Thành tựu khảo cổ học Hải Dương

Thứ tư - 14/08/2019 14:49 1.229 0
Khảo cổ học là khoa học nghiên cứu lịch sử xã hội qua di tích vật chất của đời sống và hoạt động của con người. Khảo cổ học ở Việt Nam với nội dung hiện đại thì mới bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, do các nhà khảo cổ học phương Tây thực hiện.
Ở Hải Dương, cuộc khai quật nổi tiếng nhất là cuộc khai quật lăng mộ ông bà Đinh Văn Tử vào năm 1942, khi làm sân bay tại thành phố Hải Dương. Tuy nhiên, đến những năm 1961 trở đi, công tác khảo cổ học ở Hải Dương mới được quan tâm và bắt đầu có thành tựu. Dưới đây, tác giải xin liệt kê một vài sự kiện tiêu biểu.
Tháng 5 năm 1961, phát hiện trống đồng tại thôn Hữu Chung, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ). Khi người dân trong thôn đào đất đóng gạch đã phát hiện trống ở vị trí cách sông Luộc 100 mét về phía nam. Chiếc trống được tìm thấy thuộc loại I(1), là một trong những chiếc trống lớn, đẹp và có giá trị nhất của Việt Nam, có niên đại khoảng thế kỷ 1 và 2 TCN, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015.
Năm 1961, khi khai quật mộ cũ đầu công nguyên ở thôn Ngọc Lặc, xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ), thu được nhiều tư liệu quý, trong đó có tiền cổ và đồ gốm. Cũng tại đây, trong dịp này đã phát hiện một quần thể di tích Thành Dền.
Năm 1962, phát hiện hai mai đá ở Hàm Ếch, xã Cộng Hòa (TP Chí Linh). Đây là những công cụ sản xuất điển hình thuộc thời đại đồ đồng.
Năm 1962, tiến hành khai quật tập đoàn mộ cổ hình thuyền đầu công nguyên ở thôn La Đôi, xã Hợp Tiến (Nam Sách), thu được nhiều hiện vật trong đó có rìu đá, mở đầu cho việc nghiên cứu mộ thuyền ở Hải Dương. Từ tháng Giêng năm 1968 đến hết năm 1996, kết quả nghiên cứu khảo cổ học ở đây là thành tựu của Bảo tàng Hải Hưng và các cơ quan nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam trên phạm vi tỉnh Hải Hưng (ngày nay là Hải Dương và Hưng Yên).
Tháng 4 năm 1972, khai quật di tích Kiếp Bạc (Chí Linh), phát hiện phủ đệ Trần Hưng Đạo, Sinh từ, đền Kiếp Bạc xưa, Xưởng Thuyền, Hang Tiền, Hang Thóc, Hố Chân bia, lò gốm. Hầu hết các hiện vật ở di tích này có niên đại ở thế kỷ 13-14, mở đầu cho công tác nghiên cứu khảo cổ học tại khu di tích đặc biệt này.
          Năm 1976, phát hiện hai trống đồng Đông Sơn loại I tại làng Gọp, nay ở thôn Du Tái, xã Tiền Tiến (Thanh Hà).
          Tháng 4 năm 1979, khai quật khu di tích Côn Sơn lần thứ nhất trong 40 này, phát hiện tháp Huyền Quang bằng đất nung, thời Trần, kiến trúc Thanh Hư động, nền nhà Nguyễn Trãi và những di tích và di vật độc đáo của chùa Côn Sơn thế kỷ 14. Kết quả khai quật này có ý nghĩa lớn về khoa học và chính trị, góp phần tích cực vào dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi tổ chức trong tháng 10 năm 1980.
          Tháng 12 năm 1979, khảo sát mộ Phi Khanh, phát hiện bia tháp Viên Thông thời Trần ở chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám, TP Chí Linh), một trong những văn bản quý hiếm của đất nước,  là nguồn sử liệu quý giá trong việc nghiên cứu Phật giáo Đại Việt nói riêng và lịch sử văn hóa Đại Việt nói chung, hiện đã được công nhận Bảo vật quốc gia.
          Ngày 6 tháng 12 năm 1981, phát hiện, nghiên cứu và sưu tập gốm Hiệp An, một sưu tập gốm có giá trị lớn về văn hóa thời Lý – Trần tại nghĩa trang nhân dân xã Hiệp An (Kinh Môn). Hiện vật có giá trị lớn nhất là thạp gốm hoa nâu, thời Trần.
          Tháng 9 năm 1983, phát hiện di tích gốm Chu Đậu (Nam Sách), một di tích có giá trị lớn về khảo cổ học gốm sứ của Việt Nam và khu vực. Tháng 4 năm 1984, tiến hành khảo sát các di tích gốm tại Chu Đậu, tả ngạn sông Kẻ Sặt (Bình Giang), và ven sông Kinh Thầy (Nam Sách), chuẩn bị cho chương trình lớn về nghiên cứu gốm sứ cổ. Năm 186, sau chương trình khai quật lớn về gốm sứ, thu được hàng nghìn di vật có giá trị, được cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm.
          Tháng 6 năm 1986, khai quật khu di tích Kiếp Bạc lần hai, tìm được nhiều di vật thời Trần, trong đó có những ống dẫn nước cỡ lớn bằng gồm.
Tháng 12 năm 1986, khai quật một thuyền ở xã Thượng Vũ (Kim Thành), thu được thố và giáo đồng.
          Mùa xuân năm 1987, khai quật di tích gồm Chu Đậu lần thứ hai. Khai quật gốm Vạn Yên (TP Chí Linh) lần thứ nhất, phát hiện một trung tâm sản xuất gồm thời Trần rộng hàng vạn mét vuông.
          Ngày 25 tháng 7 năm 1987, khôi phục và nghiên cứu mộ tháp Bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ, nữ Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam, tại một đỉnh đồi ở Trại Sen, xã Văn An (TP Chí Linh).
          Tháng 4 năm 1989, khai quật gốm Chu Đậu lần thứ ba, khai quật di tích gốm thế kỷ 15-17 tại làng Ngói, xã Hùng Thắng (Bình Giang). Cũng năm đó, sau khi thám sát di tích gốm thuộc tả và hữu ngạn sông Kinh Thầy và sông Thương, phát hiện 5 trung tâm lớn sản xuất gồm không men từ thế kỷ 14-16 tại các nơi: Trụ Thượng, phường Chí Minh Kiệt Đoài, phường Văn An; và làng Gốm xã Cổ Thành, Trạm Điền xã Hưng Đạo (đều ở TP Chí Linh); Ninh Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách).
          Tháng 1 năm 1990, Bảo tàng Hải Hưng, Khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu gốm sứ Đông Nam Á của Đại học Tổng hợp Ađơlai, thuộc Nam Úc, thám sát di tích gốm bằng phương pháp địa lý vật lý và khai quật di tích gốm Chu Đậu lần thứ tư, khai quật di tích gốm làng Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) lần thứ nhất và khai quật gốm sứ Vạn Yên (Chí Linh) lần thứ ba.
          Từ tháng 7-tháng 8 năm 1996, khai quật mộ cổ Đống Dom, thôn Vũ Xá, xã Ái Quốc (TP Hải Dương). Đây là một mộ lớn, xây dựng vào năm Vĩnh Kiến ngũ niên, tức năm 130, sử dụng trên 45m3 gạch cỡ lớn, xây cuốn 3 vòm, cao 2,8m. Lần đầu tiên tìm được niên đại tuyệt đối của một ngôi mộ Đông Hán tại Hải Dương. Toàn bộ ngôi mộ được phục nguyên trong khuôn viên bảo tàng. Đây là tiêu bản quý để nghiên cứu, đối chiếu so sánh loại hình mộ cổ cùng loại.

          Tháng 9 năm 1996, trong quá trình thi công cầu Ghẽ, phát hiện sưu tập sung thần công, hai lần, 12 khẩu, phần lớn sản xuất năm Minh Mệnh 13 (1832). Khẩu lớn nhất nặng 1.004kg. Toàn bộ số sung này đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương.
          Tháng 8 năm 1997, khai quật di tích Chu Văn An, phát hiện nhiều di tích quan trọng, tạo điều kiện trùng tu khu di tích tiêu biểu này.
          Tháng 5 năm 1998, khai quật di tích kiến trúc thời Trần tại chùa Quang Minh (huyện Gia Lộc), một ngôi chùa điển hình về kiến trúc nghệ thuật, được Toàn quyền Đông Dương xếp hạng năm 1925, nhưng đã bị tàn phá trong chiến tranh. Tại đây, tìm được một cửu phẩm liên hoa bằng đất nung cỡ lớn ở thế kỷ 15 và những viên gạch thời Trần có chữ được sản xuất tại Tha Ẩm và Mộc Độc hương, Thu Vật huyện, nay thuộc Yên Bái.
          Tháng 2 năm 2000, khai quật di tích kiến trúc thời Trần tại Côn Sơn lần thứ ba, xác định lại không gian Thanh Hư động, lần đầu tiên trên phạm vi cả nước, tìm được ngói tráng men có hao văn thời Trần  mà trong lịch sử gọi là ngói lưu ly. Đồng thời tiến hành khai quật khu di tích Kiếp Bạc lần thứ ba, phục vụ cho công tác trùng tu tôn tại hai khu di tích trên.
          Ngày 20 tháng 4, phát hiện tập đoàn di cốt hóa thạch tại hang Thánh Hóa tại chùa Nhẫm Dương (Kinh Môn), thuộc thời kỳ hậu Cánh tân, cách ngày nay từ 3-5 vạn năm. Đây là một trong những di tích quý hiếm trên đất nước ta. Cũng tại khu vực Nhẫm Dương, đã tìm được một số công cụ đá mới thuộc văn hóa Hạ Long, đồ đồng Đông Sơn và một số tiền đồng thời đại phong Việt Nam và Trung Quốc. Khu di tích đã được xếp hạng đặc biệt của quốc gia.
          Tháng 4 năm 2001, khai quật khu di tích gốm Vạn Yên lần thứ tư, thuộc tả ngạn sông Thương, thuộc làng Vạn Yên xa, xác định một tập đoàn sản xuất gốm từ thế kỷ 13-14, tầng văn hóa dầy trên 2m, rộng trên 80m, dài trên 500m. Đây là khu vực thuộc thái ấp Trần Hưng Đạo, sinh thời thuộc quyền quản lý của Đại vương.
           Hầu hết những cuộc khai quật trên đều có giấy phép của Bộ Văn hoá Thông tin và căn bản do nhóm khảo cổ học của Bảo tàng và Ban Nghiên cứu lịch sử Hải Hưng thực hiện. Những cuộc khai quật chính quy hoặc phát hiện có giá trị đều đ­ược nghiên cứu và có báo cáo khoa học, in trong kỷ yếu của Viện Khảo cổ học hằng năm.
Ngoài việc điền dã, khảo sát, nghiên cứu, khai quật những di tích trọng điểm, nhóm cán bộ khảo cố học của tỉnh kết hợp với các viện nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu, giám định hàng trăm công trình kiến trúc cổ, hàng nghìn t­ư liệu Hán Nôm, và hàng van cổ vật trư­ớc khi nhập kho bảo tàng, hoặc giải quyết tranh chấp, buôn bán trái phép, hoá giá cổ vật do yêu cầu của toà án và công an tỉnh.
Thành tựu khảo cổ học Hải D­ơng góp phần đáng kể trong việc làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử đất n­ước và địa ph­ương, đóng góp cho bảo tàng Hải Dương và H­ưng Yên hàng vạn hiện vật có giá trị, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử, đặc việt là gốm sứ cổ Việt Nam. Việc xác định nguồn gốc đồ gốm khai quật trong con tầu đắm tại Cù lao Chàm là gốm Chu Đậu đã trở thành cơ sở khoa học và pháp lý để Chính phủ tặng Bảo tàng Hải D­ương trên 5.500 hiện vật của sư­u tập này. Đây là một tài sản lớn về văn hoá cũng nh­ư tài chính, góp phần nâng cấp vị thế của Bảo tàng Hải D­ương.
Trên đây là những sự kiện chính trong 40 năm hoạt động của Khảo cổ học Hải Dư­ơng, trong đó chưa kể thời kỳ hợp nhất hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng. Độc giả muốn tìm hiểu sâu về vấn đề này đề nghị đọc các báo cáo khoa học trong Những phát hiện mới về khảo cổ học của Viện Khảo cổ học Việt Nam và sách chuyên khảo về khảo cổ học Hải Dư­ơng.
Tăng Bá Hoành
Chú thích:
(1) Theo học giả người Áo F. Heger, trên cơ sở nghiên cứu 165 chiếc trống đồng lưu giữ tại nhiều bảo tang trên thế giới, ông đã phân chia ra thành 4 loại chính: Loại I, loại II, loại III, loại IV và 3 dạng trống trung gian (giữa loại I và loại II, giữa loại I và loại IV, giữa loại II và loại IV). Cho đến nay, phần lớn các học giả trên thế giới về cơ bản đều chấp nhận cách phân chia này.
 
 Từ khóa: KHẢO CỔ HỌC

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây