Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Nêu cao vai trò trách nhiệm của Hội Y học tỉnh góp phần nâng cao chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân
Thứ năm - 15/08/2024 00:0550
Hội Y học tỉnh Hải Dương được thành lập theo Quyết định số 1438/QĐ-UBND ngày 11/5/2018 của UBND tỉnh Hải Dương. Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của các cá nhân và tổ chức, đến nay đã có gần 1000 hội viên tham gia, mục đích chính là vận động các hội viên nâng cao vai trò, trách nhiệm để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của người cán bộ, nhân viên y tế góp phần vào mục tiêu chung của ngành nhằm bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Ban Chấp hành Hội Y học tỉnh Hải Dương khoá II.
Hội viên của hội bao gồm các bác sĩ có trình độ tiến sĩ, chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, chuyên khoa cấp I và cử nhân hoạt động trong lĩnh vực y học trong và ngoài ngành y tế Hải Dương. Hội Y học tỉnh Hải Dương là thành viên của Tổng Hội Y học Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương. Chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh được các yếu tố tác động đến chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Thứ nhất, là nhóm yếu tố về luật pháp, chính sách y tế. Khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh được đưa ra trình Quốc hội phê chuẩn, Hội Y học tỉnh Hải Dương đã được mời tham gia góp ý và phản biện một số điều trong Luật này. Cho đến nay, sau một năm Luật Khám bệnh, chữa bệnh được ban hành, để Luật đi vào đời sống và phát huy được hiệu quả thì Hội Y học với chức năng là phản biện xã hội, tuyên truyền, vận động hội viên tiếp tục nghiêm túc thực hiện Luật, chỉ ra được những bất cập trong quá trình thực thi để chỉnh sửa cho phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Chính sách về bảo hiểm y tế cũng có tác động đến chất lượng khám chữa bệnh như: quy định về thời gian, số lượng khám bệnh, số bệnh nhân hoặc các thủ thuật như siêu âm… chưa phù hợp với thực tế, cũng làm ảnh hưởng tới công việc của nhân viên y tế, nhất là các bác sĩ. Vì thực tế hiện nay, số lượng bệnh nhân thì đông mà nhân lực thì chưa đủ, trong đó những quy định về thời gian thực hiện các thủ thuật cũng chưa phù hợp. Chính sách về tài chính và tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn bất cập, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của nhân viên y tế, các y bác sỹ. Bắt đầu từ 01/7/2024, chính sách tiền lương của nhân viên y tế được nâng lên 30%, tạo tâm lý phấn khởi cho nhân viên y tế, các y bác sỹ. Tuy nhiên, thu nhập từ lương tăng lên nhưng tổng thu nhập chính đáng gần như không tăng bởi vì thực hiện chính sách tự chủ ở các đơn vị công lập thì phần lương tăng đó đều do các đơn vị tự thu, tự chi, do đó dẫ đến tiền tăng thu nhập ở các đơn vị sẽ không còn để chi. Ví dụ, một bác sỹ tốt nghiệp vào làm viên chức ở bệnh viện, sau 10 năm, mức lương được khoảng 10 triệu đồng/tháng, nếu không có nguồn thu nhập chính đáng nào thêm nữa thì cuộc sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn trong tình hình giá cả luôn tăng như hiện nay. Vậy làm thế nào để nhân viên y tế nâng cao thu nhập chính đáng thì cần phải tính đến việc tăng giá dịch vụ y tế, nhất là các dịch vụ y tế do bảo hiểm y tế chi trả, vì tăng lượng thì mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động cũng tăng theo, nguồn thu của bảo hiểm y tế cũng tăng. Nếu không tăng được giá dịch vụ y tế thì nhà nước phải cấp bổ sung phần tăng thêm 30%. Các cơ quan chức năng tạo điều kiện để các đơn vị xây dựng phương án tổ chức khám chữa bệnh theo yêu cầu, và có chính sách khuyến khích xã hội hoá trong các bệnh viện, như vậy thì người dân được tiếp cận với các thiết bị y tế chất lượng cao, các đơn vị tận dụng được cơ sở vật chất hiện có, sử dụng được lao động ngoài giờ, tăng thu cho bệnh viện và tăng thu nhập chính đáng cho nhân viên y tế. Như vậy, sẽ động viên người lao động, hội viên tích cực thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ của mình, làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao. Thứ hai, tầm quan trọng của nguồn nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Nếu không có nguồn nhân lực chất lượng thì có đầu tư cơ sở vật chất tốt, trang thiết bị, máy móc hiện đại thì cũng lãng phí. Các đơn vị sẽ không thể đáp ứng được phân hạng bệnh viện. Các nhân viên y tế, nhất là các bác sĩ đều có nhu cầu được đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, để có điều kiện làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình, góp phần vào nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Thực trạng hiện nay, trong các đơn vị y tế còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu y, bác sỹ trình độ chuyên môn giỏi. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, người bệnh không được sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng tại địa phương, phải chuyển lên tuyến trên khám chữa bệnh gây tốn kém, khó khăn trong đi lại. Thứ ba là vấn đề y đức hay đạo đức nghề nghiệp. Y đức là phẩm chất tốt đẹp của của làm ngành y, được biểu hiện ở tinh thần, trách nhiệm cao, tận tuỵ phục vụ hết lòng, thương yêu chăm sóc người bệnh, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y như từ mẫu”. Hằng năm, Tổng Hội Y học Việt Nam đều tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về nâng cao y đức, y nghiệp cho hội viên. Vấn đề y đức có tác động rất lớn đến chất lượng chăm sóc sức khoẻ người bệnh và làm hài lòng người bệnh. Thực hiện tốt 12 điều y đức chính là trách nhiệm của hội viên Hội Y học, góp phần vào nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, làm đẹp hình ảnh của ngành y và nhân viên y tế. Để nêu cao vai trò trách nhiệm của hội viên Hội Y học trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân, xin có một số đề xuất, kiến nghị như sau. - Bố trí đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. + Cần quan tâm tạo điều kiện cho nhân viên y tế học nâng cao trình độ chuyên môn. Từng đơn vị căn cứ vào phân hạng của mình để xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế cho phù hợp thực tế, đáp ứng yêu cầu, không chạy theo bằng cấp. Cần lựa chọn đúng người, đúng năng lực để đào tạo đúng chuyên ngành. + Cần có cơ chế, chính sách giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao như nâng cao nguồn thu nhập chính đáng, tạo điều kiện về nhà ở, công việc để họ yên tâm công tác. - Theo Quyết định số 118/QĐ-TW ngày 27/8/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, Kế hoạch số 200/KH-TU ngày 28/02/2024 của Tỉnh uỷ Hải Dương và Kế hoạch số 1459/KH-UBND ngày 20/4/2024 của UBND tỉnh Hải Dương về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững giai đoạn mới”, chúng tôi thấy cần có ké hoạch tập hợp, củng cố, sắp xếp lại các tổ chức hội trên lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ để các hội hoạt động hiệu quả và thiết thực hơn nữa. - Bộ Y tế đã ký Quy chế phối hợp với Tổng Hội Y học Việt Nam, trên cơ sở này, cùng với Quyết định số 118/QĐ-TW ngày 27/8/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, Sở Y tế và Hội Y học nên ký kết Quy chế phối hợp với các nội dung cơ bản như sau: + Hằng năm, Sở Y tế giao nhiệm vụ và cấp kinh phí cho Hội thực hiện một số nội dung về tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ của hội viên và nhân viên y tế cơ sở. + Giao cho Hội tham gia phản biện xã hội những nội dung của luật pháp và chính sách y tế; tham gia hoạt động giám sát khi có liên quan đến chế độ, chính sách và quyền lợi chính đáng của hội viên ở các chi hội đơn vị. + Cho phép Hội Y học tham gia Hội đồng tư vấn xét duyệt cấp chứng chỉ hành nghề y tế tư nhân, tham gia Hội đồng y khoa khi gặp sự cố, tai biến y khoa có liên quan đến hội viên của Hội và tham gia vào hoạt động bảo vệ quyền lợi của hội viên khi bị hành hung ở các cơ sở y tế. Nguyễn Đức Thành