Cùng với đồ gốm, di sản Hán Nôm cũng được quan tâm sưu tầm nghiên cứu rất sớm. Từ năm 1966 đến năm 1970, tỉnh Hải Hưng khi đó đã hoàn thành căn bản việc kiểm kê di tích lịch sử văn hóa, trong đó có di sản Hán Nôm, lấy về kho trên 600 đơn vị tư liệu, trong đó có cả Bản đồ thời Hồng Đức. Năm 1984, chúng tôi hoàn thành thư mục văn bia, gồm 1500 đơn vị tư liệu. Tại sao di sản Hán Nôm lại được quan tâm sớm như vậy ? Vấn đề đơn giản là, nghiên cứu lịch sử nước nhà, nhất là lịch sử Hải Hưng cổ cận đại, nếu không đọc được văn bản Hán Nôm chắc chắn là không thành công. Một học giả Đức, khi muốn dịch Truyện Kiều sang tiếng Đức đã giành 6 năm học chữ Nôm của Việt Nam để có cơ sở khoa học khi phiên dịch, qua đó cho thấy việc hiểu nguyên bản và đọc được văn bản gốc quan trọng như thế nào đối với việc phiên dịch.
Tháng 6 năm 1980, đồng chí Ngô Duy Đông, khi đó là Bí thứ Tỉnh ủy, có chuyển cho chúng tôi lá thư của ông Anabuky, khi đó là cán bộ của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, gửi cho đồng chí Bí thư và các nhà khảo cổ học, mỹ thuật học của Hải Hưng hỏi về nguồn gốc bình gốm hoa lam lưu ở bảo tàng Hoàng gia Thổ Nhĩ Kỳ, từ những thế kỷ trước. Ông đặc biệt quan tâm đến 13 chữ Hán viết khá đẹp trên vai bình:
Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhât Bùi Thị Hý Bút
13 chữ ấy, có nghĩ là: Năm Thái Hòa thứ 8 (1450), tại châu Nam Sách, người thợ gốm là Bùi Thị Hý vẽ (cũng có thể hiểu là tạo tác). Có 13 chữ thôi mà có nhiều cách dịch và hiểu rất khác nhau.
Trước hết là niên hiệu: Thái Hòa hay Đại Hòa ?. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, bản chữ Hán, khắc năm Chính Hòa 18 (1697) cũng như tiền thời Lê Sơ, niên đại Thái Hòa hiện sưu tầm được, chữ Đại(大) không có dấu chấm. Các dịch giả dịch Đại Việt sử ký toàn thư, cũng như niên biểu in trước 1975, đều dịch là Thái Hòa, lý do là chữ Thái cổ nhiều trường hợp viết không có dấu chấm, dễ nhầm thành chữ Đại. Cách đây khoảng 20 năm, một số học giả làm niên biểu hoặc dịch cổ văn, niên đại Thái Hòa dịch là Đại Hòa. Theo tôi, bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư từ đầu thế kỷ XX cho đến nay là đúng, vì vậy chúng tôi dịch niên đại trên bình gốm là Thái Hòa như nhiều học giả nước ngoài đã dịch. Độc giả có thể tìm đọc nguyên bản chữ Hán trong Đại Việt sử ký toàn thư quyển XI, trang 57b, dòng thứ 9 cột 5, hoặc bản dịch năm 1998, tập II, trang 354, dòng thứ 4 từ trên xuống (NXB KHXH VN).
Về địa danh châu Nam Sách, đây là địa danh có từ thời Minh xâm lược. Sau giải phóng, nhà Lê chưa kịp thay đổi đến cấp châu quận. Đến niên hiệu Diên Ninh (1454-1459) mới có sự sửa đổi, nhưng lịch sử không ghi được sự kiện cụ thể, phải đến niên hiệu Quang Thuận thứ 10(1469), Lê Thánh Tông định bản đồ mới có sự thay đổi căn bản, châu Nam Sách đổi thành phủ Nam Sách. Chữ tượng nhân là người thợ, không có gì phải bàn, nhưng chữ Bùi Thị Hý bút do hiểu khác nhau nên cách dịch rất khác nhau. Nếu chữ Hý nói trên là chữ Phương chẳng hạn thì chả có gì phải bàn, nhưng ở đây lại là chữ Hý, mà chữ Hý trong Hán văn có nghĩa là đùa bỡn, chơi bời, diễu cợt, trò chơi…, như Hý kịch: Hát tuồng, Hý phường: phường chèo, Hý ngôn: nói đùa, Hý lộng: trêu cợt…, nhưng Hý bút, mà nhiều học giả dịch là vẽ chơi, thực tế chưa có trong điển cố hay tiền lệ. Vì hiểu chữ Hý như vậy nên dịch là: “Năm Đại Hòa thứ 8(1450), tại châu Nam Sách, người thợ gốm họ Bùi vẽ chơi”. Cứ coi cách dịch đó là một cách nội suy về Hán văn hay như một phát kiến cũng được. Nhưng những phát hiện khảo cổ học sau ngày 29-5 - 2006, tức cách đây đã 10 năm đã phủ định hoàn toàn cách dịch đó.
Số tết năm Bính Tuất, trong tạp chí Khoa học và ứng dụng, tôi có viết một bài về Bùi Thị Hý và khẳng định đây là một phụ nữ tài hoa, không phải một ông họ Bùi nào đó vẽ chơi như cách dịch và hiểu của một số học giả, trong đó không ít là giáo sư tiến sĩ. Mục đích của bài viết là hy vọng ở đâu đó người ta phát hiện ra bà Bùi Thị Hý, một phụ nữ phi thường ở thế kỷ XV. Một sự ngẫu nhiên mà may nắm hiếm có, một cuộc mò kim đáy biển mà lại thành công.
Khoảng 3 giờ chiều ngày 29-5-2006, hai người đàn ông đã đứng tuổi đến nhà tôi nhờ đọc một gia phả viết bằng chữ Hán đã úa vàng. Hai người cùng quê ở làng Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc. Người cao tuổi là Bùi Xuân Nhạn, nguyên là giáo viên dạy văn cấp hai, người trẻ hơn là Bùi Đức Lợi, cháu gọi ông Nhạn là chú, khi đó là trưởng thôn. Hai vị nhờ tôi dịch giúp trang gia phả tương truyền có ghi tiểu sử tổ cô Bùi Thị Hý, người nổi tiếng viết chữ đẹp và có tài làm đồ gốm. Trang đầu của gia phả viết như sau (bản dịch):
Thuyết tích, họ Bùi Quang Ánh có nghề làm sành sứ lâu đời, khởi nghiệp là nữ tài Bùi Thị Hý. Bà là người có tài văn chương, chữ đẹp, kỳ tài về họa. Bà cải trang làm nam giới, thi tới tam trường, phạm quy bị quan trường đuổi. Sau bà lấy chồng ở huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, nhưng không có con…
Chú cháu ông Nhạm tìm đến nhà tôi vì đã đọc bài báo trên tạp chí Khoa học và ứng dụng của Liên hiệp hội khoa học Hải Dương, nói về bà Bùi Thị Hý, thấy một sự tương ứng kỳ lạ và cho rằng đó có thể là vận may.
Sau sự kiện may hiếm có này, chúng tôi và gia đình anh Bùi Đức Lợi trong 10 năm qua đã phát hiện hàng trăm cổ vật và minh văn liên quan đến tiểu sử Bùi Thị Hý viết trên chất liệu đồng, đá, gốm, gỗ, giấy, lụa, da. Từ việc tìm hiểu chủ nhân gốm Chu Đậu đã phát hiện ra một căn cứ to lớn, quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược ở thế kỷ XV. Tiểu sử Bùi Thị Hý đã khá rõ, nhưng tiếc rằng một số học giả không hiểu vì bảo thủ hay vì không được nghiên cứu hiện vật gốc nên vẫn cứ dịch Bùi Thị Hý bút là Ông họ Bùi vẽ chơi ! Sự sai lầm này không chỉ trong một bài báo, bài nghiên cứu, trong sách chuyên khảo, trong luận văn khoa học mà cả trong sách giáo khoa.
Không chỉ có thế. Sau khi khai quật gốm Chu Đậu lần thứ 5, năm 1992, ông Anabuky có sang Việt Nam, nhờ chúng tôi đưa thăm nhưng nơi khai quật đồ gốm, trong đó có Chu Đậu. Từ năm 1980 đến năm 1992, ông không hề đến Chu Đậu, không chứng kiến một cuộc khai quật ở đây, thế nhưng nhiều báo chí cứ viết ông là người tìm ra gốm Chu Đậu. Công bằng mà nói, ông Anabuky là người ham thích chơi đồ gốm Việt Nam như nhiều người Nhật khác, chúng ta rất kính trọng. Lá thư ông gửi cho Bí thư tỉnh ủy chỉ là một câu hỏi về một đồ gốm có minh văn, nó như một chất xúc tác để chúng ta quan tâm hơn về gốm cổ trên đất Nam Sách. Gốm Chu Đậu được phát hiện vào tháng 8 năm 1983, trong khi thực hiện đề tài nghiên cứu Nghề cổ truyền Hải Hưngdo Ban Thông sử Hải Hưng tiến hành và khai quật, không liên quan đến bất cứ tổ chức khoa học nào ở trong và ngoài nước.
Sinh thời, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nói:”Kiến giải khoa học là một quá trình sửa sai, từ sai nhiều đến sai ít, rồi không sai”. Dân gian ta có câu:” Vua chúa còn có khi nhầm”. Khi đã sai thì dũng cảm sửa, không nên để con cháu chúng ta hiểu sai về lịch sử của chính mình.
Đất nước ta hiện nay có nhiều điều kỳ lạ tương tự như thế, đây có lẽ cũng là một điều kỳ lạ trong giới khảo cổ học nước nhà.
Đề tài gốm Chu Đậu nay đã khá nhiều tư liệu có giá trị về lịch sử và khảo cổ học, chúng tôi sẽ trình bày trong một chuyên khảo trong thời gian tới. Độc giả có thể tìm đọc trong từng phần trong những số sau.
Ý kiến bạn đọc