Nhà tưởng niệm cố Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã được tỉnh Hải Hưng ( Hải Dương ngày nay) đặt ra từ sau khi Phó chủ tịch nước qua đời ( năm 1979). Nhưng phải đến năm 1995 mới được thực hiện, nhà tưởng niệm được xây dựng tại thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, quê hương của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Công trình được giao cho UBND huyện Thanh Miện làm chủ đầu tư, phần thiết kế nội thất, nội dung trưng bày giao cho Sở Văn hóa Thông tin ( nay là Sở VHTT & DL) và Bảo tàng tỉnh thực hiện từ cuối năm 1995 đến tháng 9 năm 1996 khánh thành.
Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, được sự phân công của Sở Văn hóa Thông tin, Bảo tàng tỉnh đã tập trung những cán bộ có chuyên môn thực hiện công việc này. Do xác định đây là loại hình nhà lưu niệm danh nhân, đồng thời lại như một ngôi đền thờ, nên việc đầu tiên là phải nghiên cứu để lập ra được bản đề cương chính trị, sau đó là bản đề cương sưu tầm tài liệu, hình ảnh và hiện vật, và tiếp theo là bản đề cương trưng bày chi tiết, cùng với việc thiết kế mỹ thuật trưng bày. Khi những văn bản chuyên môn trên được Hội đồng khoa học của Bảo tàng, Sở Văn hóa Thông tin và UBND tỉnh duyệt. Chúng tôi bắt đầu phân công cán bộ tỏa đi khắp nơi để sưu tầm. Bám sát vào các loại đề cương và chủ đề trưng bày đã định, trong đó đặc biệt khai thác triệt để bản tiểu sử của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Đó là cơ sở vững chắc nhất cho việc sưu tầm. Những nơi mà chúng tôi phải đến đó là: Gia đình đồng chí Nguyễn Lương Bằng ở Hà Nội, những gia đình là họ hàng đồng chí Nguyễn Lương Bằng ở thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, gia đình các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Hải Hưng, thành phố Hải Phòng, Nhà tù Sơn La, nơi đồng chí bị thực dân Pháp giam cầm, Thông tấn xã Việt Nam, nơi lưu giữ những hình ảnh về các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, nơi có thời kỳ đồng chí Nguyễn Lương Bằng công tác. Thôn Ấp Dọn, xã Thái Dương, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Hưng, nơi đồng chí vượt ngục về hoạt động, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân và in báo Công nông năm 1932. Tại đây chúng tôi đã vô cùng cảm động khi được những người dân Ấp Dọn đưa ra cánh đồng có tên là Con Cá, tận mắt nhìn thấy thửa ruộng mà đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã nhận để cầy cấy trong thời gian ở Ấp Dọn. Văn phòng UBND huyện Thanh Miện, Thư viện tỉnh, và sau cùng là Nghĩa trang Mai Dịch, nơi yên nghỉ cuối cùng của đồng chí... Tất cả những nơi có liên quan đến gia đình và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, chúng tôi đều đến quyết không bỏ sót nơi nào. Với tinh thần trách nhiệm và tình cảm đối với đồng chí Nguyễn Lương Bằng, chúng tôi đều không quản ngại, đến tận nơi, bất chấp thời tiết mưa, nắng.
Một điều đáng mừng là hầu hết những nơi chúng tôi đến sưu tầm, mọi người sau khi nghe chúng tôi trình bầy công việc đều rất nhiệt tình cung cấp thông tin, tạo mọi điều kiện để công việc được thuận lợi. Đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam, nhân dân thôn Ấp Dọn...Họ đã ghi lại địa chỉ của chúng tôi và gửi ảnh, tài liêu, hiện vật có liên quan đến đồng chí Nguyễn Lương Bằng một cách nhanh nhất. Chính điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi, đồng thời cũng thấy được tình cảm yêu quý của Đảng và nhân dân ta dành cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng.
Tuy nhiên công việc sưu tầm cũng không phải không có những khó khăn, đó là thời gian sưu tầm không được phép kéo dài, phương tiện đi sưu tầm chủ yếu là xe máy, kinh phí không có, cán bộ chỉ dùng tiền công tác phí là chủ yếu. Ở một số nơi khi chúng tôi đến thì hầu như không còn tài liệu, hình ảnh gì, mặt khác có nơi thì phải đi lại nhiều lần mới có được, thậm chí có nơi không muốn giao tài liệu, hiện vật về đồng chí vì họ muốn giữ lại làm kỷ niệm...Tuy vậy, chỉ trong vòng khoảng 3 tháng ra quân, chúng tôi đã thu về được hơn 400 hình ảnh, 60 hiện vật và nhiều tư liệu quý. Mặt khác đội hình tham gia sưu tầm có cả đồng chí giám đốc bảo tàng tỉnh trực tiếp đi và chỉ đạo cho nên công việc được tiến hành nhanh và hiệu quả hơn.
Sau khi công việc sưu tầm đã hòm hòm, chúng tôi bắt tay thực hiện việc dàn dựng trưng bày theo ma két đã duyệt. Công việc này phải thực hiện tại Nhà tưởng niệm ở thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện. Được sự giúp đỡ của Đảng ủy, UBND xã Thanh Tùng, đặc biệt là nhân dân thôn Đông, gia đình là họ hàng đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đã tạo điều kiện về ăn, ở, sinh hoạt cho chúng tôi. Xã cử một gia đình ở gần Nhà tưởng niệm làm nhiệm vụ nấu cơm cho các cán bộ bảo tàng. Trong thời gian làm công tác trưng bày, chúng tôi luôn nhận được quan tâm của lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin, Huyện ủy, UBND, phòng Văn hóa Thông tin huyện Thanh Miện đến thăm, động viên và góp ý trưng bày. Bản thân các cán bộ bảo tàng chúng tôi cũng khắc phục khó khăn về gia đình, con cái, tất cả cho công tác trưng bày tại nhà tưởng niệm. Hàng ngày chúng tôi đều tập trung hội ý về chủ đề trưng bày, khi đã thống nhất là bắt tay vào việc. Có hôm làm mải quên cả nghỉ trưa, gia đình nấu cơm phải ra gọi, chúng tôi mới về nghỉ...
Sau gần một năm vừa thi công ngôi nhà, vừa xây dựng nội dung trưng bày, ngày 6 tháng 9 năm 1996 Nhà tưởng niệm được khánh thành và đi vào hoạt động. Ngày khánh thành Nhà tưởng niệm thực sự là dịp sinh hoạt chính trị, văn hóa đặc biệt của nhân dân địa phương không thể nào quên.
Nội dung trưng bày nhà tưởng niệm gồm 3 chủ đề chính đó là: Giới thiệu về quê hương, gia đình và thời niên thiếu của đồng chí Nguyễn Lương Bằng; Thân thế và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Lương Bằng; Tình cảm của nhân dân địa phương đối với đồng chí và tình cảm của đồng chí với quê hương. Bên cạnh 3 chủ đề chính, nhà tưởng niệm còn giới thiệu một số thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của xã Thành Tùng và huyện Thanh Miện. Sau lễ khánh thành, công trình được giao cho Đảng ủy, UBND xã Thanh Tùng quản lý và phát huy tác dụng.
Trải gần 20 năm hoạt động, nhà tưởng niệm thực sự trở thành địa chỉ văn hóa tiêu biểu của tỉnh, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, nhất là đối với thế hệ trẻ. Nhà tưởng niệm đã được bảo tàng tỉnh sửa chữa, nâng cấp nhiều lần về nội dung cũng như hình thức. Năm 2008, tỉnh Hải Dương đầu tư kinh phí nâng cấp toàn bộ cả về ngôi nhà và nội thất trưng bày. Một lần nữa Bảo tàng Hải Dương lại được tỉnh phân công lập bản đề cương chỉnh lý, nội dung vẫn tập trung vào 3 chủ đề chính, nhưng chủ đề giới thiệu về thân thế sự nghiệp đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bổ sung nhiều tài liệu, hình ảnh và hiện vật có giá trị. Bản đề cương chỉnh lý trưng bày sau khi được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương phê duyệt, Việc thực hiện chỉnh lý được giao cho chị Nguyễn Thị Tường Vân, là con gái đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Trong một thời gian ngắn chị Tường Vân cùng các cộng sự đã làm việc hết sức trách nhiệm, hoàn thành việc chỉnh lý. Đã có rất nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh quý được bổ sung cả về chất lượng và lời giới thiệu thuyết minh. Nội dung trưng bày được dàn dựng khá hợp lý, các phương tiện trưng bày được trú ý về chất lượng. Đặc biệt những thông tin về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng được xác minh rõ nét hơn, làm cho chất lượng nhà trưng bày đạt được cả về nội dung và hình thức.
Nhà tưởng niệm cố Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng không chỉ là niềm tự hào của nhân dân xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện nói riêng và nhân dân Hải Dương nói chung, mà còn là nơi lưu giữ và phát huy giá trị những di sản văn hóa quý báu về một danh nhân lịch sử của đất nước, có ý nghĩa như một ngôi đền thờ những người có công với dân với nước, sẽ được lưu truyền mãi mãi.
Nhân dịp kỷ niệm 111 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Lương Bằng ( 2/4/1904 - 2/4/2015), những ký ức và kỷ niệm về thời kỳ tham gia làm công việc xây dựng nội dung nhà tưởng niệm đồng chí lại ùa về với chúng tôi, những cán bộ của bảo tàng tỉnh Hải Dương. Mặc dù chúng tôi đã có vinh dự là nhiều lần được trực tiếp thắp hương trên bàn thờ tại gia đình đồng chí Nguyễn Lương Bằng ở Hà Nội, và tại mộ đồng chí ở nghĩa trang Mai Dịch. Nhưng với bài ghi chép trên đây mong rằng cũng là một nén tâm hương dâng lên hương hồn đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Chúng tôi muốn nói với đồng chí rằng: Những cán bộ bình thường như chúng tôi cũng có quyền tự hào về truyền thống của lớp cha ông đi trước, những người đã sống và chiến đấu vì đất nước Việt Nam tươi đẹp như đồng chí Nguyễn Lương Bằng, người con yêu dấu của quê hương Hải Dương chúng ta./.
Lê Thị Dự
Ý kiến bạn đọc