Nhớ mái đình xưa

Thứ năm - 26/04/2018 10:07 1.609 0
Với người Việt Nam, ký ức về quê hương luôn in đậm hình ảnh cây đa, bến nước, mái đình… Hình ảnh ấy theo đi thành nỗi nhớ suốt đời cho những ai có cuộc sống tha hương, viễn xứ.
Nhớ mái đình xưa
Đình làng là hình ảnh thân thương gắn bó. Nơi ấy chứng kiến mọi sinh hoạt của cộng đồng làng xã với đủ chuyện buồn vui, phong tục, tình cảm. Người đi xa mỗi dịp về thăm quê, lòng ai mà chẳng thấp thỏm mong sớm đến nơi để từ chốn ấy tìm lại những kỷ niệm ấu thơ thủa còn sống trong tình làng nghĩa xóm. Nơi đầu tiên người đi xa về, đưa mắt dõi tìm có lẽ là mái đình làng. Nơi ấy mỗi lần ta đi xa, mẹ ta, em ta ra đưa tiễn. Cũng nơi ấy  mẹ ta, em ta từng mỏi mắt mong ngóng ta về.
          Ngược dòng thời gian xa xưa, ngôi đình chỉ mang tính chất một ngôi quán nghỉ chân cho khách bộ hành, bên một con đường cái quan, võng cáng ngựa xe của quan quân dừng chân khi kinh lý, hoặc ven một dòng sông tiện cho thuyền rồng của nhà vua và hoàng hậu cập bến nghỉ chân mỗi độ du xuân vãng cảnh non sông, đất nước.
          Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tập 2 có ghi một đoán nói về ngôi đình như sau: “Trước đây tục nước ta vì nóng bức nên làm nhiều đình cho người đi đường nghỉ chân, thường quét vôi trắng, gọi là đình trạm. Thượng hoàng Trần Thừa-bố của Trần Cảnh-khi còn hàn vi, từng nghỉ chân ở đó. Có một nhà sư bảo rằng “Người trẻ tuổi này ngày sau sẽ đại quý”. Nói xong thì không thấy nhà sư đâu nữa. Đến khi vua lấy được thiên hạ, mới có lệnh này. Thượng hoàng xuống chiếu rằng “Trong nước hễ chỗ nào có đình trạm đều phải đắp tượng Phật để thời”.  Trải qua năm tháng đến khi nông thôn Việt Nam xuất hiện tục thờ Thành Hoàng thì chức năng của ngôi đình cũng có nhiều thay đổi.
Đình là chốn thiêng liêng, nơi bái vọng và niềm tin của mọi thành viên trong cộng đồng làng xã. Đình được cả làng dành cho mọi ưu tiên, đặc biệt là vị trí xây dựng. Theo thuyết phong thủy, đình thường trông ra một con sông hưởng gió mát trong lành, không gian thoáng đoãng. Chính vì thế mà hình ảnh bến nước, con đò và mái đình luôn gắn bó với nhau. Nếu không có một dòng sông tự nhiên chảy qua thì dân làng thường đào một cái ao lớn, gọi là ao Đình hoặc một cái giếng, gọi là giếng Đình thường trồng hoa sen để tạo cảnh quan đẹp “lá xanh, bông trắng, nhị vàng” và có hương sen lan tỏa làm mát không gian đình. Mặt khác đình cũng phải ở nơi trung tâm của làng xã để mọi đường thôn ngõ xóm thuận tiện quy tụ về đây, để tiếng trống đình vang vọng đến mọi xóm mọi nhà.
Thông thường một ngôi đình gồm nhiều bộ phận: tam quan (cổng đình) sân đình, hai giải vũ, nhà tiền bái, rồi một chiếc sân nhỏ dẫn vào nhà đại bái thông với hậu cung, nơi đặt bài vị Thành Hoàng cùng các sắc phong của các triều đại vua chúa ngày xưa. Thành Hoàng thường là người có công khai phá, lập làng, hoặc một vị tổ nghề, đã đem về quảng bá cho dân làng hoặc một vị quan chức có quan hệ với làng và được dân làng hàm ân, yêu quý nhất.
10
                                                 Đình làng Phù Tinh, xã Trường Thành, huyện Thanh Hà (Hải Dương), một ngôi đình có cổ kính, rêu phong.
Đình làng Việt Nam thường được làm gỗ lim theo kiến trúc truyền thống vì kèo kiểu chồng giường giá chiêng. Mái đình lợp ngói ta có góc đầu đao cong vút mềm mại. Các đao đình thường đắp hình long, ly, quy, phượng hoặc những con nghê lơ dãng quay nhìn thế sự đổi thay. Trên nóc đình, ở chính giữa thường đắp hình lưỡng long triều nguyệt (hai con rồng chầu mặt trăng). Phần gỗ trong đình thường có trạm trổ tinh vi hình tứ linh, đều là những tác phẩm điêu khắc tuyệt xảo. Điêu khắc đình làng là nét đặc sắc trong kiến trúc ngôi đình, phản ảnh một cách khá tiêu biểu lịch sử nghệ thuật kiến trúc Việt Nam.
Từ khoảng thế kỷ XV trở đi, ở làng quê Việt nam từ trung du đến đồng bằng hầu như làng nào cũng có một ngôi đình. Làng đông dân, đa đinh, có khi lại có hai, thậm chí có ba ngôi đình, phản ảnh một cách khá tiêu biểu lịch sử nghệ thuật kiến trúc Việt Nam.
Có cầu ắt có cung. Ngược dòng thời gian từ vài trăm năm về trước đã xuất hiện làng nghề truyền thống Cúc Bồ - Ninh Giang - Hải Dương, với những người thợ tài hoa chuyên làm mộc xây dựng đình chùa. Theo một thống kê chưa đầy đủ thì trong thời gian từ 1906-1942, Cúc Bồ có 7 hiệp thợ, đã làm được 117 ngôi đình, 26 ngôi chùa và 12 ngôi miếu ở khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Đình là nơi thờ Thành Hoàng. Ngày Tết Nguyên Đán cả làng hầu như mỗi gia đình đều cử đại diện đến lễ đình, cầu mong được Thành Hoàng chở che và phù hợp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, để gia đình ăn nê làm ra trong suốt cả năm dài. Trong những ngày đình đám hội hè thường là kỵ nhật của Thành Hoàng, dân làng tổ chức tế lễ linh đình. Dù làm ăn sinh sống ở nơi xa mấy, dân làng cũng rủ nhau về dư hội, cầu mong ân đức của Thành Hoàng chở che cho những kẻ xa quê. Vậy đình còn có chức năng tín ngưỡng, là nơi dân làng sùng kính, thường xuyên lễ bái cầu mong một điều gì đó thiêng liêng ở sâu thẳm tâm hồn.
Đình còn là nơi chức sắc và dân làng họp bàn việc dân việc nước, chứng kiến đủ việc lớn nhỏ, tập trung đủ nếp sống văn minh tích cực lẫn thói hủ tục lạc hậu, từ khao thưởng đến phạt vạ, từ việc đón rước ông nghè “vinh quy bái tổ” đến việc “phạt gái trốn chúa lộn chồng”, “gọt tóc bôi vôi”, dong khắp đường làng ngõ xóm.
Việc riêng tư của từng con dân trong làng xã được xét xử tại đình. Việc lớn lao liên quan đến vận mệnh đất nước dân tộc cũng được quyết định tại đình. Tháng Tám năm 1945, tình hình quốc tế biến chuyển, đất nước đang ở trong một thời điểm thuận lợi “ngàn năm có một”, để quyết định vận mệnh dân tộc, một Đại hội Đại biểu quốc dân toàn quốc đã được tổ chức tại đình tân Trào. Lệnh tổng khởi nghĩa vừa ban ra từ mái đình này thì ngay lập tức, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở hầu hết xóm thôn trong cả nước đều diễn ra ở các sân đình. Từ đây, đình trở thành trụ sở Ủy ban Cách mạng, là nơi  dạy “i tờ” diệt giặc dốt, râm ran những buổi trưa hè. Đình làng còn là nơi bầu cử quốc hội, là nơi tiễn đưa các trai làng đầu quan Nam Tiến bảo vệ quê hương. Và sân đình là nơi chứng kiến cảnh bao cô thôn nữ tặng anh tân binh một túi hoa bưởi mà “hương thầm con lưu luyến  mãi người đi”. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình còn trở thành giảng đường các trường đại học sơ tán về nông thôn. Rõ ràng, đình làng có chức năng hành chính tương tự một tòa Thị Chính, một trụ sở UBND, một trường học.
Đình làng nói chung, sân đình nói riêng còn đóng vai trò sân khấu ngoài trời, nơi biểu diễn nghệ thuật ca trù-còn gọi là hát cửa đình, hát chèo hoặc hát trống quân, hát quan họ; nơi diễn ra các trò chơi dân gian như kéo co, đánh đu, bắt trạch trong chum mà trai gái trong làng cũng như người tứ xứ, tham gia hưởng ứng rất nhiệt tình.
            Qua đình ngả nón trông đình
           Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu
          Câu thơ này khuyết chủ ngữ. Ai ngả nón đây? Ai thương mình đây? Thương mình hay thương người? Ý từ còn kín đáo xa xôi quá. Nhưng với câu thơ sau:
           Đêm qua tát nước ao đình
          Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
         Em nhặt được thì cho anh xin….
          thì ý đồ đã lộ rõ. Anh trai làng muốn tỏ tình cùng cô thôn nữ. Không gian đình, sân đình, ao đình hương sen thơm ngát đã là chứng nhân của biết bao mối tình đầu đơn sơ chất phác của những đôi nam nữ trong làng!
          Vậy đình còn có thể coi là một câu lạc bộ văn hóa để nam thanh nữ tú giao hòa tình cảm chia ngọt sẻ bùi.
          Giáo sư Hà Kế Tấn từng nhận định: “Có thể coi đình là một tòa thị chính, một nhà thờ và một nhà văn hóa cộng lại của làng xã Việt Nam. Ngôi đình là biểu tượng cho cộng đồng làng xã Việt Nam, là một yếu tố hữu hình của văn hóa làng Việt Nam”.
          Ngôi đình xưa có nhiều chức năng như vậy đó. Nhưng rất tiếc do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhiều làng xã đến nay không còn đình nữa. Do đó nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo vệ, trùng tu những ngôi đình còn sót lại, coi đó là những di sản quý báu mà cha ông truyền lại cho thế hệ chúng ta và cho muôn đời con cháu mai sau.
                                                                                                                                         Lưu Đức Ý
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây