GIẢI C
(Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn tỉnh Hải Dương lần IV-2016)
Chủ nhiệm: Nguyễn Anh Quốc
Các cộng sự: Lưu Xuân Lâm, Nguyễn Thị Lý, Phạm Văn Mạnh
Đơn vị thực hiện: Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Năm thực hiện Công trình: 2010- 2015
I. SỰ CẦN THIẾT:
Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh ( sau đây gọi là Liên hiệp Hội) có chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ của tỉnh, trí thức khoa học và công nghệ người Hải Dương ở trong và ngoài nước; điều hòa phối hợp hoạt động của các hội thành viên.
Hiện nay, hệ thống Liên hiệp Hội có 26 hội thành viên, 10 hội viên tập thể, 01 Trung tâm trực thuộc; các hội thành viên có tổng số 147 huyện hội, 1217 Chi hội, Câu lạc bộ, Trung tâm, Công ty trực thuộc với gần 36.000 hội viên. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp Hội được ghi trong Điều lệ là phổ biến kiến thức cho hội viên và nhân dân trong tỉnh. Bởi lẽ, ở địa phương việc tuyên truyền, phổ biến những tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách rộng rãi, để nhiều người biết và áp dụng vào đời sống, sản xuất là một hoạt động mang lại nhiều lợi ích, có hiệu quả thiết thực, là việc làm rất cần thiết. Đây là hoạt động để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Liên hiệp Hội. Vì trong hệ thống Liên hiệp Hội có nhiều hội thành viên thuộc nhiều chuyên ngành khoa học khác nhau. Thông qua hoạt động phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội có điều kiện để điều hòa, phối hợp hoạt động với các hội thành viên, gắn đội ngũ trí thức khoa học công nghệ có điều kiện truyền bá các tiến bộ khoa học kỹ thuật tới hội viên và người dân, giúp họ áp dụng có hiệu quả vào đời sống, sản xuất, phuc vụ sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Trong hai văn bản, chỉ thị số 42/CT-TW ngày 16/4/2010 của Bộ chính trị về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Kế hoạch số 09-KH/TU ngày 18/02/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện chỉ thị số 42/Ct-TW đều có chỉ thị cho Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Trung ương và địa phương “Đi đầu trong truyền bá kiến thức khoa học và công nghệ…”.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ; thực hiện chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Liên hiệp hội đã xây dựng, trình và được UBND tỉnh cho phép triển khai đề án phổ biến kiến thức giai đoạn 2010 -2015.
II. TÍNH MỚI CỦA CÔNG TRÌNH:
Đây là công trình phổ biến kiến thức đầu tiên của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương nói riêng, trong hệ thống Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nói chung.
Nội dung công trình thuộc các lĩnh vực:
- Nông nghiệp và phát triển nông thôn;
- Chăm sóc sức khỏe nhân dân;
- Bảo vệ môi trường;
- Phổ biến giáo dục pháp luật;
- Một số lĩnh vực khác như các công trình, giải pháp sáng tạo kỹ thuật đoạt giải tại các Giải thưởng, Hội thi, Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật; các tập thể, cá nhân có thành tích trong nghiên cứu khoa học, trong hoạt động Hội; công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế; công nghệ thông tin; tài chính, ngân hàng, kiểm toán….
Hình thức triển khai các nội dung của công trình gồm:
- Tập huấn chuyển giao kỹ thuật
- Nói chuyện chuyên đề
- Tập huấn nghiệp vụ
- Tổ chức hội thảo
- Tổ chức tọa đàm và các chuyên mục.
III. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CÔNG TRÌNH:
Giai đoạn 2010 -2015, Ban chủ nhiệm công trình triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch và đạt được một số kết quả như sau:
- Tổ chức được tổng số 87 buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 11.712 lượt người tham dự.
- Tổ chức nói chuyện chuyên đề 29 buổi cho 4000 lượt người tham dự.
- Tổ chức 12 buổi tập huấn nghiệp vụ cho 1.316 lượt người tham dự.
- Tổ chức 16 buổi hội thảo cho 1.512 lượt người tham dự.
- Xây dựng 24 buổi tọa đàm, 72 chuyên mục trên Đài phát thanh – truyền hình tỉnh với tổng thời lượng phát sóng khoảng 1.800 phút.
IV. HIỆU QUẢ KINH TẾ, XÃ HỘI:
Đề án phổ biến kiến thức phục vụ phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; nội dung phong phú, hình thức đa dạng; giải đáp các yêu cầu từ cơ sở; phương pháp thực hiện phù hợp với đối tượng, với dặc thù kinh tế xã hội của từng địa phương để quần chúng dễ hiểu, dễ tiếp thu và triển khai áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống. Các nội dung phổ biến kiến thức đã giúp cho hàng vạn hội viên và người dân trong tỉnh có điều kiện nâng cao kiến thức về pháp luật, giáo dục, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, bảo vệ môi trường, phòng, chống được dịch bệnh tốt hơn trong chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng trọt, giúp cho các hộ gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích...., ước tính làm lợi trên địa bàn tỉnh hàng tỷ đồng mỗi năm. Lợi ích xã hội mà công trình mang lại là vô cùng to lớn.
V. KHẢ NĂNG ÁP DỤNG:
Liên hiệp Hội tỉnh Hải Dương là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai Công trình Phổ biến kiến thức. Do đó Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đánh giá rất cao Công trình này. Đến nay, đã có 20 Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, thành phố sử dụng Công trình này làm tài liệu tham khảo, đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố về công tác phổ biến kiến thức của mình.
Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cũng sử dụng làm tài liệu tham khảo, xây dựng, đề xuất Luật phổ biến kiến thức.
Các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội tỉnh hàng luôn phối hợp chặt chẽ, triển khai đẩy mạnh công tác phổ biến kiến thức mới cho đông đảo quần chúng nhân dân và hội viên.
Ngoài ra, sau khi nghe báo cáo kết quả triển khai Công trình phổ biến kiến thức giai đoạn 2010 – 2015, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương đã giao cho Liên hiệp Hội tỉnh tiếp tục triển khai Công trình giai đoạn 2015 – 2020.