Nhà châm cứu Nguyễn Đại Năng qua tác phẩm “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca”

Thứ sáu - 12/04/2019 20:25 1.824 0
Nguyễn Đại Năng người thôn Hiệp Sơn, xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, vẫn chưa rõ năm sinh, năm mất. Ông là người có công lớn trong việc xây dựng và phát triển nền y học nhân dân dưới thời nhà Hồ, và có ảnh hưởng lớn về sau này.
         Ông làm quan dưới triều nhà Hồ (1400-1407), là một võ tướng giỏi nhưng chuyên tâm nghiên cứu môn châm cứu để chữa bệnh. Năm 1403, nhà Hồ lập Quảng tế thự (cơ quan trông coi việc y tế), tổ chức cơ sở khám chữa bệnh ở các địa phương, khuyến khích các lương y phát triển tài năng. Nguyễn Đại Năng được giữ chức tả thị ở Thái y viện và đứng đầu Bộ Quảng tế thự. Ông còn kiêm cả chức vụ điều động các tướng sĩ của đạo quân Sùng úy (quân cấm vệ) trong triều.
            Nguyễn Đại Năng đã viết cuốn “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca”, bằng chữ Nôm để phổ biến việc chữa bệnh bằng châm cứu trong nhân dân. Sách hướng dẫn phương pháp châm cứu, cách lấy huyệt vị với từng loại bệnh. Ông hệ thống các huyệt thành từng bộ vị cho cơ thể theo kinh mạch, có tới 120 huyệt, kết hợp với thuốc uống trị được trên 100 bệnh. Ông được coi là người đầu tiên viết sách về khoa châm cứu. Đến nay, tác phẩm Châm cứu tiệp hiệu diễn ca vẫn là một tài liệu khoa học có giá trị đối với y học nước nhà.

image001
Bìa sách “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca
            Theo GS, BS Nguyễn Tài Thu, tác phẩm Châm cứu tiệp hiệu diễn ca của nhà châm cứu vĩ đại Nguyễn Đại Năng đã ghi lại nhiều sáng tạo có tính chất dân tộc Việt Nam, đã tìm ra được nhiều huyết mới mà cho tới nay chưa thấy ghi trong các sách châm cứu của các nước có lịch sử châm cứu lâu đời, nơi có tổ chức châm cứu, có thầy châm cứu, có sách và tài liệu về châm cứu sớm nhất châu Á và thế giới.
            Tác phẩm “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca”, được Viện nghiên cứu Đông y biên dịch, phụ chú từ tập viết tay, chép lại tài liệu đã được Thái y viện triều Lê bổ sung, được cụ Đoàn Quang Vẽ trong tổ nghiên cứu lịch sử Y học cổ truyền của Viện Đông y sưu tầm được ở Hải Dương năm 1962, có đối chiếu với bản sao của cụ Lê Quang Khải ở  Thanh Liêm (Hà Nam Ninh) đã đính chính, bổ sung. Sách được in tại nhà xuất bản Y học Hà Nội năm 1981. Đến nay, vẫn chưa tìm được bản chính của Nguyễn Đại Năng viết.
            Nội dung tác phẩm được trình bầy bằng ca nôm, thể lục bát là chính, có lẫn chữ Hán. Sách có nhiều đoạn, mỗi đoạn đề cập đến từng vấn đề nhưng trình bày liên tiếp, không phân thành chương.  Có thể chia thành 4 phần. 
            Phần I: Phân tích thốn, biên thần huyệt quốc ngữ ca: phần mở đầu có đề cập đến việc dùng Ngải cứu và tác dụng của phép cứu, việc kiêng kỵ, cách phân tấc đo để lấy huyệt, những huyệt cấm châm, cấm cứu, cách làm cho vết cứu lở ra và cách trị các vết lở do cứu gây nên. Phần cuối bàn về huyệt Cao hoang, Tứ hoa, Hoạn môn, Kỵ túc mã, Mỗ tự.
Phần II: Tổng luận kinh sử chư bệnh  dụng huyệt quốc ngữ ca, bàn về việc điều trị 26 loại bệnh chứng bằng châm cứu.
Phần III: Tổng Luận Chứng Huyệt Ca. bàn chung việc dùng huyệt trị 103 loại bệnh.
Phần IV: Thập nhị mạch thuộc lục phủ ngũ tạng quốc ngữ ca: nói về kinh mạch và vị trí huyệt, các huyệt thuộc mạch Đốc, Nhâm, huyệt vùng đầu mặt, ngực bụng, lưng huyệt thuộc 12 kinh mạch, 6 kinh ở tay, 6 kinh ở chân.
Phần Cuối: Phụ lục của Thái y viện đời Hậu Lê bằng chữ Hán về kinh mạch và vị trí huyệt, phần dưới viết bằng dạng thơ.
Sách “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca” là một tác phẩm đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn thu được, hướng dẫn cách lấy huyệt, chỉ định huyệt chữa bệnh, sắp xếp các huyệt theo từng bộ vị của cơ thể và từng kinh mạch.
Ngoài các huyệt đã có trong các sách Giáp Ất kinh, Thiên kim phương, Đồng nhân du huyệt, Châm cứu đỗ kinh, Châm cứu tư sinh, Châm cứu đại hoàn thì “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca” còn có một số huyệt đặc biệt như: Nhũ ảnh, bối lom (chưa sốt rét cơn), trực cốt (chữa lao trùng truyền nhiễm), huyệt tâm khí (chữa đau mỏ ác, hông sườn), huyệt phục nguyên (chữa trẻ kinh phong), huyệt quân dần (chữa động kinh), huyệt cùng cốt (chữa điên cuồng), … Một số huyệt quỷ nhãn, tư hoa sau lưng vị trí không giống với các sách trên. So với sách Châm cứu Đại Thành soạn năm 1601 thì sách “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca” có khác ở một số điểm như: không có các huyệt bát phong, bát tà, tứ phùng, thập tuyên cho nên nhiều học giả nhận định sách “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca” có nhiều khả năng được biên soạn ở thế kỷ XV trước cả sách Châm cứu Đại Thành. Vì vậy, châm cứu Việt Nam không xuất phát từ Trung Quốc.
Trong tác phẩm có nêu:
“Chọn sao cho được ngày rày
Ta cứ thuở này bát pháp linh quy
Hà nhât, hà can, hạ chi
Hà huyệt, hà thì phép ấy chính công
Đoạt trừ chư nhật thần hung
Chẳng còn phạm sát đền trong mệnh người”
Phương pháp linh quy bát pháp, tý ngọ lưu trú đã có trong sách của Trung Quốc, nhưng phép dùng châm cứu theo ngày trực, ngày phá, khao thần, nguyệt thần, huyết chi, huyệt kị của Nguyễn Đại Năng thì quả thật độc đáo.
Có thể kể thêm về “Năm khao thần tại phải kiêng”, là lối kiêng châm cứu ở từng vùng theo tuổi người bệnh ở thời xưa.
Hay
“Lại học Trực nhật cho thông
Nam trừ nữ phá chơ dùng làm chi,(*)                 
Nam phá nữ trừ một khi
Ấy là một ngày tốt, ta thì dùng ngay.
Lại xem khí trời bằng nay,
Thanh minh quang đãng là ngày khai thông.
Nhược bằng lôi điện vũ phong,
Thiên địa âm án, bất thông chớ hề.
Thiên địa âm án, bất thông chớ hề.
(* Nam kiêng ngày Tuất là trực trừ, nữ kiêng này Hợi là trực phá.)
Tác phẩm “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca” đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm châm cứu chữa bệnh được trình bày dưới dạng thơ ca để dễ phổ biến, đánh dấu trình độ châm cứu của dân tộc ta từ xa xưa, mang đậm tính Việt Nam.
Những kiến thức châm cứu của Nguyễn Đại Năng để lại đã ảnh hưởng to lớn đến thế hệ những nhà châm cứu sau này, trong đó có “bàn tay vàng” Nguyễn Tài Thu, đưa châm cứu Việt Nam hội nhập với thế giới, khiến cho thế giới ngưỡng mộ.
Với những đóng góp đó, tên của Nguyễn Đại Năng đã được đặt tên cho đường phố ở Thành phố Hải Dương và ở thị trấn Kinh Môn, huyện Kinh Môn, quê hương ông.
Nhiều nhà châm cứu, nhiều người nặng lòng với nền y học cổ truyền còn mong muốn danh y Nguyễn Đại Năng tôn vinh nhiều hơn nữa, xứng đáng với đóng góp của ông, như tôn vinh ông là Đại danh y, thành lập Viện châm cứu mang tên Nguyễn Đại Năng để đào tạo bác sĩ chuyên sau trong lĩnh vực này, xây đền thờ của ông tại Kinh Môn để thế hệ sau tưởng nhớ đến ông. Những mong muốn này hoàn toàn hợp tình, hợp lý, tuy nhiên không phải dễ dàng thực hiện. Mong rằng, cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ hơn nữa những đóng góp của ông, đồng thời tạo điều kiện để những mong muốn trên sớm thành hiện thực.
BS Nguyễn Văn Út
Nguyên Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Hải Dương
 

 

 
 Từ khóa: NGUYỄN ĐẠI NĂNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây