Hải Dương những ngày toàn quốc kháng chiến

Chủ nhật - 12/03/2017 09:32 1.481 0

Bia chiến thắng, trận chiến đấu của quân và dân TP Hải Dương tại khu vực Trường con Gái đêm 21 - 12- 1946. Ảnh tư liệu.

Bia chiến thắng, trận chiến đấu của quân và dân TP Hải Dương tại khu vực Trường con Gái đêm 21 - 12- 1946. Ảnh tư liệu.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh 70 năm trước (1946) là một cương lĩnh dậy vang non sông, đất nước, làm thâu động cả một dân tộc với với 20 triệu con tim, khối óc không bao giờ muốn trở lại làm nô lệ nữa, thà chết chứ không chịu mất độc lập, tự do

Lời kêu gọi đã thức tỉnh lương tri và nhân phẩm  nhân loại tiến bộ. 70 năm sau (2016) hơn 90 con tim nguyện làm hết sức mình, nguyện đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải, sẵn sàng hiến dâng tới giọt máu cuối cùng vì những điều thiêng liêng vô giá. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chế độ xã hội chủ nghĩa, sự giàu mạnh, hùng cường của đất nước, ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

 Sẵn có dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp bất chấp cả  Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và “Tạm ước” 14-9-1946, châm ngòi lử chiến tranh ở miền Nam và mở rộng  cuộc chiến tranh ra toàn bộ nước ta.

Trước tình hình đó, ngày 18 và 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ toạ Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (mở rộng) tại làng Vạn Phúc. Hội nghị đã nhận định: “Thực dân Pháp đã cắt đứt mọi con đường đàm phán và cố tình gây chiến tranh xâm lược cả nước ta” và Người luận rằng tình hình không cho phép tiếp tục nhân nhượng nữa. 20 giờ ngày 19-12, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ngày 20-12 tại Hang Trầm (Chương Mỹ, Hà Đông), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến  của Chủ tịch Hồ Chí Minh (đề ngày 19-12-1946): “Chúng ta muốn hoà bình, chúng bắt chúng ta nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt thì phải đứng lên chống thực dân Pháp. Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân giờ cứu nước đã đến, ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước…” (1).

Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, lời kêu gọi kháng chiến thiêng liêng của Bác Hồ như một lời hịch của non sông cổ vũ tinh thần yêu nước quật khởi của cả dân tộc ta đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược. Đêm 19/12/1946, tiếng súng lệnh từ Thủ đô Hà Nội nổ, mở đầu cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân cả nước, đứng lên giữ vững độc lập, tự do, hoà bình và chủ quyền dân tộc ta.

Cùng với quân dân cả nước, nhân dân Hải Dương dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề đứng dậy đánh thực dân Pháp, thực hiện chủ trương kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, tạo nên khí thế sục sôi ngay từ những ngày đầu kháng chiến.

Hải Dương khi ấy nằm ở trọng tâm trong nhiệm vụ tác chiến của Chiến khu III với tuyến đường sắt, đường 5 Hà Nội - Hải Phòng. Trong thời điểm lịch sử đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) vào 2 ngày 18 và 19-12-1946 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên toàn quốc. Đêm ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến".

Đáp lời kêu gọi "Toàn dân kháng chiến" của Trung ương Đảng và "Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Hải Dương cũng đã nhất tề đứng lên đánh thực dân Pháp xâm lược.

Khoảng 20giờ 40' ngày 19-12-1946, đúng giờ quy định chung của Mặt trận, tự vệ thị xã Hải Dương (do các đồng chí: Mai Văn Tập và Đỗ Văn Vết) nổ mìn phá huỷ bốt Điện ở cống Ba Cửa, cắt nguồn điện của thị xã, làm quân địch hoang mang, lúng túng. Liền sau đó, các chiến sỹ tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 44), các đơn vị cảnh vệ, tự vệ chiến đấu đã đồng lọat tổ chức tiến công cả ba nơi: Máy chai, Nhà Nông phố, Trường con gái ... , nhưng không có kết quả.

Tại cầu Lai Vu, địch có 1 trung đội đóng ở đầu cầu phía Kim Thành. Các đơn vị được giao nhiệm vụ đã có kế hoạch đánh địch cụ thể nhưng do sự phối hợp giữa các lực lượng vệ quốc đoàn và tự vệ chưa chặt chẽ nên trận đánh không thành công, yếu tố bất ngờ không còn, lực lượng của ta buộc phải phóng hoả đốt cầu rồi rút lui.

Tại cầu Phú Lương, cũng ngay từ giờ phút đầu của cuộc tiến công, các chiến sỹ Vệ quốc đoàn, tự vệ thành Hải Dương và tự vệ xã Ái Quốc (nay là thành phố Hải Dương ) đã đồng loạt nổ súng đánh địch. Tại đây quân địch được pháo binh từ vị trí Máy chai đã chống trả quyết liệt, ta và địch giành giật nhau từng thước cầu. Đêm 21-12 ta đã tiêu diệt được trung đội bảo vệ cầu.
Rút kinh nghiệm qua mấy ngày chiến đấu, ngày 22 tháng 12, Ban Chỉ huy Mặt trận đã quyết định "Tạm thời tránh chỗ mạnh, tập trung quân đánh chỗ yếu". Thực hiện Quyết định này, khoảng 20giờ cùng ngày quân ta lại tiến công vị trí trường Con gái- nơi yếu nhất trong 3 vị trí địch đang cố thủ ở thị xã Hải Dương. Tại đây đồng chí Đặng Quốc Chinh đã dũng cảm xông lên châm lửa đốt mìn, đánh sập tường cho quân ta tiến vào. Vừa đánh ta vừa dùng tiếng Pháp kêu gọi địch đầu hàng. Khoảng 23giờ, địch đầu hàng, quân ta tiêu diệt và bắt gọn 1 trung đội lính Âu Phi và thu toàn bộ vũ khí. Trước thắng lợi giành được, Ban Chỉ huy mặt trận vạch kế hoạch, tổ chức đội hình, xây dựng lực lượng, tiếp tục tấn công vào Nông khố đêm 23-12-1946. Cũng trong ngày 23 tháng 12, ta lại tổ chức tiến đánh cầu Phú Lương lần 2, lần này ta diệt thêm một tiểu đội, số còn lại hoảng hốt nhảy xuống ca nô tháo chạy. Cuộc chiến đấu diễn ra nhanh, mất cầu Phú Lương, bọn địch trong thành Hải Dương không hề hay biết. Nhằm bảo toàn lực lượng, chuẩn bị chiến đấu lâu dài, chiều ngày 24-12-1946, Tỉnh uỷ và Ban Chỉ huy Mặt trận tỉnh quyết định rút toàn bộ lực lượng ra khỏi thị xã.

Qua 1 tuần chiến đấu trong thành phố Hải Dương và các vùng phụ cận, quân và dân ta đã giành được thắng lợi quan trọng: đánh 25 trận lớn nhỏ, phá huỷ 2 vị trí địch, tiêu diệt 83 tên, bắt sống 21 tên, phá huỷ 2 xe cơ giới, 1 ca nô, thu 17 dù tiếp tế, 1 súng Bazôka, 1 đại liên, 2 trung liên, 21 tiểu liên, 20 hòm đạn cùng nhiều quân trang quân dụng khác. Những ngày chiến đấu trong thành phố tuy không dài, nhưng đã tạo điều kiện để các cơ quan và nhân dân sơ tán, vận chuyển tài liệu, kho tàng máy móc ra khỏi vùng chiến sự, chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

70 năm đã trôi qua, lịch sử dân tộc đã sang trang, nhưng âm hưởng, tầm vóc, ý nghĩa và bài học lớn lao của lời hịch phát động cuộc kháng chiến toàn quốc của Bác năm nào đã và đang cổ vũ cả dân tộc ta xốc tới tương lai!

Ngày nay, trong điều kiện mới, đứng trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng  trong giai đoan mới với quy mô, tầm vóc lớn lao, có nhiều khó khăn, phức tạp mới, hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần phát huy truyền thống bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển. Bằng khối óc và bàn tay của mình, bằng tài năng và sự sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể biến khát vọng thành hiện thực, Xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 Chú thích:

(1) -Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NxB CTQG, H, 2000.

Hà Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây