Chủ trì Hội thảo gồm các ông: Lưu Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh; Nguyễn Văn Tịnh, Chủ tịch Hội Chăn nuôi – Thú y tỉnh; Lê Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Kinh Môn.
Ở Hải Dương, chăn nuôi lợn chiếm chiếm hơn 30% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi khiến cho 392.292 con phải tiêu hủy, chiếm trên 50% tổng số lợn của toàn tỉnh, gây thiệt hại 1.500 tỷ đồng. Đến nay, dù trên địa bàn tỉnh đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi nhưng đàn lợn phục hồi và tăng đàn chậm, dẫn đến giá lợn thịt và lợn giống tăng cao. Nguyên nhân đàn lợn phát triển chậm là do thiếu lợn giống; một số địa phương khác trong cả nước vẫn rải rác xuất hiện dịch tả lợn châu Phi gây tâm lý e ngại cho người chăn nuôi; một số hộ tái đàn tự gây chọn lợn giống không đúng quy trình kỹ thuật dẫn tới tỷ lệ sống sót thấp; nhiều hộ chăn nuôi thiếu vốn sản xuất.
Tại Hội thảo, có 7 tham luận và nhiều ý kiến nêu các giải pháp khôi phục và phát triển đàn lợn, trong đó chú trọng việc vừa phát triển đàn lợn vừa duy trì các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi bằng các biện pháp thường xuyên tiêu trùng, khử độc khu chăn nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo chuỗi giá trị, giám sát chặt chẽ quá trình xuất nhập lợn vào chuồng trại; bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng cho vật nuoi. Khi nhập giống vật nuôi, người dân cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc chỉ nhập giống vật nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ thông tin dịch tễ. Nếu tự gây lợn nái tại chỗ, cần tuân theo đúng quy trình kỹ thuật, kiên quyết loại thải những lợn cái không đủ tiêu chuẩn làm giống.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị cơ quan quản lý tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi trong việc mua tinh lợn, tiêm phòng dịch bệnh, mua lợn giống, có chính sách vay vốn ưu đãi cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn; đồng thời tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, thú y cho người dân. Đặc biệt quan tâm, khuyến khích những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng bền vững.
Lê Hiền