Sáng 02/6/2018, Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh Hải Dương tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập Hội (03/6/1998 – 03/6/2018). Tham dự có ông Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội Sinh cảnh Việt Nam, đại diện một số Sở, ngành trong tỉnh.
Hội Sinh vật cảnh tỉnh được thành lập từ năm 1998. Với định hướng “Xây dựng, phát triển tổ chức Hội, gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng và phát triển sinh vật cảnh thành một nghề có giá trị cao góp phần đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp và lao động nông thôn, xây dựng đô thị văn minh”, qua 20 năm xây dựng và phát triển, Hội SVC chủ động khắc phục khó khăn, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, ngành xây dựng phong trào SVC của tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Vạn (áo trắng), Chủ tịch Hội Sinh cảnh Việt Nam tặng hoa chúc mừng Hội Sinh vật cảnh tỉnh
Đến nay, Hội đã có hơn 9.300 hội viên sinh hoạt tại 12 chi hội ở các huyện, thị xã, thành phố và 214 tổ chức hội cơ sở, trong đó có 299 nghệ nhân cấp tỉnh, 47 nghệ nhân SVC Việt Nam. Toàn tỉnh có trên 100 nhà vườn SVC có mức đầu tư trên 1 tỷ đồng, trên 400 hộ gia đình hội viên thường xuyên hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ SVC có mức đầu tư vài trăm đến 1 tỷ đồng. Nhiều vùng hoa, cây cảnh trong tỉnh phát triển mạnh như làng hoa Phù Tải (Kim Thành) 10ha, vùng hoa đào Gia Xuyên (Gia Lộc) 30 ha, vùng hoa Đồng Tâm (Ninh Giang) 10 ha… Kinh tế SVC đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.
Bên cạnh hoạt động sản xuất SVC, Hội tích cực tổ chức và tham gia hoạt động lễ hội gắn kết với xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm, tiêu biểu là các Lễ hội SVC Côn Sơn – Kiếp Bạc Hải Dương thu hút 3000 tác phẩm SVC, Hội chợ Triển lãm SVC tham gia hội chợ Thương mại đồng bằng sông Hồng với trên 2000 tác phẩm, Triển lãm Cây cảnh nghệ thuật Hải Dương lần thứ nhất 2016. Ở các huyện hội cũng tổ chức nhiều cuộc triển lãm SVC, thu hút hàng ngàn người tham gia, tiêu biểu là Hội SVC thị xã Chí Linh, Hội SVC xã Thanh An (Thanh Hà), Hội SVC huyện Kinh Môn.
Được sự hỗ trợ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hội SVC đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn về kỹ thuật SVC cho hơn 1000 lượt hội viên tham dự, hằng năm tổ chức 1-2 phóng sự chuyên đề và tọa đàm về phong trào phát triển SVC trong tỉnh.
Giao lưu một số nhà vườn tiêu biểu.
Phát huy những kết quả đạt được trong 20 năm qua, thời gian tới), Hội SVC tỉnh tiếp tục tăng cường đẩy mạnh các hoạt động khoa học, kỹ thuật và giao lưu văn hóa sinh vật cảnh, như: tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật ngắn ngày về chế tác cây cảnh nghệ thuật và kỹ thuật mới về trồng hoa, cây cảnh; tổ chức triển lãm, lễ hội, Festival sinh vật cảnh gắn với việc tổ chức lễ hội mùa xuân, mùa thu của tỉnh; tiếp tục lập hồ sơ và đề nghị Trung ương Hội sinh vật cảnh Việt Nam tặng bằng công nhận "Cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam". Hội SVC quyết tâm phát triển kinh tế SVC gắn với bảo vệ thiên nhiên môi trường, nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường bền vững.
Tại lễ kỷ niệm, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp sinh vật cảnh Việt Nam” cho 300 hội viên có những cống hiến tích cực góp phần phát triển sinh vật cảnh trong tỉnh và cả nước.
Lê Hiền