Bác Hồ viết bài báo “Tổ chức ngày Tết tiết kiệm và vui tươi” trước dịp Tết Ất Tỵ 1965

Thứ bảy - 04/01/2025 13:58 7 0
Báo Nhân Dân, số 3948, ngày 21/1/1965 có đăng trên trang nhất bài báo “Tổ chức ngày Tết tiết kiệm và vui tươi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác Hồ kêu gọi tổ chức ngày Tết tiết kiệm và vui tươi
Nguyên văn bài báo “Tổ chức ngày Tết tiết kiệm và vui tươi” (Báo Nhân Dân, số 3948, ngày 21/1/1965) như sau:
“Có thể nói rằng Đằng Hải (huyện Hải An thuộc Hải Phòng) là một trong những xã gương mẫu [1].
Năm 1963 trở về trước - Hễ đến ngày Tết thì Đằng Hải ít ra cũng giết hơn 200 con lợn. Cộng vào đó, hơn 250 lợn bị giết để cúng tế và cưới xin trong cả năm. Cũng trong cả năm, họ chỉ bán cho Nhà nước 2 tấn thịt lợn! Do lãng phí như thế mà nhiều gia đình lâm vào cảnh túng thiếu.
Đã không kiệm, thì ít cần. Lãng phí nhiều thì lao động và sản xuất kém. Hằng năm Nhà nước phải bán cho Đằng Hải 80 tấn thóc. Đoàn Thanh niên Lao động Đằng Hải thấy rõ tình trạng đó mà lo. Sau khi nghiên cứu kỹ Nghị quyết 8 của Trung ương Đảng và được đảng ủy đồng ý, họ phát động một phong trào tiết kiệm. Đoàn viên và thanh niên bèn lập những tổ chống lạm sát lợn. Họ xung phong gương mẫu. Trong dịp cưới hỏi của mình, họ kiên quyết tiết kiệm và không giết lợn. Họ vận động cha mẹ và bà con trong xã bớt cúng bái, ma chay. Họ quy định trong mấy ngày Tết mỗi người chỉ ăn nửa cân thịt lợn, mỗi gia đình chỉ dùng ba cân gạo nếp gói bánh chưng và chỉ làm thịt hai con gà. Họ còn vận động các xã viên cấy xong ruộng chiêm trước Tết. Họ phân công cho nhau, nhóm thì tổ chức chương trình văn công; nhóm thì phụ trách việc mua và bán cho các gia đình để xã viên khỏi mất công đi chợ ảnh hưởng đến lao động.
Từ đó trở đi - Mỗi đám cưới chỉ tốn mươi đồng bạc mà rất vui vẻ, linh đình. Trong năm 1964, đoàn viên và xã viên đã bán cho Nhà nước 45 tấn thịt lợn. Đằng Hải chẳng những không phải mua gạo, mà còn bán cho Nhà nước 3 tấn thóc theo giá khuyến khích. 200 người tiểu thương đã chuyển sang sản xuất. Trong hai ngày Tết năm ngoái, các xã viên đã gửi được 15.000 đồng vào quỹ tiết kiệm... Nhờ tiết kiệm mà Đằng Hải đã ăn một cái Tết tươi vui chưa từng có trong lịch sử xã.
Tết này - Họ định tiết kiệm và vui tươi hơn nữa. Ngoài việc tổ chức mừng Xuân một cách vui nhộn và lành mạnh, đoàn viên và thanh niên phụ trách vận động nhân dân gửi 20.000 đồng tiết kiệm (nhiều hơn Tết năm ngoái 5.000 đồng). Họ chỉ nghỉ việc hôm Nguyên đán; sang mồng 2 Tết, họ sẽ tổ chức ngày lao động mới để giành thắng lợi mới.
Mong rằng các nơi sẽ thi đua làm như xã Đằng Hải!
T.L
[1] Xem báo Tiền phong, ngày 17/1/1965 (TG)”.
Anh 4
Báo Nhân Dân, số 3948, ngày 21/1/1965 có đăng trên trang
nhất bài báo “Tổ chức ngày Tết tiết kiệm và vui tươi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ mở đầu Tết sẻ chia, Tết tiết kiệm, Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho Tết cổ truyền của dân tộc ta thêm tốt đẹp và có nhiều ý nghĩa.
Đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu cho Tết sẻ chia.
Tết Nguyên đán năm 1946 diễn ra khi đất nước mới giành được độc lập vài tháng trước. Nạn đói vẫn chưa được đẩy lùi. Lại gặp họa quân Tưởng vào giải giáp quân Nhật tại miền Bắc và quân Pháp xâm lược ở miền Nam. Bởi thế, đời sống của Nhân dân ta cực kỳ khó khăn.
Nhân Tết Nguyên đán năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Tết” trên báo Cứu Quốc (Cơ quan Truyên truyền tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh) số 147, ra ngày 21/1/1946. Nguyên văn bài báo của Người như sau:
TẾT
Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái. Trong lúc này toàn quốc đồng bào từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn Tết mừng Xuân.
Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui Xuân mừng Tết với:
Những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận
Những gia quyến các chiến sĩ,
Những đồng bào nghèo nàn,
Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui và Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Hồ Chí Minh
Trên  báo Tiếng gọi phụ nữ (Cơ quan tuyên truyền cổ động của Phụ nữ Cứu Quốc) số Tết Âm lịch 1946 ra ngày 22/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thơ gửi phụ nữ Việt Nam và đồng bào cả nước. Trong đó, Người đã kêu gọi: “Tiền của dư ra/ Đem làm việc nghĩa”.
Vào đêm Ba mươi Tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đồng chí giúp việc đến đầu ngõ hàng Đũa, phố Sinh Từ. Đây là khu dân cư lao động nghèo ở thủ đô Hà Nội, ngõ hẹp đường mấp mô phải soi đèn pin để đi. Căn nhà đầu tiên không cài then, mọi người bước vào bên trong thấy rất lạnh lẽo. Một chiếc đèn dầu le lói và một người đắp chiếu nằm rên, gọi mãi không thấy dậy. Người bảo kéo chiếu lên đắp thêm cho người ốm. Trên đường ra người dân xung quanh cho Người biết đó là người làm nghề kéo xe và đang bị sốt. Người buồn thở dài nói “Ba mươi Tết mà không thấy Tết” và dặn ngày mai nhớ mang quà và thuốc đến thăm hỏi gia đình. Đến phố hàng Lọng, Người đến thăm một gia đình công nhân viên chức nghèo.
Mồng hai Tết Nguyên đán năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm “Phiên chợ mười ngày” tổ chức tại Chùa Láng (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Trong buổi gặp gỡ với đông đảo Nhân dân mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về ý nghĩa của “Ngày Nam Bộ kháng chiến”, biểu dương Nhân dân Hà Nội đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, sốt sắng tham gia phong trào ủng hộ đồng bào Nam Bộ chống Pháp. Người kêu gọi “Hãy đoàn kết muôn người như một, ra sức thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng”, đẩy mạnh tăng gia sản xuất để chống đói và tiếp tế cho bộ đội” và chúc toàn thể nhân dân hưởng Tết độc lập đầu tiên vui vẻ, hạnh phúc và tiết kiệm.
Tết Nguyên đán năm 1946 không những là Tết Độc lập đầu tiên của nước ta mà còn là Tết sẻ chia của dân tộc ta mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã mở đầu cho truyền thống tốt đẹp này.
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu cho Tết tiết kiệm.
Đọc bài thơ “Ghét Tết” của nhà thơ Tú Mỡ (1900-1976) được sáng tác trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dễ nhận ra nhà thơ ghét Tết là do Tết “phiền”. Phiền là do Tết phải “tiêu pha thực tốn tiền”, “chè chén cứ liên miên” và “hết Tết đâm lo nợ”…
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng và Nhà nước ta luôn kêu gọi người dân đón Tết theo hướng tiết kiệm. Đầu năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về tham gia chống hạn ở xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Khi ấy còn 1 tháng 10 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán năm 1958, tại buổi nói chuyện với nhân dân trong xã, Người góp ý: “Năm ngoái bà con ăn Tết mổ lợn, mổ bò... rồi thiếu trâu bò cày. Đấy là chưa kể rước sách linh đình, đồng bóng bói toán thật là lãng phí, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục. Năm nay, nhất định sửa. Tết năm nay phải là Tết vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm”.
Ngày 18/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài “Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?”, trong đó Người nêu những việc đáng chê, đáng khen trong việc ăn Tết, nhắc nhở cán bộ phải làm gương, hướng dẫn Nhân dân ăn Tết vui vẻ, tiết kiệm. Người nhận định: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất, những ngày Nguyên đán, chúng ta vui chơi một ngày để chào Xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nên chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân”. Người đã kêu gọi: “Mừng Xuân, Xuân cả thế gian/ Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”.
Ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm 1965, sau khi thăm các cơ quan đoàn thể ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm công trường Việt Trì và phát biểu trước cán bộ, công nhân, chuyên gia các nước bạn đang giúp ta với những lời đầy tình cảm: “Cán bộ phải chú ý chăm lo sinh hoạt của anh em trong ngày Tết. Đối với các đồng chí công nhân, cán bộ, bạn bè giúp ta mà phải xây nhà trong dịp Tết Nguyên đán này, ta càng chú ý săn sóc. Các anh em người Âu, Phi lâu nay đã quen với phong vị Tết Việt Nam nên làm sao cái Tết của xây dựng phải vui vẻ hơn Tết kháng chiến, song phải tránh những lãng phí không cần thiết”.
Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu cho Tết trồng cây.
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn bảo vệ môi trường sống của Nhân dân thì phải bảo vệ “lá phổi xanh”. Trong bài: “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân Dân số 2082 ra ngày 28/11/1959, Người kêu gọi: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của Nhân dân ta...”. Đối với Người, trồng cây không chỉ là lợi ích kinh tế trước mắt mà còn là mùa xuân vững bền của đất nước, của dân tộc: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.  
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây do Người phát động từ ngày 6/1 đến ngày 6/2/1960. Đợt trồng cây này gọi là “Tết trồng cây”, mỗi người trồng ít nhất một cây và chăm bón cho tốt. Người khuyên Nhân dân ta nên duy trì bền bỉ Tết trồng cây vào đầu xuân hàng năm. Người lại ân cần nhắc nhở động viên Nhân dân ta thực hiện tốt Tết trồng cây. Người đã xuống các địa phương tham gia nhiều Tết trồng cây để cổ vũ Nhân dân ta.
Bà Ketherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam trong lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2010 đã nhận định: “Với tầm nhìn xa rộng của mình, Người đã nhận thấy trước ý nghĩa quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tăng cường mối quan hệ hòa hợp giữa con người và thiên nhiên vì sự phát triển bền vững của quốc gia. Người ủng hộ sự cần thiết phải chống thiên tai, duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cùng môi trường sinh thái, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trồng rừng, làm thủy lợi và cải thiện chất đất. Người khuyến khích Nhân dân trồng thật nhiều cây”.
Do đó, hiện nay, cả nước ta đang chung sức, đồng lòng cho kế hoạch trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 thực hiện thắng lợi để làm cho đất nước Việt Nam “càng ngày càng xuân” như lời dạy Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguyễn Văn Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây