Cách đây 3 năm, anh Bùi Đức Lợi, hậu duệ 22 đời kể từ Khai quốc công thần Bùi Quốc Hưng, có tìm được một tấm bản đồ, đúng hơn là một cảnh đồ, nghĩa là vừa là một bản đồ, nhưng trên từng vị trí có vẽ hình kiến trúc, bằng mực nho trên da từ cuối thế kỷ XVIII. Đây là bảo vật của tổ tiên để lại. Tuy đã trên hai thế kỷ, nhưng nét chữ dù có phai mờ nhưng may mắn vẫn còn đọc được căn bản. Từ những thông tin trên tấm bảo đồ vẽ trên da này không chỉ làm sáng tổ quy mô gia cảnh đại gai họ Bùi trang Quang Ánh, huyện Gia Phúc mà nay gọi là thôn Quang Tiền xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc mà còn cho biết những thông tin quang trọng về lịch sử địa phương và đất nước ở thế kỷ XV.
Bản đồ cổ của gia đình họ Bùi. Ảnh tác giả cung cấp.
Hàng thứ nhất:
Chu trú trại (舟住寨): Nơi đậu thuyền. Đây là hiện trạng của thế kỷ XV, thời mà đường thủy chiếm địa vị trọng yếu trong giao thông và giao thương, thời mà sông ngòi trên địa bản xứ Đông còn như mạng nhện, thuyền đinh cỡ lớn có thể đi thông từ sông Định Đào qua Cối Xuyên sang sông Thái Bình. Khi đó, bà Bùi Thị Hý và chồng là Đặng Sĩ là những người làm chủ các thương thuyền buôn bán với nước ngoài.
Hàng thứ hai:
Lưu thủy xuất nhập giang môn (流水出入江門); Cửa sông ra vào có nước lưu thông. Như vậy, đương thời, thuyền lớn có thể vào tận Gia trang của họ Bùi.
Quán kiều (館橋): Cầu có mái che, hay còn gọi là thượng gia hạ kiều, nay còn thấy ở chùa Thày (Sài Sơn, Hà Nội) hay Cầu Chùa ở Hội An), hay như cầu Thấu Ngọc ở Côn Sơn mới tái tạo. Đây là những công trình chỉ có ở những làng quê văn hiến và giầu có hoặc trong khuân viên của các đại gia. Hình ảnh công trình văn hóa Thượng gia hạ trì, hay hạ kiều ở thế kỷ XV dù ít nhưng đã có trong tư trang trên đất xứ Hải Dương.
Mã đường (馬堂): Nhà buộc ngựa không chỉ của gia đình mà còn để cho khách đến giao dịch, có như vậy mới dùng chữ đường.
Trữ khu đường (貯區堂): Khu nhà để tài sản, gồm 3 ngôi nhà liền kề, có thể hiểu là khu nhà kho. 3 ngôi nhà vẽ trên bản đồ chỉ có nghĩa chỉ số nhiều, thực tế có thể không chỉ có 3 ngôi. Đây là nơi thu gom đồ gốm và hương liệu của Việt Nam trước khi xuất khẩu. Từ hình ảnh này có thể suy ra Chu Đậu, trung tâm gốm mỹ nghệ xuất khẩu trên 150 năm có quy mô tương tự, thậm chí còn lớn hơn. Chúng ta biết rằng, chỉ một con tầu đắm ở biển Cù Lao Chàm đương thời đã có trên 50 vạn hiện vật ra đi từ Chu Đậu, một chuyến đi như thế không chỉ một con tầu và không chỉ có đồ gốm, đủ biết sức sản xuất và kho hàng đương thời như thế nào. Tiếc rằng Chu Đậu không tìm được hình ảnh như thế.
Giáo nghệ tràng (教藝場: Trường dạy nghề, đây là trường hợp hiếm có trong môt gia đình. Trên bản đồ vẽ một hồi nhà có 3 cửa, tức ngôi nhà mở cửa dọc. Vậy dạy nghề ở đây là nghề gì ? Trước hết là nghề làm gốm sứ, một nghề mà dân gian thường nói là nghề chơi với lửa, thật không dễ, nó mang yếu tố kỹ thuật và là mỹ thuật khắt khe, nhất là gốm mỹ nghệ cao cấp phục vụ ngự dụng và xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và Phương Tây, như minh văn trên mộ chí đã ghi.
Nghị ngân lâu đường (蟻銀樓堂): Nhà lầu chứa tiền. Nghị là kiến, ngân là bạc, nghị ngân nghĩa bóng là tiền bạc nhiều như kiến không thể đếm xuể. Lâu là lầu từ hai tầng trở lên. Ở đây ghi 3 tầng. Đường là ngôi nhà lớn. Như vậy có thể hiểu là ngôi nhà nhiều tầng chứa nhiều tiền bạc.
Giáo học đường (教學堂: Nhà dạy học. Trên bản đồ vẽ một hồi nhà có 3 cửa, tức ngôi nhà mở cửa dọc tương tự Giáo nghệ đường. Trong một tấm bia khai quật được tậi sân từ đường ở đây có ghi sự kiện, năm Thuận Thiên thứ 5 (1432) Lão tướng Bùi Quốc Hưng dựng mội ngôi nhà để dạy chữ cho cháu nội. Đây là ự kiện vô cùng quan trọng đối với chi em Bùi Thị Hý để trờ thành nhân tài sau này.
Hàng thứ ba:
Long ngạch tọa đại chính đường, ngũ gian, trường tam thập ngũ Lỗ Ban xích, trụ nhất xích tam thốn:
(龍額坐 大正堂五間長三十五鹵班尺柱一尺三寸)
Biển ngạch của nhà vua ban treo ở gian giữa toà nhà chính. Ngôi nhà này có 5 gian, dài 35 thước Lỗ Ban (tương đương 14m, cột khoát 1 thước, 3 tấc (tương đương 52cm). Tảng của ngôi nhà này nay vẫn còn có ghi tên Bùi Khởi, em ruột Bùi Thị Hý. Trên bản đồ vẽ một ngôi nhà 5 gian lớn.
Thủy tọa ẩm trà đường(水坐飲茶堂: Ngôi nhà trên mặt nước dùng để uống trà. Trên bản đồ vẽ một ngôi nhà, hình thức tương tự như chùa Một Cột ở Thăng Long giữa một ao lớn, có cầu bắc từ bờ lên nhà. Ao đề 3 chữ Môn sinh trì (門生池), nghĩa là ao của học trò. Hình ảnh này thể hiện sự phong lưu, lịch lãm của gia đình đại gia ở thế kỷ XV mà nay không phải đại gia nào cũng có.
Hàng thứ tư:
Có một ngôi nhà nhưng chú thích đã mờ không thể đọc được.
Ngoạn bồn(玩盆): một hình bàu dục, ở chính giữa khu vườn, có tựa đề nghĩa đen chỉ là cái chậu sành đẹp, nhưng nghĩa bóng ở đây phải hiểu là non bộ, nơi ngắm cảnh ngoạn mục.
Hàng thứ năm:
Bi đường (碑堂): có hình một nhà bia. Hiện nay khi khai quật ở sân nhà thờ tìm được nhiều bia nhỏ, hy vọng vào một ngày nào đó sẽ tìm được tấm bia lớn như trong bản đồ đã ghi.
Bình phong (平風): tương tự như tắc môn ở những nơi thờ tự.
Hương mộc (香木): Cây hương, vẽ một ngôi nhà nhỏ dùng để thắp hương của gia đình.
Bùi Thị Hý chi mộ-Hinh nhân linh địa (裴氏戲之墓-形人靈地): Mộ phần của bà Bùi Thị Hý tại khu đất thiêng hình người. Mộ đã phát hiện và khai quật trước khi tìm được bản đồ này. Mộ có mộ chí khắc năm Cảnh Thống thứ 5 (1502) và một số đồ tùy táng, góp phần quan trọng cho việc tìm hiểu tiểu sử danh nhân.
Hàng thứ 6:
Mục Long tỉnh (目龍井): Giếng Mắt Rồng. Giếng này nay vẫn còn, tại đây đã tìm được một viên đá cát lớn có đề chữ Mục Long tỉnh. Giếng này thả sen nên bản đồ ghi là Liên Trì(蓮池), tức ao sen.
Cổ linh địa-Bùi Quốc Hưng chi mộ (古靈地-裴國興之墓): Đất cổ thiêng, nơi có mộ Bùi Quốc Hưng. Mộ này đã được khai quật, có mộ chí khắc năm Đoan Khánh nguyên niên (1505). Mộ chí chỉ ghi 79 chữ theo đường xoáy trôn ốc, nhưng cho nhưng thông tin có giá trị về gia cảnh và xã hội đương thời.
Hàng cuối cùng ghi chữ môn (門), trên hình của cửa này có dòng chữ Bùi Gia trang (裴家莊), có nghĩa cửa của gia trang họ Bùi.
Ở góc cuối có ghi:
Cảnh Hưng tứ thập nhất niên, bát nguyệt, thập ngũ nhật. Họa tòng cổ bản đại sư Bùi Đình Ái (景興四十壹年八月十五日họa 從古本.大師裴廷 愛:
Đại sư Bùi Đình Ái vẽ theo bản cổ vào ngày 15 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780).
Trên bản đồ còn vài chữ chưa đọc được vì quá mờ.
Mặt sau bản đồ đề hai chữ lớn Mật truyền (密傳) và 4 dòng nói về khởi tổ của dòng họ từ Bùi Mộc Đạc (tức Phí Mộc Lạc) đầu thế kỷ XIV và những bí mật của dòng họ.
Đối chiếu trên bản đồ với những di tích đã khai quật là hoàn toàn chính xác. Hi vọng qua bản đồ cổ này sẽ phát hiện nhiều di tích và cổ vật có giá trị liên quan đến danh nhân Bùi Thị Hý.
Như vậy, một bản đồ chỉ bằng một trang giấy A4 mà cho biết bao nhiêu thông tin quan trọng về gia cảnh một đại gia ở nửa cuối của thế kỷ XV, thế kỷ chế độ phong kiến Việt Nam đạt đến đỉnh cao về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tăng Bá Hoành
Chủ tịch Hội Sử học tỉnh
Ý kiến bạn đọc