Phụng tự hậu thần bi ký là bia hậu thần của Bản quận công Nguyễn Công Hằng, người giữ nhiều trọng trách triều Lê trung hưng, cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Văn bia do Thám hoa Vũ Thạnh, người xã Đan Luân, huyện Đường An, nay thuộc Bình Giang soạn năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (1716).Vũ Thạnh, một nhân vật nổi tiếng đương thời về trí thức cũng như thành tựu giáo dục, học trò của ông có tới 70 người đỗ tiến sĩ.
Sinh thời, Vũ Thạnh có soạn một số văn bia, nhưng chỉ biên soạn cho những nhân vật nổi tiếng.
Đây là một văn bia mẫu mực về một tiểu sử một nhân vật tiêu biểu ở đầu thế kỷ XVIII. Bia khắc 4 mặt, gần 3000 chữ, nét chữ sắc sảo, rõ ràng.
Bia hậu thần đình Thượng Xá là một bảo vật của địa phương, một di sản lịch sử của đất nước, ghi công một quan triều có công với nước, với dân.
Tháng 11 năm 1987, kẻ gian khai quật mộ Bản quận công tại Thượng Xá, xã Thượng Quận, huyện Kinh Môn, hy vọng tìm bảo vật, nhưng đã bị nhân dân địa phương phát hiện, công an huyện quản lý kịp thời, sau đó chúng tôi có về nghiên cứu và khôi phục ngôi mộ như cũ, nhưng di hài và đồ tùy táng đã bị xáo trộn. Lăng mộ Bản quận công không lớn nhưng được xây dựng khoa học và trang trọng. Quan tài đặt trong quách bằng đá xanh. Giữa mộ và quan tài có một lớp đất vàng rực, tinh khiết, riêng tấm thiên của quách bằng đá dài 2,4m, rộng 1,2m, dày 20cm. Được chế tác rất tinh tế. Tấm bia Hậu thần của Bản quận công được phát hiện từ đó, nhưng hơn 30 năm sau mới có điều kiện dịch trọn vẹn.
Đình làng thôn Thượng Xá, xã Thượng Quận, huyện Kinh Môn.
Dưới đây trích lược bia Hậu thần của Bản quận công.
Bia ghi việc thờ hậu thần
Thường nghe, Người có công đức với dân, dân tất truy ơn, thờ người đó. Ý trời, lòng người đều như vậy.
Đắc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Vương phủ thị nội giám, Tư lễ giám, Tổng thái giám, Đô đốc phủ, Đô đốc liêm sự, Bản quận công, Nguyễn lệnh công, húy Công Hằng, từ quan về nghỉ hưu, thuộc dòng dõi lệnh tộc ở xã La Xá, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn.
Thực tính Lệnh công ôn hòa, giữ vững tấm lòng khoan hậu, thân phụ phục vụ Tử cấm thành, kính ngưỡng ân huệ sủng vinh, phúc ấm hiển trạc, dòng giống hưởng phúc trạch, ban bố ân huệ khắp dân làng ta. An ủi cứu tế cho dân, không phiền hà đến dân, tìm mọi cách trừ hại, một lòng cứu tế, phát chẩn đến những người khốn khổ, tâm niệm vô hạn đến những việc làm từ thiện. Tài lực của Lệnh công làm việc công hiệu quả, từ xưa, không so đo lợi ích nhỏ nhen, đến nay những người thực gian nan, tùy từng người mà phát chẩn, được mọi người kính trọng và hâm mộ. Cùng vui yến ẩm khi đến lễ hội làng, thật là một cụ già có đức vậy. Dân làng bàn luận, Lệnh công, huệ trạch to lớn lâu dài, như bể rộng núi cao, dân mong muốn kính thờ tôn sùng như các vị tôn thần để biểu hiện ân đức ở đương thời, thỏa nghĩa hinh hương ở đời sau cho các ngài, như mọi người cùng hoan nghênh rằng: rất đáng có tình cảm lớn và đầy đủ ngay để làm sống lại như tam công, đó là ý chí chân thành vậy.
Việc ân huệ có khởi thủy, nhờ lời hứa quý ngàn vàng như xưa*. Làm một ngôi chùa của thôn Thượng Xá của bản xã, cùng huệ điền ở hai thôn Cổ Liễn và Vũ Xá. Đình một tòa, làm mới hoàn toàn, ngói tốt. Lại hứa cho ba thôn gỗ tốt, tiền, ruộng như kê khai sau cùng lập khế ước tương ứng.
Xã Thượng Xá thờ tiên khảo Nguyễn quý công, tự Thuần Mỹ, phong tặng Anh liệt tướng quân, đô chỉ huy sứ, Cẩm Lộc hầu. Hiển tỷ Nguyễn Thị Tuyển, hiệu Diệu Ngọc, phong tăng Đô chỉ huy sứ, Cẩm Lộc hầu, chánh phu nhân, thị dữ lệnh công tam vị vi hậu thần, làm bài vị bên trái tôn thần.
Cổ Liễn, Vũ Xá hai thôn, thờ cúng tổ khảo Nguyễn quý công, tự Phúc Hảo, phong tặng Anh liệt tướng quân, Đô chỉ huy sứ, Hào Lộc hầu. Tỷ Nguyễn quý thị, hiệu Diệu Dương, phong tặng Đô chỉ huy sứ, Hào Lộc hầu chánh phu nhân, thị dữ lệnh công tam vị vi hậu thần. Làm bài vị để ở phía trái tôn thần.
Hằng năm lễ cầu phúc, tiết ca xướng, nghinh thỉnh theo thứ tự, cùng với việc sắm lễ vật theo nghi tiết, văn tế nhất nhất phải như trong khoán văn. Hôm nay, cũng như ngàn vạn năm sau đều phải tuân thừa, không được sai khác.
Ôi ! Nay thực hiện việc cúng tế ấy, lệnh công có ý mời dân dự vào việc mở ra thuần phong mỹ tục, từ việc tốt đẹp này Lệnh công giúp cho cho việc thuần hậu. Giữ việc thuần hậu vững vàng ở dân, bắt đầu lấy đức báo đức, không hề mơ hồ. Lý trời có bố thí, tất được báo đền.
Trả ơn người xưa, tức tình người của lớp hậu sinh của bản ấp, là dân của ấp đó. Đủ cho đất ấy mở rộng từ đường, nhìn vào bia ấy, biết tấm lòng của tư văn đối với tâm đức của tiền nhân.
Công đức của Lệnh công như vậy nên cúng tế phải nghiêm trang, tinh khiết, nghi lễ không được giản lược, không được thiếu sót, nhật nguyệt chính trực thấu rõ tấm lòng ấy không hề lẫn lộn, quy ước ấy trường tồn cùng trời đất. Như thế, có công tất phải ơn công đức, sẽ thờ cúng trải muôn đời, như thế biểu hiện tốt đẹp sự trung tín, nhân hậu của dân ta. Vì thế mà phải truyền lại đời sau.
Ngày tốt, tháng trọng thu, năm Bính Thân,
Hoàng triều Vĩnh Thịnh vạn vạn niên, năm thứ 12(1716)
Tứ Ất Sửu khoa, đệ nhất giáo tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (Thám hoa), Hiển cung đại phu, Quốc tử giám tư nghiệp, quê xã Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trú quán phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, Vũ Bộc (tức Vũ Thạnh-từ khiêm xưng) soạn văn bia.
Chú thích:
*Tục ngữ xưa: Bất khinh nhiên nặc(不輕然諾): Không được coi thường lời ưng cho cũng như lời hứa.Tục ngữ nước sở có câu: Đắc hoàng kim bách cân, bất như đắc Qúy Bố nhất năc: Được một trăm cân vàng không bằng một lời vâng (ưng cho) của ông Quý Bố. Câu trên ý nói, lời hứa của Bản quận công thật là vô giá.
Bia ghi về cụ Nguyễn Công Hằng.
Tăng Bá Hoành
Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Hải Dương