Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản trong đời sống hiện đại
Thứ hai - 10/03/2025 15:0800
Nhân sự kiện cây duối hơn 300 năm tuổi ở trong khuôn viên đình chùa thôn Hảo Quan, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách được trao quyết định công nhận là Cây Di sản Việt Nam, tôi nhận thấy việc vinh danh cây di sản là một trong những cách làm hiệu quả trong công tác bảo tồn cây cổ thụ, bảo tồn sự đa dạng sinh học và nguồn gen quý. Tôi bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn để hiểu sâu sắc giá trị của cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, thầm lặng đứng đó chứng kiến bao đổi thay lịch sử.
Sáng kiến bảo tồn Cây Di sản Việt Nam đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) phát động từ ngày 18/3/2010 nhân năm mở đầu Thập kỷ Đa dạng Sinh học do Liên hợp quốc khởi xướng. Như vậy đến nay, sự kiện này đã diễn ra 15 năm.Để được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, cây cổ thụ phải đáp ứng được các tiêu chí: Cây mọc tự nhiên, sống trên 200 năm, cây to hùng vĩ, có hình dáng đặc sắc, có giá trị về đa dạng sinh học và môi trường, văn hóa, lịch sử. Đối với cây trồng, phải sống trên 100 năm, cây to hùng vĩ có hình dáng đặc sắc (ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử). Cây không đạt các tiêu chí kỹ thuật trên nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, lịch sử, văn hóa hoặc mỹ quan cũng sẽ được xem xét. Mở đầu sáng kiến, ngày 05/10/2010, 09 cây muỗm cổ thụ gần 1.000 tuổi ở Đền Voi Phục (Hà Nội) đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Cây duối hơn 300 năm tuổi ở Đồng Lạc, huyện Nam Sách.
Việc gìn giữ, bảo vệ cây di sản trên thế giới khá phổ biến. Rất nhiều nước như Singapore, Trung Quốc, Thailand, Mianma, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ,…đã tiến hành bảo vệ Cây Di sản như một loại Danh mộc Cổ thụ của đất nước. Ngọài giá trị văn hóa, giáo dục, xã hội và sinh thái, Cây di sản cũng rất được du khách quan tâm, tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch địa phương. Ở nước ta một số “danh mộc cổ thụ” như cây đa Tân Trào, cây Dã hương ngàn tuổi ở Lạng Giang (Bắc Giang), cây nhãn tổ ở Phố Hiến - Hưng yên, cây dầu đôi ở Nha Trang,… đã được nhà nước hay cộng đồng bảo vệ do ý nghĩa lịch sử, nhưng chỉ là một số ít cổ thụ may mắn. Trong khi đó, trải dài đất nước có rất nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, âm thầm lặng lẽ sống trong cộng đồng dân cư, cũng cần được bảo vệ. Vinh danh Cây Di sản là một sáng kiến đúng đắn, hiệu quả. Có lẽ, trong hành trình tìm kiếm, vinh danh “bậc lão làng”, chắc hẳn không chỉ hội đồng Cây Di sản mà người dân khắp mọi miền đất nước không chỉ được dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp vượt thời gian, sức sống bền bỉ mà còn được nghe, được biết thêm nhiều câu chuyện thú vị quanh chúng.
Theo số liệu không chính thức của Hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường Việt Nam, tính đến năm 2024, trên cả nước có hơn 7.000 “Cây Di sản Việt Nam” thuộc 135 loài, phân bổ trên 55 tỉnh, thành phố từ địa đầu Hà Giang đến cực nam mũi Cà Mau, từ núi cao Trường Sơn Tây Nguyên tới Côn Đảo, Trường Sa.
Ngày 15/12/2010, Đoàn Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam do TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn cùng với GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã tổ chức khảo sát thực tế tại rừng lim cổ thụ trên núi Thiên Bồng, thôn Đại, phường An Lạc (TP. Chí Linh), gắn với di tích lịch sử Đền Cao được xây dựng cách đây hơn 1000 năm để thờ năm vị tướng đồng thời là năm anh em ruột họ Vương (Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng, Vương Thị Đào, và Vương Thị Liễu) đã có công giúp vua Lê Đại Hành đánh giặc Tống năm 981. Tại buổi họp, Ông Phan Văn Đức, thay mặt địa phương đã đăng ký Cây Di sản Việt Nam cho quần thể đại thụ lim Đền Cao gồm 54 cây và được xác định trên 800 tuổi. Ngày 25/02/2011 (ngày 23 tháng Giêng năm Tân Mão) nhân dịp lễ hội Đền Cao tưởng niệm 5 vị tướng họ Vương, đã diễn ra sự kiện vinh danh, gắn biển công nhận 54 cây lim cổ Đền Cao là “Cây di sản Việt Nam”. Có lẽ, đây là những cây cổ thụ đầu tiên ở Hải Dương được công nhận Cây di sản Việt Nam và cũng là những cây cổ thụ nằm trong tốp đầu tiên được vinh danh tại Việt Nam. Chính vì lẽ đó mà sự kiện này đã thu hút hàng vạn người dân, phóng viên báo chí địa phương và trung ương, cả phóng viên nước ngoài về tham dự, đưa tin. Việc công nhận những cây lim cổ thụ này là Cây Di sản Việt Nam, không chỉ nhằm bảo vệ những “linh mộc” quý hiếm ở đền Cao, bảo vệ đa dạng sinh học, mà nó còn nhằm tôn vinh những nhân chứng gắn liền với những dấu ấn lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Sự kiện 54 cây lim cổ Đền Cao là “Cây di sản Việt Nam”
Từ đó cho đến nay, Hải Dương có thêm hơn 70 cây di sản. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ cảnh quan, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường với mục tiêu nâng cao vai trò, nhận thức của cộng đồng về giá trị của cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Gần đây nhất vào đầu tháng 02/2025, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản công nhận thêm hai cây di sản nữa của Hải Dương, đó là cây đa cổ thụ hơn 200 tuổi tại đình Giải, xã Kim Đính, huyện Kim Thành và cây duối xã Đồng Lạc, Nam Sách nêu ở trên. Cây cổ thụ không chỉ là di sản mà hơn thế còn là thực thể sống sinh động, có linh hồn và cuộc đời, góp phần làm đẹp cho con người. Mỗi cây cổ thụ đều chắt chiu những nét văn hóa ngàn đời, chứng kiến bao sự đổi thay của đời sống, vì thế mà bảo lưu những giá trị ấy để kết tinh thành bản sắc xóm làng trước dòng chảy thời gian mà không phải bất cứ ai cũng hiểu rõ ngọn nguồn. Cây không biết nói nhưng người ta có thể nhìn vào sự trường tồn trăm năm, nghìn năm ấy mà nể phục sức sống trường tồn, cảm nhận đâu đó bóng hình tổ tiên, cha ông, để thấy được bản thân mình hiện tại là sự nối tiếp truyền thống. Bảo tồn Cây Di sản không chỉ có giá trị tạo không gian xanh, tăng giá trị các công trình văn hóa, kiến trúc mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là địa điểm tâm linh, văn hóa của cộng đồng. Cây Di sản trên khắp các vùng miền đã, đang và tiếp tục góp phần hình thành ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Các hoạt động chăm sóc, bảo vệ cây di sản tại các địa phương đã giáo dục thế hệ trẻ tình yêu thiên nhiên, niềm tự hào dân tộc về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương… Đặc biệt Cây Di sản Việt Nam còn góp phần phát triển kinh tế và tạo sinh kế mới cho dân. Nhiều địa phương sau khi tổ chức công nhận Cây Di sản Việt Nam đã phát triển thành các tuyến du lịch mới. Vì thế, bảo tồn cây di sản cũng là bảo vệ kế sinh nhai của một bộ phận người dân. Ngày nay, cuộc sống với nhiều tiện nghi hiện đại, áp lực công việc, ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ mà gần như mất đi sự kết nối với thiên nhiên, hiểu không đầy đủ về ý nghĩa vai trò của di sản, của việc bảo vệ thiện nhiên, môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Chính vì thế, cần phải có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để phát huy vai trò của cây di sản trong đời sống. Trước hết, cơ quan quản lý cần phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường tỉnh nâng cao công tác tuyên truyền về cây di sản tới người dân, nhất là giới trẻ thông qua các hoạt động trải nghiệm, cuộc thi viết. Nghiên cứu xây dựng bản đồ cây di sản tỉnh Hải Dương tích hợp cùng một số ứng dụng số, kết nối với hoạt động du lịch trải nghiệm để tăng tính tương tác, thu hút sự quan tâm cộng đồng qua mạng xã hội. Cần có quy định cụ thể bảo vệ cây di sản. Thực tế, cây di sản tuổi thọ cao, dễ bị xâm hại bởi sâu bệnh, chịu ảnh hưởng của thiên tai và tàn phá của con người. Có một số cây sau khi được công nhận, vinh danh đã suy giảm dần sức sống và bị chết. Bên cạnh đó, một số hoạt động tôn tạo, tu sửa đã bê tông hóa các địa điểm công cộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho cây di sản. Thiết nghĩ, cần xây dựng quy định cụ thể về việc bảo tồn cây di sản; tạo hành lang pháp lý để cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp xác định rõ trách nhiệm và xây dựng giải pháp huy động nguồn lực hiệu quả để phát huy giá trị cây di sản.