Áo dài ngũ thân hành trình trở lại

Thứ bảy - 28/12/2024 15:57 5 0
Từ những năm 2016 đến nay, với nỗ lực của nhiều hội nhóm, doanh nghiệp, nghệ nhân, cổ phục Việt nói chung, đặc biệt chiếc áo dài ngũ thân nói riêng đã từng bước hồi sinh, được các cơ quan, đơn vị chuyên môn văn hóa và đông đảo công chúng đón nhận, hưởng ứng. Trào lưu Việt phục đang ngày một nở rộ đã củng cố thêm niềm tự hào về bản sắc Việt.
Thuở còn thơ, mỗi khi qua chơi nhà ông ngoại, tôi đặc biệt ấn tượng với tranh truyền thần cụ ngoại trên ban thờ Tổ tiên. Cụ ông ngồi ghế mặc áo dài truyền thống (tay chẽn bó gần sát, vạt áo chỉ dài quá đầu gối một chút), đội khăn xếp; cụ bà áo dài (vạt gần kín gân), chít khăn. Lối tranh truyền thần này khá phổ biến trong nhiều gia đình Việt từ đầu thế kỉ XX cho đến thập niên 80 - 90. Sau này, xem trang phục những nơi hội hè hay ở các loại hình nghệ thuật thấy cũng “áo the khăn xếp” mà sao khác quá! Có lẽ, đây là ấn tượng đầu tiên để tôi đi tìm hiểu và rồi đến khi trưởng thành, tôi đã tự tin vận trên mình chiếc áo ngũ thân nguyên bản như các bậc tiền nhân.
23
Áo dài ngũ thân thời Pháp thuộc.
Các cuốn sách như “Trang phục Việt Nam” của TS Đoàn Thị Tình, “Trang phục triều Lê – Trịnh” (ra đời trước năm 2010) của họa sĩ Trịnh Quang Vũ đã cung cấp kho tư liệu phong phú về lịch sử trang phục Việt. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề trang phục trong phim lịch sử Việt Nam ra mắt dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Từ đó, sách “Ngàn năm áo mũ” của học giả Trần Quang Đức (ra mắt năm 2013) đã đưa ra những quan điểm mới về sự phát triển của trang phục Việt, tính chất “đại đồng tiểu dị”, bản sắc Việt trong tương quan với những nền văn hóa được gọi là “đồng văn” (Trung, Nhật, Hàn). Những quan điểm của học giả Trần Quang Đức đã giúp phần lớn công chúng nhận thức được rằng, áo dài ngũ thân (người dân hay gọi nôm na rằng “áo the khăn xếp”) không phải là loại cổ phục Việt duy nhất mà là kết quả của quá trình hàng nghìn năm phát triển của trang phục Việt, sự đúc kết từ những hình thái trang phục như áo giao lĩnh, áo viên lĩnh, đối khâm…
Căn cứ theo các sử liệu, áo Ngũ thân được định chế tại Đàng Trong năm 1744 dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát để thể hiện sự độc lập với triều đình vua Lê – chúa Trịnh tại Đàng Ngoài (trước đó, người Việt ở 2 miền đều sử dụng chung mẫu áo Giao lĩnh, Viên lĩnh, Đối khâm). Đến triều vua Minh Mạng, áo Ngũ thân được phổ biến trong cả nước, từng là bộ Quốc phục của người Việt. Kết cấu đặc trưng của áo Ngũ thân: thân áo 2 mảnh vải liền (chập làm 4 thân), 1 mảnh vài rời ghép với nhau tạo thành thân thứ 5 (5 thân được cho là tượng trưng cho Ngũ thường Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín), vạt áo xòe như chữ Bát (八), chỉ quá đầu gối một chút; tay áo liền vai, rộng ở nách, hẹp ở cổ tay nên còn gọi là tay chẽn;  5 khuy áo cài bên phải chéo xuống nách và hông theo hình chữ Quảng (广). Tùy địa vị của người mặc và chất liệu vải áo và khuy áo khác nhau. Bên cạnh áo tay chẽn có áo tay thụng để mặc dip lễ trọng đại. Đi kèm áo ngũ thân có quần ống rộng, khăn xếp quấn đấu. Đây cũng là những điểm khác biệt so với áo Trường sam của Trung Quốc từ thời Thanh (vạt áo thẳng chấm gót, tay áo rộng vừa phải, số lượng cúc không cố định). Áo Ngũ thân đã được các nhà nghiên cứu văn hóa xem như một di sản trong văn hóa phục trang Việt, vừa kín đáo, nền nã mà phô bày vẻ đẹp hình thể của con người Việt Nam, tạo ra một nét đặc trưng riêng biệt của dân tộc Việt Nam ở dáng vẻ bề ngoài cũng như triết lý nhân sinh ẩn trong đó.
24
Du khách trải nghiệm với Cổ phục Việt tại Bảo tàng Hải Dương.

Trải qua những thăng trầm lịch sử sau Cách mạng tháng 8, hình ảnh áo dài truyền thống đã dần phai mờ trong đời sống thường nhật, chỉ còn được bắt gặp trong những loại hình nghệ thuật dân tộc hay trong những hoạt động tâm linh. Áo Ngũ thân cũng dần được may một cách qua loai đai khái (chất liệu công nghiệp, kết cấu áo chỉ còn 2 thân do khổ vải rộng, không cần ráp nối, thân phụ bị cắt ngắn, tay áo rộng như Trường sam…).
Năm 2013, Nhóm “Đại Việt Cổ Phong – Vietnam Ancient” được thành lập, lấy cảm hứng từ cuốn sách chuyên khảo Ngàn Năm Áo Mũ của học giả Trần Quang Đức. Tôi cùng những thành viên Đại Việt Cổ Phong như Phan Huy Lê, Cù Minh Khôi, Đông Nguyễn, Trương Tuấn Anh đã đến với nhau, từng bước nghiên cứu, khảo sát tư liệu để xây dựng nên những quy thức cơ bản của áo dài ngũ thân chuẩn mực. Chiếc áo ngũ thân đầu tiên tôi may bởi sự hướng dẫn của những anh em Đại Việt Cổ Phong. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên từ sau dự án Hoa Văn Đại Việt, hoạt động của Nhóm dần lắng xuống. Một số thành viên đã có hướng đi riêng cho sự nghiệp phát triển cổ phục Việt. Song song với nỗ lực của Đại Việt Cổ Phong còn có hoạt động độc lập của nhiều nghệ nhân như Trần Nguyễn Trung Hiếu, Trần Lê Trung Hiếu (TP Hồ Chí Minh), Trúc Hoàng (Hà Nội),…
Để áo dài ngũ thân đến với công chúng một cách sâu rộng như hiện nay, chúng ta cũng cần phải đề cập đến vai trò của CLB Đình Làng Việt. Tôi cũng chính thức tham gia các hoạt động diền dã di tích của CLB từ năm 2016.  CLB đã động viên các thành viên mặc áo dài cổ truyền trong các sự kiện như Tết Việt, ra mắt Giáo phường, các chuyến điền dã về các di tích tại các tỉnh thành. Phong trào quảng bá áo Ngũ thân của CLB có nỗ lực của chủ nhiệm Nguyễn Đức Bình cùng một số thành viên cốt cán như nhà nghiên cứu Trần Đoàn Lâm, anh Đinh Quang Trung đã kết nối sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều nghệ nhân như NSƯT Thu Hà, các nghệ nhân may Năm Tuyền, Đỗ Minh Tám,...
25
Một trong những hoạt động của chương trình Tết Việt do CLB Đình làng Việt tổ chức tại phố cổ Hà Nội năm 2023)Nhãn
Thương mại hóa cũng là một yếu tố thúc đẩy tà áo ngũ thân len lỏi sâu rộng trong đời sống văn hóa. Có thể coi Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên là đơn vị tiên phong trong việc thương mại hóa áo dài ngũ thân và cổ phục Việt Nam qua các thời kỳ. Sau Ỷ Vân Hiên là sự ra đời rất nhiều các thương hiệu như Áo Dài Năm Tuyền, Đông Phong, V’style, Cổ trang Đại Việt quán, Hoa niên, Great Vietnam, Vạn Thiên Y… Sự nở rộ, cạnh tranh giữa các thương hiệu đã góp phần định hình thị trường Việt phục, đưa áo dài ngũ thân cũng như trang phục áo giao lĩnh, áo viên lĩnh, đối khâm qua các thời kỳ đến gần hơn, phổ biến rộng rãi với công chúng. Thị trường cổ phục cũng đang có sự phân cấp giữa dòng sản phẩm chất lượng cao, đắt tiền và những sản phẩm giá rẻ, chất lượng “hàng chợ”.
Hành trình trở lại của áo dài ngũ thân cũng gặp không ít gian nan, thách thức, sự phản đối từ nhiều phía (bởi một thời, áo ngũ thân được gắn với biểu tượng chế độ phong kiến hủ nho, lạc hậu, hình ảnh cường hào ác bá hay ngụy quân, ngụy quyền). Ví dụ, những lần tôi cùng CLB Đình Làng Việt về thăm Hải Dương cũng như các tỉnh thành, công chúng còn có phần dị nghị với các hoạt động của CLB, thậm chí còn lầm tưởng đây là đoàn Quan họ, đoàn kịch nào(?). Mưa dầm thấm lâu, tà áo Ngũ thân đã dần phổ biến, được các chính khách và đông đảo công chúng đón nhận, hưởng ứng. Thông qua CLB Đình Làng Việt, nhiều Đại sứ Việt Nam đã lựa chọn áo dài ngũ thân trong các hoạt động Ngoại giao, thông qua Ngoại giao văn hóa để giới thiệu với bạn bè Quốc tế về bản sắc Việt qua trang phục truyền thống. Áo Ngũ thân với kiểu dáng nguyên bản đã được lựa chọn trong bộ ảnh kỷ yếu của học sinh, ảnh cưới của nhiều cặp vợ chồng và tiến xa hơn trong những bộ phim điện ảnh Việt gây tiếng vang gần đây như Người vợ cuối cùng, Linh Miêu – Quỷ nhập Tràng, Công tử Bạc Liêu,…
Vừa qua, Ban Quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã thí điểm việc sử dụng áo dài ngũ thân trong các hoạt động nghi lễ của di tích. Những tà áo dài của cán bộ, nhân viên BQL do nghệ nhân Đỗ Minh Tám – thành viên CLB Đình Làng Việt thực hiện. Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bảo tàng Hải Dương đã triển khai hoạt động góc trải nghiêm Cổ phục Việt trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa Tết của Bảo tàng. Tại đây, Bảo tàng phối hợp với Nhà sưu tập Tuyết Nguyễn giới thiệu với công chúng Hải Dương về cổ phục triều Nguyễn. Đó là những tín hiệu đáng mừng về sự trở lại mạnh mẽ của áo dài Ngũ thân trên mảnh đất xứ Đông văn hiến.
26
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Đại sứ Đinh Toàn Thắng trong Lễ trình Quốc thư, ngày 2-11-2021 - Ảnh Bộ Ngoại giao Pháp cung cấp
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mọi lĩnh vực của văn hóa cũng có sự thay đổi rõ rệt. Sau thời gian người ta tập trung phát triển kinh tế đến một mức ổn định và người dân đã trở nên rất quen thuộc với những sản phẩm công nghệ hiện đại thì một bộ phận công chúng, đặc biệt trong giới trẻ, có xu hướng truy tìm lại những giá trị truyền thống vốn còn hiện hữu nhưng hiện hữu một cách "lờ mờ" hay đã mai một. Đây là một xu hướng tích cực đối với nỗ lực phục hồi và bảo tồn các giá trị và di sản văn hóa tiến bộ của dân tộc ta nói chung, trong đó có tà Áo ngũ thân truyền thống. Hòa theo xu hướng đó, hành trình tìm về cổ phục nói chung, áo dài ngũ thân là hành trình tôi trở về với sự linh thiêng của cội nguồn văn hóa Việt. Không đơn thuần là trang phục của một thời đại lịch sử, áo ngũ thân đã chứa đựng trong mình những nét đẹp văn hóa, nghệ thuật, và cả tâm linh. Ở đó, những giá trị thời trang của y phục này sẽ không bao giờ lạc hậu hay lỗi mốt. Áo ngũ thân đã, đang và sẽ trở thành dấu ấn góp phần định vị bản sắc Văn hóa Việt trên trường quốc tế.
ĐẶNG BÁ MINH CÔNG
 Từ khóa: ÁO DÀI NGŨ THÂN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây