GIẢI KHUYẾN KHÍCH
(Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn tỉnh Hải Dương lần IV-2016)
Chủ nhiệm: KS.Trịnh Huy Đang.
Các cộng sự: Ths.Nguyễn Hữu Hỷ, KS.Phạm Đăng Trịnh, CN.Nguyễn Thị Hồng Hà.
Đơn vị thực hiện: Công ty cổ phần giống cây trồng Hải Dương
Thời gian thực hiện: Năm 2012-2014
I. Kết quả công trình
Công trình đã xây dựng được 04 mô hình giống chè mới Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên thay thế diện tích trồng vải và diện tích trồng chè cũ kém hiệu quả. Cụ thể như sau:
+ Xây dựng 02 mô hình giống chè mới Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên thay thế một số diện tích trồng vải kém hiệu quả tại 4 địa điểm với quy mô 45 ha/3 năm. Cụ thể: xã Bắc An 6,8 ha chè Kim Tuyên có 10 hộ tham gia, xã Hoàng Hoa Thám 17,2 ha chè Kim Tuyên có 36 hộ tham gia, xã Lê Lợi 01 ha chè Kim Tuyên có 03 hộ tham gia, phường Bến Tắm 20 ha chè Phúc Vân Tiên có 42 hộ tham gia. Mô hình trồng chè sau 24 tháng có tỷ lệ sống cao đạt trên 90%, sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng đánh giá cảm quan khá, năng suất trung bình đạt 2,94 tấn/ha (sau trồng ba năm), hiệu quả kinh tế cao hơn trồng vải là 21,28 triệu đồng/ha, tăng 206%.
+ Xây dựng 02 mô hình giống chè mới Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên thay thế diện tích chè cũ kém hiệu quả tại 03 địa điểm tại thị xã Chí Linh. Cụ thể: xã Bắc An 0,65 ha chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên có 02 hộ tham gia, xã Hoàng Hoa Thám 2 ha chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên có 4 hộ tham gia, phường Bến Tắm 9,35 ha giống chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên có 16 hộ tham gia. Mô hình trồng chè sau 24 tháng có tỷ lệ sống cao đạt 89,6%-90,2%, cây chè đến nay sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng khá, năng suất trung bình 2,94 tấn/ha (sau trồng ba năm), hiệu quả kinh tế cao hơn trồng chè cũ là 8,28 triệu đồng/ha, tăng 123%.
Công trình xây dựng được mạng lưới thu mua chè nguyên liệu tại các điểm sản xuất thiết lập được cán bộ phụ trách cũng như xây dựng quy chế nhiệm vụ, cơ chế, chính sách thu mua và công ty cam kết thu mua toàn bộ chè nguyên liệu bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ tham gia mô hình. Kết quả sau năm thứ ba bước đầu thu mua cho các hộ với giá 12.000đ/kg chè búp tươi, cao hơn 2 lần so với giá bán hiện nay của 15 hộ dân, sản lượng 5 tấn, sấy chế biến thành phẩm đạt 01 tấn khô đảm bảo tiêu chuẩn, giá bán 150.000-200.000 đ/kg đem lại doanh thu 150-200 triệu đồng.
II. Hiệu quả kinh tế xã hội
- Mỗi ha chè giống mới đến năm thứ 3 đạt khoảng 3 tấn, giá bán 10.000-12.000đ/kg chè búp tươi, sẽ thu 36 triệu đồng. Đến năm thứ 7, năng suất trung bình 15 tấn/ha, tổng thu 150 triệu đồng/ha. Hiệu quả của công trình sau năm thứ 3 với việc triển khai 57 ha thu 471,96 triệu đồng đến 1 tỷ 212,96 triệu đồng/năm. So với những vườn vải cho thu nhập thấp 20 triệu đồng/ha/năm thì việc chuyển đổi thành những nương chè giống mới sẽ tăng thu nhập từ 100-130 triệu đồng/ha/năm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
- Nâng cao hiểu biết cho người lao động, cán bộ kỹ thuật và đội ngũ khuyến nông cơ sở về sản xuất chè theo quy trình ICM, là cơ sở để duy trì và phát triển bền vững vùng nguyên liệu chè tại thị xã Chí Linh.
- Góp phần từng bước đưa cây chè thành cây trồng chính của thị xã Chí Linh, phát huy tiềm năng, lợi thế cây trồng vốn có của địa phương, nâng cao uy tín và xây dựng thương hiệu chè Chí Linh. Trên cơ sở đó mở rộng thị trường tiêu thị ở trong nước và xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất chè của địa phương.
III. Khả năng áp dụng
- Công trình có tính khả thi cao, khả năng mở rộng diện tích trồng lớn. Tính đến năm 2015, diện tích chè giống mới Kim Tuyên Và Phúc Vân Tiên đạt 57 ha, đến năm 2020 thu nhập tối thiểu 100 triệu đồng/ha, thu được 5,7 tỷ đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người.
- Nhân rộng mô hình sản xuất nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từ đó bố trí sắp xếp lại dân cư, bố trí lao động chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế trang trại, vườn đồi gắn sản xuất và chế biến.
- Kết quả của công trình là cơ sở cho việc nâng cao năng suất, chất lượng và sản phẩm chè an toàn. Trên cơ sở đó tăng hiệu quả cho ngành sản xuất chè, nhân rộng mô hình cho các vùng lân cận.
Trần Anh Tuấn