Những người tình nguyện theo con đường của Thiền sư Tuệ Tĩnh

Thứ hai - 27/03/2017 10:05 773 0

Những người trong lớp học của thầy Tuấn.

Những người trong lớp học của thầy Tuấn.
Có một lương y say mê thuốc Nam, nhiều năm liền đã mở các lớp dạy về y học cổ truyền miễn phí cho người dân với nhiều độ tuổi khác nhau đến từ nhiều địa phương trong cả nước, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc. Lớp học như thế đang diễn ra tại Đền Bia, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương

Đến nay, lớp học đã tổ chức được hai khóa, thu hút trên dưới năm chục học viên. Lớp học có đủ các thành phần gồm nam, phụ, cựu (chiến binh), lão... Có người đang hành nghề muốn học thêm. Có người đã từng mặc áo lính. Có người vừa học xong trung học phổ thông. Không ít cán bộ vừa nghỉ hưu nhưng nghe tiếng đồn mà đến học. Có cả nhà sư và linh mục. Tiêu biểu là ông Phan Văn Khải (1938), trú tại thôn Long Nham, xã Gia Hòa, Gia Lộc là học viên lớn tuổi nhất. Em Đặng Phương Thảo (2001), thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, hiện đang học lớp 11 nhưng vẫn theo học lớp đông y. Thật là một lớp học kì lạ. Tất cả học viên tham gia đều do tinh thần tình nguyện, và đều coi thiền sư Tuệ Tĩnh là tấm gương để mãi mãi noi theo.

          Giảng viên của lớp học là thầy Nguyễn Anh Tuấn, hiện đang là chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần dược Phúc Thịnh Đường. Công ty có nhiều văn phòng bố trí ở nhiều tỉnh trên Miền Bắc. Riêng ở Hải Dương có 3 văn phòng, trong đó văn phòng số 8 đặt ngay tại trụ sở Liên hiệp Các Hội Khoa học Kĩ thuật tỉnh Hải Dương. Văn phòng có chức năng tổ chức các lớp học, quảng bá gieo trồng và thu mua các vị thuốc quí và có giá trị. Trong giai đoạn này còn có nhiệm vụ vận động cộng đồng để kế thừa các bài thuốc gia truyền quí giá từ các lương y khắp đất nước như:

          Kế thừa từ gia anh Bùi Quốc Hùng và chị Ngô thị Tuyết Minh ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An hiến 02 bài thuốc Nam chữa xương khớp và xơ gan cổ chướng .

          Kế thừa từ gia đình bà Đàm Thị Ca và ông Nguyễn Duy Phúc, dân tộc Nùng ở xã Đồng Kì, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang hiến 04 bài thuốc gia truyền chữa dạ dày, sỏi thận, thấp khớp và thuốc tắm của người Dao.

          Kế thừa từ gia đình ông Đàm Văn Lạng và bà Phương Thị Hạnh dân tộc Nùng, xã Canh Nậu, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang hiến 02 bài thuốc chữa xương khớp và chấn thương mà xưa đã từng dùng chữa trị cho nghĩa quân Hoàng Hoa Thám...

Với mỗi lần kế thừa như thế, công ty đều tổ chức tiếp nhận rất trân trọng như: tổ chức hội nghị tiếp nhận, trao bằng ghi nhận bài thuốc, chụp ảnh để lưu trong kỉ yếu của công ty và thông báo đi nhiều nơi...

Về hoạt động này có một sự kiện rất cảm động là năm 2013, trong một lớp học mở tại Chùa Dâu tỉnh Bắc Ninh do Hội Bộ Đội Trường Sơn 559 tỉnh Bắc Ninh tổ chức, bỗng có một lương y quê ở huyện Thuận Thành nghe tiếng đã tìm đến lớp học để dự thính. Biết mục tiêu lớp học hết sức nhân đạo và hết lòng vì cộng đồng nên ngay tại lớp học ông đã tình nguyện hiến tặng một bài thuốc chữa bệnh thận gia truyền hết sức quí giá. Đó là gia đình ông Trần Xuân Yến và bà Nguyễn Thị Thoa ở thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trong kháng chiến chống Mĩ, ông Yến phụ trách quân y đường dây 559. Khi giải ngũ ông về công tác tại trạm y tế xã Gia Động, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Bài thuốc gia truyền này đã nhiều năm chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân quanh vùng, kể cả ở các tỉnh xa khắp Nam Bắc đến lấy thuốc và chữa bệnh.

Do xuất thần hiến tặng trong lúc chưa trao đổi với gia đình. Khi về nhà dù con cháu không đồng thuận, nhưng lương y vẫn cương quyết đến UBND thị trấn làm thủ tục hiến tặng. Không ngờ sau khi hiến tặng, nhờ công ty quảng bá thương hiệu, bệnh nhân tín nhiệm còn đến nhà đông hơn. Hiện tại lương y đã mất. Người con gái cả thừa kế bài thuốc. Bệnh nhân đến đông đến mức gia đình phải thuê thêm người đi sưu tầm dược liệu mới kịp cắt thuốc cho mọi người. Hôm 49 ngày giỗ cụ, thày Lê Anh Tuấn có về với tinh thần "sống tết chết giỗ" đối với người thày thuốc có tấm lòng "cứu nhân độ thế".

           Lớp học góp phần đào tạo những lương y kế tục truyền thống thuốc Nam của Tuệ Tĩnh nhưng cũng góp phần khai phóng phong trào trồng dược liệu và chế biến thuốc Nam. Trong lớp học có nhiều học viên đã trồng cây thuốc. Chị Nguyễn Thị Lý, một cựu chiến binh đã vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến chống Mĩ nhưng cũng làm nên  kì tích trồng cây thuốc. Chị có tới 10 ha chỉ trồng cây thuốc tại thôn Bãi Thảo 1, xã Hoàng Hoa Thám, TX Chí Linh

nhằm làm từ thiện cho các chiên hữu và cộng đồng. Cha Nguyễn Thế Hiệt, một linh mục chủ trì nhà thờ ở thị xã Sao Đỏ cũng biến khuôn viên nhà thờ thành một vườn dược liệu. Còn công ty của thày Nguyễn Anh Tuấn, thì ngoài các vườn dược liệu ở Lạng Sơn, Yên Bái, Tam Đảo, Hoà Bình và Hải Phòng ra, thày còn tham gia cải tạo vườn cây thuốc ngay ở Đền Bia. Đây là vườn cây thuốc mới qui hoạch lại năm 2015 với khoảng 100 cây dược liệu trồng theo 9 nhóm chữa trị các loại bệnh theo qui định của ngành y tế. Trong tương lai còn bổ sung thêm nhiều nữa để trước mắt phục vụ cho giảng dạy, nhằm giúp học viên nhận biết các cây thuốc, cách chăm sóc và thu hái.

    Giữa tháng 12 vừa qua, thầy Nguyễn Anh Tuấn đã trao giấy chứng nhận cho các học viên khóa 2, và chuẩn bị khai giảng cho khóa mới.

Nguyễn Văn Khang

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây