Hội thảo khoa học trí thức tỉnh Hải Dương với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ sáu - 30/11/2018 14:07 467 0
Ngày 29/11/2018, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh Hải Dương tổ chức hội thảo khoa học: “Trí thức tỉnh Hải Dương với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Đồng chí Lưu Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Hải Dương chủ trì hội thảo. Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu đại diện cho các sở, ban, ngành của tỉnh; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học; đại diện các hội thành viên đến dự.
IMG 7681
Ông Lưu Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo có 7 tham luận được trình bày nhằm đánh giá thực trạng, đưa ra những giải pháp giúp tỉnh tiếp cận, thích ứng hiệu quả trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hội thảo là diễn đàn khoa học để các chuyên gia, giới trí thức chia sẻ, tiếp cận và hiểu biết rõ hơn vai trò của mình trong “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, để xác định được thực trạng và giải pháp giải quyết những thách thức, đón đầu, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về nguồn nhân lực, giới trí thức của tỉnh.
Đội ngũ trí thức ở Hải Dương đã góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ của khoa học và công nghệ vào sản xuất. Có thể kể đến tiến bộ về khoa học được áp dụng để chọn tạo giống lúa, sản xuất phân vi sinh, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; điều tra, lập bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ bố trí cây trồng phù hợp với từng loại đất và mở rộng dự án cung cấp thông tin khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Hải Dương đang duy trì hệ thống giám sát tự động thông số môi trường nước thải, khí thải bằng công nghệ GSM/GPRS cho các khu, cụm công nghiệp. Nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ khác đang áp dụng hiệu quả ở những lĩnh vực khác nhau như: kết nối cơ sở dữ liệu trong cải cách hành chính từ tỉnh đến xã; áp dụng phần mềm trong quản lý giao thông, vận tải và một số dự án đầu tư; áp dụng hệ thống tưới nước theo công nghệ tiên tiến; nhiều kỹ thuật mới trong phẫu thuật và điều trị bệnh được ứng dụng thành công…
Bên cạnh đó, các đại biểu còn đề xuất các cơ chế, chính sách để các lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời đại 4.0. Ở lĩnh vực nông nghiệp cần tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu chỉ đạo phát triển nông nghiệp thông minh 4.0; Tăng cường tuyên truyền tập huấn để nông dân tiếp cận với các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 ứng dụng trong nông nghiệp, để nông dân biết tìm hiểu, học hỏi, áp dụng; Hỗ trợ các mô hình, các dự án khởi nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 như IOT, đèn LED, ứng dụng các loại phân bón nano, sử dụng máy bay không người lái trong làm dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng các giống cây con mới ứng dụng công nghệ 4.0,… vào sản xuất. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 như IOT, Blockchain,… vào sản xuất nông sản chất lượng cao, an toàn.
Đối với ngành du lịch: cần xây dựng cơ sở dư liệu du lịch, thực hiện số hóa toàn bộ dữ liệu du lịch của tỉnh Hải Dương; xây dựng cổng thông tin du lịch, bản đồ số du lịch, ứng dụng du lịch cho di động.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Hải Dương cần nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho các cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở các doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu. Đồng thời nâng cao kỷ luật hành chính, kỷ luật công vụ của cán bộ công chức để thực thi hiệu quả chính sách đổi mới sáng tạo…
Ngành công nghiệp xây dựng cũng không ngoại lệ. Các ứng dụng công nghệ mới đã và đang dẫn đến những thay đổi lớn trong ngành xây dựng, là thách thức lớn với đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực này. Muốn bắt kịp với sự phát triển của xã hội, đội ngũ trí thức ngành xây dựng cần thay đổi, nâng cao trình độ để thiết kế, xây dựng và quản lý được những căn hộ thông minh, tòa nhà thông minh, thành phố thông minh, kết cấu hạ tầng thông minh thông qua ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo thông minh), công nghệ ICI, công nghệ in 3D, công nghệ thực tế ảo VR, công nghệ BIM.
Đối với lĩnh vực giáo dục, cần áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh phong trào xây dựng các mô hình “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập”, “đơn vị học tập”. Trong lĩnh vực xây dựng, các doanh nghiệp xây dựng cần đổi mới công nghệ, đa dạng hóa nguồn nhân lực và cập nhật công nghệ mới, kiến thức mới, hợp tác với các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến; cơ quan quản lý nhà nước cần sửa đổi chính sách phù hợp về điều kiện kinh doanh hoạt động xây dựng, quy chế quản lý đầu tư xây dựng; đào tạo, đổi mới đội ngũ cán bộ quản lý xây dựng cơ bản, quản lý đô thị, quản lý nông thôn mới…
IMG 7682
Quang cảnh Hội thảo.
Các ý kiến tại hội thảo cũng khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất nhanh đòi hỏi tính sáng tạo của các nhà khoa học, doanh nghiệp là rất lớn. Để bắt được “chuyến tàu 4.0” này, những trí thức Hải Dương cần có tâm thế chủ động nhập cuộc, chấp nhận cái mới, cái khác biệt và chấp nhận sự bài bản, kỷ luật cao.
Trần Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây