Người cựu binh mê sách
Gần chục năm mới có dịp đến thăm cựu chiến binh Lê Văn Phương, nguyên giám đốc công ty điện thoại, điện báo Hải Dương, đã nghỉ hưu. Căn nhà của ông Phương nằm sâu trong ngõ nhỏ của phường Ngọc Châu, TP Hải Dương.
Tôi giật mình vì tủ sách gia đình có tới hàng ngàn cuốn đủ thể loại từ khoa học tự nhiên-xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế… lấp đầy không gian tầng một. Chưa hết, ông còn dẫn tôi lên cầu thang hẹp tầng hai là phòng viết và bộ sách ông sưu tầm tổng hợp từ khi nghỉ hưu đến nay, với 106 đầu sách thuộc nhiều thể loại.
Tôi hỏi ông sức lực đâu mà làm được như vậy, ông Phương dí dỏm: “Có gì lạ, hãy đọc hai đến ba cuốn sách là tổng hợp được lại thành một cuốn thôi. Cấm kị “đánh xoáy” của người thành của mình, vì thế phải luôn nhớ và làm theo bốn chữ: “phân tích, tổng hợp”, rồi lồng tâm tư trải nghiệm thực tế của mình sau đó viết thành sách mới, lúc đầu khó, vượt khó sẽ thành dễ.”
Chân dung ông Phương.
Dưới mái hiên trông ra khoảng xanh trước sân, sau khi thưởng thức chén trà ướp hoa nhài, ông Phương tâm sự: Vốn sinh ra từ vùng quê nghèo thuần nông thôn Sông Động, xã Tân An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, từ khi thơ ấu ông đã vừa làm vừa học và tìm tòi sách truyện đọc thêm. Vượt khó thành giỏi, năm 1965 tốt nghiệp cấp ba Hồng Quang (Hải Dương) cũng là lúc cả nước sục sôi kháng chiến chống Mĩ cứu nước, anh Phương tạm gác “bút nghiên” làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Không những có mặt trên các chiến trường A, B, C, chiến sĩ Lê Văn Phương còn tới chiến trường Lào làm nhiệm vụ quốc tế cao cả; trở về nước khi là thương binh song vẫn giữ được “cái đầu” khỏe khoắn.
Sau ngày thống nhất đất nước, cựu chiến binh Phương quyết chí theo học đại học Bách Khoa, được cử sang Liên Xô học thông tin điện tử đang rất mới với đất nước ta. Sau 5 năm rèn luyện, anh Phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm luận án tốt nghiệp, trở về nước được giao nhiệm vụ làm giám đốc công ty điện thoại, điện báo Hải Dương. Với tác phong quân đội và sĩ khí của người có học thành tài, ngoài việc hoàn thành xây dựng đội ngũ cán bộ kĩ thuật chiến lược thông tin điện tử cho tỉnh, giám đốc Lê Văn Phương tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để thực hiện lời dạy của Lê-nin: “Học, học nữa, học mãi”. Ông bồi hồi nhớ lại ngày còn cắp sách đến trường ở quê nhà, mỗi sáng mẹ cho mấy đồng xu lót dạ, ông tằn tiện để dành rồi lên phố Hương (thị trấn Thanh Hà) mua sách, truyện thiếu nhi. Cho đến bây giờ ông vẫn không bỏ được thói quen mê sách. Ngoài ra, ông còn tham gia sáng tác thơ văn cùng hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương.
Thấm thoắt hơn 70 xuân trôi qua nhưng ông vẫn giữ thói quen coi sách là món ăn tinh thần không thể thiếu. Ông vừa đọc, vừa suy ngẫm, phân tích, chứng minh rồi tổng hợp viết thành cuốn sách mới. Tích tiểu thành đại, trải qua gần 20 năm, ông đã hoàn thành 106 đầu sách mới mang tên tác giả Lê Văn Phương, cựu chiến binh, nguyên giám đốc công ty điện thoại điện báo Hải Dương. Có thể coi đây là bộ sách “khủng” trên nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật, văn hóa, đời sống, lịch sử, địa lý, triết học… Ông Phương dự định sẽ kết thúc khi quyển thứ 111 ra đời với câu nói vui là ba nhất.
Đối diện với người “văn võ song toàn” Lê Văn Phương, tôi thấy ông như trẻ lại khi kể về quãng đời thơ ấu đã mê sách, chiến tranh không cắt đứt được mạch nguồn cho đến khi ngồi ghế giảng đường rồi về giữ chức vụ đầu ngành điện thoại điện báo mới mẻ khi đó. Ở đâu, ông Phương cũng thấy sách là mê, độc xong để lại dấu ấn cho đời bằng những phân tích, tổng hợp để nâng cao kiến thức giúp cho mọi người tham khảo, ứng dụng. Thật là một tấm gương tốt để mọi người noi theo.
Phạm Ngọc Châu