Xây dựng mô hình sản xuất rau quả tươi an toàn (VietGap) theo liên kết chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm

Thứ hai - 10/12/2018 14:42 554 0
  Lần đầu tiên ở tỉnh ta xây dựng được mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo liên kết chuỗi giá trị. Thông qua công trình đã xác lập được chuỗi hoàn chỉnh gắn kết giữa người sản xuất, đầu mối thu mua và đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Trong toàn bộ chuỗi đã tìm được những khâu nhạy cảm, khâu yếu và có giải pháp để chuỗi giá trị của sản phẩm được hoàn chỉnh, góp phần duy trì và mở rộng kết quả mô hình.
GIẢI KHUYẾN KHÍCH
(Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn tỉnh Hải Dương lần IV-2016)
          Chủ nhiệm: TS Lê Đình Sơn
          Cộng sự: Trần Thị Thu Hà, Nguyễn Văn Phong và các cộng sự khác.
          Đơn vị thực hiện: Chi Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Sở NN&PTNT.
          Thời gian thực hiện: Năm 2014-2015
I. Tính mới, tính sáng tạo và giá trị khoa học công nghệ
1. Tính mới, tính sáng tạo
          Lần đầu tiên ở tỉnh ta xây dựng được mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo liên kết chuỗi giá trị. Thông qua công trình đã xác lập được chuỗi hoàn chỉnh gắn kết giữa người sản xuất, đầu mối thu mua và đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Trong toàn bộ chuỗi đã tìm được những khâu nhạy cảm, khâu yếu và có giải pháp để chuỗi giá trị của sản phẩm được hoàn chỉnh, góp phần duy trì và mở rộng kết quả mô hình.
2. Giá trị khoa học công nghệ
- Là cơ sở để có các hướng dẫn về tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát theo chuỗi của quá trình sản xuất-thu mua, chế biến để có sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí về an toàn thực phẩm phù hợp với địa bàn tỉnh.
- Tạo điều kiện để áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, áp dụng công nghệ cao, đưa giống mới, các chế phẩm mới, an toàn áp dụng vào sản xuất.
- Là mô hình điểm để khuyến cáo áp dụng đối với các sản phẩm khác và mở rộng ra các địa phương trên địa bàn tỉnh.
II. Nội dung và kết quả công trình   
          Công trình có hai mục tiêu lớn: Xây dựng mô hình sản xuất cà chua và bí xanh an toàn theo quy trình VietGAP trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Tổ chức tiêu thụ sản phẩm tại hệ thống siêu thị và các đầu mối tiêu thụ khác.
1. Xây dựng mô hình sản xuất cà chua và bí xanh an toàn theo quy trình VietGAP
* Năm 2014:
- Mô hình cà chua tại xã Thượng Đạt có 45 hộ đăng ký tham gia với tổng diện tích 5.008ha.
- Mô hình bí xanh VietGAP tại An Châu, có 40 hộ đăng ký tham gia với tổng diện tích: 4,96ha.
* Năm 2015: mở rộng 0,3ha mô hình cà chua trong vụ xuân nhằm đảm bảo có sản phẩm cung ứng liên tục với thị trường siêu thị. Tiếp tục triển khai duy trì hoạt động sản xuất cà chua vụ hè thu và bí xanh vụ đông năm 2015 đủ diện tích như năm 2014.
2. Công tác quản lý, theo dõi, đánh giá VietGAP tại mô hình
          Trong toàn bộ quá trình sản xuất từ năm 2014 đến 2015, Ban chủ nhiệm cùng tham gia phối hợp với tổ sản xuất an toàn tại địa phương giám sát, nắm bắt tình hình sản xuất, đảm bảo việc sản xuất áp dụng theo quy trình an toàn VietGAP. Nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến sự an toàn, chất lượng sản phẩm cà chua, bí xanh trong quá trình sản xuất, quy trình sản xuất trên đồng ruộng tuân thủ theo quy định sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn, đảm bảo đầy đủ các tiêu chí của (VietGAP) về vùng sản xuất, đất và nước tưới, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, người lao động…
          Để đánh giá chứng nhận cho sản phẩm thuộc hai mô hình sản xuất an toàn trên, Ban chủ nhiệm đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần chứng nhận và giám định Vinacert. Cà chua Thượng Đạt không phát hiện nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, được cấp giấy chứng nhận và duy trì chứng nhận VietGAP từ tháng 10/2014 đến hết ngày 2/10/2016. Tương tự, sản phẩm bí xanh được cấp giấy chứng nhận VietGAP từ tháng 12/2014 đến tháng hết ngày 1/10/2016.
3. Tổ chức tiêu thụ sản phẩm
- Để đảm bảo mục tiêu sản phẩm của đề tài được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh (chiếm 30% tổng sản lượng sản xuất, chúng tôi đã chủ động liên hệ làm việc với các siêu thị Big C; Intimex nhằm tìm hướng tiêu hụ sản phẩm theo mục tiêu đề ra. Trên cơ sở đánh giá năng lực thực tế, đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông sản tại hệ thống siêu thị BigC trên toàn quốc thông qua công ty Cổ phần nông sản thực phẩm Hải Dương Xanh. Sản phẩm cà chua được đưa vào hệ thống phân phối của siêu thị từ ngày 20/10/2014, bí xanh đươc đưa vào ngày 27/12/2014. Tổng sản phẩm cà chua VietGAP đã đưa vào tiêu thụ tại siêu thị năm 2014 là 75 tấn (chiếm 30% tổng sản phẩm), bí xanh 84 tấn (chiếm 30% tổng sản phẩm).
- Hình thức thu mua: Doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm của người sản xuất tại ruộng. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có trách nhiệm tổ chức thu gom và sơ chế sản phẩm theo đúng quy trình VietGAP cho doanh nghiệp. Sản phẩm thu hoạch không được để trực tiếp dưới đất, đảm bảo phân biệt sản phẩm giữa các hộ trong trình thu hoạch và sơ chế. Doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí vận chuyển từ đồng ruộng đến điểm tập kết của công ty. Tất cả các khâu đều thực hiện thông qua hợp đồng và theo các quy chế phối hợp giữa các bên, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất, giữa doanh nghiệp và đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Ổn định chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm.
- Sản phẩm được đưa vào tiêu thụ trong các kênh phân phối khác như trong cửa hàng rau quả sạch của công ty Hải Dương Xanh tại Hải Dương và hệ thống cửa hàng rau an toàn tại Hà Nội. Sản phẩm được các hộ dân tiêu thụ qua các thương lái tự do, chiếm tới 70% tổng sản phẩm.
          Kết quả công trình đã được áp dụng vào sản xuất, đời sống, hiệu quả cao và đã được mở rộng trong sản xuất, và tiêu thụ nông sản, cụ thể từ mô hình điểm với 10ha và hai sản phẩm cà chua, bí xanh nay diện tích đã nâng lên 200ha trên nhiều đối tượng cây trồng.
III. Hiệu quả kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường
1. Hiệu quả kinh tế: Mô hình sản xuất cà chua và bí xanh an toàn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, giá thành sản phẩm được đơn vị thu mua cao hơn giá thị trường 10%. Năm 2014, sản lượng cà chua thu được từ mô hình đạt trung bình 50 tấn/ha, bí xanh 56 tấn/ha. Giá sản phẩm cà chua thuộc mô hình được bán với giá từ 7-8.000/kg, bí xanh được bán với giá 5-6.000/kg. Trung bình mỗi ha cà chua thu nhập đượ 385 triệu/ha, lãi thuần 228,9 triệu/ha, tăng 12,14% so với sản xuất bình thường. Với bí xanh cho thu nhập 308 triệu/ha, lãi thuần đạt 210 triệu/ha, tăng 9,53% so với sản xuất bình thường. Như vậy có thể nói việc sản xuất theo quy trình VietGAP đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định về đầu ra hơn so với sản xuất thông thường.
2. Hiệu quả xã hội: Đã từng bước thay đổi tư duy, nhận thức và áp dụng quy trình cho cả người sản xuất và người kinh doanh. Nâng cao chất lượng sản phẩm rau quả đưa ra thị trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và hướng vào một nền sản xuất bền vững, gắn kết cộng đồng trong quá trình sản xuất kinh doanh.
3. Hiệu quả bảo vệ môi trường: Hiệu quả môi trường được ghi nhận rõ nét với quy trình sản xuất chặt chẽ, an toàn, góp phần bảo vệ, cải tạo môi trường tốt hơn trong quá trình sản xuất, chế biến nông sản theo hướng bền vững.
Vũ Hải Linh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây