Trên tinh thần đó, tỉnh Hải Dương đã ban hành Kế hoạch số 726/KH- UBND ngày 20/02/2025 về thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ và Chương trình hành động số 113 -CTr/TU ngày 18/02/2025 của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Theo đó, tỉnh Hải Dương đặt ra những chỉ tiêu đến năm 2030: Thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng; duy trì mục tiêu tăng trưởng GRDP trung bình giai đoạn 2025-2030 của tỉnh đạt 12% trở lên; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức từ 55% trở lên. Quy mô kinh tế số đạt từ 30% GRDP trở lên. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt 100%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 90%. Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hoá, xã hội, con người Việt Nam, đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) phấn đấu đạt 0,8. Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng lớn, băng thông rộng ngang tầm các tỉnh trọng vùng, khu vực; từng bước ứng dụng một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, nano, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi. Phủ sóng 5G toàn tỉnh. Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh tại 2 thành phố Hải Dương và thành phố Chí Linh; thu hút các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại tỉnh. Thu hút ít nhất 01 tổ chức, doanh nghiệp có uy tín về công nghệ số đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại tỉnh. Đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh phát triển vững chắc, góp phần đưa Hải Dương trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng, phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước; chỉ số đổi mới sáng tạo được cải thiện, nâng lên mức thuộc nhóm 15 tỉnh dẫn đầu vào năm 2035 và nhóm 10 tỉnh đứng đầu cả nước năm 2045. Hải Dương có quy mô kinh tế số đạt từ 50% GRDP trở lên. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số nổi trội so với các tỉnh trong vùng đồng bằng Sông Hồng.
Hải Dương đã xác định 10 nhóm nhiệm vụ với 78 nhiệm vụ cụ thể, gắn với chức năng nhiệm vụ của các sở, ngành; kết quả sản phẩm và thời gian phải hoàn thành cụ thể trên tinh thần 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”. Đồng thời, giao Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm định kỳ hàng tháng tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện của các sở, ngành, địa phương và tổ chức hợp đánh giá kết quả.
Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo. Đáng cú ý một số nhiệm vụ như: Gắn mức độ hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi đổi số của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan với việc đánh giá chất lượng hoạt động cơ quan, đơn vị. Cơ quan truyền thông của tỉnh tích cực xây dựng, phát sóng chuyên trang, chuyên mục về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Phát động phong trào thi đua trong toàn tỉnh để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và người dân trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên rà soát, đề xuất biểu dương, tôn vinh, khen thưởng động viên kịp thời các nhà khoa học, nhà sáng chế, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nhóm nhiệm vụ thứ hai là hoàn thiện thể chế, tạo lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó cần thực hiện các nhiệm vụ: Rà soát, đề xuất các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, chính sách.Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hợp tác công tư để nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược; phát triển hạ tầng số mới, dịch vụ số mới, dữ liệu đào tạo nhân lực công nghệ số. Chủ động rà soát, điều chỉnh các quy trình nội bộ để phù hợp xử lý trên môi trường điện tử; thực hiện các giải pháp hiệu quả cho phép sử dụng các văn bản điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử thay thế với giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính; cắt giảm các thành phần hồ sơ khi dữ liệu đã được số hóa. tham mưu sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở địa phương để đảm bảo thống nhất, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Kết luận của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW;…
Nhóm nhiệm vụ thứ ba là phát triển dịch vụ công, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Trong nhóm này, cần triển khai nghiên cứu giải pháp triển khai thực hiện giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới hành chính, người dân chỉ cần đến bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp gần nhất để nộp hồ sơ giao dịch các thủ tục hành Chính, rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ thủ tục hành chính, chuyển quyền giải quyết thủ tục hành chính từ cấp huyện về cấp xã.Tái cấu trúc quy trình để cắt giảm, không yêu cầu người dân phải nộp lại những giấy tờ khi dữ liệu đã được số hóa, nghiên cứu đưa vào tái sử dụng phục vụ cắt giảm các thủ tục hành chính về cư trú trên tinh thần huyện, xã, phường nào đã hoàn thành đưa vào sử dụng ngay. Tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách thu phí 0 đồng để thu hút người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Triển khai đầu tư hệ thống KIOSK giải quyết thủ tục hành chính tự động tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính các cấp và các điểm bưu điện thuộc Bưu điện tỉnh.
Nhóm nhiệm vụ thứ tư là tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin. Trong đó có một số yêu cầu như: Chuẩn hoá cơ sở dữ liệu quản lý tài sản công toàn tỉnh để đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý tài sản công; bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo gắn với công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; triển khai ứng dụng giải pháp để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt tại các bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh. Nhóm nhiệm vụ này cũng yêu cầu xây dựng triển khai Đề án ứng dụng IoT trong sản xuất thương mại, quản lý năng lượng, nông nghiệp, giao thông, y tế.
Nhóm nhiệm vụ thứ năm là đẩy mạnh hoàn thiện các cơ sở dữ liệu, ứng dụng dữ liệu vào các tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ quản lý, điều hành của tỉnh. Một số nhiệm vụ chính: Thúc đẩy không dùng tiền mặt trong mọi lĩnh vực đời sống; phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế về đêm; phát triển mô hình du lịch thông minh; xây dựng kế hoạch đảm bảo 100% người dân có danh tính số, phương tiện số, kỹ năng số và tài khoản số, hình thành công dân số; đẩy nhanh tiến độ triển khai KIOSK y tế và bệnh án điện tử.
Nhóm nhiệm vụ thứ sáu là đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật hệ thống, dữ liệu cá nhân. Trong đó cần triển khai ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ dữ liệu, bảo đảm an ninh dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân; thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối các hệ thống thông tin phục vụ Đề án 06/CP , đặc biệt đối với các thiết bị đầu cuối của cán bộ, công chức cấp xã; đầu tư và phát huy hiệu quả cảu Trung tâm dữ liệu tỉnh.
Nhóm nhiệm vụ thứ bảy là phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tập trung nguồn lực đầu tư phục vụ chuyển đổi số. Những nhiệm vụ cần thực hiện như: ban hành chính sách đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ nhân lực trình độ cao; hướng tới bố trí cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật trong đội ngũ lãnh đạo từng cơ quan, đơn vị nhà nước đạt mức tối thiểu 25% tỷ lệ; khuyến khích học tập trên các nền tảng số; thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường giáo dục và hướng nghiệp STEM; triển khai các giải pháp đảm bảo tỷ lệ phủ sóng mạng 5G đạt ít nhất 50% số lượng trạm phát sóng 4G hiện nay.
Nhóm nhiệm vụ thứ tám là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của một số lĩnh vực trọng tâm: Triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh theo mô hình IOC trung ương kết nối với cơ sở dữ liệu đa chiều; ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phân tích, cảnh báo thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá thể thao, du lịch; xây dựng văn hoá cộng đồng, giữ gìn bản sắc dân tộc, thuần phong mỹ thục trên không gian mạng.
Nhóm nhiệm vụ thứ chín là thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Nhgieen cứu phấn đấu lựa chọn 01 cụm công nghiệp hoặc 01 khu công nghiệp để ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo; triển khai đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số;…
Nhóm nhiệm vụ thứ mười là tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó, tổ chức xúc tiến đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp công nghệ nước ngoài tham gia đầu tư, sản xuất, đặt trụ sở tại tỉnh; xây dựng kế hoạch học tập kinh nghiệm, đẩy mạnh ngoại giao công nghệ; tăng cường hợp tác với các tập đoàn, trung tâm, tổ chức, hiệp hội quốc tế có liên quan đến lĩnh vực dữ liệu để tham học hỏi và hợp tác.
Nguyễn Cao Sơn