Tuyên truyền phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh Hải Dương

Chủ nhật - 14/10/2018 08:17 629 0
Hoạt động xây dựng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm thực hiện, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghệ của các doanh nghiệp Hải Dương ngày một gia tăng do nhận thức của người dân trong xã hội về sở hữu trí tuệ (SHTT) chưa cao, trong khi đó lực lượng cán bộ quản lý về SHTT, các cơ quan quản lý nhà nước đa phần còn hạn chế.
GIẢI KHUYẾN KHÍCH
(Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn tỉnh Hải Dương lần IV-2016)
Chủ nhiệm: Bà Trần Thị Thuận
Các cộng sự: Phạm Văn Bình, Phạm Văn Khoát, Nguyễn Thị Vân Anh, Vương Việt Tường, Nguyễn Thị Ánh, Lê Duy Thủy, Nguyễn Xuân Dương, Nguyễn Thị My, Nguyễn Thị Diệp, Vũ Thị Ảnh, Phạm Ninh Hải.
Đơn vị thực hiện: Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học, Sở KH&CN tỉnh    
Thời gian thực hiện: 2013-2014
I. GIỚI THIỆU
          Hoạt động xây dựng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm thực hiện, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghệ của các doanh nghiệp Hải Dương ngày một gia tăng do nhận thức của người dân trong xã hội về sở hữu trí tuệ (SHTT) chưa cao, trong khi đó lực lượng cán bộ quản lý về SHTT, các cơ quan quản lý nhà nước đa phần còn hạn chế. Vì vậy, dự án này ra đời với 02 mục tiêu chung: Nâng cao nhận thức về SHTT của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tại Hải Dương; Khai thác và nhân rộng nội dung của Chương trình “Chắp cánh thương hiệu” phát sóng trên Đài phát thanh và truyền hình Hải Dương.
          Dự án xây dựng chuyên mục “Sở hữu trí tuệ và cuộc sống” phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Dương định kỳ 2 số/tháng và phát 1-2 lần/số, đã phát sóng được 24 số. Các chương trình đều đảm bảo về mặt nội dung, thời lượng, số lượng, thời gian, kỹ thuật theo yêu cầu được nghiệm thu trước giờ lên sóng, đảm bảo chất lượng phát sóng truyền hình (gồm Chuyên gia Trung ương, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ, Chủ Dự án kiểm duyệt). Kết cấu của chương trình “Sở hữu trí tuệ” bao gồm các phần: Bản tin, Phóng sự/ Tọa đàm, Tương tác truyền hình, Hỏi đáp pháp luật.
Các sản phẩm của chương trình được sử dụng làm tài liệu truyền thông trong các hoạt động về SHTT tại địa phương, tại hội chợ, hộ nghị khách hàng, hội thảo quốc tế, các trường học và doanh nghiệp trong tỉnh… Chương trình là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, đồng thời không vi phạm quyền SHTT của người khác.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
          Chuyên mục “Sở hữu trí tuệ” đã phát sóng được 24 số, trong đó bao gồm 24 bản tin, 20 phóng sự, 4 tọa đàm, 24 tương tác truyền hình, 24 cuộc hỏi đáp pháp luật.
1. Bản tin
- Số lượng: 24 bản tin.
- Thời lượng: 2-4 phút/bản tin.
- Số lượng tin: 2-3 tin/bản tin.
          Nội dung các bản tin xoay quanh vấn đề xây dựng, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và các hoạt động quản lý của cơ quan chức năng trong tỉnh; các hoạt động khoa học, công nghệ của Sở Khoa học Công nghệ; cập nhật thông tin, sự kiện liên quan đến SHTT, các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thông tin về hàng giả, hàng nhái, các hoạt động của các thương hiệu. Các bản tin cũng đưa về các xây dựng và phát triển đặc sản của địa phương, chất lượng sản phẩm hàng hóa, quy trình công nghệ sản xuất của doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh. Không những đưa tin về tình hình trong nước, các bản tin còn dành thời lượng để thông tin về các hoạt động SHTT trên thế giới. 80% tin có hình ảnh minh họa sinh động và hấp dẫn, kỹ xảo đẹp.
          Các bản tin thông tin chính xác, kịp thời đến bạn xem truyền hình chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về Khoa học công nghệ, đặc biệt là SHTT, giúp các cấp, các ngành, cơ quan quản lý nhà nước nâng cao ý thức và trách nhiệm đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ nói chung và SHTT nói riêng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
2. Phóng sự
- Số lượng: 20 phóng sự
- Thời lượng: 12-15 phút/phóng sự
          Phóng sự giới thiệu các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp điển hình trong việc xây dựng, phát triển tài sản trí tuệ, những vấn đề xã hội quan tâm về SHTT, cũng như những khó khăn, tồn tại hoặc những điển hình trong việc thực thi luật SHTT tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
          Qua chương trình “Sở hữu trí tuệ và cuộc sống” các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm nhằm ngăn chặn và giảm thiểu những vi phạm về quyền SHTT qua đó xác lập và khai thác có hiệu quả các giá trị tiềm năng của tài sản trí tuệ, phối hợp với các cơ quan chức năng lập quyền sở hữu trí tuệ để thực hiện có hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ.
3. Tọa đàm
- Số lượng: 04 tọa đàm
- Thời lượng: 20-25 phút.
          Các tọa đàm đã phản ánh, phân tích, nhận định về các vấn đề: Doanh nghiệp với việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Hoạt động nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Xây dựng thương hiệu cho nông sản của tỉnh Hải Dương; Hoạt động tuyên truyền SHTT góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp. Các buổi tọa đàm đều được chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu kịch bản, nội dung, cùng các yếu tố kỹ thuật hỗ trợ khác. Buổi tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia SHTT, các khách mời là các đại diện của doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, tổ chức Hiệp hội có kiến thức chuyên môn cũng như kiến thức về SHTT.
4. Tương tác truyền hình
- Số lượng: 24 tương tác
- Thời lượng: 2-3 phút/ tương tác
          Tương tác truyền hình là những tiểu phẩm tình huống tập trung vào những vi phạm nhãn hiệu, sáng chế rất gần gũi, dễ hiểu. Sau đó nêu câu hỏi cho tình huống tương tác đó, công bố đáp án câu hỏi kỳ trước và công bố giải thưởng.
5. Hỏi đáp pháp luật
- Số lượng: 24 cuộc
- Thời lượng: 1-3 phút.
          Phần này sẽ giải đáp những thắc mắc của khán giả truyền hình về những vấn đề liên quan đến SHTT. Qua hơn một năm triển khai dự án, chương trình đã nhận được hơn 40 câu hỏi của người xem, qua đó sàng lọc câu hỏi tiêu biểu chuyển đến các cơ quan chuyên môn hoặc các chuyên gia về SHTT để trả lời.
III. HIỆU QUẢ CÔNG TRÌNH
          Chương trình “Sở hữu trí tuệ và Cuộc sống” được phát sóng liên tục hàng tuần, trở nên quen thuộc đối với khán giả tỉnh nhà và các tỉnh lân cận. Mỗi chương trình sau khi phát sóng và cập nhật trên website thu hút khoảng 350 khán giả nhắn tin tham gia dự đoán đáp án tình huống, và gọi điện xin tư vấn các vấn đề liên quan đến SHTT mà doanh nghiệp hoặc cá nhân đang vướng mắc. Để đánh giá hiệu quả các chương trình phát sóng, Ban chủ nhiệm dự án đã tổ chức điều tra ý kiến người xem truyền hình tại địa phương, trong số 200 người được hỏi thì có 198 người (chiếm 99%) trả lời có xem chương trình “Sở hữu trí tuệ và Cuộc sống”.
          Sau một năm thực hiện, dự án đã mang lại nhiều thay đổi tích cực về lĩnh vực SHTT, cụ thể:
- Người dân và doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ và nông sản địa phương. Theo thống kê của Sở Khoa học Công nghệ, số lượng đơn xin cấp về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, sáng chế tăng lên hàng năm. Từ tháng 6/2013- tháng 7/2014, đã nhận được gần 300 đơn hợp lệ, tăng 20% so với năm trước. Trong năm 2013-2014, Sở Khoa học và Công nghệ giải quyết 05 vụ có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và 01 vụ vi phạm nhãn hiệu hàng hóa. Quản lý thị trường xử lý 104 vụ, công an xử lý 07 vụ vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa.
- Nâng cao trình độ, kỹ thuật sản xuất, kỹ năng tiếp cận thị trường, năng lực tổ chức và thương mại sản phẩm với  việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Theo thống kê có 30 doanh nghiệp lớn của tỉnh có tổng mức đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng TBKH lên tới gần 500 tỷ.
- Dự án góp phần hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu gần 30 sản phẩm của doanh nghiệp địa phương, giới thiệu các làng nghề truyền thống và các đặc sản địa phương, xây dựng thương hiệu cho nhóm nông sản đặc sản như: chỉ dẫn địa lý vải thiều Thanh Hà, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, gà đồi Chí Linh, bánh gai Ninh Giang, ổi và bưởi Thanh Hà, rươi Tứ Kỳ…
- Gần 1000 doanh nghiệp được hỗ trợ trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, quảng bá thương hiệu nâng cao sức cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đã khai thác và bảo vệ thương hiệu có hiệu quả: xi măng Thành Công, động cơ điện Toàn Phát, giống cây trồng Hải Dương, thạch rau câu Long Hải…
- Thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất sản phẩm, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm. Phổ biến kiến thức về SHTT dễ hiểu, dễ nhớ tới người dân, doanh nghiệp. Nâng cao kiến thức  cho đội ngũ quản lý, phóng viên nắm bắt rõ hơn về SHTT.
IV. THÀNH TÍCH CÔNG TRÌNH
Biên bản họp hội đồng khoa học công nghệ nghiệm thu kết quả công trình khoa học công nghệ cấp tỉnh ngày 27/12/2014, đánh giá, xếp loại: xuất sắc.
Phạm Thành Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây