Di sản Hán Nôm

Chủ nhật - 14/05/2017 09:39 1.087 0
Di sản Hán Nôm là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản lịch sử Việt Nam. Chữ Hán du nhập vào nước ta muộn nhất cũng vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, lý do là, Lý Ông Trọng, làm quan với nhà Tần từ năm 221 trước công nguyên là người nổi tiếng về chữ Hán đương thời.
GIẢI B
(Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn lần IV-2016)
Chủ nhiệm: Tăng Bá Hoành
Cộng sự: Nguyễn Thị Lan
Đơn vị thực hiện: Hội Sử học tỉnh Hải Dương
Thời gian thực hiện: 2013-2014
I. GIỚI THIỆU
Di sản Hán Nôm là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản lịch sử Việt Nam. Chữ Hán du nhập vào nước ta muộn nhất cũng vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, lý do là, Lý Ông Trọng, làm quan với nhà Tần từ năm 221 trước công nguyên là người nổi tiếng về chữ Hán đương thời. Triệu Xương làm đô hộ Giao Châu thời Đường (TK II) từng ca ngợi tri thức Nho học của Lý Ông Trọng. Trong gần một nghìn năm Bắc thuộc, chữ Hán được phổ biến ở nước ta, nhất là trong hàng ngũ quan lại các cấp. Năm 1996, khi khai quật mộ Hán ở Đống Dom, xã Ái Quốc (TP Hải Dương đã tìm được tấm bia mộ chí một quan lại nhà Đông Hán có niên đại Vĩnh Kiến ngũ niên (永建五年), tức năm 130 Công lịch. Đây là tấm bia có niên đại tuyệt đối sớm nhất Việt Nam, nay đã biết.
Như vậy, chữ Hán có mặt ở Hải Dương khá sớm. Từ khi nước nhà giành được độc lập, từ ký tự Hán văn, ông cha ta đã sáng tạo ra chữ Nôm, tức chữ của nước Nam, sau được gọi là Quốc ngữ. Chữ Nôm ở thế kỷ XVIII đã khá phát triển, có thể ghi mọi âm Việt một cách tinh tế. Còn Hán tự, ông cha ta lại có cách đọc theo âm Hán Việt, không lệ thuộc vào cách phát âm của người Hán. Đó là một thành công vĩ đại về phương diện văn hóa, đó cũng là cách chống đồng hóa. Trong ngôn ngữ hiện đại, dân gian dùng đến 70% âm Hán Việt trong giao tiếp cũng như trong văn bản mà vẫn hiểu được, làm cho ngôn ngữ thêm phong phú, nội hàm sâu sắc hơn.
Đầu thế kỷ XVII, một số cha cố phương Tây truyền đạo ở Việt Nam đã sáng tạo ra thứ chữ ghi âm tiếng Việt bằng ký tự La tinh, nhằm mục đích truyền đạo và tiếp cận văn hóa Việt tốt hơn. Đầu thế kỷ XX, các sĩ phu nước nhà cho rằng, Việt Nam lạc hậu là do lệ thuộc tư tưởng Nho gia, mà Nho gia lại truyền đạt bằng chữ Hán, hay còn gọi là chữ Nho, do vậy một mục tiêu của phong trào Đông Kinh nghĩa thục là hô hào bỏ chữ Hán, học chữ Quốc ngữ, tức chữ Việt ký tự La tinh.
Năm 1919, chính quyền đương thời quyết định bỏ thi các cấp bằng chữ Hán, thay vào đó là chữ Quốc ngữ ký tự La tinh và chữ Pháp. Nhưng phải sau Cách mạng tháng Tám, thứ chữ đó mới chính thức là Quốc ngữ theo Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ khi phổ cập Quốc ngữ la tinh, việc phổ biến tri thức và chống nạn mù chữ vô cùng thuận lợi, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp nâng cao dân trí dân tộc. Tuy nhiên, cũng không nên cho rằng nước ta lạc hậu là do học chữ Hán. Nhật Bản dùng đến 70% chữ Hán làm quốc ngữ mà vẫn phát triển. Đến nay, Việt Nam có hai Quốc ngữ: Quốc ngữ bằng ký tự Hán văn, ra đời từ thời Lý, do người Việt sáng tạo, hoàn thiện vào thế kỷ XVIII. Quốc ngữ bằng ký tự La tinh, do cha cố phương Tây sáng tạo, người Việt hoàn thiện. Hai thứ chữ đều đáng trân trọng về phương diện khoa học và văn hóa.
Hơn 70 năm qua, chữ Hán, chữ Nôm không được giảng dạy trong chương trình phổ thông. Số người biết loại chữ này thưa vắng dần, người được học căn bản không nhiều và đôi khi không thiết tha với sự nghiệp, hậu quả là đến nay, nhiều làng quê không còn người đọc thông một văn bia. Trong suốt hai nghìn năm lịch sử, tình cảm, ý chí, lịch sử, văn hóa… của dân tộc ta được thể hiện căn bản bằng văn tự Hán Nôm, nguồn tư liệu này nếu không được phiên dịch sang Quốc ngữ thật khó thừa kế và phát huy.
Tại Hải Dương, sau hòa bình lập lại (1954), Ngành văn hóa đã cho sưu tầm và đăng ký văn bản Hán Nôm. Năm 1966-1970, trong quá trình kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa đã đặc biệt quan tâm đến loại hình di sản này, thu về kho bảo tàng trên 650 đơn vị tư liệu; khi lập hồ sơ di tích, di sản Hán Nôm là một tiêu chí để xếp hạng. Hiện nay, còn hàng nghìn sách vở, sắc phong, câu đối, đại tự, thần tích viết bằng Hán Nôm, trong đó có khoảng 3.000 bia ký. Nội dung các văn bia rất phong phú, giúp ích cho nhiều việc nghiên cứu lịch sử quốc gia, cho từng làng xã, từng dòng họ, chính xác về thời gian, không gian, nhân vật, sự kiện… Ngoài nguồn tư liệu này, chúng ta không thể tìm được tư liệu đó ở những văn bản khác. Để phát huy nguồn di sản này, Hội Sử học tỉnh Hải Dương đã đề nghị UBND tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ cho nghiên cứu, phiên dịch ra Quốc ngữ, trước hết là dịch trọn vẹn số văn bản Hán Nôm có trong từng di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, bao gồm: văn bia, thần tích, sắc phong, câu đối, đại tự…
Nhiệm vụ của công trình là sưu tầm văn bản ở các khoa lưu trữ và tại di tích; sao chụp văn bản gồm văn bia, thần tích, sắc phong, câu đối, đại tự…; khôi phục văn bản nguyên văn Hán Nôm; phiên âm, dịch nghĩa, chú giải, tóm tắt giá trị văn bản và mỹ thuật, nguồn gốc văn bản; biên tập, xuất bản và phát hành đúng địa chỉ để phát huy. Việc khôi phục văn bản là vô cùng khó khăn vì “Trăm năm bia đá cũng mòn”, những văn bản trên giấy, gỗ thì nhòe rách, mối mọt… nhưng các tác của công trình đã cố gắng sao lưu như bản gốc, dịch đúng nghĩa, sát nghĩa, chính xác từng văn tự.
II. KẾT QUẢ CÔNG TRÌNH
- Di sản Hán nôm tỉnh Hải Dương là tài sản quý giá với hàng trăm tư liệu chứa đựng các thông tin có liên quan đến các di tích văn hóa, là di sản văn hóa thành văn phong phú của tỉnh Hải Dương.
- Đây là công trình có tính khoa học, sáng tạo trong dịch nghĩa đầy đủ các di sản Hán nôm.
- Việc khôi phục văn bản là vô cùng khó khăn, với bao công sức Ban chủ nhiệm công trình mới có thể tổng hợp, phân loại, tóm lược, sắp xếp và xuất bản được 2 tập:
+ Tập 1 gồm 05 di tích gồm:
Chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh có 07 câu đối, 10 văn bia, trong đó có bia gần 5.000 chữ, khắc năm 1362.
Đền cao An Phụ, xã An Sinh, huyện Kinh Môn có 07 văn bia, 22 câu đối.
Đình miếu Đinh Văn Tả, phường Quang Trung, TP Hải Dương, có 18 đại tự, 10 câu đối, 03 sắc phong, 15 văn bia, trên 2 vạn chữ.
Đình Huề Trì, huyện Kinh Môn, có 02 đại tự, 03 câu đối, 09 sắc phong, 12 văn bia, 13.743 chữ.
Khu di tích đền Cao, xã An Lạc, huyện Chí Linh có 43 câu đối, 11 văn bia, 11 đại tự, 01 thần tích.
+ Tập 2 gồm 04 di tích gồm:
Động Kính Chủ, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh MÔn có 52 văn bia, 02 câu đối, trên 2 vạn chữ.
Chùa Động Ngọ, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà, có 25 câu đối, 07 văn bia, 8.062 chữ.
Đình Nội Hợp, xã Lê Ninh, huyện Kinh Môn có 13 văn bia, 06 sắc phong, 05 câu đối.
Chùa Kinh Khánh, thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, có 14 câu đối, 15 sắc phong, 04 đại tự, 16 văn bia, 21.817 chữ.
III. THÀNH TÍCH CÔNG TRÌNH
- Biên bản hội đồng KHCN nghiệm thu kết quả công trình KHCN cấp tỉnh ngày 14/7/2011.
- Biên bản tổng kết công trình khoa học và công nghệ cấp tỉnh ngày 23 tháng 4 năm 2014.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây