Mạng xã hội có xu hướng gây nghiện, khiến việc tự giác trở nên đặc biệt khó khăn đối với trẻ vị thành niên. Một bài viết gần đây trên tờ New York Times đã dẫn lời Tiến sỹ Jessi Gold, bác sỹ tâm thần kiêm giám đốc sức khỏe thể chất và tinh thần tại Hệ thống Đại học Tennessee rằng, mặc dù không có hướng dẫn sức khỏe cộng đồng rõ ràng về thời điểm sử dụng mạng xã hội, nhưng nếu trẻ trở nên rất cáu kỉnh khi ngừng sử dụng các thiết bị điện tử, thì đó có thể là đã xuất hiện dấu hiệu của vấn đề bất ổn.
Tháng 9/2021, thời báo Wall Street Journal đã báo cáo về các kết quả nghiên cứu nội bộ của Facebook chỉ ra rằng mạng xã hội đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của các trẻ em gái vị thành niên.
Một slide từ cuộc họp nội bộ của Facebook viết rằng, “Đối với ⅓ trẻ em gái vị thành niên, chúng ta đã làm cho các vấn đề về hình ảnh cơ thể trở nên tồi tệ hơn.” Wall Street Journal cũng báo cáo một slide khác có nội dung: “32% trẻ em gái vị thành niên nói rằng khi các em cảm thấy tồi tệ về cơ thể của mình, Instagram khiến các em cảm thấy tồi tệ hơn.”
Tiết lộ của Wall Street Journal về Facebook và Instragram hiện đã dẫn đến hai cuộc điều trần trước Quốc hội về tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với trẻ em, bao gồm một cuộc điều trần được tổ chức tại Capitol Hills vào hôm 26/10/2021.
Với tư cách là một nhà trị liệu, tôi không lấy làm lạ về tin tức này, rằng mạng xã hội làm suy giảm sự tự tin và hình ảnh cơ thể của thanh thiếu niên, mặc dù báo cáo từ WSJ giúp chúng ta có các bằng chứng thực nghiệm để chứng minh những gì chúng ta đã biết trong nhiều năm qua.
Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng Facebook và Instagram lưu ý những phát hiện này để có cải thiện nào đó ttrên nền tảng của họ sao cho nó ít gây tổn hại hơn đến hình ảnh bản thân của trẻ em.
Những ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp
Truyền thông xã hội có liên quan tới những tác động đáng kể đến sự phát triển về mặt xã hội của trẻ em, đặc biệt là khả năng giao tiếp. Sự nổi lên của truyền thông xã hội đã dẫn đến nhiều báo cáo về việc giới trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp trực tiếp hoặc qua điện thoại.
Các nhà tâm lý học cho rằng nếu không có giao tiếp ngoài đời thực trong thời thơ ấu thì trẻ em sẽ bỏ lỡ quá trình phát triển qua các kinh nghiệm thành công và thất bại trong các giao tiếp thực tế. Do đó, khả năng hiểu được các tín hiệu xã hội ngoài đời thực của các em vẫn chưa được phát triển, có thể cản trở việc xây dựng các mối quan hệ lành mạnh.
Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng mạng xã hội giúp ích cho cho các mối quan hệ bạn bè vì cung cấp không gian để trẻ em có thể kết nối với những người bạn và thể hiện cảm xúc của mình một cách cẩn thận và rõ ràng hơn.
Nạn bắt nạt
Mặc dù truyền thông xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong mối quan hệ bạn bè của giới trẻ nhưng công nghệ này cũng làm gia tăng nạn bắt nạt. Trước khi có mạng xã hội, những em bị bắt nạt ở trường có thể trở về nhà và được an toàn. Tuy nhiên, ngày nay, trẻ em có thể bị bắt nạt ở bất cứ đâu và có nhiều người xem hơn chứng kiến và tiếp tay cho hành vi ngược đãi này.
Người ta cũng có xu hướng thể hiện sự thù địch trên mạng hơn là ở ngoài đời, vì bối cảnh ảo dễ khiến họ ít kiềm chế hơn. Tuy nhiên, việc ít kiềm chế hơn cũng có thể giúp mọi người thể hiện cảm xúc sâu sắc hơn. Một số người thấy rằng giao tiếp bằng văn bản cho phép họ suy nghĩ kỹ hơn trước khi trả lời, mang lại một cảm giác kiểm soát mà không phải lúc nào cũng có được khi trò chuyện trực tiếp. Không giống như giao tiếp trực tiếp, không gian trực tuyến cho phép trẻ tạm dừng, suy nghĩ, và chỉnh sửa trước khi thể hiện bản thân.
Kết nối liên tục với truyền thông xã hội gây mệt mỏi tinh thần
Mặt khác, việc kết nối liên tục với mạng xã hội có thể khiến người ta cảm thấy họ luôn dễ bị tiếp cận, dẫn đến mệt mỏi về mặt tinh thần. Việc tham gia nhiều cuộc trò chuyện trực tuyến cùng lúc, thường là trong khi thực hiện các việc khác như chơi game, hiện đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, con người vốn ít có khả năng làm nhiều việc cùng lúc, vì vậy việc giao tiếp liên tục trên môi trường kỹ thuật số như vậy có thể trở nên quá sức và dẫn đến lo âu. Ngoài ra, mạng xã hội còn gây mất tập trung cho trẻ trong quá trình học tập.
Vai trò của gia đình?
Một số nhà tâm lý học khuyên cha mẹ nên xem mạng xã hội như rượu vậy, nghĩa là cha mẹ cố gắng ngăn trẻ em sử dụng càng muộn càng tốt. Họ cũng khuyên cha mẹ nên xác định các khu vực nào trong nhà không có các thiết bị công nghệ.
Tuy nhiên, công nghệ hiện diện ở khắp mọi nơi, vì vậy đôi khi lệnh cấm không phải một cách giải quyết. Thay vào đó, chúng ta có thể cần có những cách giúp con học cách sử dụng mạng xã hội một cách an toàn và truy cập màn hình theo cách được cân nhắc, có ý thức, và có kế hoạch.
Một cách khác để tác động đến hành vi của trẻ em là cha mẹ làm gương về việc sử dụng các thiết bị. Tần suất và thời điểm cha mẹ và các thành viên trong gia đình sử dụng điện thoại—chẳng hạn như trong bữa ăn hoặc thời gian rảnh rỗi—có tác động trực tiếp đến trẻ em. Việc cả gia đình cùng nhau sử dụng công nghệ, như xem video hoặc chơi trò chơi, sẽ tốt hơn là để các em tự mình lướt qua các nội dung.
Mặc dù công nghệ là một công cụ hữu ích không thể thiếu cho việc học tập, nhưng việc thiết lập các nguyên tắc như không dùng các thiết bị công nghệ trong bữa tối có thể giúp kiềm chế tác động của công nghệ.
Những hoạt động khác giúp không phụ thuộc công nghệ
Để giúp con trẻ có được những khoảng thời gian vui vẻ, hữu ích, nhất là trong dịp nghỉ hè, Tổ chức Sức khỏe Tâm lý Trường Công Lập quận Columbia (School Mental Health District of Columbia) đã đưa ra một số sách lược:
- Khuyến khích các hoạt động ngoài trời. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và duy trì sức khỏe tinh thần. Tổ chức này khuyến khích các bậc cha mẹ đưa con đi bơi, đi bộ đường dài hoặc chơi các trò chơi ngoài trời với bạn bè đồng trang lứa. Đặc biệt, việc tham gia trại hè có rất nhiều lợi ích như giao tiếp xã hội, rèn luyện sức khỏe, giảm căng thẳng. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều bậc cha mẹ ở Mỹ.
- Trau dồi tính sáng tạo. Tham gia vào các hoạt động mang tính sáng tạo có thể giúp trẻ em nâng cao sự tự tin, tạo cơ hội cho trẻ thể hiện bản thân, đồng thời giúp cải thiện sức khỏe tinh thần. Các loại hoạt động nghệ thuật, thủ công và biểu diễn, đều sẽ giúp thúc đẩy trau dồi tính sáng tạo.
- Lên lịch thời gian để giao lưu xã hội. Không có bạn để chơi cùng là nguyên nhân khiến nhiều em học sinh cảm thấy cô đơn trong kỳ nghỉ hè. Các bậc cha mẹ có thể sắp xếp thời gian hàng ngày hoặc hàng tuần, tạo cơ hội cho trẻ nhỏ được vui chơi, chia sẻ và giữ liên lạc với nhau. Điều này có thể giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, giúp trẻ cảm nhận được tình bạn và sự động viên giữa những người bạn đồng trang lứa, mang lại những hữu ích về mặt sức khỏe tâm lý. Hãy cẩn thận để con bạn tránh xa những nhóm người có thói quen xấu để tránh bị nhiễm các tệ nạn như nghiện ngập ma túy hoặc hoạt động theo băng đảng.
- Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử. Mặc dù mạng xã hội cung cấp vô số video thú vị, nhưng việc nghiện xem video có thể dẫn đến các vấn đề như lo âu, trầm cảm và gây tổn hại cho thân thể lẫn tâm trí. Có nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc xem quá nhiều thứ trên màn hình điện tử sẽ gây rối loạn thói quen làm việc và nghỉ ngơi, trong khi việc ngủ đủ giấc rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và sự phát triển thể chất của trẻ. Đồng thời, trẻ nhỏ có nguy cơ tiếp xúc với các nội dung bạo lực và khiêu dâm trên Internet và chịu những ảnh hưởng độc hại.
Một giáo sư của Viện Nghiên cứu gia đình tại Hoa Kỳ khuyến cáo rằng các bậc cha mẹ không nên cho phép con mình sử dụng mạng xã hội ít nhất là từ 14 đến 18 tuổi và chỉ cho phép một cách hạn chế ngay từ đầu.
Bộ não của các bé gái vị thành niên đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những chỉ trích gay gắt và nhu cầu về sự hoàn hảo ngày càng tăng trên mạng xã hội. Vì vậy nếu bạn có thể trì hoãn cho con mình tiếp xúc với mạng xã hội càng lâu thì càng tốt.
Một cô gái trẻ có một nhóm bạn ngoài đời để hỗ trợ cô ấy học cách chấp nhận những điểm mạnh và những điểm yếu của mình mà không cần mạng xã hội càng lâu thì càng tốt.
Cha mẹ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp con gái mình tán dương những ưu điểm và chấp nhận những điểm chưa hoàn hảo trước khi các con tiếp cận với mạng xã hội.
Một khi bọn trẻ đã tiếp xúc với mạng xã hội, tôi khuyến khích các bậc cha mẹ đặt giới hạn cho việc sử dụng mạng xã hội và internet ngay từ đầu, khi chúng mới bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh. Đặt giới hạn ngay từ đầu sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc cố gắng thực hiện việc giới hạn sau này.
Cuối cùng, chúng ta không thể giữ cho mạng xã hội không ảnh hưởng đến con cái của chúng ta. Điều này thật không may.
Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là giúp cho các con bước vào lứa tuổi vị thành niên bằng một trái tim kiên cường và ý thức về giá trị bản thân. Chúng luôn tự tin vào bề ngoài đáng yêu và sức mạnh nội tâm của chính mình mà không dựa vào việc gầy hay béo, cao hay thấp, hoặc ngực hay mũi của chúng to cỡ nào. Chúng luôn tự tin vào tình thương yêu vô điều kiện của cha mẹ.
Làm cha mẹ, chúng ta có thể không cần phải nhấn mạnh vào các giá trị hình thức và nhấn mạnh các giá trị bên trong. Chúng ta không thể loại bỏ mạng xã hội khỏi cuộc sống của con cái mình, nhưng chúng ta có thể chuẩn bị cho con cái một cách tốt nhất bằng những thiết lập ngay từ đầu.
Trần Công Đức