Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa gia lộc 105 tại các tỉnh miền bắc và miền trung Việt Nam

Thứ hai - 15/05/2017 16:01 517 0
Trong công tác chọn tạo giống, việc xác định nguồn vật liệu lai tạo, phương pháp lai tạo, chọn lọc là yếu tố quyết định thành công trong việc tạo ra giống cây trồng mới. Giống lúa Gia Lộc 105 là sản phẩm của việc áp dụng có cải tiến việc xác định cặp bố mẹ lai tạo và phương pháp lai tạo.
GIẢI B
(Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn tỉnh Hải Dương lần IV-2016)
Chủ nhiệm: TS Nguyễn Trọng Khanh.
Cộng sự: Nguyễn Thị Miền và các thành viên khác.
Đơn vị thực hiện: Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
I. TÍNH KHOA HỌC, TÍNH MỚI
Trong công tác chọn tạo giống, việc xác định nguồn vật liệu lai tạo, phương pháp lai tạo, chọn lọc là yếu tố quyết định thành công trong việc tạo ra giống cây trồng mới. Giống lúa Gia Lộc 105 là sản phẩm của việc áp dụng có cải tiến việc xác định cặp bố mẹ lai tạo và phương pháp lai tạo.
1. Cải tiến trong phương pháp lai tạo
 Trong thực tế, mục tiêu của các nhà chọn giống thường là chọn tạo ra giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu tốt ới các loại sâu bệnh gây hại. Tuy nhiên việc tổ hợp các yếu tố này trong cùng tổ hợp lai tạo vẫn còn rất hạn chế. Với mong muốn có được sự tổ hợp đầy đủ các yếu tố: năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu bằng việc kết hợp 2-3 giống vào cùng tổ hợp lai , tác giả công trình đã tiến hành chọn các cặp bố mẹ lai tạo gồm bốn giống lúa P6, Xi23, IRBB7, Q5.
- Giống P6: Là giống lúa có thời gian sinh trưởng trung ngày 120-125 ngày trong vụ mùa, năng suất cao, chất lượng gạo tốt, cơm ăn mềm, dẻo, đậm, khả năng chống chịu sâu bệnh hại kém.
- Giống Xi23: Thời gian sinh trưởng trung ngày 130-135 ngày trong vụ mùa, cứng cây, đẻ nhánh khá, chịu thâm canh, hạt to, dài, gạo trong, cơm ngon, năng suất cao và ổn định ngay cả trên đất nhiễm phèn, mặn nhẹ. Khả năng chống đổ và chịu rét tốt. Kháng vừa với bệnh bạc lá, rầy nâu và đạo ôn.
- Giống IRBB7: Có chứa gen kháng bạc lá Xa7, thời gian sinh trưởng trung ngày 120-125 ngày trong vụ mùa, năng suất khá, chống chịu sâu bệnh hại kém, khả năng chống đổ rất tốt, chất lượng cơm khá.
- Giống Q5: Thời gian sinh trưởng ngắn ngày 110-115 ngày trong vụ mùa. Phiến lá cứng, góc lá hẹp, gọn khóm, khả năng đẻ nhánh khá, cứng cây, dạng hình thâm canh, chịu rét khá, chịu chua khá, chống đổ. Nhiễm nhẹ một số sâu bệnh khô vằn, đạo ôn.
2. Cải tiến phương pháp lai tạo
Thông thường, nếu muốn sử dụng được đặc điểm của bốn giống lúa trong cùng một tổ hợp lai, các nhà chọn giống sẽ tiến hành lai độc lập hai tổ hợp, sau đó lai hai tổ hợp này với nhau ở thế hệ F1. Tuy nhiên, công trình này thực hiện cặp lai P6/Xi23 trước, sau đó chọn lọc đến thế hệ F5 với độ thuần khá. Thời điểm tổ hợp lai P6/Xi23 ở thế hệ F4, bắt đầu tiến hành tổ hợp lai IRBB7/Q5. Khi tổ hợp lai P6/Xi23 ở thế hệ F5, tổ hợp lai IRBB7/Q5 ở thế hệ F1, tiến hành lai hai tổ hợp này với nhau.
- Tổ hợp lai P6/Xi23 (F5): Thuần khá, thời gian sinh trưởng trung ngày 120-125 ngày trong vụ mùa, độ cao trung bình, đẻ nhánh khỏe, bông to, chắc, hạt to dài, gạo trong, chịu rét, chống đổ tốt, Khả năng kháng sâu bệnh hại tốt.
- Tổ hợp lai IRBB7/Q5 (F1): Cao cây, cứng cây, bông to, hạt to dài, tỷ lệ chắc cao.
Mục tiêu của lai tạo lấy đặc điểm chất lượng, chịu rét của P6 và Xi23, lấy tiềm năng năng suất cao của Q5 và có tính kháng bạc lá của IRRB7 thông qua chọn lọc được những biến dị tổ hợp mang nhiều ưu điểm, khắc phục được những nhược điểm của các dạng bố mẹ để tạo ra giống mới phù hợp với mục tiêu đề ra.
II. HIỆU QUẢ CÔNG TRÌNH
- Giống lúa Gia Lộc 105 là sản phẩm của việc áp dụng có cải tiến trong việc xác định cặp bố mẹ lai tạo và phương pháp lai tạo.
- Giống lúa Gia Lộc 105 đã được đưa vào khảo nghiệm sinh thái và sản xuất thử tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Trong vòng hai năm 2013-2014, giống lúa đã được mở rộng diện tích canh tác và phát triển nhanh lên tới gần 1 vạn ha ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Năng suất bình quân đạt 1-7,5 tấn/ha trong vụ xuân, 6,5-7 tân/ha trong vụ mùa và vụ hè thu. Giá bán cao hơn giá của giống lúa Q5 là 15%,thấp hơn giá bán của giống lúa BT7 là 15%. Năm 2014, có nhiều tỉnh đưa giống Gia Lộc 105 vào cơ cấu giống lúa của tỉnh như Thanh Hóa, Hòa Bình, Quảng Bình, Hải Dương, Nghệ An… Đây là thành công lớn bởi giống lúa Gia Lộc 105 trụ và đứng được trong sản xuất chứng tỏ giống có những ưu việt hơn hẳn các giống lúa đang được trồng phổ biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
- Tại Hải Dương, trong hai năm 2014-2015, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã triển khai mô hình trình diễn 400 ha giống lúa Gia Lộc 105 tại các huyện: Gia Lộc, Nam Sách, Ninh Giang, Tứ Kỳ, TX Chí Linh, TP Hải Dương. Kết quả cho thấy giống sinh trưởng nhanh, phát triển tốt, khả năng thích ứng rộng, năng suất trung bình trong vụ xuân đạt 65-70 tạ/ha, thâm canh tốt đạt 75 tạ/ha; vụ mùa đạt 60-65 tạ/ha. Chất lượng gạo khá, khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt, đặc biệt bệnh đạo ôn. Đối chứng với giống lúa BC15, và Khang dân 18 trong vụ xuân 2015, giống lúa Gia Lộc 105 ít phải phun thuốc BVTV hơn từ 2-3 lần, hiệu quả kinh tế cao hơn 36-48%; năng suất cao hơn từ 0,5-1 tạ/ha… Thời gian sinh trưởng ngắn ngày hơn giống Q5 là 05 ngày, ngắn hơn giống BC15 là 10 ngày.
- Hiện nay giống lúa Gia Lộc 105 ngày càng được phát triển và mở rộng tại các tỉnh thành trong cả nước. Với nhiều ưu điểm về năng suất, chất lượng, nên khi đưa vào canh tác sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó cải thiện, nâng cao đời sống cho người nông dân. Đây cũng là giống lúa có khả năng chịu sâu bệnh hại tốt nên hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường.
III. KHẢ NĂNG ÁP DỤNG
Giống lúa Gia Lộc 105 có khả năng thích ứng rộng, giống phát triển tốt tại nhiều vùng sinh thái khác nhau, trên nhiều chân đất từ chân đất vàn đến cao như các tỉnh: Hải Dương, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Bình…, thích hợp gieo cấy ở vụ xuân và vụ mùa. Giống đã được ủy quyền sản xuất kinh doanh, liên kết chuyển giao với  nhiều công ty trong cả nước.
IV. THÀNH TÍCH CÔNG TRÌNH
- Giải Khuyến khích Giải thưởng KHCN Việt Nam (Vifotec)
- Giải Nhì Hội thi STKT tỉnh lần IX (2014-2015)
- Biên bản hội đồng khoa học chuyên ngành của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT ngày 28/01/2016 về đánh giá kết quả chọn tạo, khảo nghiệm và sản xuất thử giống cây trồng nông nghiệp mới.




         

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây