Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Một số giải pháp nâng cao chất lượng cuộc thi cho thanh thiếu niên nhi đồng
Thứ ba - 20/08/2024 15:0160
Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc (sau đây gọi tắt là Cuộc thi) được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6163/VPCP-KG, ngày 11/12/2003.
Đến nay Cuộc thi toàn quốc đã tổ chức thành công 20 lần. Cuộc thi được tổ chức với mục đích khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh, thiếu niên, nhi đồng; giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ các em trở thành nhà sáng chế trong tương lai. Những kết quả đạt được Được sự quan tâm chỉ đạo của Liên hiệp Hội Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, UBND tỉnh Hải Dương, Liên hiệp Hội tỉnh Hải Dương đã tham mưu tổ chức và tham gia Cuộc thi toàn quốc từ những năm đầu. Từ năm 2006 đến 2016, Liên hiệp Hội tỉnh thực hiện công tác tuyển chọn các mô hình, sản phẩm tham gia Cuộc thi toàn quốc. Từ năm 2017 đến nay, Liên hiệp Hội tỉnh Hải Dương đã tiến hành tổ chức tuyên truyền, nhận sản phẩm, chấm thi và lựa chọn các mô hình, sản phẩm và trao giải cấp tỉnh. Tính đến năm 2024, Liên hiệp Hội đã 07 lần tổ chức thành công Cuộc thi. Ban Tổ chức đã nhận được 751 mô hình, sản phẩm tham gia dự thi ở cả 05 lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình, đồ dùng giải trí và đồ chơi trẻ em; các mô hình ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Cơ cấu giải thưởng và mức thưởng ngày càng được nâng cao. Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh đã tổ chức chấm, lựa chọn và trao giải cho 249 mô hình, sản phẩm chất lượng, trong đó có 06 giải Nhất, 35 giải Nhì, 70 giải Ba và 138 giải Khuyến khích.
Tổng kết Cuộc thi lần thứ 17.
Qua đó cho thấy, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh ngày càng được triển khai bài bản, góp phần động viên, khích lệ sự sáng tạo trong thanh thiếu niên, nhi đồng của tỉnh. Công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai Cuộc thi hàng năm được ban tổ chức Cuộc thi chú trọng và thực hiện ngay sau tổng kết Cuộc thi năm trước đã tạo sự chủ động cho các sở, ngành, các huyện, thành phố trong công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Cuộc thi. Một số cơ chế, chính sách mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Cuộc thi ở các cấp, khích lệ được sự tham gia Cuộc thi ở cấp cơ sở, người hướng dẫn và thanh thiếu niên, nhi đồng. Công tác tuyên truyền về Cuộc thi có nhiều đổi mới. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc được quan tâm thường xuyên. Mặc dù có những thời điểm bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid- 19, nhưng với sự tập trung tham mưu, chỉ đạo của ban tổ chức Cuộc thi các cấp; sự phối hợp chỉ đạo tránh nhiệm cao của các sở, ngành; sự nỗ lực, cố gắng của cơ sở Đoàn, Đội, các trường học và thanh thiếu niên, nhi đồng nên Cuộc thi tiếp tục thu hút sự quan tâm, hưởng ứng rộng rãi của thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh. Những mô hình, sản phẩm đoạt giải đều có tính mới, có hàm lượng sáng tạo, có khả năng ứng dụng để giải quyết những vẫn đề thực tiễn đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Số mô hình, sản phẩm tham gia Cuộc thi hàng năm được duy trì, chất lượng, hàm lượng sáng tạo trong mỗi mô hình, sản phẩm từng bước được nâng lên. Cuộc thi thực sự là sân chơi để khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học, áp dụng các kiến thức trong học tập vào thực tiễn sản xuất và đời sống của thanh thiếu niên, nhi đồng. Cuộc thi sẽ là tiền đề tạo ra nguồn nhân lực tham gia vào sự phát triển kinh tế-xã hội, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh trong tương lai. Những khó khăn, hạn chế Bên cạnh những kết quả đạt được, Cuộc thi cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Công tác tuyên truyền, tổ chức Cuộc thi ở một số đơn vị còn hạn chế. Một số mô hình, sản phẩm tham gia Cuộc thi cấp tỉnh còn sơ sài cả về thuyết minh và mô hình, sản phẩm, sao chép ý tưởng. Hàm lượng sáng tạo trong mỗi mô hình, sản phẩm chưa nhiều. Số lượng mô hình chất lượng còn ít, chất lượng chưa cao. Số mô hình được hoàn thiện, nhân rộng vào thực tế chưa nhiều. Trong những năm qua, cùng với việc tổ chức triển khai, thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Giàng luôn quan tâm, chỉ đạo các trường tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc thi, các “sân chơi” trí tuệ nói chung và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồngnói riêng và đã đạt được một số kết quả đáng kể. Thanh thiếu niên nhi đồng trong huyện Cẩm Giàng thường xuyên tham gia và có sản phẩm đạt giải,, các sản phẩm đạt giải đa dạng, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cập nhật kịp thời những vấn đề nóng mà xã hội quan tâm như vấn đề bảo vệ môi trường (Cổng Văn Miếu Mao Điền làm từ que kem và bìa cứng- THCS Cẩm Giang, Sáng tạo đồ chơi con rối bằng vật liệu tái chế -TH Ngọc Liên, Bếp đun sử dụng dầu thải -THCS Lương Điền, Mô hình sử dụng năng lượng vĩnh cửu cho hệ sinh thái ao nuôi cá nước ngọt, Máy phát lá đa năng sử dụng năng lượng mặt trời -THCS Lai Cách,..); vấn đề sức khỏe, phòng chống dịch bệnh (Thiết bị xác định thân nhiệt, nhịp tim và định vị bệnh nhân qua internet – THCS Nguyễn Huệ, Chung tay vì thế giới không dịch bệnh- THCS Thạch Lỗi, Tranh sỏi: Vì cuộc sống không còn covid- THCS Cẩm Văn,…), vấn đề khoa học trong cuộc sống (Túi nước đa năng- THCS Cẩm Đoài, Ổ điện thông minh- THCS Lai Cách),….Tiêu biểu như cuộc thi lần thứ 16 (2021-2022) có 5 sản phẩm đạt giải cấp tỉnh, trong đó 1 giải nhì, 1 giải ba và 3 giải khuyến khích.Ông Nguyễn Bá Tơn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Giàng cho biết: “Tuy đạt được nhiều kết quả, nhưng so với tiềm năng của huyện cũng như yêu cầu của cuộc thi, Cẩm Giàng còn một số hạn chế sau như số lượng học sinh quan tâm và tham gia cuộc thi còn ít, chưa đồng đều ở các đơn vị trường học. Các sản phẩm, mô hình tham giachất lượng chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm đạt giải cao cấp tỉnh.” Theo ông Nguyễn Văn Tuyên, giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ, một người tâm huyết trong việc nâng cao sáng tạo của học sinh, có bốn nguyên nhân dẫn đến chất lượng và số lượng sản phẩm tham gia dự thi còn hạn chế: Hầu hết các nhà trường đều chưa xây dựng được kế hoạch để triển khai một cách cụ thể, bài bản để tham gia cuộc thi, còn có khái niệm tham gia cho có, tham gia để lấy phong trào chứ chưa thực sự đầu tự tâm huyết với cuộc thi. Bản thân giáo viên giảng dạy ở tiểu học đều không được đào tạo các môn học, các lĩnh vực có liên quan nhiều đến kiến thức chuyên sâu ở các lĩnh vực vật lý, hóa học nên gặp khó khăn trong việc giúp đỡ học sinh hoàn thành ý tưởng nên gây ra tâm lý ngại làm, ngại tìm hiểu nếu không có đam mê. Học sinh tiểu học còn nhỏ, kiến thức chưa nhiều, ngôn ngữ hạn chế dẫn đến việc các em trình bày ý tưởng của mình cho thầy cô cũng rất khó khăn, khó hiểu nên nhiều khi giáo viên không nắm bắt được đúng ý tưởng của các em hoặc có thì cũng rất mất thời gian trao đổi với học sinh. Công sức, chi phí dành cho mỗi dự án nhiều khi cũng không phải nhỏ mà nguồn kinh phí của các nhà trường dành cho các cuộc thi là hết sức hạn hẹp và khó thực hiện chi trả nếu các sản phẩm, nguyên liệu, thiết bị mua mà ko xuất được hóa đơn vì sản phẩm đa phần là dùng hàng tái chế hoặc đi mua ở các hàng phế liệu. Giải pháp nâng cao chất lượng Cuộc thi Để các sản phẩm, mô hình tham gia Cuộc thi ngày càng nhiều về số lượng, nâng cao về chất lượng, nhất là những sản phẩm, mô hình của các em nhi đồng, cần làm tốt những việc sau: Thứ nhất, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền Cuộc thi thông qua các infographic, trailer có tính trẻ trung, sáng tạo đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là fanpage, mạng xã hội, website,.. Thứ hai, Ban Tổ chức Cuộc thi cần định kỳ tập huấn cho các trường, giáo viên hướng dẫn, các em học sinh về phương pháp luận sáng tạo, phương pháp nghiên cứu khoa học, các bước lựa chọn, triển khai, hoàn thiện ý tưởng sáng tạo và xây dựng báo cáo thuyết minh. Qua thực tế cho thấy trong quá trình thực hiện, nhiều nhóm học sinh có ý tưởng sáng tạo, thực hiện lắp ghép được sản phẩm nhưng việc mô tả, thuyết minh còn hạn chế. Chính vì vậy cần hướng dẫn cụ thể cho các trường, giáo viên hướng dẫn các bước lựa chọn, triển khai, hoàn thiện ý tưởng sáng tạo và xây dựng báo cáo thuyết minh cho mô hình, sản phẩm dự thi. + Lựa chọn ý tưởng sáng tạo: Giáo viên giảng dạy các lớp là người nêu vấn đề để học sinh hình thành được ý tưởng sáng tạo ban đầu xuất phát từ thực tiễn cuộc sống gắn với các lĩnh vực được quy định trong thể lệ cuộc thi.
Tuyên truyền Cuộc thi ở Cẩm Giàng.
Trên cơ sở các ý tưởng sáng tạo ban đầu của học sinh, nhà trường, GV, học sinh thảo luận lựa chọn ý tưởng tối ưu nhất để triển khai thực hiện. Những học sinh, nhóm học sinh được chọn lựa ý tưởng sẽ được nhà trường hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phân công giáo viên hướng dẫn. (GV hướng dẫn sẽ hướng dẫn học sinh viết phiếu đăng ký dự thi theo mẫu). + Thực hiện bản mô tả: Từ ý tưởng sáng tạo, GV hướng dẫn học sinh phác mô hình trên giấy, chọn vật liệu tái chế chế tạo sản phẩm. Trong quá trình chế tạo, lắp ghép sản phẩm, học sinh ghi lại các bước thực hiện và chụp lại hình ảnh từng công đoạn để làm tư liệu cho việc viết bản thuyết minh. Đây là sản phẩm sáng tạo của HS nên GV chỉ là người tư vấn, giúp đỡ, hoặc nêu câu hỏi phản biện, không làm hộ, làm thay học sinh. + Viết báo cáo thuyết minh: Khi đã hoàn thành sản phẩm, giáo viên hướng dẫn học sinh huy động vốn kiến thức tổng hơp trình bày rõ ràng, chính xác, lôgic, chặt chẽ giải pháp từ ý tưởng sáng tạo đến tính mới của sản phẩm=> vật liệu làm ra sản phẩm=> cách lắp ráp sản phẩm (có hình ảnh minh hoạ các bước làm) => khả năng áp dụng, hiệu quả của sản phẩm. Đây là nội dung quan trọng quyết định thành công của sản phẩm. + Rèn luyện kỹ năng thuyết trình cho học sinh: Khi đã có báo cáo thuyết minh, giáo viên hướng dẫn học sinh thuyết trình sao cho cô đọng, ngắn gọn, rõ ràng, làm nổi bật nội dung trọng tâm, cơ bản nhất của sản phẩm sáng tạo. Thứ ba, đối với nhà trường cần thành lập câu lạc bộ để các em có địa chỉ tin cậy để giao lưu và học hỏi. Trong đó, giáo viên hỗ trợ học sinh tìm tư liệu, cung cấp kiến thức, làm cùng học sinh.Trợ giúp từ phía phụ huynh: tạo điều kiện về thời gian và có thể hỗ trợ về vật chất cho các em tham gia.Nhà trường tổ chức cuộc thi tại trường nhằm phát hiện ra các nhân tố có khả năng sáng tạo và phát triển. Nghiên cứu thành lập tổ tư vấn về ý tưởng sáng tạo. Thứ tư, đưa doanh nghiệp tham gia vào quá trình đánh giá mô hình, sản phẩm. Việc cho phép doanh nghiệp tham gia vào việc đánh giá và chấm điểm đối với các đề tài, sản phẩm dự thi cũng góp phần làm cho các sản phẩm đoạt giải có thêm cơ hội để được đầu tư và khả năng được áp dụng vào thực tế nhanh hơn. Doanh nghiệp có nguồn lực nếu lựa chọn được sản phẩm phù hợp cũng sẽ sẵn sàng tham gia quá trình đầu tư để hoàn thiện sản phẩm, đề tài mà họ quan tậm. Việc tác giả sản phẩm khoa học tiếp cận nguồn lực hỗ trợ để hoàn thiện và nhân rộng mô hình hoặc sản phẩm của họ đòi hỏi sự chủ động, kiên nhẫn, và mối quan hệ xây dựng trong cộng đồng khoa học và nguồn tài trợ. Bằng việc thực hiện các giải pháp được đề cập, tác giả có thể tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm của họ được phát triển, hoàn thiện và góp phần tích cực vào sự phát triển của xã hội và khoa học.