Những sự kiện lịch sử trọng đại trong tháng Hai

Chủ nhật - 23/02/2025 14:31 5 0
Tháng hai là tháng có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra trên thế giới và ở nước ta.
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời
Vào tháng 02/1848, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời. Đây là văn kiện đầu tiên có tính chất cương lĩnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bản Tuyên ngôn khẳng định: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(1).
Ngày 07/11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi và Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên của thế giới ra đời. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), chủ nghĩa xã hội vượt ra khỏi phạm vi một nước và trở thành hệ thống thế giới. Chỉ tính riêng các quốc gia trong hệ thống xã hội chủ nghĩa có cùng mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, đã có thời chiếm gần 1/3 diện tích, 1/4 dân số và 40% sản lượng công nghiệp toàn thế giới.
Thực tế đã chứng minh, tại các nước tư bản khi có khủng hoảng xảy ra thì đời sống của người lao động lâm vào hoàn cảnh cực kỳ bi đát. Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ từ năm 2007, bùng phát mạnh từ cuối năm 2008. Kết quả là phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” đã bùng nổ ở Mỹ vào hai tháng 9 và 10/2011. Chỉ cần nhìn vào những tấm biểu ngữ trên đường phố như “99% dân nghèo chống lại 1% người giàu có”… là đã phần nào hiểu được căn nguyên của vấn đề.
Chiến thắng Stalingrad của Liên Xô trước phát xít Đức
Ngày 17/7/1942, quân phát xít Đức tấn công vào Stalingrad. Trải qua cuộc chiến đấu cam go, chiến thắng đã thuộc về Hồng quân Liên Xô. Ngày 2/2/1943, quân phát xít Đức ở Stalingrad đã đồng loạt treo cờ trắng xin đầu hàng. Gần 1/4 quân số phát xít Đức trên toàn chiến trường Xô-Đức đã bị tiêu diệt trong trận Stalingrad.
Trong Hồi ký “Sự nghiệp và cuộc đời” của mình, Nguyên soái Liên Xô Aleksandr Vasilevsky đã nhận định: “Trận bảo vệ Stalingrad - trận đánh dấu bước ngoặt căn bản trong chiến tranh giữ nước vĩ đại và cuộc chiến tranh thế giới nói chung”.
Đúng như nhận định trên, sau trận Stalingrad, Hồng quân Liên Xô đã chủ động tiến công quân phát xít Đức, quét chúng ra khỏi lãnh thổ và truy kích chúng tận sào huyệt.
Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập
Vừa mới ra đời vào tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ngay lập tức kêu gọi giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và toàn thể dân tộc đứng lên đòi quyền lợi của mình. Trong bài nói chuyện tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ðảng vào năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mục tiêu xuyên suốt của Đảng là: “Ðảng ta là đạo đức, là văn minh/ Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no”.
Thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Đề cương Văn hoá Việt Nam ra đời
Tháng 2/1943, Đảng ta đưa ra bản Đề cương Văn hoá Việt Nam. Bản Đề cương Văn hoá Việt Nam nêu ba nguyên tắc lớn trong cuộc vận động xây dựng nền văn hóa Việt Nam: dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập), đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng) và khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).
Hiện nay, nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hoá của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao.
Sau 39 năm đổi mới và hội nhập (1986-2025), nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam đã được công nhận là di sản thế giới, di sản ký ức thế giới. Các loại hình của văn hóa Việt Nam ngày càng được cộng đồng thế giới biết đến và đánh giá tích cực. Đời sống văn hóa của đại đa số cư dân đều có những chuyển biến theo chiều tốt lên, kể cả những người ở vùng sâu, vùng xa.
Là một thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) từ năm 1976, Việt Nam được đánh giá là một điển hình về thành tựu của UNESCO. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện là thành viên tích cực của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951. Đây là Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước và đã đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu tại Đại hội gồm 29 Ủy viên (19 Ủy viên chính thức và 10 Ủy viên dự khuyết) và Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội gồm 7 Ủy viên, là những đồng chí tiêu biểu cho 766.349 đảng viên trong cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng là một sự kiện lịch sử trọng đại đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng, để phục vụ mục tiêu đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.
Bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Sáng 01/02/2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp và bế mạc Đại hội sớm hơn gần 2 ngày so với kế hoạch đề ra.
18
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt tại phiên Bế mạc Đại hội. Nguồn: dangconsan.vn

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm 200 đồng chí (trong đó có 180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên dự khuyết), là những đồng chí tiêu biểu cho hơn 5 triệu đảng viên trong cả nước. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã họp Hội nghị lần thứ nhất, bầu Bộ Chính trị gồm 18 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Tổng Bí thư.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các mục tiêu cụ thể phát triển đất nước trong những năm tới: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
NGUYỄN VĂN TOÀN
Chú thích:
1. C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 628.
 Từ khóa: SỰ KIỆN LỊCH SỬ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây