Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Trường Đại học Sao Đỏ tổ chức hội thảo khoa học và công nghệ các trường Đại học kỹ thuật lần thứ 59
Thứ bảy - 06/04/2024 09:201160
Trong hai ngày 04 và 05/4/2024 tại Trường Đại học Sao Đỏ tỉnh Hải Dương đã diễn ra Hội thảo Khoa học & công nghệ câu lạc bộ các trường Đại học kỹ thuật lần thứ 59 với chủ đề “Các trường Đại học kỹ thuật với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” .
Chương trình Hội thảo được chia thành hai phiên họp: phiên họp giữa câu lạc bộ khoa học công nghệ của các trường đại học kỹ thuật và phiên họp toàn thể có sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương, Sở Công thương,…
Câu lạc bộ Khoa học & Công nghệ các trường đại học kỹ thuật (Câu lạc bộ) được thành lập từ năm 1993, gồm có 05 thành viên sáng lập: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Xây dựng; Trường Đại học Giao thông vận tải; Trường Đại học Mỏ - Địa chất và Học viện kỹ thuật quân sự. Trong đó Trường Đại học Bách khoa Hà nội là Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ, đến nay Câu lạc bộ đã có 29 thành viên.Mục đích của Câu lạc bộ nhằm tạo sự gắn kết và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa các học viện, trường đại học; đồng thời khai thác tiềm năng của các học viện, trường đại học kỹ thuật trong hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào cuộc sống.
Hội thảo đã nhận được 36 báo cáo khoa học của 76 tác giả đến từ các đơn vị thành viên trong Câu lạc bộ, tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính: (1). Thực trạng và giải pháp phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ…; (2). Công tác quản lý, phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống; (3). Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn liền với công nghiệp chế biên; (4). Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và mô hình liên kết hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để khai thác lợi thế giữa các bên; (5). Công tác chuyển đổi số tại các cơ quan, trường học và doanh nghiệp. Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 07 tham luận của các nhà khoa học về những vấn đề quan trọng, cấp thiết trong về khoa học công nghệ, cùng nhiều ý kiến thảo luận , trao đổi, đề xuất và đưa ra các giải pháp khoa học nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước nói chung. Riêng với tỉnh Hải Dương, ngoài báo cáo tổng quan và định hướng phát triển khoa học công nghệ của tỉnh do đại diện Sở Khoa học và Công nghệ trình bày, còn có 03 tham luận gắn với các vấn đề thực tiễn của tỉnh: Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong việc trồng Thanh Long tại Hải Dương bằng công nghệ chiếu sáng LED (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày); Xây dựng giải pháp tạo dòng chảy tự nhiên cho dòng suối khu vực chùa Côn Sơn và đền thờ Nguyễn Trãi (Trường Đại học Thuỷ lợi); Xây dựng công thức sản phẩm mứt nhuyễn na từ quả na ở vùng tồng na Hoàng Tiến, Chí Linh, Hải Dương (Trường Đại học Sao Đỏ). Ngoài ra, Câu lạc bộ của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã trình bày giải pháp xử lý chất thải nhựa sinh hoạt khu dân cư - vấn đề đang được xã hội rất quan tâm.
Để tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa các trường, viện trong Câu lạc bộ cũng như giữa Câu lạc bộ với các đối tác, Câu lạc bộ đã phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và mạng lưới Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng Việt Nam xây dựng và cho ra mắt tại Hội thảo “Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”. Mạng lưới gồm 50 thành viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trong cả nước với mục tiêu nâng cao năng lực và thúc đẩy sự gắn kết giữa các trường cùng nhau phát triển toàn diện. Mạng lưới cũng kết nối giữa các khối kỹ thuật, kinh tế, xã hội thúc đẩy tính đa dạng, sáng tạo, đồng thời là cầu nối kết nối giữa hệ thống doanh nghiệp với các trường đại học, tạo nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên, giúp các nhà trường hội nhập với nền giáo dục toàn cầu.