Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương

http://lienhiephoihaiduong.vn


Những yếu tố tác động đến phát triển dịch vụ y tế ở các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân phải nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế ở các bệnh viện, đặc biệt dịch vụ y tế ở các bệnh viện công lập.
Phát triển dịch vụ y tế ở các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương chịu tác động của nhiều yếu tố:
Một là, vị trí địa lý
Hải Dương là một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), tiếp giáp với 6 tỉnh, tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, thành phố Hải Phòng và các khu công nghiệp lớn như Bắc Ninh, Phố Nối – Hưng Yên.... Đây là vùng kinh tế năng động của các tỉnh phía Bắc.
Nằm ở vị trí thuận lợi, Hải Dương là điểm chung chuyển giữa thành phố cảng Hải Phòng và thủ đô Hà Nội (cách thành phố cảng Hải Phòng 45 km về phía Đông, cách thủ đô Hà Nội 57 km về phía Tây). Phía Bắc của tỉnh có hơn 20 km quốc lộ 18 chạy qua nối sân bay quốc tế Nội Bài ra biển Cái Lân. Đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Két - Bãi Cháy đi qua. Trong những năm qua, Hải Dương là một trong những tỉnh trọng điểm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại và trở thành một trong các đô thị lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng, điều này đã giúp cho các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ mới phát triển bệnh viện ở các tỉnh lân cận đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương.
Hai là, về dân số và việc làm
Hải Dương là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế và mức độ đô thị hóa cao, dân số trẻ và có trình độ, mức sống tăng trưởng bền vững. Với qui mô dân số tính đến cuối năm 2018 của tỉnh1.807.512 người. Trong đó ở nông thôn là 66%, thành thị là 34%.
Cơ cấu dân số trẻ tỷ lệ trong độ tuổi lao động chiếm 62,8% phần lớn làm việc trong các khu công nghiệp. Việc chăm sóc sức khoẻ cho người lao động tại các công ty rất quan trọng. Tuy nhiên, việc chấp hành luật lao động và điều lệ BHYT cho người lao động tại một số doanh nghiệp còn hạn chế. Nên nếu các công ty chú ý đến vấn đề sức khoẻ của người lao động sẽ làm tăng số lượt người đến khám bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Ba là,  điều kiện kinh tế - xã hội.
Hải Dương - một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, là nơi thu hút đầu tư công nghiệp, dịch vụ và nhu cầu việc làm tương đối lớn, hiện có 1.035.234 người trong độ tuổi lao động trên tổng dân số là 1.785.818 người, chiếm tỷ lệ 58% dân số toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 25 khu công nghiệp, có 11.115 doanh nghiệp với 267.150 lao động (trong đó có 16 doanh nghiệp Nhà nước với 7.723 lao động, 339 doanh nghiệp FDI với 161.297 lao động, 10.760 doanh nghiệp ngoài quốc doanh với 98.130 lao động). Việc tập trung nhiều lao động đã dẫn đến cơ cấu bệnh tật cũng có sự ảnh hưởng.
Nằm ở vị trí có nhiều hướng tác động mang tính liên vùng, nơi cung cấp sản phẩm hàng hoá quan trọng và là địa bàn tham gia quá trình trung chuyển hàng hoá giữa hệ thống cảng biển và các thành phố, các tỉnh trong vùng và cả nước, do vậy vừa có cơ hội đóng vai trò là một trong những động lực phát triển, vừa phải đối mặt với cách thách thức trong canh tranh, khai thác và phát triển các ngành hàng có cùng lợi thế. Trong triển vọng, Hải Dương sẽ phải trở thành trọng điểm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giải quyết việc làm để giảm áp lực cho các thành phố lớn và trở thành một trong các đô thị lớn trong vùng. Với những thế mạnh như vậy, đây là cơ hội cho tỉnh Hải Dương phát triển kinh tế xã hội, nhưng cũng là thách thức đối với ngành y tế tỉnh Hải Dương, bởi lẽ hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh không những chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong tỉnh mà còn chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ở các tỉnh lân cận. Chính vì vậy, cần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở các bệnh viện công lập đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong tình hình mới.
Ba là, sự phát triển của y học.
Cuộc cách mạng điện tử và tự động hóa (Cách mạng 3.0) đã tạo cho y học những bước nhảy ngoạn mục, đó là các kỹ thuật chẩn đoán, can thiệp và dự phòng đạt hiệu quả trong lịch sử y học. Việc chuyển giao các công nghệ y học tiến tiến đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh viện ở Hải Dương bắt kịp và ứng dụng thành công các công nghệ tiên tiến của thế giới trong điều trị và phòng bệnh.
Tuy nhiên cuộc cách mạng 4.0 sẽ là những thách thức về y tế ở Việt Nam nói chung và ở các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng trong thời gian tới: Sự thay đổi mô hình dân số; Vấn đề già hóa dân số…  “Già hóa dân số” không chỉ gây hậu quả về kinh tế, xã hội mà còn làm tăng gánh nặng chi phí y tế do người già có nhiều bệnh tật. Trong khi đó, tai nạn, thương tích, ngộ độc thực phẩm cũng là những vấn đề nhức nhối hiện nay và chưa có dấu hiệu giảm. Trong khi đó, các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh dịch mới nổi luôn đe dọa do đặc điểm giao lưu quốc tế và những vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường, sinh thái. Thêm vào đó, các dịch bệnh truyền thống có nguy cơ quay lại. Điều này đòi hỏi những nỗ lực mới trong phương thức quản lý và hệ thống thông tin “thông minh” sẽ trở thành công cụ hữu hiệu trong việc kiểm soát, giáo dục và phòng bệnh chủ động. Quản lý hệ thống y tế và kinh tế y tế trong bối cảnh đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong điều kiện phát triển đất nước, việc cải cách hệ thống y tế và tài chính y tế đáp ứng yêu cầu thay đổi kinh tế, xã hội trở lên rất cấp thiết. Việc theo dõi sức khỏe đến từng người dân đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện từ lâu. Mỗi người dân cần có “mã số” theo dõi về sức khỏe của họ và việc khám, theo dõi, sàng lọc bệnh tật trở thành một hoạt động có tính quyết định về tiết kiệm chi tiêu vì khi để bệnh xảy ra vào bệnh viện chữa chạy thì tốn kém rất nhiều. Điều này phải trở thành chính sách kinh tế y tế nền tảng của một quốc gia. Từ đó đặt ra vấn đề áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý sức khỏe toàn dân, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh và chủ động dự phòng bệnh tật trong cộng đồng.
Việc ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân làm hướng đi chủ đạo. Chính vì vậy, các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương cần tập trung vào lĩnh vực mà tại các bệnh viện có thế mạnh.
 Bốn là, xu thế hội nhập quốc tế
Trong thời gian qua xu thế hội nhập đã tác động mạnh mẽ đến các bệnh viện công lập nói chung và bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng. Nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng tăng, nhiều dịch bệnh xảy ra,sự phát triển của công nghệ, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại đã được nghiên cứu, ứng dụng thành công trong dự phòng và điều trị, một số kỹ thuật chuyên môn cao đã được thực hiện tại nhiều bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh, thậm chí xuống tuyến huyện như: can thiệp tim mạch, thụ tinh ống nghiệm, phẫu thuật nội soi, ghép tạng, ghép tế bào gốc đồng loại…
Tuy nhiên, một số bệnh viện công lập vẫn chưa theo kịp nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người bệnh, cơ sở vật chất của bệnh viện còn hạn chế, tình trạng thiếu hụt giường bệnh và quá tải ở tuyển trên. Nên một số bệnh nhân đã di chuyển khám chữa bệnh từ bệnh viện công lập sang bệnh viện tư nhân. Mặc dù, chuyển sang khám và điều trị tại các bệnh viện y tế ngoài công lập với giá viện phí chi trả cao hơn so với khám và điều trị tại các bệnh viện công nhưng một số ít bệnh nhân vẫn chấp nhận. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân có nhu cầu đi chữa bệnh ở nước ngoài một phần vì họ chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ ở các bệnh viện trong nước và họ mong muốn được chăm sóc hoàn hảo.
Hiện tượng chảy máu chất xám ở một số bệnh viện do chế độ phân phối thu nhập còn bất cập. Chính vì vậy, cần chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và tài chính của các nước, các tổ chức quốc tế.
Năm là, chủ trương Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ y tế
Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định tầm quan trọng của việc chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững, phát triển hệ thống y tế với 9-10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số để đảm bảo mỗi người dân được cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ phù hợp nhất. Ngành Y tế cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, chú trọng đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng cung cấp dịch vụ y tế; tập trung ưu tiên đầu tư để tạo bước chuyển biến toàn diện về tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ chế hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khoẻ ban đầu; chủ động phòng chống các bệnh dịch xâm nhập từ bên ngoài…
Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ chính trị đã nêu: Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Đầu tư cho y tế là đầu tư phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ.
Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của nhân dân trong tình hình mới với mục tiêu: Nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.
Sở Y tế Hải Dương ban hành các văn bản pháp luật có liên quan tới công tác KCB&PHCN. Thực hiện Đề án 1816:  Bệnh viện trong tỉnh đã tiếp nhận cán bộ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến TW như: Nhi, Phụ sản, Bạch Mai.... Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Lao & bệnh Phổi, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện YHCT tăng cường cán bộ chuyên khoa sâu cho các BVĐK tuyến huyện. Một số bệnh viện chủ động liên kết với các bệnh viện tuyến trên triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật vượt tuyến để mở rộng phạm vi hoạt động chuyên môn và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, giảm được tỉ lệ bệnh nhân chuyển tuyến, giảm chi phí cho người bệnh và giảm thâm hụt quỹ BHYT.
Về đào tạo nguồn nhân lực Quyết định 35/2011/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 của UBND tỉnh về việc xét tuyển đi đào tạo theo địa chỉ, hỗ trợ đào tạo thu hút bác sĩ, dược sĩ đại học về công tác tại cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến xã thuộc tỉnh để đạt mục tiêu 9,0 bác sĩ/vạn dân vào năm 2020.
Về cơ chế tài chính thực hiện Nghị định 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển dịch vụ y tế ở các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực, tạo đà cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương cần phát huy những yếu tố tích cực tác động đến phát triển dịch vụ y tế ở các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
TS. Lê Thị Thanh Trà - ThS. Khúc Thị Kim Lan
Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây