Vị thuốc từ cây ba kích

Chủ nhật - 20/10/2024 09:42 2 0
Cây ba kích còn có tên gọi khác là ba kích thiên, ruột gà, Thao tày cáy (Mán), Ba kích thiên, Sáy cáy (Thái), Chầu phóng sì (Tày), Chổi hoàng kim, Chày kiằng đòi (Dao); có tên khoa học là Morinda officinailis, là cây thuốc quý thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Ba kích là loài thân thảo, thuộc loại dây leo, sống lâu năm, thân mảnh dẻ, tròn lẳn, rắn chắc và nhẵn mịn, màu nâu xám. Nhiều đoạn trên thân có những mấu đốt là nơi phát triển những nhánh đâm ngang tạo thành những đoạn thân mới. Cứ như thế, chúng bò lan trên mặt đất hay leo trên vật chủ thành từng lùm, từng bụi rậm trên diện rộng. Lá mọc đôi cuống ngắn hình lưỡi mác cứng và nhọn. Phiến lá dài trên chục phân, bề ngang khoảng 5-6 phân. Khi còn non, phiến lá màu xanh lục, loáng thoáng chút lông tơ mỏng. Khi đã già, chúng chuyển sang màu ánh bạc pha mốc. Hoa mọc thành tán nhỏ, mỗi bông có tới gần chục cánh hoa, lúc đầu màu trắng bạc sau ngả màu vàng ươm. Quả nhỏ hình cầu, khi chín ngả màu đỏ thẫm.
cây ba kích
Cây ba kích. Nguồn: ihs.org.vn

Ba kích là loài cây hoang dài phù hợp với đất đồi vùng trung du, trồng càng lâu năm thì củ càng nhiều và càng chất lượng. Ba kích có thể thu hoạch quanh năm nhưng tốt nhất là vào dịp thu đông.
Giá trị sử dụng của cây ba kích là ở bộ rễ. Rễ ba kích có hình trụ tròn, mọc thành chuỗi dài uốn khúc, mấp mô, sần sùi, chỗ phình to, chỗ thu nhỏ không đồng đều. Đường kính hoảng hơn một phân nhưng dài tới 50-60 phân.  Sau lớp vỏ mỏng xù xì là lớp tinh bột màu trắng ngà, hơi nhớt hoặc màu tím nhạt ôm chắt lấy sợi lõi ở giữa nhỏ xíu nhưng rất dai và săn chắc chạy dọc theo chiều dài củ. Theo kinh nghiệm dân gian thì ba kích tím chất lượng tốt hơn.
Người ta đào củ ba kích về làm sạch vỏ, tạp chất, chế biến làm dược liệu. Sau khi làm sạch, đập dập cắt ngắn, phơi hoặc sấy khô. Có trường hợp sau khi làm sạch, người ta ủ mềm, rút lõi, thái nhỏ tẩm rượu khoảng 2-3 giờ thì vớt ra hong cho ráo nước sau đó phơi khô hoặc sấy khô. Theo kinh nghiệm, tẩm rượu sao sấy thì tốt hơn.
Theo tài liệu cổ: Ba kích có vị cay ngọt, tính ôn ấm vào kinh thận, có tác dụng hỗ trợ thận dương, mạnh gân cốt, trừ phong thấp. Dùng để chữa các chứng liệt dương, di hoạt, mộng tinh, chứng vô sinh với cả nam và nữ, kinh nguyệt không đều, chứng gân cốt yếu liệt, chứng gối mỏi đau và các chứng phong tê thấp,… Ngày nay, các nhà khoa học còn chứng minh ba kích có tác dụng tăng sự co bóp của nhu động ruột và hạ huyết áp.
củ ba kích
củ ba kích tím.

Một số cây có thể nhầm lẫn với ba kích tím do hình dáng cây: Ba kích lông (Morinda cochinchinensis Lour.), cây mặt quỷ (Morinda villosa Wall. Ex Hook, f). Và một số loại cây khác do nhầm lẫn vì cùng tên gọi “dây ruột gà” trong nhân dân như Sam trắng (Bacopa monnieri Lour.), Mộc thông (Clematis chinensis Osbeck). Viễn chí là một loại dược liệu rất dễ nhầm lần với ba kích. Viễn chí hình thái bên ngoài khá giống ba kích, nhưng củ nhỏ hơn, thường có màu tím hoặc hơi đỏ, củ khá đồng nhất. Chính vì màu đỏ tím của củ Viễn chí làm nhiều người mua hàng thiếu kinh nghiệm nhầm lẫn, dùng Viễn chí ngâm rượu để cải thiện sinh lý nam nhưng không hề có tác dụng. Các hình quảng cáo trên mạng thường sử dụng cây viễn chí để lôi kéo khách hàng.

cây mặt quy và nhàu lông
Cây mặt quỷ (trái) và cây nhàu lông dễ bị nhầm với cây ba kích.
 
Hiện tại, ba kích được bán ở cả dạng dược liệu đã phơi khô và dạng tươi. Ba kích tươi dễ dàng phân biệt nguồn gốc hơn, cũng dễ dàng thẩm định chất lượng hơn. Ba kích tươi ở Quảng Ninh, Thái Bình… thường có củ lớn hơn ở Lào Cai, Hà Giang nhưng cả hai loại này đều có vỏ vàng đậm, kích thước củ chủ dưới 3cm, khúc khuỷu, phân nhiều đoạn, khác hoàn toàn với loại ba kích Trung Quốc to, mập, kích thước lớn nhưng thường xốp và nhiều nước hơn. Ba kích khô thường rất khó phân biệt, tuy nhiên ba kích Trung Quốc do đã bị hấp chiết lấy hết dược chất nên thể chất thường nhũn và xốp.
Những phương dược có vị ba kích
Phương tán dục đoạn (cổ phương) chủ trị liệt dương:
Các vị gồm: Bạch truột (160g), Thục địa (160g); Đương quy (120g), Ba kích (80g), Cửu tử (80g), Đỗ trọng (80g), Khởi tử (120g), Dâm dương hoắc (80g), Nhục trung dung (80g), Tiên mao (80g), Nhục quế (20g), Xà sảng tử (40g), Sơn thù nhục (40g), Phụ tử chế (20g).
Tất cả tán mật luyện mật ong hoàn thành viên bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 100 viên chia làm 3 lần chiêu bằng nước cơm hoặc nước ấm.
Kiêng các chất kích thích, kiêng phòng the.
Phương ổi thận tán (cổ phương) chủ trị chứng đau lưng do thận dương hư.
Các vị: Nhân sâm (40g), Phá cố chỉ (4g), Ba kích (4g), Lộc giác sương (4g), Nhục thung dung (4g), Đương quy (4g), Đỗ trọng (4g), Thu thạch (4g).
Tất cả sao vàng tán bột mịn, dùng quả cật lợn thái nhỏ trộn một nửa thuốc với cật lợn thêm một chén rượu nhỏ vào nấu cách thuỷ cho chín ăn hết một lần. Có thể làm nhiều lần.
Kiêng các chất kích thích, kiêng phòng the.
Phương ba kích khu tý thang (cổ phương) chủ trị chứng phong thấp, lưng gối mình mảy đau nhức tê mỏi
Các vị: Ba kích (12g), Đỗ trọng (12g), Ngưu tất (12g), Tục đoạn (12g), Tang ký sinh (10g), Sơn thù nhục (8g), Hoài sơn (10g), Cam thảo (4g).
Sắc uống ngày một thang chia đều ba lần. Kiêng các chất cay nóng, nơi ẩm thấp, lạnh lẽo.

Cách trồng cây ba kích

Tuy là cây thuốc khá độc đáo của Việt Nam, nhưng ba kích vẫn chưa được trồng trên diện rộng và nghiên cứu sâu về mặt trồng trọt. Nhưng kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy ba kích có thể trồng trên đất nhiều mùn, tơi xốp, hơi chua ở các vùng núi thấp và trung du, có nhiệt độ trung bình hằng năm từ 21 đến 23 độ C. Cây có thể nhân giống bằng hạt hoặc bằng cành giâm. Khi quả chín thu hạt và đem gieo ngay trong vườn ươm sẽ cho hiệu quả tốt. Cành bánh tẻ dài 20 -30cm, chứa 2 -4 mắt ngủ hoặc dài 50cm(cuộn lại) chọn từ cây khỏa mạnh, được giâm trong vườn ươm hoặc có thể trồng thẳng ra ruộng. Còn có thể sử dụng phần gốc sau khi đã thu hoạch rễ và cắt bỏ phần thân để làm giống.
Về mặt thời vụ, gieo trồng trong vườn ươm nên tiến hành vào tháng 2 -3 còn thời vụ trồng ra ruộng có thể cả tháng 8 – 9. Vào các thời điểm này, không khí tương đối mát mẻ và đủ độ ẩm tạo thuận loại cho cây bám rễ. Việc chọn thời điểm nào để trồng còn phụ thuộc vào tuổi của cây giống: tốt nhất là cây giống có tuổi từ 7 – 12 tháng. Đất trồng có thể là lên luống cao 20 -30cm, rộng 40cm. rộng 40cm nếu trồng 1 hàng hoặc rộng hơn nếu trồng 2 hàng. Sau đó bổ hốc cách nhau khoảng 1m và bón lót phân chuồng hoai mục ( 4 -8 tấn/ha) + phân vi sinh (400 – 800kg/ha). Sau khi cây bén rễ, cần định kỳ tưới thúc bằng nước phân chuồng hoặc phân đạm.
Là cây ưa sáng, nhưng ở thời kỳ cây con ba kích lại ưa bóng nên bắt buộc phải làm giàn che. Do đặc tính này ba kích có thể trồng xen trong vườn rừng khi cây chính chưa phát triển hoặc với các cây ngắn ngày như rau, đậu, khoai sọ hay các cây có yêu cầu đốn hàng năm như dâu, cốt khí củ. Khi cây lớn cần làm giàn leo. Thời gian đầu, ba kích cần được tưới đủ ẩm và làm cỏ thường xuyên. Khi được một năm tuổi trở nên, hệ rễ của Ba kích bắt đầu phát triển, vì vậy không được cuốc xới quanh gốc mà phải làm cỏ bằng tay. Cây trồng được 2 năm bắt đầu ra hoa, kết quả. Những năm sau, số cây có hoa tăng dần. Cây có đủ giàn leo ra hoa nhiều hơn.
Thiên địch đáng kể nhất của Ba kích là dế mèn và chuột nên cần có những biện pháp thích hợp để phòng chống hai đối tượng này. Về thời gian thu hoạch, ít nhất là sau 3 năm mới có thể thu hoặc được, thời điểm thu hoặc thường là tháng 10 – 12 hoặc vào đầu xuân để tận dụng lấy giống trồng cho vụ sau. Khi thu hoạch, dùng cuốc đào lấy toàn bộ rễ đem sơ chế.
Lương y Nguyễn Văn Hiếu
 Từ khóa: Cây ba kích

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây