Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương

http://lienhiephoihaiduong.vn


Sự đa dạng nguồn gen cây thuốc ở Đồng Châu, thị xã Chí Linh

Từ lâu đã nghe vùng Chí Linh (Hải Dương) có nhiều thày lang và cây thuốc. May nhờ một đoàn bệnh nhân lên cắt thuốc nên chúng tôi có dịp đích thân trải nghiệm nguồn thảo dược này
f

Thật ra cách đây trên ba chục năm, chúng tôi đã từng đi xuyên rừng dẻ ở xã Hoa Thám để điều tra, đánh giá sự còn hay mất của hệ sinh thái rừng nơi đây trong một đề tài khoa học cấp tỉnh. Giờ đây, từ trung tâm xã Hoa Thám đi vào Đèo Trê thôn Đồng Châu, chúng tôi có cảm tưởng như đường đi từ cửa rừng vào trung tâm của rừng quốc gia Cúc Phương vậy, vì cây cũng rậm rạp và con đường đất độc đạo ấy cũng có nhiều khe suối cắt ngang. Cuối cùng xe phải dừng ở trước một khe suối sâu, để lội bộ đến nhà thày lang Hải Dinh ở xóm 70 Đèo Trê. Vừa qua đợt mưa dài ngày nên hai bên đường suối chảy ào ào.
Tuy đi từ Hải Dương từ sớm, nhưng mãi gần trưa mới tới nơi đến. Tại nhà thày thuốc, đã thấy 3-4 nồi to đang sắc thuốc sôi sùng sục và 3-4 bệnh nhân đến sớm hơn ngồi đợi. Do quan tâm đến thảo dược, chúng tôi nhờ chủ nhà dẫn đi tham quan vườn thuốc ngay. Chủ nhà cho biết vườn thuốc trải ra vài hec ta nhưng những cây quan trọng đều ở quanh nhà. Chúng tôi lướt qua và nhận dạng trên dưới trăm cây và hỏi kĩ khả năng chữa bệnh của chúng. Chỉ tiếc là vừa mưa xong, đất ướt và dính nên không đi được xa và nhiều. Qua con mắt chuyên môn, chúng tôi thấy có đến một nửa số cây ấy là cây bản địa. Cây di thực chủ yếu đến từ các khu rừng xung quanh đem về. Một số nhỏ cây do một đồng nghiệp ở nước bạn đem đến trao đổi. Chủ nhân cho biết hiện sở hữu gần ngàn cây thuốc. Tôi tặng chủ nhân một đĩa video giới thiệu một mô hình vườn thảo dược ở Jakarta (Indonexia) và nói vườn đó chỉ có 400 loài cây thuốc thôi mà đã nổi tiếng thế giới. Tôi tin chủ nhà nói có gần ngàn cây chứ không phải là ngàn loài.
Tôi mong chủ nhà theo mô hình đó để sớm tạo một vườn thuốc tiêu biểu của Việt Nam mà số loài hẳn nhiều hơn là chắc. Trong số các loài ở đây, có vài loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (như cây Hoàng tinh hoa trắng) và nhiều loài tập trung vào chữa các bệnh về gan và ung thư (như các loài tầm gửi trên mít rừng, xoan rừng, dâu, cây đa nông), phù hợp với chuyên môn chữa bệnh của vợ chồng lương y. Đặc biệt có một loài cây có khả năng giải độc cho người khi ăn phải các cây độc chết người như cây lá ngón như cây mía giò.

f

              Ông Phạm Văn Hải, chủ vườn thuốc.

 Buổi trưa, có dịp hỏi cặn kẽ hơn, mới biết thêm riêng xã Hoa Thám này đã có tới 20 lương y hành nghề. Điều này cũng hiếm có ở các xã khác trong tỉnh bởi vì do thiên nhiên ưu đãi, các thày lang ở đây có may mắn ngồi trên núi thuốc. Cách đây vài chục năm chúng tôi đã có dịp điều tra cây thuốc ở Dược Sơn, thuộc xã Hưng Đạo ( gần đền Kiếp Bạc) cùng ở Chí Linh. Ngọn đồi vườn thuốc xưa bị xói mòn, cây thuốc còn ít ỏi và rất khó khôi phục. Có thế xưa kia, để chữa bệnh cho binh sĩ, các thày thuốc của Hưng Đạo Vương đã đưa các cây thuốc từ Hoa Thám này về ươm ở Dược Sơn chăng ? Rừng cây thuốc đa dạng còn vì đất ở Đồng Châu cực kì giàu chất dinh dưỡng. Mưa đến nửa tháng vừa qua mà nước suối chảy cứ trong veo chứng tỏ chất mùn trong rừng bị rửa trôi rất ít. Đó là lý do khiến chẳng những cây thuốc mà cả hệ sinh thái rừng phục hồi rất nhanh và rất đa dạng. Nhiều cây rừng có giá trị thực phẩm còn hiện hữu như: trám đen, trám xanh, dẻ, bứa, hồng bì…Đặc biệt trong vườn và vùng lân cận còn có rất nhiều loài vốn là tổ tiên của cây ăn quả và cây trồng ở vườn nhà như: nhãn rừng, khế rừng, bưởi rừng, táo rừng, chuối rừng, dứa rừng, me rừng, soài rừng, mơ rừng, ổi rừng… thậm chí cả chanh rừng. Riêng chanh rừng có 2 loài (một loài quả to và một loài quả nhỏ). Lá của chúng vò để ngửi cũng thấy thơm hệt lá chanh. Tất cả chúng đều là cây thuốc. Đây là những nguồn gen quí, hiếm, cần bảo vệ đặc biệt để trước mắt làm nguồn dược liệu, sau này dùng để phục tráng các cây trồng mỗi khi chúng bị thoái hóa hoặc không chống trả được sâu bệnh.

          Trước khi ra về, chúng tôi tặng thêm chủ nhà cuốn sách có tên “Cây thuốc trong vườn trường”và dặn nếu vườn thảo dược được trồng theo hàng lối và phân loại như trong sách này, thì chắc chắn còn là nơi cho học sinh đến học tập và thu hút khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan du lịch nhằm bảo vệ sức khỏe.

                                                                                                    Nguyễn Văn Khang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây