Tiến sĩ nho học làng Hoạch Trạch

Thứ ba - 02/02/2016 15:19 2.466 0
Huyện Bình Giang là mảnh đất có bề dày lịch sử, đã đóng góp cho đất nước nhiều danh nhân trên các lĩnh vực quân sự, kinh tế, chính trị và văn hóa. Mảnh đất hiếu học này trải qua các triều đại phong kiến đã có 104 vị đậu tiến sĩ đứng thứ nhì ở tỉnh Hải Dương. Tại đây, phải kể đến làng Hoạch Trạch (xã Thái Học) có dòng họ Nhữ, liên tục có có người đỗ Đại khoa.
Ao rối của làng Hoạch Trạch.
Ao rối của làng Hoạch Trạch.

Làng Hoạch Trạch cũng có tên là làng Vạc. Tên Hoạch Trạch đã được ghi vào văn bia chùa Thánh Thọ từ năm Diên Thành thứ hai (1579). Căn cứ vào tự dạng thì chữ "hoạch" có nghĩa là cái vạc, còn chữ "trạch" là ơn huệ, dân gian gọi tắt làng Hoạch Trạch là làng Vạc. Làng Vạc thời Lê đứng riêng một xã gọi là xã Hoạch Trạch, thuộc huyện Đường An, phủ Thượng Hồng. Đầu thời Nguyễn thuộc tổng Bình An, huyện  Năng An, phủ Bình Giang. Phủ lỵ Bình Giang đóng ở tây bắc làng Hoạch Trạch, vì thế phủ Bình Giang còn được dân gian gọi là phủ Vạc. Thời kỳ Pháp xâm lược, phủ Bình Giang chuyển lên Kẻ Sặt nên phủ Vạc lại được gọi là phủ cũ. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Hoạch Trạch là một thôn thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang.

Hoạch Trạch xưa nổi tiếng là đất văn vật, nhiều người đỗ đạt cao, công danh nổi tiếng một thời, làng còn được mọi nơi biết đến vì có nghề làm lược tre truyền thống. Theo văn chỉ huyện Đường An thì làng có 7 vị đỗ Đại khoa dưới các triều đại phong kiến. Người khai khoa của làng là ông Vũ Tụ, sinh năm 1466, đỗ Hoàng Giáp khoa Quý Sửu đời Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493). Ông làm quan đến chức Tả Thị Lang Bộ hình, nổi tiếng là người liêm khiết, trong sạch và cần kiệm. Vua Lê Thánh Tông đã đặc ban cho ông hai chữ "liêm khiết", mỗi khi vào chầu thì mang tấm vải thêu hai chữ đó gắn lên cổ áo để nêu gương cho mọi người. Nhân dân rất kính trọng ông gọi ông là Trạng Liêm (ông trạng liêm khiết).

Khoa thi năm Giáp Thìn niên hiệu Hoằng Định (1604) có ông Trần Vĩ, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Ông thi đỗ năm 41 tuổi, làm quan tới chức Tả Thị Lang Bộ Lại, kiêm Đông Các Đại học sĩ, tước Hương Quận Công. Ông từng đi sứ sang nhà Minh. Khi mất được tăng chức Thượng Thư, hàm Thiếu Bảo.

Đặc biệt dòng họ Nhữ tại Hoạch Trạch có tới 5 vị đỗ đại khoa. Theo gia phả dòng tộc, họ Nhữ vốn ở làng An Tử Hạ huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, xứ Hải Dương (nay thuộc TP Hải Phòng). Thủy tổ của dòng họ là cụ Nhữ Văn Lan, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi đời vua Lê Quang Thuận (1463). Ông làm quan đến chức Hộ Bộ thượng thư, gia phong cương chính bác đạt Đại Vương. Đời thứ hai, họ Nhữ di cư về thôn Đông, xã Lỗi Dương huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay thuộc xã Thái Học).

Đến đời thứ 7, ông Nhữ Tiến Dụng là người đầu tiên của dòng họ Nhữ làng ở Hoạch Trạch đậu tiến sĩ. Theo gia phả và các tài liệu còn ghi chép, Nhữ Tiến Dụng sinh năm Quý Hợi (1623), ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được ông ngoại họ Chu, tự là Tiên Du và bà ngoại là Từ Lai đưa về nuôi dạy tại làng Hoạch Trạch, năm lên 6 tuổi cho đi học hai thày đồ Viên Công và Viên Lê, sau lớn lên theo học thái sư Công người Mộ Trạch. Năm 42 tuổi ông thi đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664), được phong chức giám sát ngự sử, lễ khoa Đô cấp sự trung và nhiều chức tước khác. Ông từng hộ giá nhà vua đi đánh giặc, là người có tiếng về sống trong sạch được mọi người tôn kính. Năm ông 58 tuổi, con trai thứ 3 của ông là Nhữ Đình Hiền đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, ông được triều đình cho lập phủ đệ mới và cha con ông đã chọn đất quê ngoại cắm dinh. Ông mất ngày 20 tháng 6 năm 1689 thọ 67 tuổi.

Con trai ông là Nhữ Đình Hiền sinh ngày 14 tháng 12 năm 1659. Lúc nhỏ theo học quan Thượng thư Hoàng tướng công ở xã Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi. Sau lại theo học Nguyễn Tướng Công ở xã Nguyệt Ánh, huyện Thanh Trì. Năm 17 tuổi thi Hương đỗ Hương cống, thi Đình khoa Canh Thân niên hiệu Vĩnh Trị 5 (1680) đỗ Tam Giáp đồng tiến sĩ xuất thân và được thăng chức Hàn lâm viện Hiệu Khảo, giữ nhiều chức vụ của triều đình trao. Năm 39 tuổi làm chánh sứ sang Trung Quốc, hoàn thành tốt sứ mạng được giao, ông còn tìm cách học nghề làm lược tre đem về truyền dạy cho dân làng, để làng Hoạch Trạch nổi tiếng với nghề mới góp phần làm đẹp cho mọi người, ông được dân làng tôn vinh là Tổ nghề. Nhữ Đình Hiền là vị quan thanh liêm, chính trực, khi còn đương chức ông đã xét xử nhiều vụ kiện công minh, để tiếng muôn đời mà sử sách còn lưu truyền. Ông mất vào năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (1716). Người đương thời từng ca ngợi:

Văn chương Lê Anh Tuấn

Chính sự Nhữ Đình Hiền.

(Lê Anh Tuấn là người làng Thanh  Mai nay thuộc Ba Vì, Hà Nội, đỗ tiến sĩ năm 1694 là người nổi tiếng về văn chương đương thời).

Con tiến sĩ Nhữ Đình Hiền là Nhữ Đình Toản sinh ngày 6 tháng 4 năm 1703, đỗ Đệ Tam Giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736). Nhữ Đình Toản là người thông minh, ham học hỏi, ông được giữ nhiều chức vụ cao trong triều đình. Sống thanh bạch, thẳng thắn, ông được mọi người yêu mến và kính nể, được chúa Trịnh Doanh cho đổi tên là Công Toản. Tháng 6 năm Tân Mùi (1751) Trịnh Doanh lấy cớ cần phải chấn chỉnh chức trách các viên quan giữ việc chính trị giao cho ông tham khảo điều lệ các triều, sắp đặt quân chức phân trật thành từng loại, lại ban hành 9 điều nói rõ chức trách các công việc quan trong kinh, ngoài trấn. Khi bình luận về hai việc này Phan Huy Chú khen là điển chương tốt và những người học thực ai cũng khen. Khi về nghỉ ông được ban danh hiệu Quốc Lão. Năm 1773 ông mất được truy tặng làm Thái Bảo.

Tiến sĩ Nhữ Công Chân sinh năm 1751 là con tiến sĩ Nhữ Đình Toản, đỗ Đệ Nhị Giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772). Ông làm quan tới chức Hàn lâm thị chế, Thị lễ bộ Hữu Thị Lang. Làm quan lúc chính sự rối ren, kiêu binh tam phủ nổi dậy ông từ quan về quê du ngoạn khắp nơi.

Tiến sĩ Nhữ Trọng Đài là cháu nội tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng, cháu họ Nhữ Đình Hiền, anh họ Nhữ Đình Toản, bác họ Nhữ Công Chân thi đỗ Đệ Nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh khoa Quý Sửu niên hiệu Long Đức thứ 2 (1733). Làm quan tới Hiến Sát sứ.

Như vậy trong gần 280 năm, làng Hoạch Trạch đã có 7 vị đỗ tiến sĩ nho học trên tổng số 11 vị tiến sĩ của xã Thái Học, chiếm vị trị thứ nhì của huyện Bình Giang sau làng Mộ Trạch (xã Tân Hồng). Theo văn bia chỉ huyện Đường An dựng năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) thì làng Hoạch Trạch có 7 vị tiên hiền, trong đó có 1 bảng nhãn, 2 hoàng giáp và 4 đồng tiến sĩ xuất thân. Điều đặc biệt là 5 trong số 7 tiến sĩ nho học của làng là cùng một dòng họ Nhữ, có quan hệ huyết thống. Điều đó chứng tỏ ngoài truyền thống hiếu học, việc khuyến học, khuyết tài trong dòng họ cũng đóng vai trò quan trọng tới việc học tập của các thế hệ.

Các vị tiến sĩ làng Hoạch Trạch học hành thành đạt, sau khi thi đậu đều ra làm quan tham gia vào chính sự của đất nước, nhưng vẫn không quên cuộc sống của người dân quê hương. Vì vậy, Tiến sĩ Nhữ Đình Hiền trong lần đi sứ Trung Quốc đã tìm cách học nghề làm lược tre về truyền dạy cho dân làng. Em trai tiến sĩ Nhữ Đình Toản dựng phường Diên Lộc để tập hợp những người làm lược ở làng giúp đỡ nhau. Sau đó cụ Toản còn giành 12 mẫu lộc điền vua ban để cho phường Diên Lộc trồng cấy lấy hoa lợi dùng vào việc chung của phường. Nghề làm lược tre làng Hoạch Trạch đã từng nổi tiếng khắp đất nước mang lại đời sống khá giả cho nhân dân. Để ghi nhớ công ơn, nhân dân đã tôn vinh Nhữ Đình Hiền là Thánh sư nghề lược. Đó cũng là điều đặc biệt của các vị tiến sĩ làng Hoạch Trạch.

Nguyễn Duy Cương
Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây