GIẢI B
(Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn tỉnh Hải Dương lần IV-2016)
Chủ nhiệm: TS Nguyễn Văn Quốc
Các cộng sự: Nguyễn Thị Thu Thanh, Nguyễn Thanh Thủy, Đặng Văn Bình, Đoàn Thị Minh Công, Nguyễn Thị Hiền, Đinh Quốc Khánh, Trương Hồng Phương.
Đơn vị thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương
Thời gian thực hiện: 2012-2013
I. TÍNH MỚI CỦA CÔNG TRÌNH
Theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài phần kiến thức lịch sử dân tộc và địa lý của đất nước nói chung, ở các cấp bậc học đều có các chi tiết trong phân phối chương trình địa phương, bắt buộc phải thực hiện đúng, đủ theo chỉ đạo chung trong toàn quốc, tuyệt đối không được cắt xén các tiết về địa phương để thay thế bằng các hoạt động khác.
Năm 2000, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương phối hợp với các Ban, Ngành liên quan nghiên cứu, xuất bản cuốn sách “Lịch sử Hải Dương” và “Địa lý Hải Dương” để giảng dạy trong các trường trung học trên địa bàn tỉnh. Việc biên soạn hai tài liệu này góp phần đáp ứng mục tiêu giáo dục địa phương trong các trường trung học trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và đã có được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, do đặc thù của điều kiện hoàn cảnh, thời điểm nên mặc dù đã cố gắng song công tác biên soạn cũng vẫn không tránh khỏi những bất cập, hạn chế về tư liệu, phương pháp như:
- Lịch sử Hải Dương xuất bản năm 2000 chỉ thuần túy là liệt kê các sự kiện lịch sử, thiếu hệ thống câu hỏi bài tập giữa bài, thiếu hệ thống kênh hình nhằm phát huy sự sáng tạo trong học tập của học sinh. Về nội dung, ngoài những tư liệu chưa được cập nhật và cô đọng thì còn thiếu những nội dung kiến thức của giai đoạn lịch sử 1975 cho đến nay.
- Tài liệu Địa lý Hải Dương xuất bản năm 2000 không chỉ bất cập về phương pháp trình bày mà còn bất cập về nội dung kiến thức, đặc biệt là việc chia tách tỉnh Hải Dương và Hưng Yên năm 1997 dẫn đến việc thay đổi về địa lý, mốc giới cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi phải được điều chỉnh, cập nhật để giảng dạy trong các trường phổ thông.
Ngoài những bất cập về nội dung và phương pháp, vấn đề kiểm tra, đánh giá học sinh sau khi học cũng là vấn đề chưa được đề cập đến một cách đúng mức trong 2 cuốn sách trên. Chính điều này đã gây nhiều khó khăn cho công tác giản dạy của các thầy cô, hạn chế kết quả dạy bộ môn.
Công trình Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu và hướng dẫn giảng dạy lịch sử và địa lý địa phương phục vụ trong các trường phổ thông tỉnh Hải Dương đã thực sự khắc phục những hạn chế của tài liệu Lịch sử, Địa lý Hải Dương xuất bản năm 2000; cập nhật nhiều tri thức phong phú, thực sự đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng bức thiết của đông đảo đội ngũ giáo viên, học sinh trong quá trình dạy và học, góp phần hoàn thành mục tiêu giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện các chương trình địa phương và thiết thực giáo dục truyền thống, bảo tồn các nét văn hóa của quê hương Hải Dương đối với học sinh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
II. HIỆU QUẢ CỦA CÔNG TRÌNH
Sản phẩm của công trình là đã sưa tầm tư liệu, tổ chức biên soạn và xuất bản 02 cuốn tài liệu và hướng dẫn giảng dạy Lịch sử và Địa lý địa phương phục vụ trong các trường phổ thông tỉnh Hải Dương. Sản phẩm này đã khắc phục những hạn chế và thay thế tài liệu cũ xuất bản năm 2000, được sử dụng và lưu trữ tại các trường học từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử, Địa lý địa phương. Cụ thể:
- Đối với công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ khoa học:Qua 02 năm thực hiện công trình toàn thể các thành viên trong Ban chủ nhiệm đề tài thực sự được rèn luyện về tư duy, phương pháp làm việc khoa học, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực và phương pháp nghiên cứu khoa học được nâng lên rõ rệt. Các cộng tác viên ham gia công trình là những nhà quản lý, cán bộ giảng viên, giáo viên, nhân viên thậm chí học sinh từ rung học cơ sở đến trung học phổ thông cũng được tiếp cận và từng bước tham gia nghiên cứu khoa học, được trải nghiệm, tích lũy những kinh nghiệm cho bản thân. Đây cũng chính là hình thực tự học, tự bồi dưỡng rất hữu hiệu đối với mỗi người, góp phần định hướng cho việc hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu…
- Đối với lĩnh vực có liên quan: Góp phần cung cấp cho học sinh phổ thông những kiến thức cần thiết về Lịch sử, Địa lý cũng như những giá trị truyền thống của quê hương Hải Dương qua các thời kỳ lịch sử, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong học tập, rèn luyện của học sinh trên địa bàn tỉnh góp phần thiết thực giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần xây dựng quê hương. Nâng cao chất lượng thực hiện các chủ đề trong chương trình; đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của giáo dục phổ thông hiện nay phải là giáo dục phát triển toàn diện, mọi lĩnh vực.
- Đối với kinh tế-xã hội: Tuy không trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất nhưng việc giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương, những đặc điểm về kinh tế-xã hội qua các thời kỳ lịch sử là điều hết sức cần thiết, góp phần không nhỏ vào việc hình thành tư tưởng, động cơ học tập, ý thức trách nhiệm của học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực ngày càng cao của quê hương Hải Dương và đất nước hiện nay.
III. KHẢ NĂNG ÁP DỤNG
Phát hành 1915 bộ tài liệu và hướng dẫn giảng dạy môn Lịch sử, Địa lý tỉnh Hải Dương. Áp dụng đồng bộ, thống nhất trong giảng dạy chương trình Lịch sử, Địa lý địa phương trong 326 trường phổ thông tỉnh Hải Dương (gồm 272 trường THCS, 54 THPT) từ năm học 2014-2015 theo Quyết định số 433/QĐ-SGDĐT của Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương.
IV. THÀNH TÍCH CỦA CÔNG TRÌNH
- Biên bản tổng kết công trình khoa học và công nghệ cấp tỉnh ngày 28 tháng 4 năm 2014.
- Quyết định 433/QĐ-SGDĐT ngày 29/4/2014 của Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương “V/v ban hành và sử dụng Tài liệu dạy học và hướng dẫn giảng dạy Lịch sử, Địa lí địa phương trong các trường phổ thông tỉnh Hải Dương.