đất Hình Nhân? Trong mộ có chiếc chén sứ do một bạn nữ là hậu duệ Trịnh Hòa tặng cho Tổ Cô vào niên hiệu Thiên Thuận, tức trong khoảng từ năm 1457 đến năm 1464, khi chôn theo lại nói là bình sứ. Theo tôi, chi tiết này chứng tỏ Bùi Thị Hý là người từng buôn ba trên biển Đông và quen biết nhiều nhân vật quan trọng về hàng hải đương thời. Chúng ta biết rằng, Trịnh Hòa là một nhà hàng hải vĩ đại của Trung Quốc, đầu thế kỷ XV. Trong thời gian từ năm 1405 đến 1433, ông đã bảy lần chỉ huy hạm đội mạnh, thám hiểm Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ông là người đầu tiên vẽ bản đồ biển Đông một cách sơ lược.
Hai là, sinh thời Tổ Cô có yểm một con rồng lớn, có thể bằng đất nung hoặc gốm có men, ở ngã ba sông Định Đào.
Ba là, tấm bia cổ lớn đã đi về gò Hình Nhân, tức di tích Lò gốm cổ.
Đây là những thông tin vô cùng quan trọng để sưu tầm tiếp những di vật lịch sử quý hiếm ở thế kỷ XV. Qua tư vấn chúng tôi, con cháu của Nữ Tài đã lần lượt tìm được những di vật nói trên.
Con rồng yểm bằng đất nung:
Ngày 19 tháng 2 năm 2009, lúc 11 giờ, anh Lợi đã chụp được ảnh con rồng đất nung ở một gia đình cùng xã. Theo anh Lợi, họ tìm được khi đào ao ở khu vườn ngã ba sông Định Đào vài năm trước, đúng như văn bia đã ghi. Khoảng 5 ngày sau, anh chuyển ảnh đến cho chúng tôi, gồm 3 chiếc: mặt trước, mặt sau và mặt bên. Rồng cao khoảng 70 cm, bằng đất nung trắng xám, da màu đem, mắt lồi, ngậm ngọc, mào vươn về phía trước, gần giống mào rồng Trần, nhưng chân trước đã có vây. Chúng tôi đã vào Lam Sơn (Thanh Hóa), nghiên cứu trực tiếp những con rồng tương tự, và có thể kết luận: đó là con rồng ở cuối thế kỷ XV như văn bia đã nói tới. Những con rồng bằng đất nung như thế, thường được đặt hai bên bờ nóc, tương tự như con kìm ở thời Lê Trung Hưng. Để hiểu rõ về di vật này, tôi đã vào khu di tích Lam Sơn đẻ nghiên cứu và đối chiếu mẫu vật và thấy rằng, nhiều di vật hình rồng đất nung tương tự cả về hoa văn kiểu dáng và kích thước đã tìm được tại hố khai quật thuộc khu di tích Lam Sơn có niên đại cuối thế kỷ XV. Từ đó có thể nghĩ rằng, rất có thể những con rồng đất nung đó có thể được chế tác bởi những người thợ Hải Dương.
Bia mộ chí và những vật yểm kèm theo:
Ngày 10 tháng 3 năm Kỷ Sửu ( ngày 4 tháng 4 năm 2009), nhân ngày Thanh minh, được phép của gia tộc, gia đình anh Lợi tìm được một số hiện vật quý tại gò Hình Nhân của gia đình (theo như bia ở Thượng Đường chỉ dẫn). Trước hết là Bia mộ chí của Tổ Cô, có kích thước dài 39,7 cm, rộng 37 cm, dày 11 cm. Tuy bia đã bị đập mất phần trên và dưới, chữ quá mờ, những mặt trước vẫn đọc được những chữ y như bản sao trên mâm đồng (xem bản sao chữ Hán trên mâm đồng). Mặt sau khoogn đọc được đầy đủ vì đã quá mòn mờ.
Đây là tư liệu quan trọng nhất cần tìm. Từ tư liệu này có thể xác định được giá trị của những tư liệu phát hiện trước đó. Bên cạnh bia có những vật yểm: Lọ sành da chu, cao 13 cm. Có 9 viên đá màu và 9 đồng tiền yểm bên mộ chí.
Đây là tư liệu quan trọng nhất cần tìm. Từ tư liệu này có thể xác định được giá trị của những tư liệu phát hiện được trước đó.  Bên cạnh bia có những vật yểm: Lọ sành da chu, cao 13 cm. Có 9 viên đá màu và 9 đồng tiên yểm bên mộ chí.
Tiền 景興通寶: Cảnh Hưng thông bảo (1740-1787) - 6 đồng.
Tiền 元扶通寶: Nguyên Phù thông bảo - 1 đồng
Hai đồng kích thước nhỏ hơn, chưa đọc được.
Trên lọ đạy một gạch, kích thước 15,5x13x3,5cm, có vài dòng chữ ở hai mặt.
Chữ ở mặt trước, dòng giữa ghi: Hình nhân linh địa cấm (Đất Hình Nhân là đất thiêng, cấm vi phạm).
Bên  phải: Tiền nhân linh chấn yểm (Chấn yểm tiền nhân linh thiêng)
Bên trái: Kế tự chánh (?) Tổng cẩn trọng yểm (Người kế tự là chánh tổng (Bùi Đức Nhuận) cẩn trọng yểm).
Mặt sau: Hình nhân địa tổ linh, phù tử tôn Bùi tộc, phúc lộc thọ hưng trường. Kế cao pháp đồng tộc chủ Vị, Nhuận, Cần, yểm tế.
(Đất Hình Nhân của Tổ linh thiêng, phù hộ con cháu họ Bùi phúc, lộc, thọ, hưng lâu dài. Kế theo thấy pháp cao tay, các vị chủ dòng họ là Vị, Nhuận, Cần cùng yểm tế). Việc nay dễ xác định thực hiện vào đầu thế kỷ XX, có lẽ cùng thời viết lại gia phả (1932).
Cách bia chừng 3m có một vật yểm thứ hai, lâu đời hơn, gồm một đĩa, một bát, một chén và một hộp sứ nhỏ, úp lên một đĩa nhỏ. Trong đĩa có đồng tiền 洪德通寶: Hồng Đức thông bảo (1470-1497). Theo chúng tôi, dị vật này yểm từ trước khi chuyển mộ chí về đây, rất có thể từ cuối thế kỷ XV. Xung quanh gò và ao có nhiều phế tích với khối lượng hàng tấn gốm phế thải theo truyền thống Chu Đậu, cùng bao nung, xỉ lò,con kê, song, ắc bàn xoay, chứng tỏ một lò gốm cổ đã tồn tại ở đây vào thế kỷ XV-XVI.
Từ những minh văn và di vật nói trên, sau khi nghiên cứu, chúng tôi phát hiện nhiều di vật có minh văn vào những năm sau. (Còn tiếp kỳ sau)

 
Tăng Bá Hoành
Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây