Những giá trị lịch sử và nghệ thuật của khu di tích đình-chùa Kim Quan

Thứ ba - 16/01/2018 09:19 894 0

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.
Đình chùa Kim Quan là quần thể di tích thuộc thôn Kim Quan, xã Kim Giang, huyện Cẩm Giàng. Khu di tích nằm ở phía tây nam thị trận Cẩm Giàng, bên dòng sông Cẩm Giàng thơ mộng, uốn lượn mềm mại như một dải lụa.

Thời Hồng Đức (1470-1497), Kim Quan có tên gọi là Kim Lan. Đến thời Lê Trung Hưng, con sông Bùi được đào, Kim Lan tách ra thành hai làng, phía Tây gọi là Ngọc Quan (cổng ngọc), phía Đông là Kim Quan (cổng vàng). Ngôi đình được dân làng chuyển về địa điểm bên bờ sông thuộc địa phận làng Kim Quan, trên một gò đất cao gọi là đống Hoa Sen. Bên phải là di tích Bãi Ngựa, bên trái là đống Thần đồng, tạo thành hai tay ngai, còn ngôi đình như một chiếc ngai. Mặt quay về hướng Tây Nam, nhìn ra sông Cẩm Giàng. Phía sau đình là chùa Kim Quan cổ kính, tên là Bát Dương tự, di tích được kiến tạo vào thế kỷ 17-18, trùng tu vào thời Nguyễn. Con đường nối chùa và đình cong như một chiếc lược, trước sân chùa còn một chiếc giếng cổ hình một cây đàn tỳ bà, nước trong vắt và lúc nào cũng đầy ăm ắp. Giữa một làng quê bình dị, hình ảnh ngôi đình và chùa hiện lên trong dáng vẻ cổ kính, trang nghiêm nhưng cũng rất gần gũi với con người.

Đình Kim Quan thờ thành hoàng có tên là Hoàng Duy Nhạc, một viên quan nhà Lê và tiến sĩ thời Lê Lại Kim Bảng. Theo thần tích, sắc phong, bia ký và tư liệu ở địa phương, thì lịch sử các vị được thờ có thể tóm tắt như sau:

Hoàng Duy Nhạc là người Nại Trạch-Nghệ An, cha là Hoàng Duy Sơn, mẹ là Nguyễn Thị Năng, từ nhỏ ông học giỏi, đặc biệt có tài võ nghệ và cưỡi ngựa. Lớn lên trúng kỳ thi võ, được làm quan tới chức Đô Thống, ông cùng với Lại Kim Bảng phò Lê diệt Mạc, sau về Kim Quan khẩn hoang lập ấp sinh sống, được nhân dân mến mộ tài đức. Sau khi ông mất, nhân dân Kim Quan tôn làm thành hoàng thờ tại đình làng. Đương thời, ông làm quan khí tiết, võ nghệ tài giỏi, tiếng tăm lẫy lừng, có công phò vua giúp nước.

Lại Kim Bảng là người Trang Kim Lan, ông sinh năm 1502, cha là Lại Kim Quế, mẹ là Đàm Thị Vượng. Lại Kim Bảng đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ, khoa Mậu Dần, đời vua Lê Chiêu Tông, niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518) khi 16 tuổi. Ông nổi tiếng thơ văn, có khí tiết, được mọi người nể trọng. Từng làm quan nhà Lê tới chức Giám sát ngự sử, nổi tiếng thanh liêm, trung thành. Khi nhà Mạc, cướp ngôi nhà Lê (1527), Lại Kim Bảng đã tập hợp binh sĩ kết hợp với Hoàng Duy Nhạc ở Nghệ An vốn là đối thủ của Mạc Đăng Dung, công khai phò Lê diệt Mạc. Nhưng việc lớn không thành, ông cùng gia đình mũ áo chỉnh tề bái vọng về Lam Sơn, rồi tự tử tại sông Hồng vào ngày 11 tháng 8. Khí tiết đó của Lại Kim Bảng đã được các vua đời sau biểu dương là tiết nghĩa và tặng là Tả Thị Lang bộ Lễ, gia phong làm phúc thần, ban sắc, ban tên hiệu là “Đoan Phượng” cho lập đến thờ tại quê hương cùng với Nguyễn Thái Bạt ở Bình Lãng gọi là đền “Tiết nghĩa song từ”. Sau đó, nhân dân Kim Quan rước ông về thờ tại đình làng. Các triều đại sau đề ban sắc, hiện còn giữ được 15 đạo sắc thời Lê và thời Nguyễn ban cho Lại Kim Bảng và Hoàng Duy Nhạc.

Sách Thiên nam bảo lục diễn ca đề cao khí tiết của Lại Kim Bảng và những người khác như sau:

“Võ Duệ mà Ngô Hoán giận

Duy Trường than mà Tuấn Mậu bi

Tiết: Kim Bảng, nghĩa Mậu Huy

Trung can: Thái Bạt, hùng uy: Tự Cường

Người phỉ mặt, người mang đá ném

Người gieo sông, người nếm thuốc phê

Áo bào mũ miện chỉnh tề

Cũng đều tư tưởng lạy về non Lam (Lam Sơn)”

          Trước cách mạng tháng Tám 1945, trong kháng chiến, đình Kim Quan là cơ sở cách mạng và kháng chiến của địa phương, nhân dân Kim Quan có công đón nhận và chăm sóc thương binh trong đoàn cảm tử quân đánh trận ở Hải Dương rút về đây trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

          Chùa Kim Quan được xây dựng để thờ Phật, phục vụ tự do tín ngưỡng của nhân dân, trước đây chùa nhiều tượng Phật, trải chiến tranh, giặc dã, vật đổi sao dời, nay còn 7 pho tượng cổ thời Nguyễn sơn son thiếp vàng. Chùa cũng là cơ sở kháng chiến, sư Biểu của chùa thường xuyên giúp đỡ những cán bộ kháng chiến, sau đó sư đã đi theo kháng chiến. Lễ hội truyền thống được mở từ 12-15 tháng Giêng, có tế lễ và nhiều trò vui dân gian như hát chèo, hát trống quân, cờ người….

          Về kiến trúc, đình, chùa Kim Quan cơ bản vẫn giữ được phong cách kiến trúc gỗ thời Nguyễn đậm nét. Đình gồm 5 gian tế và 3 gian hậu cung. Nhà làm kiểu lòng thuyền tứ trụ, còn 20 cột gỗ lim vững chắc. Vì giá chiêng, những bức cốn chạm kênh bong long, ly, quy, phượng, đường nét mềm mại, sinh động, mỗi bức cốn như là một bức tranh miêu tả cảnh sắc thiên nhiên cùng nhiều loại động, thực vật. Trên câu đầu có ghi niên hiệu tu sửa đình: Bảo Đại năm thứ 8 (1933). Đình còn giữ được nhiều cổ vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật, đó là hai bức đại tự sơn son thiếp vàng, riềm trang trí trúc hóa long, phượng, nền gấm, điểm hoa hồng và cúc dây, một bộ đài ngà và ba chiếc chén bạc do vua Lê ban cho, một pho tượng thành hoàng Hoàng Duy Nhạc bằng gỗ sơn son thiếp vàng, niên đại thời Nguyễn, tư thế ngồi trên ngai, mắt sáng, râu dài, tóc búi tó, hai tay đặt lên bụng, mặc áo quan triều, chân đi hia, tượng cao 1,5m. Đây là một trong những pho tượng lớn, quý còn ở đình làng của tỉnh Hải Dương.

          Kiến trúc chùa còn hai công trình, đó là tòa tiền đường và thượng điện, chùa làm theo kiểu chữ Nhị (=), kiến tạo vào thời Lê, trùng tu thời Nguyễn (1932) theo kiến trúc đương thời. Nhà làm kiểu lòng thuyền tứ trụ, vì kiểu guột nối, và con chồng đấu sen. Chùa hiện còn 7 pho tượng cổ thời Nguyễn sơn son thiếp vàng, 2 cỗ khám chạm lưỡng long chầu nguyệt, một cỗ khám kiểu chân quỳ, có chạm hoa cúc dây, hai cửa bên trang trí long quần, cánh cửa chạm lộng và điểm hoa hồng, cửa giữa chạm long mã vờn mây, toàn bộ khám là một tác phẩm nghệ thuật tương đối hoàn mĩ, một quả chuông đồng đúc vào năm 1843, và một số bát hương gốm sứ thời Nguyễn… Đó là những cổ vật rất cần giữ gìn cẩn trọng vì nó chứng minh cho quá triinfh tồn tại của đình, chùa trong lịch sử.

          Với những giá trị lịch sử và nghệ thuật trên, khu di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1992. Từ khi khu di tích được xếp hạng, đã không ngừng được nhân dân địa phương tu sửa khang trang và phát huy tác dụng tốt. Ban quản lý khu di tích, dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương đã làm tốt công tác xã hội hóa di tích, và khu di tích đã thực sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho một miền quê.

Lê Thị Dự
Hội Sử học Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây