Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương

http://lienhiephoihaiduong.vn


Tuyên truyền, phổ biến pháp luật từ cơ sở, góp phần làm giảm khiếu kiện

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân.
Trong thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực của pháp luật, hiệu quả quản lý của Nhà nước, từng bước góp phần xây dựng công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Tuy nhiên, hiện nay công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đang bộc lộ một số tồn tại, dẫn đến trình độ nhận thức pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân còn hạn chế.
tập huấn luật gia
Truyền thông về trợ giúp pháp lý cho nhân dân xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, Hải Dương.

Nguyên nhân của tình trạng trên là: Nhận thức chung của xã hội về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này; Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mặc dù đã được áp dụng khá đa dạng, phong phú, song nhìn chung hiệu quả còn chưa cao, có một số hình thức chưa phù hợp với đối tượng tuyên truyền, phổ biến và tình hình thực tiễn; Đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn có mặt hạn chế và chưa đồng đều, đặc biệt là ở cơ sở; Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa đồng bộ, đôi khi dẫn đến sự chồng chéo. Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhìn chung còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác này.
Trước yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN, trước xu thế hội nhập toàn diện đời sống kinh tế xã hội đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, vấn đề nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật để qua đó củng cố, tăng cường hiệu lực pháp luật đang trở nên cấp thiết. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên chúng ta cần tiến hành một số giải pháp sau:
Thứ nhất,tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, cần quán triệt Chỉ thị số 32/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Các cấp ủy phải thường xuyên tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn cấp mình và phải luôn xác định vai trò gương mẫu của các đảng viên và vai trò tiên phong của họ trong việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo xử lý những vướng mắc nảy sinh trong quá trình phổ biến, giáo dục pháp luật. 
Bên cạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thì sự tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương là một trong những yếu tố vô cùng quan trong. Để nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN, chính quyền địa phương cần thực hiện tốt những vấn đề sau:
Đối với cơ quan quyền lực ở địa phương: Phải từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung và trong việc ra nghị quyết về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng. Trong quá trình hoạt động của mình, HĐND không chỉ chú ý tới việc ban hành các văn bản qui phạm pháp luật mà quan trọng hơn là phải chỉ đạo, giám sát hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, xem đây là biện pháp hàng đầu trong việc đảm bảo thi hành Hiến pháp và luật trên địa bàn. 
Đối với cơ quan hành chính nhà nước địa phương: Hàng năm UBND cần chủ động xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật cho địa phương. Kế hoạch phải phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chương trình, kế hoạch của Bộ Tư pháp và phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương. Thiện tốt việc kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời những người có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thứ hai, chú trọng xây dựng đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật - vai trò quyết định chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật. Do vậy, cần tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực, trình độ, có khả năng tuyên truyền, giáo dục hoặc hòa giải tốt, có lòng nhiệt tình, say mê với công việc phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, phải đặc biệt chú trọng việc rà soát, phân loại, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và định hướng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật một cách thường xuyên (chú ý cung cấp kiến thức cần bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, từ đó giúp họ không chỉ có kiến thức vững mà còn có khả năng thu hút người nghe và truyền đạt hiệu quả nội dung pháp luật).
Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật: Cần đổi mới nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn phải thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để một mặt nâng cao trình độ nhận thức cho các đối tượng, mặt khác giúp họ có khả năng vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống. Trên cơ sở nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đã được cung cấp, các báo cáo viên biên soạn lại cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, trình độ nhận thức, tính chất công việc của từng đối tượng. Định kỳ có tiến hành sơ kết, đánh giá để xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xác định nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian tiếp theo.
Cần đa dạng hóa hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, không chỉ thông qua buổi lên lớp mà bằng những cách thức như tọa đàm, buổi nói chuyện, hoạt cảnh tình huống, lời ca, tiếng hát... Cần xây dựng và mở rộng hình thức tìm hiểu pháp luật qua các hoạt cảnh tình huống trên sóng phát thanh hoặc truyền hình, xây dựng trang web riêng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân có thể cập nhật thông tin, trao đổi, bàn luận và tìm hướng giải quyết cho những vấn đề bức xúc trong đời sống pháp luật…
Ngoài ra, cần lồng ghép việc phổ biến, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các buổi sinh hoạt cộng đồng. Xây dựng và phát huy phương châm mỗi người dân là một tuyên truyền viên trong cộng đồng. Chú trọng nâng cao hiệu quả hình thức thi tìm hiểu pháp luật. Đối với hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp luật cần mở rộng phạm vi hoạt động, không chỉ tư vấn tại trụ sở mà còn đến các làng, xã, bản, tư vấn lưu động hoặc thông qua các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. 
Thứ tư, cần tăng cường hơn nữa công tác hòa giải ở cơ sở. Đây là hình thức có tác dụng giáo dục cao vì nó không chỉ giải quyết tranh chấp thông qua cách hướng dẫn, thuyết phục các bên tự thương lượng với nhau mà còn xuất phát từ đạo lý dân tộc Việt Nam, hòa thuận, đoàn kết, “chín bỏ làm mười”. Hòa giải ở cơ sở vừa có tác dụng giáo dục hiệu quả vừa có khả năng lan tỏa trong cộng đồng. Khi tiến hành hòa giải cần phân tích thấu đáo mọi khía cạnh, kiên nhẫn và mềm mỏng, vừa căn cứ vào qui định pháp luật, vừa dùng tình cảm để thuyết phục. Phải xác định hòa giải có thể không thành, nhưng nhất định buổi hòa giải đó sẽ là bài học phổ biến, giáo dục pháp luật cho mọi người. 
Thứ năm, nâng cao chất lượng dạy học pháp luật trong trường học, cần đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và hình thức ngoại khóa pháp luật. Công tác xét xử của Tòa án cũng góp phần không nhỏ vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao chất lượng xét xử cũng có nghĩa là nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 
Thứ sáu, phải thường xuyên hệ thống hoá pháp luật để phát hiện và loại bỏ những qui định pháp luật lạc hậu, trùng lắp, mâu thuẫn, kịp thời bổ sung những thiếu sót trong mặt bằng pháp luật; có kế hoạch xây dựng pháp luật phù hợp với mỗi giai đoạn cụ thể; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học pháp lý, nâng cao kỹ thuật lập pháp, mở rộng các hình thức nhân dân tham gia vào việc xây dựng pháp luật... Đồng thời phải đảm bảo đủ kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.  
Thứ bảy, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không tách rời với việc nâng cao trình độ dân trí và cải thiện đời sống cho nhân dân. Các cơ quan nhà nước cần tăng cường tổ chức thực hiện pháp luật, đặc biệt là áp dụng pháp luật một cách đúng đắn và nghiêm minh.
Với việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đã từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Việc thụ lý giải quyết đơn thư KNTC dần đi vào nền nếp, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục luật định, hạn chế đơn thư tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, tỷ lệ KNTC giảm theo từng năm. Để tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL, thời gian tới, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể phải xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Công tác tuyên truyền, PBGDPL phải được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức sinh động, để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần hạn chế thấp nhất đơn, thư KNTC sai, vượt cấp. Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, PBGDPL. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hòa giải cơ sở và Ban Thanh tra nhân dân; đẩy mạnh trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có công, đối tượng chính sách.
                                                                  Luật gia Đoàn Quang Định
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây