Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lạc đỏ 3 nhân nhằm duy trì chất lượng, nâng cao năng suất trên một số địa bàn tỉnh Hải Dương

Chủ nhật - 23/09/2018 08:39 694 0
Hải Dương là tỉnh có diện tích trồng lạc không lớn, khoảng 1.300 ha/năm, tập trung chủ yếu tại một số huyện như Kinh Môn, Nam Sách, Tứ Kỳ, Gia Lộc và thị xã Chí Linh.
GIẢI KHUYẾN KHÍCH
(Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn tỉnh Hải Dương lần IV-2016)
          Chủ nhiệm: KS. Lê Thị Bẩy
          Cộng sự: Hoàng Minh Tú, Nguyễn Thị Thủy và các cộng tác viên khác.
          Đơn vị thực hiện: Trung tâm Khảo nghiệm Giống cây trồng Hải Dương
          Thời gian thực hiện: Năm 2012-2014.
I. Tính mới và tính cấp thiết của công trình
          Hải Dương là tỉnh có diện tích trồng lạc không lớn, khoảng 1.300 ha/năm, tập trung chủ yếu tại một số huyện như Kinh Môn, Nam Sách, Tứ Kỳ, Gia Lộc và thị xã Chí Linh. Giống lạc đổ ba nhân được trồng chủ yếu ở vùng bãi ven sông Hà Thanh, Nguyên Giáp, Hà Kỳ, Phượng Kỳ (đều thuộc huyện Tứ Kỳ). Đây là giống lạc có nhiều đặc tính nông học tốt: thời gian sinh trưởng trung bình vụ xuân 120 ngày, vụ thu đông 90 ngày, dạng thân nửa đứng, khả năng năng phân cành cấp 1 trung bình, màu lá xanh trung bình, vỏ hạt màu đỏ, vỏ quả mỏng, tỷ lệ nhân/quả cao, vỏ hạt dày nên thời gian bảo quản lâu, chất lượng nhân ngon, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Dòng giống đã lưu truyền lâu, nguồn giống nông dân tự gây theo kinh nghiệm dân gian nên đã bị lẫn tạp, thoái hóa, nhiễm bệnh nên năng suất giảm. Việc chọn lọc phục tráng giống lạc đỏ ba nhân nhằm duy trì chất lượng, nâng cao năng suất để phục vụ sản xuất là cần thiết, nhằm bảo tồn nguồn gen cây trồng quý hiếm, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững.
          Công trình đã đóng góp tích cực trong việc nghiên cứu phục tráng giống lạc của địa phương, duy trì chất lượng, hàm lượng protein trong hạt tăng 0,75% so với vật liệu ban đầu, tạo giống nguyên chủng sạch bệnh, năng suất tăng 22-23% so với vật liệu ban đầu.
II. Nội dung nghiên cứu của công trình
          Năm 2012, đã lựa chọn và gieo trồng vật liệu khởi đầu, diện tích 4 sào tại cánh đồng Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng. Từ kết quả đánh giá theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN01-57:2011/BNNPTNT về giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống lạc cho thấy nguyên nhân thoái hoa là do giống đã trồng lâu không được chọn lọc nên độ thuần giảm do lẫn tạp, tính trạng đặc trưng bị phân ly và giảm, đồng thời có sự chênh lệch lớn giữa các cá thể, tỷ lệ nhiễm bệnh hại chính cao, đặc biệt là bệnh thối trắng thân, thối quả làm giảm năng suất. Xác định hướng phục tráng: Chọn thuần các tính trạng bị phân ly, chọn dòng sạch bệnh, tăng tỷ lệ quả từ 3 hạt trở lên. Công trình đã xây dựng được bảng các tính trạng đặc trưng của giống lạc đổ ba nhân theo QCVN01-67:2011/BNNPTNT về khảo nghiệm tính khác iệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống lạc. Thực hiện chọn dòng Go, G1, đánh giá tuyển chọn được 37 dòng G1.
          Năm 2013, đánh giá tuyển chọn 27 dòng G2 hỗn thành lô giống siêu nguyên chủng đạt quy chuẩn quốc gia QCVN 01-48:2011/BNNPTNT. Sản xuất giống lạc đỏ ba nhân nguyên chủng để tiếp tục thực hiện nội dung xây dựng mô hình năm 2014.
          Năm 2014, xây dựng mô hình trình diễn lạc đỏ ba nhân đã phục tráng tại hai huyện: xã Duy Tân (Kinh Môn) và xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) với quy mô 10 ha. Giống lạc đỏ ba nhân đã phục tráng có năng suất cao hơn giống lạc đỏ ba nhân địa phương chưa phục tráng. Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng 31,32 triệu đồng/ha. Tỷ lệ bệnh thối đen cổ rễ giảm 4,2%; tỷ lệ bệnh thối trắng thân giảm 9,4%; tỷ lệ bệnh héo xanh giảm 1,6%. Chính vì vậy mà giống lạc đổ ba nhân phục tráng đã khắc phục được nhược điểm thối quả và nảy mầm trước khi thu hoạch của giống lạc cũ địa phương.
III. Khả năng áp dụng và hiệu quả của công trình
1. Khả năng áp dụng
- Giống lạc đỏ ba nhân được phục tráng là giống sạch bệnh, năng suất cao và vẫn duy trì chất lượng sản phẩm, được mở rộng sản xuất cho tất cả các vùng trồng lạc ở trong tỉnh.
- Năm 2015-2016, tại xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) toàn bộ diện tích trồng lạc đỏ ba nhân cũ trước đây đã được thay thế bằng lạc đỏ ba nhân phục tráng, diện tích khoảng 40ha. Ngoài ra, diện tích còn được mở rộng ở các xã khác trong huyện như Hà Kỳ, Phường Kỳ, Hà Thanh, Cộng Lạc, diện tích khoảng 30 ha; một số xã huyện Kinh Môn diện tích khoảng 20-30 ha.
2. Hiệu quả kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường
- Hiệu quả kinh tế: Giống lạc đỏ ba nhân phục tráng có năng suất cao hơn giống lạc đỏ ba nhân cũ từ 22-23%, hiệu quả kinh tế tăng 31,32 triệu đồng/ha so với giống lạc đỏ cũ.
- Hiệu quả xã hội: Thông qua việc tập huấn và chuyển giao kỹ thuật đã nâng cao trình độ dân trí, tăng khả năng tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân áp dụng vào sản xuất. Diện tích trồng lạc mở rộng đã tạo công ăn việc làm cho nông dân,sản phẩm phụ từ cây lạc để phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
- Hiệu quả bảo vệ môi trường: giống lạc sạch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời cây lạc có khả năng tổng hợp đạm trong tự nhiên nên ít sử dụng phân bón hóa học gây hại cho môi trường, đồng thời đểlại dinh dưỡng cho cây trồng sau, góp phần bảo vệ môi trường.
Thu Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây