Thúc đẩy ứng dụng các hình thức digital-marketing vào phát triển du lịch chất lượng cao của Hải Dương

Thứ tư - 25/09/2024 08:06 16 0
Không nằm ngoài xu thế chung, ngành du lịch đã và đang tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quảng bá, tiếp thị du lịch. Thông tin trực tuyến hiện là một trong những yếu tố ảnh hưởng hàng đầu đến các quyết định của du khách. Vì vậy, ứng dụng digital-marketing trở nên cần thiết hơn bao giờ hết để phát triển du lịch.
Digital - marketing hay e - marketing, còn gọi là marketing số, tiếp thị số, marketing trực tuyến hay marketing điện tử là hình thức áp dụng các công cụ của công nghệ thông tin thay cho các công cụ thông thường để tiến hành các quá trình marketing, cụ thể ở đây là marketing trong lĩnh vực du lịch.
Là một địa phương có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, đặc biệt là tài nguyên du lịch văn hóa với trên 3.199 di tích, trong đó 04 di tích, cụm và quần thể di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia và 244 di tích cấp tỉnh. Trong đó có thể kể đến là Côn Sơn- Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, Văn Miếu Mao Điền, đền Bia - chùa Giám - đền Xưa và có 08 bảo vật quốc gia với trên 700 lễ hội truyền thống, trong đó có lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc có quy mô quốc gia với hàng trăm làng nghề trong đó 66 làng nghề đã được công nhận, tiêu biểu là làng gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách). Thêm nữa, Hải Dương là tỉnh có vị trí quan trọng trong phát triển du lịch ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc khi nằm trong tuyến du lịch quốc gia Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Mặc dù, thời gian qua ngành du lịch của tỉnh đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của địa phương nhưng du lịch phát triển vẫn chưa được như kì vọng, chưa tương xứng với tiềm năng.
CSKB TRANG CHU
Trang chủ của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đăng tải nhiều thông tin. 

Ngày 30/9/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, tại Quyết định số 2864/QĐ-UBND. Đề án này đã phân tích đầy đủ thực trạng, vạch ra những mục tiêu rõ ràng và đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với việc phát triển ngành du lịch của tỉnh. Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch là một trong số những giải pháp được đưa ra.
Xu hướng digital - marketing phổ biến hiện nay
Hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ và internet đã thay đổi sâu sắc hành vi tìm kiếm thông tin, thói quen di chuyển của khách du lịch, hành vi tiêu dùng. Vì thế cho nên digital - marketing là vô cùng cần thiết, mà nói chính xác hơn phải là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Trong hoạt động du lịch, digital - marketing có vai trò:
- Đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân marketing du lịch: giúp truyền tải thông tin trực tiếp tới khách hàng một cách nhanh chóng, cập nhật và trọn gói. Các tour, chương trình khuyến mãi, giảm giá, ưu đãi... có thể được quảng bá qua nhiều hình thức như website, thư điện tử, diễn đàn, banner... Nhiều tổ chức du lịch đã xây dựng website và cho phép khách hàng có thể đặt tour qua mạng. Điều này giúp doanh nghiệp cũng như khách hàng tiết kiệm chi phí. Đơn vị marketing du lịch cũng dễ dàng quản lý và phân loại hệ thống khách hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
- Đối với khách hàng: giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí trong việc tìm hiểu và đặt sản phẩm, dịch vụ du lịch. Thay vì đến tận nơi, khách hàng chỉ cần dùng thiết bị điện tử có kết nối internet để tìm kiếm, tra cứu mọi thông tin liên quan đến chuyến du lịch và dễ dàng lựa chọn, đăng ký, thanh toán chi phí qua chuyển khoản, không cần phải mang nhiều tiền mặt, tránh phiền phức trong thời gian đi chơi.
- Đối với điểm đến du lịch: giúp xây dựng thương hiệu điểm đến thông qua các hoạt động quảng bá, cho phép người sử dụng trải nghiệm những thông tin, hình ảnh sống động, tính tương tác cao; thúc đẩy sự tương tác hai chiều giữa tổ chức quản lý điểm đến, nhà cung cấp và khách hàng cũng như giữa các khách hàng với nhau; giúp hoạt động quảng bá, xúc tiến được kết nối thông suốt với hoạt động mua bán trực tuyến; giảm chi phí do chuyển tải thông tin qua website, thư điện tử và điện thoại di động...; có thể kết hợp với các phương thức marketing khác để nâng cao hiệu quả marketing (như từ website tới tờ rơi, điện thoại hay từ điện thoại tới website...); tạo điều kiện hợp tác với các tổ chức, đơn vị khác về du lịch.
Không có sự phân chia rạch ròi giữa các hình thức e-marketing hay các xu hướng tiếp thị điện tử. Thứ nhất là bởi vì yếu tố nền tảng cho e-marketing chính là thiết bị điện tử thông minh có kết nối internet. Mỗi hình thức e-marketing đều có sự liên quan, hỗ trợ lẫn nhau, không nên sử dụng đơn lẻ một hình thức bất kì nào.Ví dụ, để quảng cáo trực tuyến hấp dẫn trên môi trường internet thông qua website, mạng xã hội, báo điện tử, thư điện tử,… thì cần đầu tư xây dựng nội dung video, tờ rơi, pano. Muốn tạo sự hiệu quả mạnh mẽ hơn nữa cần đến sự trợ giúp của SEO. Đây là một tập hợp các phương pháp nhằm nâng cao thứ hạng của một web trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm, bao gồm tối ưu onpage (mã nguồn HTML, nội dung website,…) và tối ưu offpage (mạng xã hội,…). Có thể điểm qua ở đây một vài xu hướng digital - marketing thịnh hành hiện nay.
Marketing qua phương tiện truyền thông xã hội (social media) nơi mà cộng đồng tương tác trực tuyến với nhau qua internet, điển hình là Facebook, Zalo, Instagram, Youtube, Tiktok, X (trước kia là Twitter), Pinterest,…Theo Báo cáo thường niên WeAreSocial Digital 2024 vừa được phát hành vào đầu tháng 02/2024 cho thấy thế giới có hơn 5 tỉ người dùng mạng xã hội. Báo cáo cũng cho thấy 73,3% dân số Việt Nam đang dùng mạng xã hội. Mức dân số Việt Nam theo ghi nhận hiện nay là hơn 99 triệu dân. Như vậy, quảng bá du lịch qua mạng xã hội thực sự là một cách hiệu quả để tiếp cận khách hàng tiềm năng trong nước và trên thế giới. Hình thức này cũng gắn liền với việc đầu tư nội dung bài viết (content), nội dung video sao cho thật hấp dẫn đối với công chúng mạng xã hội.
Tiếp đến là xu hướng Influencer marketing là hoạt động tiếp thị, trong đó thương hiệu hợp tác với những người có sự ảnh hưởng (influencer) để quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Không nhất thiết là người nổi tiếng, có thể là bất cứ ai chỉ cần họ có lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội. Thời gian qua sự thịnh hành của vlog (chia sẻ bằng video), livestream (phát video trực tiếp) đã tạo ra những vlogger và streamer có sức ảnh hưởng không hề thua kém người nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí như diễn viên, ca sĩ, hoa hậu. Trong thời đại công nghệ số, du khách có xu hướng tìm kiếm những những thông tin về dịch vụ du lịch, thường họ sẽ tin tưởng ở những video hay bài viết có nhiều lượt thích, lượt xem.
Xây dựng, phát triển website du lịch với nội dung đầy đủ, phong phú, rõ ràng và áp dụng công cụ tìm kiếm SEO để tăng lượng truy cập, đưa website lên trang đầu trong kết quả tìm kiếm của công cụ Google hoạc Bing. Nói chung, SEO chính là hoạt động tìm kiếm thông tin trên website thay vì tìm kiếm từ sách, tờ rơi, báo, triển lãm về du lịch. Website du lịch nào làm SEO tốt thì website đó sẽ hiển thị đầu tiên khi được tìm kiếm.
Thực trạng ứng dụng marketing điện tử trong quảng bá du lịch của tỉnh Hải Dương
Thời gian vừa qua, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch của Hải Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động du lịch như Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, lễ hội vải thiều đã được quảng bá nhiều hơn trên mạng xã hội. Tại một số khu di tích, sử dụng mã QR giúp du khách dễ dàng tra cứu thông tin. Hình ảnh và nội dung giới thiệu về các địa điểm du lịch tại Hải Dương được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, ứng dụng digital - marketing vào du lịch của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế.
Chúng tôi làm một khảo sát nhỏ như sau: truy cập vào website mạng xã hội du lịch Gody tại địa chỉ Gody.vn. Tại ô tìm kiếm ở phía trên góc trái màn hình, gõ cụm từ “Hải Dương”. Có tất cả 810 kết quả được hiển thị, nhưng trong đó chỉ có ba nội dung liên quan đến Hải Dương, đó là: Bảo tàng tỉnh Hải Dương (mục địa điểm); Bầu trời Hải Dương (mục Album - Hình ảnh); Động Kính Chủ (mục Album - Hình ảnh). Các kết quả còn lại đều là xuất hiện từ liên quan, ví dụ: Công viên hải dương Pulau Mayar. Tại website của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh, có một mục dành cho du lịch, trong đó cung các thông tin về hoạt động du lịch trong tỉnh, các địa điểm hấp dẫn, khách sạn - nhà hàng nhưng nội dung khá sơ sài, không được cập nhật thường xuyên.
Theo khảo sát của tác giả Vũ Thị Hường (Trường Đại học Sao Đỏ) tiến hành điều tra 130 phiếu về sự hài lòng của khách lưu trú với chất lượng của các hoạt động e-marketing tại tỉnh Hải Dương cho kết quả sau:
STT Chất lượng dịch vụ Khách nội địa Khách quốc tế
1 Nội dung thông tin trên các website 4 4
2 Sự đa dạng của các thông tin tìm kiếm 2,5 3
3 Chất lượng hình ảnh trên các website du lịch 4 3
4 Hoạt động đặt hàng trực tuyến các dịch vụ du lịch 3 2,5
5 Hoạt động của các diễn đàn du lịch 3 3
6 Các băng hình được xây dựng trên các nền tảng xã hội 4,5 4,5
*Mức độ hài lòng của khách lưu trú được đánh giá từ 1 = rất không hài lòng đến 5 = rất hài lòng.
Nguồn: Vũ Thị Hường
Theo bảng trên, có thể thấy đánh giá của khách du lịch trong nước và quốc tế khá tương đồng, chênh lệch không đáng kể, và đa phần ở mức độ trung bình. Sự đa dạng của thông tin tìm kiếm, dịch vụ du lịch đặt hàng trực tuyến được đánh giá ở mức thấp hơn cả.
Những hạn chế về ứng dụng e-marketing vào phát triển du lịch có thể xuất phát từ những nguyên nhân: Nhận thức về lợi ích của marketing điện tử chưa đầy đủ; nhân lực phụ trách digital - marketing chưa được đào tạo nên yếu kém về chuyên môn; lo ngại về an toàn thông tin dữ liệu cá nhân.
Một số giải pháp để thúc đẩy ứng dụng digital - marketing trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các sở, ngành, chính quyền, người dân địa phương về lợi ích của digital - marketing trong xúc tiến, quảng bá du lịch, để có những sự đầu tư cần thiết vào nghiên cứu, ứng dụng các hình thức marketing số sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và người dân địa phương thông qua các chương trình, dự án hợp tác về phát triển du lịch.
Thứ ba, đẩy mạnh truyền thông mạng xã hội: Truyền thông mạng xã hội đặc biệt hữu ích với quảng cáo du lịch trực tuyến nhằm cải thiện độ phủ thương hiệu du lịch; gia tăng lượt truy cập nội địa chất lượng cao vào các trang web. Song song với đó cần có sự đầu tư bài bản vào các bài viết, video giới thiệu, ghi lại trải nghiệm của khách du lịch, xây dựng các website về du lịch chuyên nghiệp, đầy đủ thông tin và dịch vụ cho khách du lịch.
Thứ ba, sử dụng người có tầm ảnh hưởng cho du lịch: Người có sức ảnh hưởng trong quảng cáo đem đến nhiều lợi ích có thể giúp du lịch phát triển công ty lữ hành như tạo hiệu ứng lan truyền cho các điểm du lịch; xây dựng niềm tin đối với các thương hiệu du lịch; tiếp cận du khách tiềm năng; tăng chuyển đổi với hành động kêu gọi của người có sức ảnh hưởng. Phát sóng trực tiếp của người có tầm ảnh hưởng là một trong những thủ thuật quảng cáo du lịch phổ biến để kích thích giá trị thương hiệu. 
Thứ tư, đầu tư vào SEO trong quảng cáo du lịch: Dựa theo thống kê, 80% du khách sử dụng thiết bị để bàn kế hoạch chuyến du lịch và 80% thích khảo sát du lịch trực tuyến, 48% hành khách thích lên kế hoạch chuyến đi trên thiết bị di động. Bước đầu tiên trong khảo sát của khách hàng là tìm hiểu sản phẩm du lịch thông qua công cụ tìm kiếm như Google. Nếu bỏ qua kênh tối ưu hóa tìm kiếm - SEO, thì thông tin về sản phẩm du lịch của một công ty, đơn vị sẽ không được hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm, không tiếp cận được khách hàng tiềm năng.
Thứ năm, để thực hiện hiệu quả những giải pháp trên cần đẩy mạnh phát triển nhân lực số phục vụ digital - marketing bằng cách tổ chức đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn cho nhân sự, bổ sung các kiến thức về công nghệ thông tin, kỹ năng số. Tìm kiếm đội ngũ phát triển website uy tín để đẩy mạnh thương mại du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch dễ dàng đặt phòng, đặt các dịch vụ du lịch dễ dàng, nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử; đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ được chọn mua bằng Internet. Có thể mời các chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn, giảng dạy để cải thiện trình độ, tối ưu công cụ nhằm mục đích khai thác công nghệ vào phát triển du lịch của tỉnh.
Nguyễn Thị Hồng Điệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây