Chữ ký số công cộng và những điều cần biết
Điều 12 Nghị định 23/2025/NĐ-CP ngày 21/02/2025 của Chính phủ, chữ ký số công cộng là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công cộng, được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số công cộng và đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử 2023.
Chữ ký số công cộng hay chính là một dạng của chữ ký số điện tử, được sử dụng trong môi trường internet. Mỗi cá nhân, doanh nghiệp chỉ cần một chữ ký số để sử dụng trong tất cả các giao dịch cũng như kê khai dưới dạng văn bản điện tử như: Các loại hợp đồng, hoá đơn, chứng từ...giúp quá trình giao dịch được diễn ra nhanh chóng, an toàn và tính bảo mật cao.
Chữ ký số công cộng được lưu trũ trong một thiết bị gọi là USB Token. USB tocken gồm khoá bí mật và khoá công khai. Đây là thiết bị để bảo mật khoá bí mật và chứa thông tin khách hàng. Khoá bí mật dùng để tạo chữ ký số. Khoá công khai dùng để kiểm tra chữ ký số được tạo bởi khoá bí mật.
Hiện nay, có ba loại chữ ký số.
- Chữ ký số cho doanh nghiệp/tổ chức: Là con dấu của doanh nghiệp hoặc người đại diện trước pháp luật của tổ chức;
- Chữ ký số cho cá nhân trong doanh nghiệp: Là chữ ký số của cá nhân trong doanh nghiệp, có ghi rõ chức danh của cá nhân đó.
- Chữ ký số cá nhân: Là chữ ký số của một cá nhân riêng biệt, và chỉ hiện tên của cá nhân đó khi ký số.
Khi có chữ ký số, người dân, doanh nghiệp có thể ký và xác nhận các tài liệu trực tuyến mà không cần đến trực tiếp cơ quan hành chính nhà nước để gửi và nhận hồ sơ. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho nhà nước và người dân. Chữ ký số cũng ngăn chặn khả năng giả mạo, bảo đảm an toàn bảo mật thông tin, bảo đảm tính pháp lý và phù hợp xu thế phát triển.
Trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu năm 2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân phải đạt trên 50%; đến năm 2030 là 70%. Trước đây chữ ký số được triển khai rộng rãi trong cả nước nhưng tập trung chủ yếu ở các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp; tỷ lệ người dân sử dụng chữ ký số còn rất khiêm tốn. Vì vậy vấn đề phổ cập chữ ký số cho người dân giúp họ tiếp cận các dịch vụ công, thủ tục hành chính nhanh, thuận tiện, góp phần thúc đẩy công dân số phát triển.
Từ cuối năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Viễn thông Hải Dương (VNPT), Viettel Hải Dương, Mobifone Hải Dương cung cấp miễn phí chữ ký số cho người dân, doanh nghiệp trong tỉnh để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính. Tính đến hết tháng 02 năm 2025, đã có tổng số 14.359 chữ ký số cá nhân được cấp cho người trưởng thành trên địa bàn tỉnh, đạt tỷ lệ 1%. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%.
Hướng dẫn đăng ký chữ ký số trên ứng dụng VNEID:
- Đăng nhập ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh.
- Vào chức năng “Dịch vụ khác”
- Chọn “Chứng thư chữ ký số”
- Chọn “Đăng ký chứng thư chữ ký số”
- Chọn một trong những nhà cung cấp chứng thư số được hiện lên, ví dụ VNPT SmartCA, Viettel MySign.
Sau khi chọn nhà cung cấp dịch vụ, người dùng làm theo hướng dẫn của nhà cung cấp dịch vụ để hoàn tất quá trình đăng ký. Dưới đây là ví dụ về đăng ký chữ ký số do Mysign Viettel cung cấp.

Các hướng dẫn chi tiết về chữ ký số (sao chép link và tải/xem cách hướng dẫn)
https://drive.google.com/drive/folders/12B3FXYu_mMMnQkvF-htWW0WBlNTtlhKt
Lê Thanh Hà