Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương

http://lienhiephoihaiduong.vn


Bàn về địa danh họp hội nghị Vương hầu bách quan đời nhà Trần

Chỉ còn chưa đầy hai năm nữa là đến năm 2017, kỷ niệm 735 năm ngày vua Trần Nhân Tông chủ trì hội nghị Vương hầu bách quan bàn kế sách giữa nước. Về hội nghị lịch sử này, Đại Việt sử ký toàn thư trọn bộ (trang 301) có ghi: “Mùa đông, tháng mưới, vua ngự ra Bình Than đóng ở Trần Xá họp Vương hầu trăm quan bàn kế sách đánh giặc và chia nhau đi đóng giữ những nơi hiểm yếu”, và có chú thích: “Bình Than là tên bến ở sông Lục Đầu, thuộc xã Trần Xá, huyện Chí Linh” (nay là thôn Trần Xá, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, Hải Dương).

Từ điển Địa danh Văn hóa Lịch sử Việt Nam, trang 140 có ghi: “Bình Than là bến đò qua sông Kinh Thầy thuộc làng Trần Xá, xã Nam Hưng, nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương…”.

Cương mục chính biên ghi: “Bình Than là tên bến ở xã Trần Xá, huyện Chí Linh”.

Theo ba tài liệu trên, Bình Than chẳng những là tên bến thuộc làng Trần Xá,mà còn là tên bến của sông Lục Đầu thời nhà Trần.

Cho đến nhà Hậu Lê, sông Lục đầu vẫn còn được gọi là sông Bình Than. Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết:

Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước

Vậy rõ ràng hội nghị Vương hầu bách quan (1282), thời nhà Trần họp ở Trần Xá, Chí Linh (nay là xã Nam Hưng, Nam Sách) là phù hợp với các tài liệu kể trên và điều cốt yếu là phù hợp với chính sử, ghi trong Đại Việt Sử ký toàn thư.

Thêm nữa, địa danh Trần Xá – duy danh định nghĩa- là nơi ở của dòng họ Trần, lại càng được đảm bảo, được vua quan nhà Trần tin tưởng, lựa chọn làm nơi họp Hội nghị quân sự cấp cao quan trọng này, tránh được sự dòm ngó của sứ thần nhà Nguyên, thời điểm này đang hiện diện ở kinh thành Thăng Long.

Làng Trần Xá là một vùng đất có bề dày lịch sử, nơi đây còn lưu lại những vật chứng cụ thể và những truyền thuyết tích cực. Ở xứ đồng Khoai Lợ, thôn Trần Xá hiện tồn tại hai cây duối cổ, là nơi buộc ngựa của quan tướng nhà Trần.

Trước đây, khu vực này có rất nhiều đống đất lớn và nhiều cây duối cổ thụ, nhưng đã bị chặt phá, sau đống để mở rộng diện tích trồng trọt. Các thiết chế văn hóa, các di tích lịch sử như đền, đình, chùa, văn chỉ, trường dạy võ… đều tồn tại từ rất lâu đời. Theo truyền thuyết, đình làng Trần Xá là nơi đón tiếp các quan về họp, nay còn thờ bài vị Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, do có công to lớn tổ chức bảo vệ an toàn, bí mật cho hội nghị Vương hầu bách quan.

Đại Việt Sử ký toàn thư (trang 301) ghi: “Lại khi ấy, vua thấy Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản và Hoài nhân Vương Kiện đều tuổi còn bé, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn khích, tay cầm quả cam bóp nát lúc nào không biết. Sau đó, Quốc Toản lui về, huy động gia nô và thân thuộc được hơn 1.000 người, làm vũ khí, đống chiến thuyền, đề sáu chữ “Phá cường địch, báo hoàng ân” (phá giặc mạnh, báo ơn vua – lời người viết) vào lá cờ. Sau đó đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải tránh lui”.

Thời phong kiến, một con sông thường mang nhiều tên khác nhau, khi chảy qua địa phương nào thường mang tên địa phương ấy. Ví dụ, sông Hồng khi chảy qua địa phận huyện Lâm Thao mang tên là sông Thao; sông Thái Bình khi chảy qua địa phận tổng Hàm Giang mang tên là sông Hàm Giang.

Trở lại sông Lục Đầu, nơi hội tụ của 6 dòng sông, nhánh thứ tư là sông Đuống, hợp lưu với sông Lục Đầu tại bến Bình Than, nay thuộc xã cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Xã Gia Đức hiện nay có các làng Tiểu Than, Bình Than. Bãi bồi giữa sông Lục Đầu gần đó gọi là bãi Đại Than.
 

6

Địa điểm họp bến Bình Than.

vậy, tên gọi Bình Than rất đa nghĩa. Bình Than là tên làng: làng Bình Than. Bình Than là tên bến sông: bến Bình Than thuộc ngã ba sông Đuống với sông Lục Đầu. Bình Than là tên của bản thân sông Lục Đầu dưới thời nhà Trần. Chính vì có sự trùng lặp đó mà đến nửa sau thế kỷ XX, xuất hiện tên gọi Hội nghị Bình Than thay cho hội nghị Vương hầu bách quan (1282).

Cho đến nay, các di tích lịch sử găn bó với nhà Trần đã được xác minh, chỉ có duy nhất địa danh họp “ hội nghị vương hầu bách quan” là còn bỏ ngỏ. Chính vì vậy, SGK Lịch sử lớp 7 đã biên soạn sai địa danh đã chỉ rõ trong Đại Việt Sử ký toàn thư ghi là Hội nghị vương hầu bách quan ở bên Bình Than, đúng ra là họp ở không gian vùng Trần Xá.

Lịch sử ba lần chống Nguyên Mông của quân dân nhà Trần đã được thế giới ghi nhận, song rất tiếc là địa danh cuộc họp hội nghị Vương hầu bách quan được ghi trong chính sử thì đến nay vẫn được hiểu không rõ ràng, chính xác.

Năm 1992, rồi năm 2012, tỉnh Bắc Ninh đã có hai cuộc hội thảo khoa học về hội nghị Bình Than, song không đạt kết quả do địa danh làng Bình Than xã Cao Đức, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) không phù hợp với Đại Việt sử ký toàn thư.

Tháng 9-2011, tỉnh Hải Dương cũng đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hải Dương với cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ XIII” tại Chí Linh. Nội dung cuộc hội thảo trải dài thời gian từ năm 1258 đến 1288 và bao trùm không gian rộng lớn từ chiến trường Vạn Kiếp đến Bạch Đằng Giang. Về hội nghị Vương hầu bách quan, để tránh con mắt dòm ngó của sứ thần nhà Nguyên đang hiện diện ở Thăng Long, vua Trần đi bằng đường thủy qua sông Đuống ra sông Lục Đầu. Vậy vua “Ngự ra bến Bình Than” là chuyện đương nhiên. Đại Việt sử ký toàn thư ghi tiếp “đóng ở vùng Trần Xá”. Đây chính là nơi họp Hội nghị, không gian vùng Trần Xá khác không gian bến Bình Than, hai không gian này cách xa nhau 4km, nằm ở hai ven con sông khác nhau (sông Lấu Khê và sông Đuống) thuộc hai tỉnh khác nhau (Hải Dương và Bắc Ninh).

Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách (Hải Dương) còn xác định thêm: “Vinh dự cho nhân dân Trần Xá, trực tiếp là bà con xóm Chằm, được phục vụ Hội nghị, nhất là việc ăn nghỉ đi lại của bá quan văn võ nhà Trần”.

Cái tên “Trần Xá Loan” mà nhà Trần ban tặng cho xóm Chằm và hai cây duối cổ thụ, nơi các tướng Trần buộc ngựa, hiện vẫn tồn tại ở nơi đây đã chứng minh điều đó.

Địa danh họp hội nghị Vương hầu bách quan năm 1282 đời nhà Trần là di sản lịch sử văn hóa quan trọng cấu thành nên bản sắc Xứ Đông xưa và Hải Dương nay. Các giá trị di sản văn hóa này đang được các thế hệ là người Hải Dương trân trọng, gìn giữ, phát huy hiệu quả trong cuộc sống đương đại, đổi mới, hội nhập ngày nay.

Trong số 223 di tích thời Trần trên đất Hải Dương, đến nay có 41 di tích được xếp hạng quốc gia, 13 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, Động Kính Chủ được xếp hạng quốc gia đợt đầu tiên của cả nước năm 1962. Nhiều danh nhân tiêu biểu thời Trần đã được đúc tượng đồng nhưu Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mệnh, Đức Trần Hưng Đạo được xây dựng tượng đài uy nghiêm hoành tráng trên núi An Phụ, huyện Kinh Môn.

Hiện nay, đã có quy hoạch hệ thống tượng đài kỷ niệm tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm 16 tượng đài. Đây là thời điểm thích hợp để xây dựng tượng đài,tôn vinh địa danh họp Hội nghị Vương hầu bách quan năm 1282 đời nhà Trần tại Trần Xá.

Trong tham luận tại Hội thảo khoa học “Hải Dương với cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông”, tác giả Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Sử học Hải Dương đã viết: “Từ kết quả cuộc hội thảo khoa học này, chúng tôi đề nghị Nhà nước và chính quyền địa phương nên xây dựng hai công trình kỷ niệm tại nơi họp Hội nghị Vương hầu bách quan, quyết định đường lối chiến lược cho cuộc chiến tranh vệ quốc giành thắng lợi vĩ đại, để lại hậu thế những bài học quý báu khá toàn diện. Chúng tôi cũng đề nghị nên xây dựng tượng đài Trần Quốc Toản tại hữu ngạn Trần Xá vừa để tưởng niệm người anh hùng trẻ tuổi, vừa để giáo dục thế hệ trẻ”.

Trong tình hình thế giới diễn biến phức tạp hiện nay, việc khai thác tư tưởng, tinh thần yêu nước, yêu dân của nhà Trần để giáo dục thanh thiếu niên và toàn thể nhân dân lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương là điều rất đang nên làm.

                                                                                                                           Lưu Đức Ý

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây