Xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu GPS để quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Thứ sáu - 24/03/2017 09:27 443 0
Kể từ khi áp dụng Công trình, đã đem lại hiệu quả rất to lớn góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm được lái xe ẩu, vi phạm luật, đỗ dừng đúng nơi quy định so với trước đây; nâng cao chất lượng, giúp người tham gia giao thông thấy yên tâm.
GIẢI A
(Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn tỉnh Hải Dương lần IV-2016)
Chủ nhiệm: Lê Đình Long.
Các cộng sự: Nguyễn Tá Duân và các thành viên khác.
Đơn vị thực hiện: Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương.
I.SỰ CẦN THIẾT
Trước đây, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm của các phương tiện ở Sở GTVT đều do lực lượng thanh tra giao thông thực hiện trực tiếp trên hiện trường, hoặc sử dụng camera để ghi lại hình ảnh chính vì vậy hiệu quả không cao, phải bố trí lực lượng đông đảo nhưng kết quả phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm ít. Ở Việt Nam, để nâng cao chất lượng vận tải và an toàn giao thông việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được quy định tại Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tuy nhiên, việc khai thác tính năng của các thiết bị trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng hiện nay mới chỉ phục vụ cho việc điều hành, quản lý của doanh nghiệp; các phần mềm điều khiển mới chỉ có chức năng giám sát tốc độ, tình trạng hành khách trên xe (thông qua ảnh chụp), tình trạng dừng hay đỗ (không phản ánh vị trí dừng đỗ được phép), còn có những hạn chế sau đây:
+ Không có khả năng quản lý thời gian ra vào bến, tần suất, số chuyến hoạt động;
+ Không có khả năng quản lý dừng đỗ tại các điểm dừng, đỗ quy định đối với xe buýt; việc đóng mở cửa, đón trả khách nơi quy định;
+ Không có cơ chế cụ thể để áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính nếu phát hiện những vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình.
+ Trong công tác kiểm tra, xử lý nếu vẫn sử dụng các biện pháp truyền thống (phát hiện trực tiếp, quay phim, chụp ảnh) sẽ mất nhiều nhân lực và hiệu quả không cao.
Chính vì vậy, vấn đề nghiên cứu được đặt ra với công trình nhằm giải quyết những vấn đề còn hạn chế nêu trên.
II. TÍNH MỚI, TÍNH SÁNG TẠO
Sử dụng thiết bị Giám sát hành trình, công nghệ định vị toàn cầu GPS gắn trên ô tô để xây dựng Hệ thống quản lý, giám sát hoạt động của phương tiện để phát hiện các vi phạm như: chạy quá tốc độ cho phép, chạy không đúng luồng tuyến, hành trình, lịch trình, đỗ dừng không đúng nơi quy định, mơ cửa khi xe đang chạy, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra và xử lý các phương tiện vi phạm.
Việc đưa Công trình vào sử dụng vừa phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan quản lý vừa phục vụ cho các doanh nghiệp vận tải.
Khi đưa Công trình vào sử dụng đã quản lý được thời gian ra vào bến, tần suất, số chuyến hoạt động hàng ngày; có khả năng quản lý dừng đỗ tại các điểm dừng, đỗ quy định; việc đóng mở cửa, đón trả khách đúng nơi quy định đối với xe buýt; có cơ chế cụ thể để áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính nếu phát hiện những vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình.
Nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm, tiết kiệm nhân lực của cơ quan thanh tra, kiểm tra, góp phần nâng cao ý thức của người lái xe, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông.
III. HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI
Việc đưa Công trình này vào áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế: có thể giảm bớt được lực lượng thanh tra giao thông vì để xử lý được sood lượng vi phạm, lập biên bản, ra quyết định với kinh phí xử phạt vi phạm hành chính như trên cần phải sử dụng lực lượng ít nhất 15 người cùng các phương tiện thiết bị (ô tô: 4 chiếc, camera: 4 chiếc, công cụ hỗ trợ khác…) phải thực hiện ngoài hiện trường. Nếu áp dụng Công trình thì chỉ cần 03 người + 01 bộ máy vi tính, thao tác ngay trong phòng làm việc. Qua đó tiết kiệm :
+ Chi phí cho con người: 12 người x 60 triệu/năm  = 720 triệu đ/năm;
+ Chi phí đầu tư ô tô, trang thiết bị khoảng 5 tỷ đồng ;
+ Chi phí xăng dầu, công cụ hỗ trợ,…khoảng 100 triệu đồng/năm.
Kể từ khi áp dụng Công trình, đã đem lại hiệu quả rất to lớn góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm được lái xe ẩu, vi phạm luật, đỗ dừng đúng nơi quy định so với trước đây; nâng cao chất lượng, giúp người tham gia giao thông thấy yên tâm.
Khi xe buýt, xe khách vận chuyển có trật tự, không phóng nhanh vượt ẩu cũng góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.
IV. KHẢ NĂNG ÁP DỤNG
Công trình này đã hoàn thành và hiện tại đang được áp dụng có hiệu quả ở Sở Giao thông vận tải Hải Dương; hiện nay Sở đang khai thác và liên tục bổ sung hoàn thiện thêm các chức năng mới, đồng thời các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt tiến hành khai thác phục vụ cho quản lý của doanh nghiệp. Công trình có thể áp dụng cho tất cả các Sở Giao thông vận tải trên toàn quốc.
V. THÀNH TÍCH CÔNG TRÌNH
- Biên bản tổng kết công trình KH&CN cấp tỉnh ngày 22/8/2013.
- Đoạt giải Nhì Hội thi STKT tỉnh lần thứ 8 (2012-2013)



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây