Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học của khu di tích quốc gia đặc biệt Nhẫm Dương
Thứ bảy - 09/11/2019 16:454470
Ngày 8/11/2019, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng kết, đánh giá kết quả nghiên cứu; đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học và lịch sử, văn hóa khu di tích quốc gia đặc biệt Nhẫm Dương”, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhẫm Dương, xã Duy Tân, Thị xã Kinh Môn.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Lân Cường – Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Xuân Đặng – Phó GĐ Trung tâm tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu; PGS.TS Nguyễn Tập – Viện Dược liệu Việt Nam; đại diện Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam; ông Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh; ông Nguyễn Minh Hùng – Tỉnh ủy viên, Bí thư thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Kinh Môn và nhiều nhà khoa học, trí thức trong tỉnh.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ môi trường cấp tỉnh “Khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo vệ giá trị hệ động, thực vật núi đá vôi và các di tích lịch sử, văn hóa khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt núi Nhẫm Dương, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn”. Sau quá trình khảo sát, điều tra, nghiên cứu, các nhà khoa học đã đánh giá khu di tích quốc gia đặc biệt Nhẫm Dương là vùng đa dạng hệ sinh thái vùng núi đá vôi gồm cả hệ thực vật và hệ động vật. Kết quả nghiên cứu cho thấy về hệ thực vật, có 246 loài thực vật bậc cao, 121 loài cây thuộc mọc tự nhiên (trong đó có 3 loài thuộc diện ưu tiên bảo tồn). Về hệ động vật có 20 loài thú thuộc 11 họ và 4 bộ (trong đó có 2 loài thuộc diện ưu tiên bảo tồn); 60 loài chim (có 2 loài thuộc diện ưu tiên bảo tồn), 18 loài bò sát (có 4 loài ưu tiên bảo tồn thuộc danh mục sách đỏ Việt Nam và 2 loài thuộc danh lục sách đỏ Thế giới); 87 loài côn trùng, có 4 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam 2017, 2 loài thuộc nhóm IIB…. Những kết quả nghiên cứu vừa qua đã được Ban chủ nhiệm nhiệm vụ in thành sách “Giới thiệu khái quát lịch sử, văn hóa và đa dạng sinh học khu di tích Nhẫm Dương”. Như vậy, khu di tích Nhẫm Dương không chỉ là di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng về mặt tôn giáo, văn hóa, lịch sử và quân sự, mà nơi đây còn có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, đóng vai trò to lớn trong đa dạng sinh học, cần phải được phát huy và bảo tồn.
Các tham luận tại Hội thảo đã làm rõ nhiều nội dung, như: hệ sinh thái tại khu di tích, đặc điểm nhận dạng và công dụng của một số nguồn dược liệu quý, những phát hiện khảo cổ quan trọng của tổ tiên chúng ta. Tuy nhiên, hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi tại khu di tích Nhẫm Dương đã và đang bị suy thoái nặng nề, đe dọa nghiêm trọng đến các loài động vật và thực vật sinh sống tại đây. Hoạt động khai thác rừng bừa bãi khiến cho nguồn dược liệu tự nhiên tại vùng núi đá Nhẫm Dương và lân cận bị suy giảm mạnh. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, các tham luận và ý kiến tham gia Hội thảo đều cho rằng việc khôi phục, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, đa dạng sinh học của khu di tích Nhẫm Dương là cần thiết, cấp bách, hoàn toàn có thể thực hiện được với những giải pháp như: Nghiêm cấm phá rừng, săn bắn, khai thác các loài động vật đang sinh sống tại đây; Xây dựng hệ thống tường rào bảo vệ xung quanh khu di tích; Khôi phục đàn khỉ vàng, động vật bản địa có hàng trăm cá thể trước đây; Xây dựng vườn thuốc nam trong khuôn viên chùa Nhẫm Dương; Xây dựng Bảo tàng ngay tại chùa Nhẫm Dương; Tăng cường tuyên truyền cho người dân địa phương, cũng như khách tham quan về tầm quan trọng của việc bảo tồn di tích; Luật Di sản… Kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Liên hiệp Hội nhấn mạnh việc Chính phủ công nhận khu di tích Nhẫm Dương là khu di tích cấp quốc gia đặc biệt là cơ sở pháp lý quan trọng để gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị to lớn của khu di tích. Nơi đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh, mà còn là nơi bảo tồn hệ sinh thái động thực vật quý hiếm. Làm tốt được việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Nhẫm Dương, thị xã Kinh Môn sẽ phát triển được ngành công nghiệp không khói của đô thị trẻ.