Tăng cường phòng chống lừa đảo qua điện thoại

Thứ hai - 09/12/2024 09:33 7 0
Trong thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo qua điện thoại tiếp tục gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, có tổ chức, gây hoang mang và thiệt hại không nhỏ cho người dân. Theo thống kê từ Bộ Công an, chỉ trong quý I năm 2025, cả nước đã ghi nhận hàng nghìn vụ lừa đảo qua hình thức cuộc gọi giả mạo, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Các đối tượng lừa đảo thường giả danh là công an, viện kiểm sát, ngân hàng, bưu điện, cơ quan thuế… gọi điện thông báo nạn nhân có liên quan đến vụ án rửa tiền, buôn lậu, trốn thuế hoặc có kiện tụng tại tòa án. Với giọng điệu nghiêm trọng, chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền “để phục vụ điều tra” hoặc cung cấp mã OTP, thông tin ngân hàng, căn cước công dân... Một số trường hợp khác, đối tượng giả làm người thân bị tai nạn, nhân viên bưu điện thông báo có gói hàng bất hợp pháp... hòng chiếm đoạt tài sản một cách nhanh chóng.
Không chỉ người dân ở Việt Nam mà kể cả tại các quốc gia phát triển trên thế giới, dân trí cao, thì việc lừa đảo “mạo danh đại diện của các công ty điện, nước, và khí đốt, đe dọa người dân và chủ doanh nghiệp bằng việc cho ngừng dịch vụ nếu họ không thanh toán ngay lập tức.” vẫn diễn ra phổ biến. ​Theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC), trong năm 2024, người tiêu dùng Hoa Kỳ đã báo cáo tổng thiệt hại hơn 12,5 tỷ USD do các hành vi gian lận, tăng 25% so với năm trước. Trong số này, các vụ lừa đảo mạo danh chiếm khoảng 2,95 tỷ USD. ​
Mặc dù email là phương thức liên hệ phổ biến nhất mà kẻ lừa đảo sử dụng, các cuộc gọi điện thoại vẫn đứng thứ hai, tiếp theo là tin nhắn văn bản. Đáng chú ý, mặc dù số lượng lừa đảo qua điện thoại ít hơn, nhưng thiệt hại trung bình trên mỗi nạn nhân từ các cuộc gọi điện thoại cao hơn, với mức trung vị khoảng 1.500 USD. ​
Ngoài ra, theo báo cáo từ YouMail, trong năm 2024, người tiêu dùng Hoa Kỳ đã nhận được khoảng 52,8 tỷ cuộc gọi tự động (robocalls), giảm 4,2% so với năm 2023. Trong đó, các cuộc gọi lừa đảo chiếm khoảng 6,3 tỷ, giảm 22,3% so với năm trước.
Tình trạng lừa đảo qua điện thoại đang trở thành vấn đề nghiêm trọng tại nhiều quốc gia châu Á. Nền kinh tế Thái Lan chịu thiệt hại khoảng 60 tỷ baht (tương đương 1,76 tỷ USD) do các vụ lừa đảo trực tuyến, với hàng triệu người dân trở thành nạn nhân của các cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo. Thái Lan được xác định là mục tiêu chính của các vụ lừa đảo qua tin nhắn SMS trong khu vực, với 58 triệu tin nhắn đáng ngờ được gửi đến người dùng trong năm. Ở Singapore, tổng số vụ lừa đảo và tội phạm mạng tăng 10,8% lên 55.810 vụ trong năm 2024, so với 50.376 vụ năm 2023. Tổng số tiền thiệt hại từ các vụ lừa đảo tăng 70,6% lên ít nhất 1,1 tỷ SGD (khoảng 822 triệu USD) trong năm 2024, từ mức 651,8 triệu SGD năm 2023. Trung Quốc có số vụ lừa đảo qua viễn thông và trực tuyến tăng 27%, với 40.000 vụ liên quan đến 82.000 bị cáo trong năm 2024. Malaysia thống kê được số cuộc gọi lừa đảo tăng 82,81% trong năm 2024, gây thiệt hại tài chính lên đến 1,57 tỷ RM (khoảng 375 triệu USD). Báo cáo cho thấy 71% người Nhật đã gặp phải lừa đảo ít nhất một lần mỗi tháng trong năm 2024, tăng 8% so với năm 2023. ​
Theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA), trong năm 2024, Việt Nam ghi nhận thiệt hại ước tính khoảng 18.900 tỷ đồng do các vụ lừa đảo trực tuyến. Trong đó, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người trở thành nạn nhân, tương đương tỷ lệ 0,45%.
Ở Thanh Miện, bà Nguyễn Thị N. (sinh năm 1958) ở thôn Phạm Xá, xã Ngô Quyền nhận được cuộc gọi từ một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an TP Hà Nội. Đối tượng này đe doạ bà N. liên quan đến đường dây ma tuý, yêu cầu bà N. cung cấp số tài khoản, mật khẩu ngân hàng của chính mình. Sau khi bà N. cung cấp số tài khoản, mật khẩu, đối tượng yêu cầu bà N. phải chuyển toàn bộ số tiền bà đang có vào tài khoản ngân hàng đó và tuyệt đối không được nói với ai. Chiều hôm sau, bà N. ra Quỹ Tín dụng nhân dân xã Ngô Quyền rút toàn bộ số tiền tiết kiệm 920 triệu đồng rồi gửi vào tài khoản ngân hàng đã cung cấp cho đối tượng trước đó. Rất may, đối tượng chưa kịp đăng nhập vào tài khoản thì gia đình bà N. phát hiện và trình báo với công an xã. Nhận được tin báo, Công an xã Ngô Quyền đã nhanh chóng phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở xã Hồng Quang phong toả kịp thời tài khoản của bà N. và giữ lại được toàn bộ 920 triệu đồng.
Một số người khác thường xuyên nhận được các cuộc gọi mạo danh là cán bộ công an để yêu cầu làm định danh điện tử (VNeID) mức 2 do thông tin bị lỗi, sai. Nhóm đối tượng mạo danh sẽ hướng dẫn nạn nhân tải và cài đặt ứng dụng giả mạo bằng cách gửi đường link qua zalo hoặc facebook để nạn nhân tải về cài đặt trên điện thoại của mình. Sau khi cài đặt ứng dụng giải mạo, người dùng sẽ bị lấy cắp thông tin cá nhân đặc biệt là tài khoản thanh toán trực tuyến như tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.
Một số người dân khác bị đối tượng giả danh bộ phận chăm sóc khách hàng của nhà mạng di động họ đang dùng thông báo số máy này đã bị hack, cần xác định lại thông tin thuê bao để bảo mật. Họ dẫn nạn nhân đến một số máy hay web nào đó, làm thêm vài thao tác và cuối cùng là mất tiền trong tài khoản.
Các đối tượng lợi dụng sự nắm bắt chưa đầy đủ các thông tin liên quan đến việc cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử của người dân, để lừa đảo bằng cách gọi điện thoại, sau đó gửi đường dẫn (link) qua các ứng dụng trực tuyến trên mạng xã hội như Zalo, Facebook... để dẫn dụ người dân truy cập đường link cài đặt phần mềm giả mạo có giao diện gần giống với ứng dụng VNeID thật. Sau khi nạn nhân cài đặt và truy cập vào link lạ, kẻ gian kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng sau đó thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại. Tiền trong tài khoản không cánh mà bay. Nạn nhân mất sạch tiền trong chốc lát.
Như vậy có thể thấy, những người sử dụng điện thoại thông minh, có tài khoản ngân hàng dễ trở thành đối tượng cho lừa đảo hơn so với những người khác. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan vì thực tế có những người không dùng tài khoản ngân hàng nhưng theo lời dụ dỗ của kẻ lừa đảo, đã mang tiền mặt đến ngân hàng để chuyển cho số tài khoản của kẻ lừa đảo.

Trước tình hình trên, người dân cần chủ động nâng cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp sau:

  1. Không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP qua điện thoại dù người gọi tự xưng là ai, thuộc cơ quan nào.
  2. Không chuyển tiền theo yêu cầu của bất kỳ cuộc gọi nào có tính chất nghi ngờ, đặc biệt là những cuộc gọi mang tính chất đe dọa hoặc khẩn cấp.
  3. Liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng thông qua các kênh chính thống (số điện thoại đường dây nóng của công an, ngân hàng...) để xác minh thông tin.
  4. Cài đặt phần mềm bảo mật, chặn cuộc gọi rác và tin nhắn lừa đảo, thường xuyên cập nhật tin tức về các chiêu trò mới từ các phương tiện truyền thông chính thống.
  5. Tuyên truyền, nhắc nhở người thân – đặc biệt là người cao tuổi và học sinh – sinh viên, những đối tượng thường dễ bị lợi dụng do thiếu kỹ năng nhận diện lừa đảo.
Ngoài ra, các tổ chức, đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội, loa phường, tờ rơi, website… với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ và phù hợp từng nhóm đối tượng.
Cơ quan công an cũng khuyến cáo: khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ, người dân cần bình tĩnh, không làm theo hướng dẫn của người lạ, đồng thời nhanh chóng trình báo cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc gọi đến tổng đài 113, 1800 4191 để được hỗ trợ.
Cảnh giác – Chủ động – Kiên quyết không hợp tác với đối tượng lừa đảo là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân trong thời đại số. Mỗi người dân cần trở thành một "lá chắn sống", không chỉ bảo vệ chính mình mà còn lan tỏa ý thức phòng chống lừa đảo đến cộng đồng.
Lê Hiền

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây