Văn bia chùa Quang Khánh

Thứ ba - 30/07/2019 13:25 962 1
Chùa Quang Khánh dân gian quen gọi là chùa Muống, thuộc thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành. Chùa khởi dưng năm nào chưa rõ, nhưng đến thời Trần đã là Danh lam cổ tích thuộc thiền phái Trúc Lâm. Trước cách mạng tháng Tám, chùa có 124 gian lớn nhỏ, theo cảnh đồ của bản xã dựng lại trước khi xếp hạng, năm 1992.
Đây là ngôi chùa có nhiều gian nhất Hải Dương cho đến nay. Chùa Vĩnh Khánh, xã An Bình, huyện Nam Sách, dân gian quen gọi là chùa Trăm Gian, nhưng năm 1990, khi lập hồ sơ xếp hạng cũng chỉ còn 85 gian theo kiến trúc cổ, đọc văn bia còn lại ở chùa không thấy nói chùa có bao nhiêu gian.
image001
Ảnh chụp bia do Lê Thánh Tông viết. 

Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Quang Khánh bị triệt hạ hoàn toàn trở thành bốt giặc, chỉ còn hệ thống tháp sư. Chùa có nhiều bi ký, đặc biệt trong đó có hai bia, khắc hai bài thơ nôm của Lê Thánh Tông, ghi trong hai lần nhà vua đến thăm chùa. Lần thứ nhất vào năm Quang Thuận thứ 6(1465). Lần thứ hai vào năm Hồng Đức Bính Ngọ (1486). Qua biến động của lịch sử, nay chỉ còn 9 văn bia trên tháp trong số 32 tháp, còn đọc được. Bia dựng trước chùa đã rơi xuống sông Rạng và chôn dưới chân đê. Rất may những bia này đã được in chụp từ đầu thế kỷ XX, gồm 14 bia, khắc trên một vạn chữ, trong đó có 3 văn bia trên tháp còn hiện vật. Số bia nói trên hẳn là chưa thể đầy đủ với số bia của chùa đã có, vì đầu thế kỷ, khi in dập văn bia ở di tích, người ta chỉ chọn những bia trang trí đẹp, nội dung tốt, còn lại bỏ qua. Những văn bia chúng tôi dịch trong Di sản Hán Nôm tập IV, phần lớn theo thác bản trước năm 1945.
Bia chùa Quang Khánh là những trang lịch sử và văn học ghi trên đá, rất cần được nghiên cứu, phát huy và bảo tồn. Dưới đây là danh mục bia đã biết.
Bia trên tháp còn đọc được:
STT Tên văn bia Niên đại
1 Thọ Quang tháp Cảnh Hưng nguyên niên (1740)
2 Tịnh Danh tháp Cảnh Hưng thập tứ niên (1753)
3 Liên Phương tháp Cảnh Hưng thập bát niên (1757)
4 Tịnh Hạnh tháp Cảnh Hưng bát niên (1747)
5 Tiên Khánh truyền tháp Thiệu Trị thất niên (1847)
6 Minh Tịnh tháp Thiệu Trị thất niên (1847)
7 Nam Vô mật hạnh pháp Tự Đức ngũ niên (1852)
8 Tịnh Giác tháp Tự Đức thập thất niên (1864)
9 Viên Minh tháp Bảo Đại nhị thập niên (1945)

Bia đã mất nhưng sưu tầm được thác bản:
STT Tên văn bia Niên đại
1 Quang Khánh tự bi Quang Thuận lục niên (1465)
2 Ngự đề quan Khánh tự Bính Ngọ niên (1486)
3 Quang Khánh tự kiều bi Cảnh Trị (1663-1671)
4 Sáng tạo Phật tượng Vĩnh Thịnh bát niên (1712)
5 Nhất hưng công Quang Khánh tự bi Chính Hòa tứ niên (1683)
6 Quang Khánh tự Chính Hòa tam niên (1682)
7 Thiên đài trụ Vĩnh Trị tứ niên (1679)
8 Hậu Thần bi ký Chính Hào lục niên (1712)
9 Sáng lập thạch hương Vĩnh Thịnh bát niên (1712)
10 Quang Khánh tự bi minh tinh tự Hồng Thuận thất niên (1515)
11 Quy Tông tháp Vĩnh Khánh nguyên niên (1729)
12 Liên Phương tháp Cảnh Hưng thập bát niên (1757)
13 Tĩnh Hạnh tháp ký, thực lục tính danh Cảnh Hưng thập bát niên (1757)
 
Theo Đại Nam thống nhất chí, “Chùa Quang Khánh ở xã Dương Mông, huyện Kim Thành, sư Ông Mộng trụ trì ở đây, tu luyện đắc đạo, pháp thuật tinh thông, vua Trần Minh Tông đau mắt, thầy thuốc điều trị không khỏi, đem mộng thấy một thầy thuốc, tự xưng là Ông Mộng, khi tỉnh dậy, không cần thuốc thang mà mắt tự khỏi, bèn theo trong mộng, hỏi khắp các châu huyện, khi đến chùa này mới thấy, nhà vua sắc phong là Từ Giác Quốc sư, lại phát tiền kho, tu bổ chùa quán, cho tên là chùa Quang Khánh. Đời Hồng Đức, Lê Thánh Tông có đề thơ, khắc vào đá, nay vẫn còn”. Đây là hiện trạng của thế kỷ XIX, thực tế bia ngự đề của Lê Thánh Tông này chỉ còn thác bản, hiện vận đã thất lạc. Chùa Quang Khánh hiện nay đước cải tạo khá hoành tráng theo thiết kế mới, không theo quy mô cũ.
Dưới đây là bút tích và một trong hai bài thơ của vua Lê Thánh Tông khi đến thăm chùa.
Quang Khánh tự bi
Ngự đề
Kê điền đống vũ bán tồi huynh
Tát đóa huề dư phỏng hóa thành
Đại giác hải trung quân di độ
Vô cùng môn lý ngã nan hành
Ngũ viên chạm chạm nguyên phi sắc
Lục độ trùng trùng diệc hữu tinh
Mảnh tỉnh tối phi đê thủ khách
Bàng nhân thận vật thuyết tam sinh
Quang Thuận lục niên thập nguyệt cửu nhật
Cùng với hai bài thơ được khắc vào bia, Lê Thánh Tông còn một bài thơ Quang Khánh tự hạ trú chu ((光慶下駐舟), tức Đậu thuyền dưới chân chùa Quang Khánh.
Trong số những văn bia còn đọc được, nhiều bia có giá trị lịch sử nhân văn sâu sắc, là những áng văn chương nổi tiếng một thời, tác giả là những bậc vua chúa đến các thiền tăng tri thức uyên thâm. Nội dung phong phú nhất là bia Quang Khánh tự bi minh tính tự(1). Văn bia do Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) Thượng thư Phạm Cảnh Chiêu soạn, khắc dựng năm Hồng Thuận thứ 7 (1515), cho biết sơ lược tiểu sử của quốc sư. Dưới đây là trích lục bia nói trên:
Bàn về mệnh trời, tính tuân thủ, tính vị đạo. Nói đến việc tu đạo, giáo dục theo một nguyên lý, học tập Khổng Tử và Mạnh Tử, nếu học theo Đạo Thích, thuyết pháp đạo Phật có đến bốn bảy điều nhân, ba pháp không tiêu biểu. Bởi vậy mà tính quảng đại, tính từ bi trong việc làm, hoặc như sắc tướng nhược không, năng nghiên cứu theo đạo giáo thực lý lớn lao, sáng ngời, giúp cho Phật giáo them danh giá. Đó là tâm niệm của Quốc sư. Đúng là ghi cái không mà trong lại là cái có.
Quốc sư là Mộng nhân, quê Trà Xuyên, huyện Đông Triều, họ Vương. Người mẹ hiền thương con là nuôi không được đầy đủ. Mười tuổi, người miệt mài theo học, 19 tuổi hiểu biết sâu rộng nhiều sách vở, từ bỏ trần tục, đến chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại xin Trung đại sư cho chế độ tu hành, từ bỏ trần tục, đến chùa được thụ đạo đầy đủ do nhờ hai sư hướng dẫn giới hạnh. Tài năng thật cao siêu, khác với mọi người cùng được giảng giải thiền học. Người thúc giục thợ đá làm lại các công trình hoàn thiện, xây dựng không ngừng. Tập trung tiên bạc kiến tạo dần dần mà thành ngôi chùa lớn. Thấy thiền sư Chúc Lại có vườn giữ sức độ nhân trong ấy đều như thấy phường múa đáng mừng về những công trình ấy. Thật là thời trung hưng của đạo Phật ta. Chán cảnh chùa Báo Ân quá gần thành thị, bèn quyết tâm tuyên bố đi về cơ sở Đông Sơn, theo lời mời vì nghĩa lớn của Phật tử. Nơi ấy yên tĩnh có điều kiện để khảo cứu. Những môn đồ trú tại Đông Sơn (2) lại khiêm tốn mà nói rằng, đó là Phật pháp của ta đương thời tại Đông Sơn. Tên hiệu của sư là Đông Sơn Hòa thượng, bốn phương lập đàn cúng nhất lạp cung than. Lại them nhiều bạn, nhiều vật nuôi, quản trị tốt các phường buôn bán, bớt việc lo lắng.
Vào niên hiệu Hưng Long (1293-1313), phong tục của dân mê muội, sư ngồi trong đền Phong Diên mở hội nhật thiết, sư tự niệm rằng: Thuần phong mỹ tục thay đổi, đức của người quân tử phải từ bi, năng trồng cây thiện, mong muốn làm việc ân nghĩa với đất nước, trong lòng giữ cho chính đạo. Đó là con đường, là phương tiện cần mẫn cầu đạo. Hiểu rõ điều ác, sớm có cách khắc phục. Phật pháp trong đời sống thật từ đó. Việc giáo dục đầy đủ mà tự mình thực hành ở nơi đất Phật. Người người Phật tính đều như sư, mà ca hát. Vua Trần thường giá hạnh đến chùa ấy, than tửu thực hành từ cực hoài nghĩa, tặng danh hiệu Huệ Nhẫn Quốc sư… (sau về trụ trì chùa Quang Khánh).
Nửa đêm, ngày 27 tháng Giêng năm Ất Sửu, niên hiệu Khai Thái thứ hai (1325) sư viên tịch…
Thời
Ngày 23 tháng 12 năm Hồng Thuận thứ 7 (1516).
Tặng Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487), Quang lộc đại phu, Lê bộ Thượng thu, Chinh Trị Khanh thượng Cơ Xá, thăng Hiền? Phạm Cảnh Chiêu (3) soạn.
Phụng nghi đại phu Thượng bảo tự khanh, cung đại phu, (hiến) sát sứ tu, tu không thượng xã lương Hồ Hạ Hương viết chữ.
Chính Cẩm vân Trần Giao, Vũ Đình Đô chùa Quang Khánh công đức việc khắc dựng.
Rất tiếc bia này quá mòn mờ, mặt trước không thể khôi phục văn bia đầy đủ nên không thể dịch trọn vẹn văn bia này.”
Văn bia chùa Quang Khánh phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, điêu khắc, trang trí sinh động. Những độc giả quan tâm đến lĩnh vực này có thể đọc Di sản Hán Nôm Hải Dương tập IV, trong bài nghiên cứu này chỉ có thể trích lục vài đoạn điển hình.
Tăng Bá Hoành
Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Hải Dương
Chú thích:
(1) Văn bia này rất mờ, nhiều chữ không khôi phục được, những chữ đã đọc cũng còn nghi vấn. Chúng tôi chỉ dịch phần đầu và phần cuối để độc giả hiểu khái lược văn bia, niên đại và tác giả. Phần còn lại chúng tôi không dịch do số chữ đọc được không đủ điều kiện dịch thành văn.
(2) Đông Sơn là ngọn núi tay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Ở đây còn một tấm bia thời Trần ghi về quá trình trùng tu ngôi chùa mà dân gian thường gọi là chùa Non Đông.
(3) Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) làm quan đến chức Thượng thư chỉ có thể là Phạm Hạo, quê xã Quỳnh KHhee, huyện Kim Thành, nay thuộc xã Kim Xuyên, cách chùa Quang Khánh khoảng 5km về phía Bắc. Tên trong Đăng khoa lục là Phạm Hạo, nhưng ở văn bia là Phạm Cảnh Chiêu. Đây có thể là tác giả lấy tên khác.

ảnh trong bài:

 
 Từ khóa: VĂN BIA, CHÙA QUANG KHÁNH

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây