Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Hải Dương: Hướng tới chăn nuôi bền vững, giảm phát thải và tiếp cận thị trường carbon
Thứ năm - 16/05/2024 15:211240
Sáng ngày 16/5/2024, tại huyện Thanh Hà, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp cùng UBND huyện Thanh Hà tổ chức hội thảo khoa học: “Phát triển chăn nuôi bền vững, giảm phát thải, tiếp cận thị trường carbon tại Hải Dương”.
Đây là lần đầu tiên ở Hải Dương diễn ra hội thảoliên quan đến thị trường carbon, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu Net Zero vào năm 2050tại Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 28) và Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Về phía trung ương, tham dự Hội thảo có TS. Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, PGS.TS. Vũ Ngọc Huyên - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam; TS. Hoàng Hiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh. Về phía tỉnh Hải Dương, tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số Sở, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo huyện Thanh Hà; đại diện Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của 12 huyện, thị xã, thành phố và một số doanh nghiệp, trang trại, nông dân chăn nuôi trong tỉnh.
Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, mỗi năm có trung bình 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m3 nước thải được thải ra từ hoạt động chăn nuôi nhưng gần 80% trong số đó không được xử lý, tái sử dụng dẫn đến lãng phí và ô nhiễm môi trường, từ đó phát sinh dịch bệnh. Vì vậy chăn nuôi theo mô hình giảm phát thải tiến tới tham gia vào thị trường tín chỉ carbon là xu thế tất yếu trên thế giới, không chỉ giúp tái sử dụng chất thải vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, phục vụ đời sống, giải quyết ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, giảm hiệu ứng nhà kính, nhất là trong bối cảnh gia tăng biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, hộ chăn nuôi đã nêu rõ thực trạng, khó khăn vướng mắc của ngành chăn nuôi hiện nay; làm sáng tỏ những khái niệm phát triển chăn nuôi bền vững, giảm phát thải, tiếp cận thị trường carbon; đưa ra những hướng đi cụ thể trong việc xây dựng, phát triển mô hình chăn nuôi bền vững giảm phát thải tiếp cận thị trường carbon và chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý giá trong chăn nuôi giảm phát thải. Nhiều ý kiến cho rằng các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về khái niệm carbon thấp, tín chỉ carbon, cũng như có cơ chế chính sách phù hợp khuyến khích các trang trại, cơ sở chăn nuôi đáp ứng các tiêu chí về chăn nuôi giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt cần khẩn trương thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon, hướng dẫn xây dựng những chương trình, mô hình giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra tín chỉ carbon. Riêng đối với tỉnh Hải Dương, ngành chăn nuôi có từ lâu đời và được duy trì phát triển, trong đó lợi thế nuôi lợn, gia cầm trang trại, thuỷ sản, có tiềm năng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các trang trại chăn nuôi lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong vận hành, quản lý đàn vật nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học, tuy nhiên chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chưa giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm trong chăn nuôi. Để phát triển chăn nuôi giảm phát thải, tỉnh cần có những khảo sát đánh giá khách quan, đầy đủ để cải tiến cũng như phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn, giảm khí thải. Đây cũng là hướng đi phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới.