Minh văn Bùi Thị Hý (Kỳ 4): Chiếc mâm đồng sao văn bia mộ chí

Thứ hai - 15/05/2017 13:34 775 0
Ngày 5 tháng 7 năm 2007, anh Lợi mang cho tôi xem cái mâm đồng đã han rỉ, đường kính 48cm, cháy môt phần ở phía ngoài (18x2cm). Anh cho biết đó là đồ gia bảo, do cụ thân sinh cất giữ. Mâm bị cháy do giặc Pháp càn quét đến làng năm 1948, đốt ngôi nhà thờ của gia đình, nhà cháy, vách sập, đè lên cái mâm do vậy mà còn, phần bị hở ra ngoài thì cháy.

Sau khi cọ rửa, rồi xát phấn, tôi đếm được 18 dòng, 379 chữ, trong đó có một số chữ Nôm. Chữ khắc trên đồng, lớn trên 1cm2, nên còn khá rõ, có thể dịch thuận lợi. Đây là bản sao bia mộ chí, có những thông tin vô cùng quý về nữ tài Bùi Thị Hý. Chúng tôi khôi phục toàn bộ minh văn như bản gốc và phiên dịch như sau.

Mặt trước ghi:

Mộ người vợ kỳ tài họ Bùi, tên húy là Hý

Hai dòng hai bên ghi:

Ngày 10 tháng 10 năm Cảnh Thống Nhâm Tuất (1502), phu quân (chồng) là Đặng Phúc lập bia.

Phu nhân sinh năm Canh Tý (1420), thời Bình Định vương (Lê Lợi).

Dòng bên trái bia ghi:

Mất ngày 12 tháng 8 năm Cảnh Thống Kỷ Mùi(1499).

Bản dịch mặt sau bia:

Bùi Thị Hý, người vợ kỳ tài, hiệu Vọng Nguyệt, là con gái trưởng của quan Mã vũ Bùi Đình Nghĩa, cháu ba đời lão tướng Bùi Quốc Hưng. Phu nhân có tài văn chương, chữ đẹp, lại kỳ tài về họa, từng cải trang thi Đại khoa đến kỳ ba, khoa Nhâm Tuất, năm Đại Bảo thứ 3(1442), quan trường phát giác, đuổi khỏi trường thi. Sau bèn xuất giá, cùng phu quân Đặng Sĩ, làm nghề nung sành sứ, tại trang Chu, ở châu Nam Sách.

Năm Thái Hòa thứ 10(1452), bà về trang Quang Ánh, cùng em trai là Bùi Khởi, chiêu tập người làm thuê, dựng lò, ở phía bắc trang, gần sông Định Đạo, buôn bán với châu Nam Sách, chế đồ gốm, cống triều đình đương thời và xuất cho thương nhân nhiều nước như: Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây. Sau Đặng Sĩ cùng những người làm thuê gặp nạn, chết ở biển Đông, phu nhân tái giá, lấy Đặng Phúc người trang Chu. Phu nhân là một nữ tài võ, thông văn, làm chủ thương đoàn đi Nhật Bản, Trung Quốc, phương Tây, đến nước ngoài buôn bán đặc phẩm. Thật buồn thay, phu nhân kỳ tài làm bình gốm mà lại không con, sau về trang Quang Ánh, hưng công làm chùa, làm đình, làm thí chủ xây dựng nhà thờ họ, hưng công bắc cầu đá Đôn Thư, Lâm Kiều (ở bản huyện).

Đêm 12 tháng Tám năm Kỷ Mùi (1499), trời đất cuồng phong, mưa gió, sấm chớp. Lạ thay, phu nhân nằm trong bình phong mà phát ra ánh sáng hồng như con rồng bay lên. Đoạn phu nhân hóa. Sau rất thiêng, ai có tâm cầu cúng tất linh ứng.

Ngày 10 tháng 10 năm Nhâm Tuất (1502), Chồng là Đặng Phúc soạn văn bia.

Lý trưởng Bùi Đức Nhuận sao y bia đá cổ.

Tháng Giêng, đầu Xuân, năm Bảo Đại Nhâm Tuất (1932).

Chú dẫn:khi thời thế thay đổi, bia đá cổ Tổ Cô giữ ở đất thiêng, cẩm chỉ mọi vi  phạm.

Lời bàn: xem xét văn cảnh, có thể biết, khi sao tấm bia này vào mâm đồng, bia mộ chí bằng đá vẫn còn, nơi ấy là xứ Thượng Đường của bản xã, vì vậy mới chú dẫn:”khi thời thế thay đổi, bia đá cổ Tổ Cô giữ ở đất thiêng, cẩm chỉ mọi vi  phạm”.Từ thông tin này vẫn còn hy vọng tìm thấy bia gốc và phần mộ.

-Về tiểu sử phu nhân: căn cứ gia phả, chúng ta mới biết bà là cháu nội Bùi Quốc Hưng(1359-1445), một trong 18 người tham gia hội thề Lũng Nhai năm Bính Thân (1416) nhằm khởi nghĩa chống Minh.

Năm Hưng Khánh thứ nhất (1407), người cha là Bùi Đình Nghĩa, lánh nạn giặc Minh từ Cống Khê, huyện Chương Đức (Hà Nội) về trang Quang Ánh, huyện Trường Tân (Gia Lộc). Tại đây, ông Nghĩa lấy bà Vũ Thị Thủy, sinh được 2 người con. Bùi Thị Hý là một nữ kỳ tài, văn hay, chữ tốt, có biệt tài về họa, từng giả trai thi đại khoa đến tam trường, nhưng ở khoa nào thì chưa rõ, nhưng ở bia mộ chí cho biết, đó là khoa Nhâm Tuất (1442), dúng như chúng tôi dự đoán ban đầu.

+ Về năm sinh và năm mất được khẳng đinh trên bia, còn gia phả mới cho biết tuổi thọ và ngày mất.

+ Gia phả viết bà có biệt tài về họa, nhưng ở hàng thứ mấy thì chưa rõ, nhưng bia mộ chí ghi bà là người đứng đầu.

+ Gia phả chỉ cho biết bà lấy đại gia Đặng Sĩ, còn sau thế nào không rõ. Bia cho biết sau khi Đặng Sĩ gặp nạn trên biển, mất cùng với thương nô, bà tái giá lấy Đặng Phúc cũng là một đại gia, người Chu Đậu. Kể từ đó, bà trờ thành người chỉ huy thương đoàn, vượt biển buôn bán với với tam phiên: Trung Quốc, Nhật Bản, và phương Tây, thường đến các nước để buôn bán đặc phẩm, tiêu biểu là đồ gốm và một số đặc sản, hương liệu của Đại Việt. Khi nghiên cứu gốm Chu Đậu, nhiều học giả nghĩ rằng, thuyền buôn nước ngoài đến đặt hàng ở Chu Đậu, rồi tự họ chở đi các nước, ít khi nghĩ đến việc thương nhân Đại Việt vượt biển, chở hàng đến các nước, không thụ động chờ thương nhân nước ngoài.
 

chiếc mâm đồng

Chiếc mâm đồng được cho là khắc bia mộ cụ tổ gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý. Bên phải là ông Tăng Bá Hoành và bên trái là ông Bùi Văn Lợi
Ảnh: Thái Lộc

Trước đây khi nghiên cứu gốm Chu Đậu có hình ảnh tầu vượt biển gặp nạn, chúng tôi thường nghĩa rằng, đó là những hình ảnh do thủy thủ nước ngoài kể lại, thợ gốm Việt Nam nghe rồi vẽ trên đồ gốm. Qua tư liệu này, có thể nói, đó là hình ảnh trực quan của thủy thủ và thương nhân Việt Nam, trên đường vượt biển buôn bán với nước ngoài, trong đó có Bùi Thị Hý, sau đó vẽ lại không chỉ để kỷ niệm mà còn cảnh tỉnh cho những người đi biển. Điển hình là hình ảnh vẽ trên một đĩa hoa lam, đường kính 36cm, hienj lưu trữ trong sưu tập cổ vật Adelaide ở Nam Úc. Lòng đĩa vẽ hai thuyền lớn, trên đường vượt biển, gặp cướp biển, buồm đã hạ xuống, hai bên bắn nhau, mặt nước sóng xô dữ dội, 3 thủ thủ rơi xuống nước, trong đó có một người bị cá mật nuốt đến bụng, tay chới với cầu cứu.

Nhật Bản và Trung Quốc là thị trường truyền thống, còn Tây phương là thị trường mới của Người Việt ở thế kỷ XV. Phương Tây trong văn bia có thể là Đông Nam Á, Trung Đông hoặc xã hơn. Bằng chứng là những nước này hiện lưu trữ nhiều gốm Chu Đậu đương thời, hơn là những hiện mua với tư cách là cổ vật ở những thế kỷ sau, trong đó nhiều mặt hàng do đặt hàng, không thuộc hàng truyền thống của Việt Nam như chén con vẹt, hộp sứ ... Từ những tư liệu trên, hy vọng đến một lúc nào đó, tình cờ phát hiện những tư liệu về ngoại thương của các đại thương gia của Đại Việt ở nước ngoài như Đặng Sĩ, Đặng Phúc và Bùi Thị Hý. Với một phụ nữ mà người chồng thư hai phải viết trên bia mộ là Kỳ tài phu nhân, tài võ, thông văn thì đó là một phụ nữ phi thường. Một võ tướng làm được như thế đã hiếm, đây lại là một phụ nữ. Thật đáng khâm phục.

Về địa danh: trên bia mộ chí chỉ viết là Chu trang (舟庄), như vậy năm 1502, Chu Đậu mới có tên là Chu trang, mà chữ Chu ở đây là thuyền, nhưng thế kỷ sau mới viết là Chu Đậu. Chúng tôi chưa tìm được chữ Đậu ở thế kỷ XV-XVI, rất có thể Chu Đậu khi đó viết là 舟逗,tức là bến thuyền. Nếu vậy rất phù hợp với địa lý, lịch sử, vì Chu Đậu ở bên sông Kè Đá và cách sông Thái Bình 200m, nơi chuyên chở vật liệu và ăn hàng thuận lợi. Đầu thế kỷ XVIII, Chu Đậu đã được mỹ tự hóa, viết thành 周稌, không còn nguồn gốc bến thuyền nữa.

Về văn bản học, độ tin cậy đến mức nào? Căn cứ hiện vật, thì có thể xác định đây là chiếc mâm đồng ra đời từ đầu thế kỷ XX, văn bản được khắc trên mâm vào dịp sao lại gia phả (1932). Việc khắc văn bia mộ chí vào mâm đồng không phải lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, mà từ thời Thượng Chu ở Trung Quốc (Thế kỷ IX trước công nguyên), người ta đã ghi tiểu sử nhà vua thứ năm nhà Chu vào một chiếc mâm đồng, chôn trong huyệt mộ. Người Trung Quốc gọi là Bàn sử (sử viết trên mâm). Vấn đề cần quan tâm là bản sao văn bia có y như bản chính không? Sau khi nghiên cứu văn bản, chúng tôi nhận thấy, về nội dung rất chuẩn mực, chỉ có tự dạng một vài chữ sao chép sai chính tả. Những sai sót này tương tự như trong gia phả họ Bùi. Có thể nói, cuốn gia phả họ Bùi Quang Ánh, viết năm Minh Mệnh Nhâm Thân (1832), đã lấy một phần tư liệu trong tấm bia này. Một số chữ Nôm, như chữ: nung sành sứ  (????), có thể là cách viết chữ nôm ở đầu thế kỷ XVI, cũng có thể khi sao đã chuyển đồi từ chữ Hán sang chữ Nôm. Vấn đề này cần được xác minh khi tìm được bản gốc.

- Bùi Thị Hý giả trai thi Tiến sĩ: Việc Bùi Thị Hý được vào thi Hội, hiển nhiên đã trót lọt kỳ thi Hương. Năm dự thi Hội, bà đã ở tuổi 23. Theo truyền ngôn, bà có sức vóc to lớn, thích võ nghệ và rất tự tin, nên việc giả trai cũng không mấy khó khăn. Luật lệ thời Lê Thái Tông hiện chưa khảo cứu được, nếu như thời đó thi hành tương tự như Lê Triều hình luật, tức luật thời Hồng Đức, được coi là bộ luật tiến bộ nhất ở thời Lê, thì trong 722 điều chỉ có hai điều nói về thi cử.

+ Điều 101, nói về trách nhiệm người coi thi cấm việc mang sách và bài vào trường thi. Nếu phát giác thì người coi thị bị đánh 60 trượng, không nói đến tội người mang tài liệu vào trường thi.

+ Điều 629: Những người xướng ưu, tức những người làm nghề ca hát, tuồng chèo, cùng con cháu họ không được thi cử. Trái luật thì bị xử biếm (giáng chức) hay đồ (xăm chữ vào cổ hay mặt và bắt làm lao dịch tùy nặng nhẹ). Quan giám thị biết mà không tố giác thì xử nhẹ một bậc. Tuy nhiên nếu là con cháu các vị công thần thì được xét vào chương Bát nghị, tức 8 mục xét giảm tội của điều 3.

Bùi Thị Hý có thể được xét ở mục thứ 7 là Nghị cần, và mục 8 là Nghị tân, nghĩa là người siêng năng hay con cháu các bậc quốc khách của triều đại trước. Nói chung đây là những tội nhẹ. Nếu Bùi Thị Hý có phạm vào quy chế trên thì cũng có thể được giảm án dễ dàng.

Tăng Bá Hoành
Hội Sử học tỉnh Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây