Những phụ nữ Việt Nam tiêu biểu qua các thời kỳ

Thứ tư - 12/03/2025 07:53 36 0
Nhân dịp kỷ niệm 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3), xin được điểm lại một số nhân vật nữ tiêu biểu trong lịch sử dân tộc, đã tạo nên dấu ấn, bản sắc cho Việt Nam.
Nữ vương đầu tiên dành cho Trưng Trắc, người cùng với Trưng Nhị  khởi binh đánh đuổi Thái thú Tô Định, lật đổ ách đô hộ của nhà Đông Hán. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã quét sạch giặc thù khỏi bờ cõi, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương (hay Trưng Vương). Hai Bà Trưng cai trị lãnh thổ vùng Lĩnh Nam của người Việt tương đương với Bộ Giao Chỉ của nhà Hán trong 3 năm. Sự-nghiệp oanh-liệt, khí tiết trung-trinh của hai Bà họ Trưng vẫn in sâu trong trí nhớ của dân đất Việt này.
Vị Nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam là Lý Chiêu Hoàng (1218-1278), tên húy là Phật Kim hay Chiêu Thánh. Khi mới 7 tuổi (năm 1224), bà được cha truyền ngôi, trở thành nữ hoàng duy nhất của triều Lý và cũng là vị nữ hoàng đầu tiên và duy nhất của Việt Nam. Lý Chiêu Hoàng là vị nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đồng thời là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Lý. Bà lên cầm quyền với niên hiệu Thiên Chương Hữu Đạo, đến tháng 01/1226 thì nhường lại ngôi cho chồng là Trần Cảnh, lập ra nhà Trần, chấm dứt triều đại của nhà Lý.
Vị nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử khoa bảng của Việt Nam là Nguyễn Thị Duệ. Bà là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất đỗ tiến sĩ trong thời đại phong kiến nước nhà, được người dân ca tụng là “Bà Chúa Sao Sa”. Bà Nguyễn Thị Duệ hay Nguyễn Thị Du (có tài liệu gọi bà tên Nguyễn Thị Ngọc Toàn, hiệu Diệu Huyền), sinh năm 1574 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học tại làng Kiệt Đặc, nay thuộc xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương. Thuở nhỏ, bà nổi tiếng xinh đẹp, tài hoa, chưa đầy 4 tuổi đã biết viết văn, làm thơ.Cuối thế kỷ XVI  - đầu thế kỷ XVII, đất nước ta bước vào thời kỳ tranh đấu của nhà Trịnh – Mạc. Cuối năm 1592, Trịnh Tùng đưa quân tiến đánh vùng đất Hạ Hồng, Nam Sách, Kinh Môn - quê hương của Nguyễn Thị Duệ. Để tìm đường sống, những người dân trong vùng ồ ạt kéo theo nhà Mạc chạy lên Cao Bằng. Nguyễn Thị Duệ cũng theo gia đình tìm lên Cao Bằng thời điểm này. Ở đây, bà cải trang thành nam giới lấy tên là Du theo học một ông thầy họ Cao. Năm Giáp Ngọ 1594, nhà Mạc mở khoa thi Hội, bà cùng với thầy dạy học dự thi. Nguyễn Thị Duệ đỗ đầu trong khi thầy dạy chỉ đứng á khoa. Năm 1625, quân Trịnh tiến lên Cao Bằng đánh nhà Mạc đã bắt được bà chúa Sao. Trước quân địch, bà vẫn hiên ngang rút gươm quát bảo bọn lính phải đem giải mình đến gặp chúa Trịnh nếu không bà sẽ tự tử. Đến gặp vua Lê, chúa Trịnh, nhờ tài đối đáp xuất sắc nên bà thoát tử tội. Mến mộ tài năng, khí độ hiếm có của bà, chúa Trịnh giao cho bà trọng trách trông coi việc học của phủ chúa và rất trọng dụng. Sau này, bà được phong là Nghi ái quan.
đền thờ NTD
Đền thờ bà Nguyễn Thị Duệ nằm bên dãy núi Phượng Hoàng thuộc địa bàn khu dân cư Trại Sen, phường Văn An,
thành phố Chí Linh (Hải Dương)
đã được xếp hạng di tích quốc gia

Người phụ nữ làm làm nhà giáo của nhiều vua nhất là bà Nguyễn Nhược Thị Bích. Rất thông tuệ và giỏi văn thơ, bà Nguyễn Nhược Thị Bích (1830-1909), quê Ninh Thuận, được tiến cử vào cung, trở thành cô giáo của 3 vị vua nhà Nguyễn: Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh. Bà dạy vua Kiến Phúc, Đồng Khánh khi còn là hoàng tử và dạy Hàm Nghi cả khi đã lên ngôi. Bà được phong nhiều tước vị cao quý như Tài nhân, Mỹ nhân, Quý nhân, Tiệp dư, rồi Lễ tần. Sinh thời, bà là người sáng tác tập thơ lục bát “Hạnh thục ca” bằng chữ Nôm, gồm 1.306 câu, nói về nhiều sự kiện trong triều, ngoài trấn từ khi người Pháp đem quân xâm lược nước ta. Đây là tác phẩm rất có giá trị về mặt lịch sử, thể hiện sự phẫn nộ của bà về việc Pháp chiếm nước ta, mô tả tình cảnh triều đình Huế di tản ra khỏi kinh thành. Năm 1892, dưới thời vua Thành Thái, bà Nhược Bích được phong làm Tam Phi Lễ Tần. Đến năm 1909, bà qua đời, thọ 79 tuổi.
Nữ chiến sĩ cộng sản đầu tiên của phong trào cộng sản Việt Nam. Nguyễn Thị Minh Khai sinh năm 1910 tại Vinh (Nghệ An). Năm 1927 gia nhập Tân Việt Cách mạng đảng. Năm 1929, thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng ở Việt Nam, Trung Quốc… Năm 1935, vào học trường Đại học Phương Đông tại Liên Xô, cùng với Lê Hồng Phong là đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Năm 1936, về nước hoạt động, góp nhiều công lớn trong phong trào đấu tranh chống Pháp xâm lược, sau đó bị bắt vào năm 1940. Nguyễn Thị Minh Khai còn là bí thư thành ủy trẻ nhất. Cuối năm 1936, chị trở thành Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ khi mới 26 tuổi và được bầu làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh và một số vùng phụ cận ngày nay). Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ… đi xử bắn tại ngã tư Giềng Nước (nay là trước sân Bệnh viện huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Trước khi bị xử bắn đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã tranh thủ thời gian cuối cùng của cuộc đời để bí mật viết vào mảnh giấy nhỏ cuộn tròn trong điếu thuốc gửi tới người đồng chí, người bạn đời Lê Hồng Phong đang bị đày ở nhà tù Côn Đảo: “Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi là người cộng sản kiên cường. Mong anh cũng vậy”.
Người phụ nữ làm đại biểu quốc hội nhiều khoá nhất là bà Nguyễn Thị Thập (1908-1996), tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, quê Tiền Giang. Năm 1946, bà đắc cử đại biểu Quốc hội khóa I. Tiếp theo, bà liên tục đắc cử đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VI, trở thành đại biểu Quốc hội của cả 6 khóa với tổng thời gian 35 năm (1946-1981).  Sau Hiệp định Geneve (1954), đất nước bị chia đôi. Theo chỉ đạo của Trung ương, bà tập kết ra miền Bắc. Suốt từ đó cho đến lúc từ trần, bà dành toàn bộ tâm trí, sức lực cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng con người. Bà được bầu là Hội trưởng, rồi sau này là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong thời gian dài nhất: 18 năm (1956-1974). Liên tục từ khóa I đến khóa VI, bà được bầu vào Quốc hội và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội liên tục trong 21 năm, từ khóa II đến khóa VI (1960-1981). Trong lịch sử phát triển vẻ vang của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, giai đoạn từ 1960 đến 1975 để lại dấu ấn đậm nét về vai trò của Hội trong việc tham mưu cho Đảng về công tác vận động phụ nữ qua việc tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước; phong trào thi đua sôi nổi của phụ nữ thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" được phát động tháng 3/1965 là sản phẩm trí tuệ của tập thể lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam thời kỳ này mà đứng đầu là Hội trưởng Nguyễn Thị Thập. Không những là đại biểu Quốc hội nhiều khóa nhất và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lâu nhất, bà Nguyễn Thị Thập còn là người phụ nữ đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao vàng - huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Năm 1985, để ghi nhận công lao đặc biệt của bà, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của đất nước và bà là người phụ nữ duy nhất đến nay được nhận phần thưởng cao quý này. Năm 1994, bà được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
PCT nước NTB
Bà Nguyễn Thị Bình tham dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại
hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973-27/1/2023)

Nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên là bà Nguyễn Thị Bình, tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, sinh năm 1927 tại Sa Đéc (nay thuộc Đồng Tháp), quê gốc Quảng Nam, cháu ngoại của chí sĩ ái quốc Phan Châu Trinh. Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời (năm 1968), bà đảm nhận cương vị Bộ trưởng Ngoại giao và giữ chức suốt thời gian Chính phủ này tồn tại (1968-1976). Bà Nguyễn Thị Bình được gọi bằng cái tên “Madame Bình”. Bà giữ cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hoà bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968-1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định. Bà cũng từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1992 đến 2002. Năm nay, Bà Nguyễn Thị Bình đã 98 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, trí tuệ.
Người phụ nữ đầu tiên thời hiện đại giữ chức vụ quan trọng nhất là đồng chí Nguyễn Thị Định (1920-1992), quê Bến Tre, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936, là người khởi xướng và lãnh đạo xuất sắc phong trào đồng khởi 1959-1960. Bà trải giữ nhiều vị trí chủ chốt trong quân đội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và năm 1987 trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thời hiện đại giữ chức vụ quan trọng nhất: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Không chỉ là phụ nữ đầu tiên thời hiện đại giữ chức vụ quan trọng nhất, bà Nguyễn Thị Định còn là nữ tướng đầu tiên của quân đội hiện đại. Từ năm 1970, bà là Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam và năm 1974 được phong hàm cấp Thiếu tướng. 
Nữ sĩ quan tình báo giỏi nhất là danh hiệu dành cho Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Đinh Thị Vân (1916-1995), tên thật là Đinh Thị Mậu (Vân là tên chồng), quê Nam Định, người tổ chức và điều hành mạng lưới tình báo tại Sài Gòn trong thời chống Mỹ. Năm 1954, được Bộ Quốc phòng đặc phái vào miền Nam hoạt động. Thông minh, linh lợi, kiên trung, xây dựng được mạng lưới tình báo vững chắc, đã cung cấp cho Trung ương Đảng nhiều tin tức kịp thời về những cuộc càn quét của Mỹ - ngụy vào đầu não kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ. Hệ thống tình báo của bà phục vụ đắc lực cho các kế hoạch tấn công của quân đội ta từ Tết Mậu Thân 1968 đến khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng năm 1975.
Nguyễn Anh Hùng
 Từ khóa: phụ nữ tiêu biểu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây